Xe vừa đậu ngoài cửa kiếng, người còn chưa thấy đã nghe tiếng thằng bé la lên. Chú Long ơi, chú ở đâu thế? Chú ngồi ở trong đó hả?
Cứ như thể chúng tôi quen nhau từ lâu lắm.
Rồi Minh ríu ra ríu rít theo chân bố mẹ “ùa vào” trong quán, luôn miệng hỏi chú ngồi ở chỗ nào đấy?
Tôi đưa tay ra nắm lấy bàn tay bé nhỏ của Minh và run rẩy nói “Chú đây con”.
Tôi thực sự xúc động vì hình như đã lâu lắm rồi tôi mới thấy một sự hỏi thăm vồn vã, tình cảm, vô tư mà trìu mến thế. Từ một người mình… chưa bao giờ gặp mặt!
Vừa “ôm” lấy tay tôi Minh đã hỏi một tràng:
– Chú ơi nhà chú ở đâu thế?
– Chú ở cách đây 2km
– Nhà chú có to không? Nhà chú có mấy tầng?
– Nhà chú có 5 tầng?
– Nhà chú có sân thượng không?
– Có. Bữa nào Minh qua chú dắt con xem vườn hoa trên sân thượng nhé.
Minh theo mẹ ra chọn đồ uống, lại tiếp tục màn “phỏng vấn” nhân viên quán.
Rồi chẳng hiểu thằng bé đã nói gì mà loáng cái chưa đầy năm phút đã thấy một trong hai bạn nhân viên… bỏ vị trí làm việc “nhập hội” khám phá đồ vật cùng hai chị em Minh.
Tiếng máy xay sinh tố vang lên, Minh lại hỏi ngay đó là cái gì hả mẹ?
Rồi Minh với bịch cà phê hỏi chú Long ơi đây là cái túi gì? Túi đựng cà phê con ạ. Ở đây còn có cả hạt cà phê đấy, Minh có biết không?
– Con thấy rồi. Có nhiều loại cà phê không chú?
– Chú đến có 8 ô đựng hạt cà phê nhưng không biết là bao nhiêu loại.
Minh rướn người kiểm tra và hỏi lại, sao con chỉ thấy bốn ô đựng hạt cà phê?
– Còn bốn ô phía trên con nữa, mà cao quá con chưa thấy được đó Minh.
– Ô đựng cà phê có sâu không chú?
Tôi đưa tay vào ước lượng và bảo “chỉ cỡ một gang tay của con thôi”.
Sau đó tôi ngồi nói chuyện với bố mẹ Minh, trong khi cậu bé tự đi khám phá và chơi với các bạn nhân viên.
Tới hồi ra về, vừa tới cửa, Minh lại nắm tay tôi hỏi ở đây có hồ nước nào không chú? Tôi bối rối và nghĩ ở đây làm gì có nhỉ? Tôi bảo với Minh là không có.
– Thế sao chị Mít bảo có hồ nước ở đằng kia?
– … Ơ đâu có nhỉ? À có có chú thấy rồi. Tại nó khuất ở sau xe nên chú không nhìn thấy. Nhưng cái này là đài phun nước thôi con ạ.
– Con xuống có được không?
– Không được đâu Minh. Bên trong nó có những vòi phun nước. Chú nghĩ vòi này chạy bằng điện, lỡ mà có điện mà nguy hiểm đấy.
– Bờ bên kia có xa không chú?
– Không. Gần lắm. Nó không phải là cái hồ nên không có bờ bên kia đâu con ạ. Minh sờ tay vào đây nhé. Con bước vài bước lên đây, con sờ đi, đã thấy chỗ rẽ chưa. Vậy là hết rồi đấy con thấy nhỏ không?
– Nó có sâu không chú?
– Chỉ đến đầu gối con thôi.
– Con xuống có ướt quần không chú?
– Ướt ngay con ạ?
– Con thả viên sỏi này xuống được không?
– Không không. Đây là viên gạch mà, to lắm. Thôi con có thể đưa tay xuống nhé… Đấy, thế là tới đáy rồi.
– Chú ơi viên sỏi của con đâu để con thả xuống nhé.
Rồi Minh lần xuống dưới nhặt viên “sỏi” lên thả cái “tủm” xuống đài phun nước. Sau đó thằng bé kéo tay nói chết rồi phải đi trốn thôi bố mẹ ơi. Chú Long ơi đi trốn thôi.
Ở trên xe, Minh cười như nắc nẻ. Bố ơi, bác bảo vệ nói gì? Bác ấy có đuổi theo mình không bố? Bố ơi, mình thoát nạn chưa? Mình thoát nạn rồi hả chú Long?
Tiếng cười vô tư giòn tan của Minh, cái nắm tay nồng ấm của Minh và thái độ yêu đời hiếm có của Minh theo tôi về tới tận nhà. Cậu bé khiến tôi cảm thấy hạnh phúc và yêu đời không hiểu nổi.
Vì quả thực, tôi chưa bao giờ phát hiện ra những thứ quen thuộc xung quanh mình hoá ra lại thú vị và mầu nhiệm quá. Tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy mình quan trọng và có ích đến thế khi giúp Minh khám phá mọi thứ xung quanh thông qua miêu tả, sờ và… ném!
“Minh là cậu bé có khả năng truyền cảm hứng một cách lạ kỳ”, tôi kể với một người bạn của mình như vậy.
Và người đó nói, đúng là ông trời công bằng quá, không lấy của ai tất cả. Ông trời lấy của Minh đôi mắt thì lại mang tới cho Minh sự tự tin lanh lợi phải không anh?
Em thực sự nghĩ vậy sao?
Nếu được một lần nhìn thấy mẹ Minh đứng giữ thang, rồi bố đưa Minh leo lên dùng tay lần vuốt từng thớ gân để em hiểu thế nào là lá, là cành; dùng mũi ngửi để hiểu thế nào là hoa bưởi, thì có lẽ em sẽ tin rằng không có ông trời nào mang tới cho Minh bất cứ cái gì ngoài sự nỗ lực không mệt mỏi của bố mẹ Minh và chính bản thân Minh nữa.
Mẹ Minh nói với tôi rằng việc không nhìn được không phải là khuyết tật hay bất hạnh. Đó chỉ đơn giản là một sự bất tiện có thể khắc phục bình thường. Và tôi bị thuyết phục hoàn toàn bởi quan điểm đó khi trực tiếp gặp Minh – người trẻ nhất, và nhỏ nhất có thể truyền cảm hứng cho tôi tính đến thời điểm bây giờ.
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/0E6SsB