Please log in or register to do it.

Hôm qua, mình có viết thư mời các bạn trong group TDK8 – ChallengeME Hà Nội 01 đi ăn tối. Quyền lợi là được Free 100%, và được tư vấn hoàn toàn miễn phí. Điều kiện tham gia rất đơn giản, chỉ cần nhóm trưởng comment theo mẫu danh sách những thành viên trong nhóm đăng ký tham gia và cam kết có mặt đông đủ. Mình “chòng” thêm điều kiện bắt lỗi là nếu nhóm viên comment vào topic thì nhóm đó sẽ bị loại luôn.

Ngay lập tức, có một bạn nhóm viên “nhanh nhảu” tag tên nhóm trưởng vô đăng ký. Bạn khác thì xin lỗi vì ở xa không dự được. Có bạn thì comment “thật là hấp dẫn” (vì được ăn uống hỏi đáp free). Bạn cuối cùng “đốt nhà” với comment ghi rõ địa chỉ quán lẩu “cho anh chị em cân nhắc về địa điểm”.

Tất nhiên, cả 4 nhóm có nhóm viên “nhanh nhảu” đều bị loại vì vi phạm luật chơi.

Đây là một bài tập rất nhỏ trên con đường gian khổ trở thành một Người làm Truyền thông Trăng Đen chuyên nghiệp ở khoá học ChallengeME (http://goo.gl/H3N3J7).

Bên cạnh mong muốn nhấn mạnh vào kỹ năng làm việc nhóm, sự đoàn kết và có kênh thông suốt thông tin trong nhóm, mình muốn các bạn rèn luyện thói quen đọc kĩ, không hấp tấp, nóng vội. Làm gì là phải chắc, nói gì là phải chuẩn. Ở những buổi tới, khi học về phát ngôn, các bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của câu “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi không kịp) trong ngành truyền thông.

Bạn chỉ cần nói hớ một câu, khủng hoảng có thể xảy ra ngay lập tức. Sự nghiệp của bạn có thể tan tành, doanh nghiệp của bạn có thể đóng cửa và có nhiều hậu quả kinh hoàng khác nữa mà đôi khi bạn còn chẳng thể nào ngờ tới. Việc không được quyền nói hớ gần như là kỹ năng bắt buộc phải có để làm truyền thông chuyên nghiệp.

Hôm trước mình hỏi bạn Triệu Gia Khánh, trợ lý của mình rằng “Em đã làm thẻ ATM chưa?”. Bạn trả lời “Dạ rồi anh ạ”. Mình hỏi tiếp “Khi nào em có thẻ?”. Bạn đáp “Tuần sau anh ạ”. Mình chỉnh bạn ngay lập tức “Em nên trả lời rằng nhân viên ngân hàng nói với em rằng tuần sau có thẻ”. Bởi vì em không tự quyết được việc này. Nếu tuần sau họ có trục trặc gì đó thì sao?

Có một lần, mình giao bạn Khánh nhiệm vụ đòi tiền đối tác. Sau rất nhiều nỗ lực, bên kia email lại thông báo “Chào Khánh, Khánh thông báo lại với anh Long là kế toán bên chị thông báo đã hoàn thành thủ tục chuyển khoản cho anh Long theo thông tin như sau: …”. Mình đọc email xong nói với bạn Khánh ngay, đây là một cách trả lời đầy tính “chuyên nghiệp mà người làm truyền thông cần có”. Vì bạn đối tác không nói đã gửi tiền, bạn ấy nói đúng thực tế là kế toán thông báo đã hoàn thành chuyển khoản.

Tới lượt mình, sau khi tra soát trên dịch vụ Internet Banking, mình có chụp lại màn hình giao dịch chuyển khoản và gửi cho bạn Khánh. Khánh bảo “thế em trả lời chị ấy là anh nhận được tiền rồi nhé”. Mình bảo “Em chỉ cần email hình ảnh đó và nói rằng anh Long đã nhìn thấy giao dịch này trên online, vì trên thực tế anh chưa thấy điện thoại anh thông báo có tiền, không biết có gì trục trặc hay không, cần chờ thêm thời gian nữa”.

Khi nhận được email của ai đó gửi qua nhờ vả, mình cũng thường viết “Anh đã nhận được email của em”, chứ không sướng tay mà thêm vào câu ” … chiều tối nay anh trả lời em nhé” khi không thực sự chắc chắn về điều đó. Nếu trợ lý trả lời, thì nên nói “Em đã nhận được và sẽ chuyển cho anh Long” chứ không nói “Em sẽ nhắc anh Long trả lời anh chị ngay”… như thật được!

Đọc đến đây, chắc nhiều bạn sẽ lắc đầu le lưỡi và cảm thương cho trợ lý của mình. Nhưng tính mình là như thế, đã làm việc với mình là phải chuẩn. Và tất cả các bạn học ChallengeME cũng sẽ được mình khắt khe như vậy. Mình sẽ chỉnh các bạn từng lời nói, từng chữ viết. Tất nhiên là có phương pháp để khiến việc này trở nên thực sự dễ dàng. Mình không public ở đây, ai muốn biết thì cứ đi hỏi các bạn TDK8 nhé.

Có một cách rất đơn giản để các bạn rèn luyện sự chính xác trong các phát ngôn, đó là hãy tích cực lên các cơ quan công quyền xin chứng nhận và đọc những gì họ viết. Mình có cảm giác họ được đào tạo để phát ngôn không thừa không thiếu.

Thí dụ, khi bị mất CMND, làm đơn cớ mất, dán hình và xin đóng dấu xác nhận, người ta sẽ không xác nhận bạn bị mất đơn và đề nghị các hãng hàng không giúp đỡ cho bạn bay. Người ta chỉ nói xác nhận Anh A, chị B đăng ký hộ khẩu thường trú tại ABC đúng như trong đơn khai báo.

Khi bạn đi xin xác nhận nhà đất không có tranh chấp để thực hiện giao dịch mua bán, họ sẽ xác nhận căn nhà ABC ở lô đất XYZ thửa UTV hiện chưa thấy có đơn thư khiếu nại tranh chấp nào. Còn bản thân căn nhà đó có bị ai tranh chấp mà không nộp đơn hay không thì họ không thể nào chứng nhận được. Chưa thấy chứ không phải là không có!

Hy vọng, mấy mẩu chuyện nhỏ mà mình kể sẽ khiến ai đó “giật mình” để tiết chế mỗi khi định nói hứa hẹn điều gì hoặc cẩn thận đọc lại email thật kỹ một lần trước khi nhấn nút Gửi. Các bạn làm được thế, mình tự thấy thành công.

Bài chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, các bạn share thoải mái không cần ghi nguồn và không cần xin phép. Ai chưa phải là “Friends/Bạn bè” nhớ nhấn nút “Follow/Theo dõi”, ai đã là bạn bè nhớ “gắn sao” cho mình thành “Close Friend/Bạn thân” nhé.

((( Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Founder Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, Hiểu từ gốc rễ )))

(*) Còn có dị bản là “Nhất ngôn cửu định, tứ mã nan truy” hoặc một số dị bản kém thông dụng hơn khác nữa.

>>> ĐỌC THÊM:

+ Các bạn đọc comment đầu tiên nhé

+ Tìm hiểu khoá học Người làm Truyền thông Trăng Đen Chuyên nghiệp ở đây http://goo.gl/H3N3J7

+ Đọc thêm các bài về Truyền thông tại fanpage http://ift.tt/1l6Z4R2

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – June 11, 2014 at 11:33AM)

Lần đầu tiết lộ công thức giúp bạn ... thất bại khi khởi nghiệp (*)
"Hoài Lâm hát xẩm" hay cứu cánh cho các chương trình truyền thông xã hội?

Your email address will not be published. Required fields are marked *