Báo chí sử dụng tin không kiểm chứng trên mạng xã hội (MXH), tình trạng “sáng đăng – trưa gặp – chiều gỡ bài”, nhức nhối câu chuyện báo chí “đếm tầng” và thậm chí đã xảy ra một số vụ việc tống tiền doanh nghiệp… là những điều góp phần khiến công chúng mất niềm tin vào đội ngũ những người làm báo.
Trong bối cảnh các cơ quan báo chí phải cạnh tranh gay gắt với MXH, ngày càng xuất hiện nhiều kênh thông tin mới và những công nghệ làm báo hiện đại, làm thế nào để nâng cao vị thế người làm báo?
Báo chí không nên đua tốc độ với MXH
MXH đã thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Với ưu thế nhanh nhạy, tính tương tác cao và sự lan tỏa lớn…, MXH đang ngày càng cạnh tranh quyết liệt với báo chí truyền thống trong việc giành sự thu hút của người dùng.
Có không ít ý kiến cho rằng báo chí truyền thống sẽ phải nhường ngôi cho MXH, khi mỗi người dân chỉ với một chiếc điện thoại thông minh trên tay là có thể trở thành nhà báo. Không nhất trí với quan điểm đó, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng: “Điểm rất quan trọng khiến cho báo chí khác biệt với MXH là ở chỗ nhà báo luôn phải thực hiện chức năng kiểm chứng thông tin thông qua nhiều nguồn tin… Một người dùng MXH có thể đăng bất kỳ thông tin nào nhưng chưa chắc họ hiểu được bản chất câu chuyện. Ví dụ, khi chụp được một hình ảnh hay quay được một đoạn video nào đó thì nhiều người sẽ đẩy ngay lên các nền tảng truyền thông xã hội, những người khác thậm chí không cần đọc nội dung kỹ đã chia sẻ ngay…. Nhưng nguyên tắc của báo chí là khi nắm được thông tin thì phải thẩm định sự chính xác và còn phải đảm bảo tính công bằng và cân bằng”.
“Đua về tốc độ với MXH là báo chí đã bỏ quên sở trường của mình. Báo chí không thể và không nên chạy đua với MXH. Bởi mỗi tờ báo với vài chục, vài trăm hay vài nghìn nhà báo cũng không thể sánh bằng cộng đồng với hàng chục nghìn, hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người trên thế giới”, ông Lê Quốc Minh phân tích.
Hiện thế giới đang ở trong thời kỳ quá tải về thông tin, nhiều chuyên gia còn dùng thuật ngữ “ngộ độc thông tin”. Chính trong bối cảnh thông tin tràn ngập như thế, công chúng rất muốn tìm đến những nguồn tin mà họ có thể tin cậy, có thể thay họ lựa chọn những nội dung quan trọng nhất, đáng đọc nhất để họ không mất quá nhiều thời gian.
Do đó, điều quan trọng nhất của báo chí – không chỉ đối với Việt Nam mà ngay cả thế giới – là giành lại niềm tin của độc giả, để họ tìm đến báo chí thay vì sử dụng công cụ tìm kiếm hay MHX để thu nạp thông tin.
MXH có tính năng rất thú vị là đưa tin tức đến với người đọc thay vì người đọc phải đi tìm thông tin. Nhưng bất lợi với các cơ quan báo chí là độc giả hầu như không nhớ nội dung trên MXH là do tờ báo nào đăng tải. Các báo có thể tăng được lượng người xem nhờ những đường dẫn được chia sẻ trên MXH nhưng không thể biết độc giả là ai, trong khi độc giả chính là một trong những yếu tố tiên quyết mang lại thành công cho mỗi tờ báo.
Theo nhà báo Lê Quốc Minh: “Bên cạnh thông tin thời sự trung thực và nhanh chóng, báo chí cần có những bài phóng sự, phóng sự điều tra, những bài phân tích – bình luận mang tính chuyên môn cao, những nội dung mà người dùng chỉ có thể tìm thấy ở các cơ quan báo chí có uy tín, và sẽ càng giá trị hơn nếu những nội dung đó xuất sắc đến mức khiến độc giả chấp nhận bỏ tiền để đọc.”
Người làm báo phải liêm chính, minh bạch
Liên tiếp những vụ nhà báo tống tiền doanh nghiệp bị bắt gần đây đang khiến cho xã hội có những đánh giá khác về đội ngũ những người làm báo. Những nhà báo “đếm tầng”, “đội quân IS”, những “con sâu làm rầu nồi canh” đã khiến cho hình ảnh, vị thế nhà báo méo mó đi rất nhiều.
Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Ngọc Long (người sáng lập nhóm Truyền thông Trăng Đen) nhấn mạnh rằng ông không thích và không muốn sử dụng cụm từ “nhà báo tống tiền” vì nó vẽ ra một hình ảnh vô cùng xấu xí cho một nghề rất mực đàng hoàng. Bởi lẽ, nhà báo vốn không chỉ là một nghề, với nhiều người, nó còn là nghiệp phải theo. Đôi khi vượt trên nỗi lo cơm áo gạo tiền của bản thân, nhà báo trở thành chỗ dựa kiếm tìm công lý cho người khác.
“Nhà báo, báo chí chính là nơi mang lại niềm tin cho một xã hội vốn đang bị xói mòn niềm tin. Thế nên hành vi “tống tiền” sẽ không chỉ vi phạm đạo đức cá nhân, vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến toàn xã hội. Nó nhổ đi cái cọc cuối cùng của nhiều người dân yếu thế, chơi vơi; nó làm các doanh nghiệp non trẻ run sợ; nó khiến các công ty, tập đoàn lớn cũng phải lắc đầu ngao ngán…”, ông Long nhấn mạnh.
Theo ông Long, nhà báo vốn đã phải tỉnh táo đi giữa lằn ranh sai và đúng của thông tin, đi giữa lằn ranh an nguy của bản thân và sứ mệnh chống tiêu cực cho xã hội; nay lại phải “giữ thăng bằng” giữa lằn ranh của sự trong sạch, liêm chính và áp lực kiếm tiền, duy trì tòa soạn, chăm lo đời sống cho cán bộ nhân viên. Những thứ đấy càng lúc càng biến báo chí trở thành “nghề nguy hiểm”.
Không có con đường nào chỉ trải hoa hồng, và vinh quang vẫn đi kèm nước mắt. Trong thời kỳ hội nhập, ngoài vai trò giám sát và phản biện xã hội, nhà báo cũng trở thành đối tượng bị giám sát và phản biện bởi các kênh truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội. Điều đó tạo ra áp lực rất lớn nếu ai đó là “nhà báo tống tiền”, nhưng cũng là cơ hội để những nhà báo chân chính được tôn vinh.
Vì thế, việc gầy dựng niềm tin nơi độc giả đã vượt ra khỏi ranh giới đúng sai trong thông tin của từng bài báo. Nó đòi hỏi sự liêm chính và minh bạch cao hơn của chính những người làm báo. Và nhìn nhận một cách lạc quan, đấy chính là cơ hội trong cuộc đua của các tờ báo với những kênh truyền thông không chính thống.
Nguồn: Báo Infonet