Bài trên Infonet – http://bit.ly/194hKk7
Trận bóng giao hữu có thể nhanh bị quên, hình ảnh các cầu thủ đội bóng nổi tiếng Arsenal đội nón lá Việt Nam và hơn thế nữa, cậu bé “fan cuồng” đậm chất Việt chạy theo xe của đội bóng sẽ khó có thể quên được. Nhìn từ góc độ truyền thông thương hiệu đây là một dấu ấn đặc biệt khiến cho sự kiện này còn mãi. Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long gửi đến độc giả cái nhìn riêng của mình.
***
+ Hôm qua thôi, Arsenal đã thi đấu giao hữu với ĐTQGVN. Ấn tượng của anh về sự kiện này dưới góc độ truyền thông như thế nào?
Đây là một sự kiện tuyệt vời vì nó đạt đủ 5 cấp độ trong quá trình chuyển đổi khách hàng thông qua truyền thông là biết tới, quan tâm, tham dự, yêu thích và lan truyền cho nhiều người xung quanh.
Nếu chỉ thuần túy việc Arsenal tới Việt Nam, thực hiện vài hoạt động trước giao hữu, mặc một bộ áo dài, đội một chiếc nón lá, chụp vài kiểu ảnh, đá một trận đấu rồi… về thì tôi cho rằng sự kiện này chỉ là một cơn sốt gói gọn trong cộng đồng những người hâm mộ Arsenal, hâm mộ Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, những người thích bóng đá và một số lượng nhất định những người yêu thích các môn thể thao khác.
Thế nhưng câu chuyện Running Man đã xuất hiện một cách “thần kỳ” và đầy cảm hứng, biến sự kiện này thoát ra khỏi 4 nhóm công chúng mục tiêu mặc định của nó như đề cập phía trên để hòa mình vào cuộc sống chung của xã hội và gia tăng mức độ lan tỏa ra khỏi phạm vi đất nước Việt Nam. Bóng Đá và Đam Mê đã làm nên điều kì diệu.
+ Nhưng cũng có nhiều người hoài nghi về clip Running Man. Anh có hoài nghi không?
Tôi không hoài nghi gì cả. Chúng ta nên nhìn vào kết quả thay vì nguyên nhân của hiện tượng Running Man. Bất kể clip có sự dàn dựng toàn phần hay một phần đi chăng nữa thì cuối cùng bóng đá Việt Nam và hình ảnh Việt Nam vẫn hiện lên đầy thân thiện, cuồng nhiệt, đam mê và trẻ trung, khỏe mạnh. Đó chẳng phải là một kết quả quá tốt ngoài sức tưởng tượng hay sao?
+ Liệu có sự dàn dựng tạo thương hiệu đối với Arsenal, nhà tổ chức hoăc với cá nhân CĐV cuồng nhiệt?
Tất nhiên, những người làm truyền thông cho Arsenal hay Emirates họ đủ nhanh nhạy để phát hiện ra rằng Running Man là một câu chuyện truyền cảm hứng. Và đó là cơ hội quá tuyệt vời để mang tới cho họ một liên tưởng cảm xúc tốt đẹp từ người hâm mộ toàn thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh chiếc áo có logo Emirates được giăng ra một cách “rất thô” khi các cầu thủ chụp hình cho Running Man trên xe buýt.
Nếu tinh ý, các bạn sẽ thấy khi HLV Wenger vui mừng ôm chầm lấy Running Man và đưa ra lời mời qua Anh hay lúc Running Man tự hào đứng chào khán giả trên sân Mỹ Đình cùng Arsenal thì chỉ có một mình cậu ấy mặc áo có chữ Fly Emirates rất to trước ngực còn những người liên quan thì không (ngoại trừ cầu thủ).
Running Man được một số người đứng sau Emirates “tiếp lửa” trên truyền thông quốc tế vì hình ảnh của cậu ấy phù hợp với họ. Đó là một hình ảnh đầy sức trẻ, máu lửa, nhiệt huyết, khỏe mạnh, đam mê và câu chuyện chạy nhanh, bền bỉ có liên tưởng rất tốt đến các đặc điểm cần có của một hãng hàng không. Hãy thử tưởng tượng thay vì chạy mà Running Man của chúng ta đứng gào khóc, hôn ghế ngồi của các cầu thủ hay chụp hình tự sướng trong toilet nơi thần tượng vừa “ghé thăm” thì theo bạn, hình ảnh đó có được hoan nghênh?
Hình dung theo một cách dễ hiểu nhưng hơi thô thiển là nếu không có một cậu bé sinh viên mải mê chạy theo xe buýt, thay vào đó là một kỹ sư cơ khí chế ra một chiếc tàu lượn gắn động cơ và “bay theo” xe buýt thì càng được Emirates thích thú. Tuy nhiên, câu chuyện như thế phù hợp về mặt hình ảnh nhưng lại thiếu đi yếu tố cảm xúc (như tôi có phân tích ở câu dưới) thì lại không lan truyền đi được. Có thể thêm thắt yếu tố người kỹ sư cơ khí đó phải bán đất bán nhà để gom tiền chế tạo tàu lượn thì cũng tạm được, vì thêm vào câu chuyện concept “Gây tranh cãi”.
+ Lý thuyết truyền thông xã hội gọi đây là hiện tượng gì?
Đây là một dạng viral – tức là truyền thông lan truyền. Chiếu theo 16 concept truyền thông bất biến do Truyền thông Trăng Đen nghiên cứu và công bố thì trường hợp cụ thể của Running Man được kết hợp bởi các concept Người nổi tiếng (là đội bóng Arsenal), Phi thường (chạy theo xe buýt 5 km) và Cảm động (tinh thần hâm mộ cuồng nhiệt của một sinh viên trẻ tuổi).
Khi càng kết hợp được nhiều concept truyền thông vào một câu chuyện thì mức độ lan tỏa càng tăng theo cấp số nhân.
+ Running Man sẽ có những thuận lợi gì khi xây dựng thương hiệu cá nhân trong cộng đồng?
Khi xây dựng thương hiệu cá nhân, chúng ta cần xác định được chúng ta là ai, chúng ta có đặc điểm gì nổi trội, chúng ta có tài năng gì trong một cộng đồng nhất định và cộng đồng đó là cộng đồng thế nào? Chúng ta cần có một hình ảnh thống nhất và một danh xưng, rồi cuối cùng sẽ dùng truyền thông, bao gồm cả truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội để biến cái đặc điểm nổi trội đó trở nên khác biệt, được nhìn nhận (nhận ra dễ dàng), công nhận (thích thú) bởi cộng đồng mà chúng ta định “tấn công” thông qua danh xưng và hình ảnh.
Trong trường hợp này, cậu bé sinh viên của chúng ta đã may mắn khi có được “danh xưng” là Running Man, có được hình ảnh trẻ trung, khỏe mạnh (chạy nhanh, bền bỉ, cơ bụng 6 múi). Hình ảnh của Running Man lại ngay lập tức được truyền thông tới toàn bộ cộng đồng những người Việt trẻ, và người yêu thích bóng đá nói riêng, thể thao nói chung trên toàn thế giới. Tức là giúp Running Man định hình được luôn cộng đồng mà cậu cần phát triển thương hiệu cá nhân là cộng đồng yêu thích thể thao.
Running Man đồng thời có một câu chuyện thương hiệu (brand story) đầy hấp dẫn và được công nhận bởi hàng chục triệu người. Ấn tượng đầu tiên (First Impact) của Running Man đã quá tốt rồi, vấn đề là sẽ tiếp tục phát triển thế nào cho hiệu quả nhất.
Tôi sẽ liên hệ với cậu bé này để tặng em một suất học bổng cho khóa học Xây dựng thương hiệu cá nhân do Truyền thông Trăng Đen tổ chức vào tháng 10 tới đây. Nếu biết nắm bắt cơ hội, Running Man có thể thu được hàng triệu USD từ một cuộc chạy “ngẫu hứng” như vậy.
+ Anh có nghĩ: Giới trẻ càng ngày càng nhiều “trò lạ” (có người cho rằng đó là: điên rồ) lại trở thành nổi tiếng và hái ra tiền?
Như đã trả lời phỏng vấn Infonet về trường hợp của Bà Tưng, tôi cho rằng ai cũng muốn nổi tiếng nhưng vấn đề là không nhiều người dám nổi tiếng. Cá nhân tôi là một người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông thì tôi luôn luôn và sẽ mãi mãi ủng hộ, khích lệ các bạn trẻ dám trở nên nổi tiếng.
Bạn dám nổi tiếng tức là bạn dũng cảm và mong muốn trở nên khác biệt. Chúng ta không có nghĩa vụ phải làm đẹp lòng số đông. Chúng ta phải sống cho bản thân trước đã, sau đó mới tới gia đình và sau cùng là xã hội.
Hãy thỏa sức thể hiện bản thân và tài năng của mình, miễn không vi phạm pháp luật. Dám nổi tiếng là bước đầu tiên để có thể nổi tiếng và đương nhiên khi đã nổi tiếng, bạn sẽ hái ra tiền từ việc khai thác thương hiệu cá nhân. Đó là một việc làm chân chính và cao quý, không có gì phải xấu hổ hay sợ hãi.
Hồng Chuyên – infonet.vn (thực hiện)
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – July 18, 2013 at 02:05PM)