Please log in or register to do it.

Câu chuyện ông Lê Phước Hoài Bảo vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã gây lên “cơn bão” dư luận trong mấy ngày qua, vì đây là giám đốc cấp sở trẻ nhất nước.

Tiếp nối câu chuyện này, phóng viên SOHA đã có cuộc trao đổi với blogger truyền thông xã hội Nguyễn Ngọc Long để có thêm góc nhìn khác.

1. Anh có đánh giá như thế nào về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở ở Quảng Nam khi mới 30 tuổi. Nhiều người cho rằng, 30 tuổi là quá trẻ, chưa có kinh nghiệm nhưng nhiều người cho rằng, độ tuổi này đã là quá già. Cá nhân anh, đánh giá thế nào về câu chuyện này?

Tôi thấy câu chuyện đang được đẩy đi theo chiều hướng đánh giá rất phiến diện, đầy cảm tính. Tôi hoàn toàn không hiểu tuổi tác thì có ý nghĩa gì ở đây, ngoại trừ việc xem xét con số 30 ấy có phạm luật hay không? Nếu đã không phạm luật, thì đừng bàn về con số 30 ấy nữa.

safe_imageTrong một khoá học về định kiến, tôi yêu cầu mọi người thử làm diễn viên, làm sao để người xem nhận ra một người phụ nữ dân tộc Thái 60 tuổi. Các bạn ấy đã cố gắng sử dụng khăn và trang phục của người Thái, đi đứng lọm khọm, đội cái vò trên đầu và làm động tác ra suối lấy nước. Họ nói rằng, đó là “đặc trưng” của người Thái, phụ nữ Thái 60 tuổi là như vậy. Nhưng đến khi tôi cho họ xem hình bà Tòng Thị Phóng, một chính khách với mái tóc uốn cong được vén cao, đeo hoa tai, mặc vest và đang ngồi họp Quốc Hội thì ai cũng ồ lên bất ngờ. Đó là lúc họ cởi bỏ được định kiến của mình.

Đánh đồng người “ít tuổi” với non kinh nghiệm cũng là áp đặt và định kiến. Thậm chí càng nói nhiều, càng thể hiện sự nông cạn và hời hợt. Mới đây, Nasa tổ chức gấp một hội thảo bất thường để công bố bằng chứng về việc tìm thấy dòng chảy trên sao hoả. Mà phát hiện này, bắt nguồn từ một báo cáo của nghiên cứu sinh chỉ mới 21 tuổi. Ai có thể hình dung được việc này?

Kinh nghiệm và trải nghiệm cũng chỉ phụ thuộc một phần vào tuổi tác chứ không phải là tất cả. Có người 50 tuổi nhưng chỉ quen sống trong nhung lụa thì kinh nghiệm và trải nghiệm chắc gì đã bằng một người 20 tuổi nhưng lăn lộn vào đời từ bé? Mọi thứ chỉ là tương đối. Nhưng cái chính là, nếu thấy vấn đề này thực sự cần thiết thì hãy mang ra bàn.

Hãy đặt câu hỏi, thậm chí là chất vấn, anh Bảo, anh có bao nhiêu kinh nghiệm và trải nghiệm? Anh đã làm được những việc gì, kết quả ra sao, tạo ra thay đổi tích cực thế nào? Thay vì nói rằng, anh Bảo, anh chỉ mới 30 tuổi. Như vậy không công bằng. Và cả những vấn đề còn “lấn cấn” như việc đi học trước, quyết định sau chẳng hạn. Cứ hỏi thẳng, hỏi trực diện vào vấn đề, hỏi cho ra nhẽ. Còn tuổi tác, thậm chí cả thói quen chơi chim chơi cá gì của người ta cũng mang ra bàn luận thì quá vớ vẩn và trẻ con.

2. Có một thực tế là từ khi nhận quyết định đến nay, dù rất nhiều ý kiến xung quanh nhưng cá nhân người trong cuộc là ông Bảo lại chưa hề lên tiếng lần nào. Xin anh có thể lý giải vì sao ông Bảo lại chưa lên tiếng?

Nếu tôi là ông Bảo, tôi cũng sẽ không lên tiếng. Vì cứ phải lên tiếng về những thắc mắc linh tinh như thế để làm gì? Chẳng nhẽ lại bảo rằng tôi 30 tuổi nhưng già đời lắm, ông cụ non lắm hay sao? Rồi người ta lại cho rằng mình xảo ngôn, nguỵ biện, vòng vo. Nếu có những chất vấn theo một cách chính thức, thì ông Bảo hoàn toàn có thể trả lời chính thức. Trả lời cho rõ, một lần, để dư luận hiểu và không râm ran nữa. Đó cũng là việc nên làm. Mọi thứ phải đúng cách và đúng lúc.

Nhưng hay hơn cả, là ông Bảo cứ im lặng và chứng minh bằng những năng lực, thành tích thực sự. Đó mới là câu trả lời nặng ký và thuyết phục hơn cả. Tất nhiên, nếu ông thực sự có tài.

3. Từ những gì diễn ra xung quanh câu chuyện bổ nhiệm ông Bảo, có thể coi đây là một khủng hoảng truyền thông hay không? Và theo anh chúng ta nên giải quyết nó như thế nào?

Việc bổ nhiệm ông Bảo rõ ràng có nhiều vấn đề khiến dư luận phải đặt ra câu hỏi. Điều đó rất dễ hiểu và hoàn toàn có thể dự đoán từ đầu. Sẽ rất tốt nếu như Quảng Nam “dọn đường” trước để dư luận hiểu và đồng thuận. Đằng này, để sự việc bung bét như bây giờ, nói gì làm gì cũng dở.

Tôi lấy thí dụ, ngay cả việc chúng ta bảo rằng ông Bảo nên “trả lời bằng hành động” thì đó cũng chỉ là “chữa cháy”, để dập đi cái nghi ngờ trong dư luận. Bất kể đó là hành động gì đi chăng nữa. Sẽ tốt biết bao nhiêu nếu ông Bảo “hành động” từ trước, tạo ra nhiều việc làm tích cực từ trước rồi mới được thăng chức sau.

Cho nên bây giờ mọi việc đã “lỡ dở” rồi thì theo tôi, mình vẫn nên nghe ngóng dư luận và liệt kê rõ ràng ra các vấn đề mà người dân đang thắc mắc, trả lời cụ thể, triệt để một lần. Rồi sau đó, ông Bảo phải chứng minh được năng lực của bản thân.

Sẽ rất tuyệt vời nếu ông kèm theo một vài lời hứa kiểu như “bà con cho tôi 1 năm, 2 năm cũng được. Nếu tôi không làm được cái A, cái B thì tôi tự động xin rút lui”. Tôi thấy như thế là văn mình và hiện đại. Dân mình cũng đâu có hẹp hòi gì mà không cho những người trẻ như ông cơ hội. Có điều họ sợ ông ngồi nhầm chỗ đã đành, mà còn sợ ông tham quyền cố vị thì nhân dân toi hết!

4. Lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh việc bổ nhiệm đúng quy trình, ông Bảo là người có năng lực thật sự. Vậy theo anh, ông Hoài Bảo nên làm gì để chứng minh cho việc bổ nhiệm mình là không sai?

Việc đưa ra bằng cấp, học hàm, học vị, giấy khen, thành tích… theo tôi là vô giá trị. Vì nói thật, người dân họ chẳng tin mấy cái đấy nữa đâu. Ông cứ nói ít làm nhiều và chứng minh bằng hành động là hay hơn cả.

Bà con mình tinh lắm, ai làm được cái gì giúp cho đời sống họ ấm no hạnh phúc, cuộc sống cải thiện phát triển vươn lên là họ sẽ biết ngay, không cần phải nói nhiều, không cần phải hót cho hay, không cần phải sơn phết mầu mè làm chi cả.

Ông cứ có được sự đồng thuận của dân, đấy là ông giỏi, là có năng lực, và đã chứng minh được quyết định bổ nhiệm ông là sáng suột. Chỉ đơn giản vậy thôi.

>>> ĐỌC THÊM

+ BÀN VỀ MINH BẠCH VÀ LIÊM CHÍNH – http://goo.gl/VeaCwM

+ NHỮNG TRÒ MẤT DẠY CỦA CỘNG ĐỒNG MẠNG VỚI BỘ TRƯỞNG TIẾN – http://goo.gl/o5OPfx

+ DỰNG TƯỢNG TÀI 1400 TỶ: MỘT QUYẾT SÁCH HỢP Ý ĐẢNG LÒNG DÂN – http://goo.gl/n3auXs

Ba câu hỏi khó dành cho hoa hậu
"Đập bát mua vui" và chiến lược truyền thông bùng phát cho doanh nghiệp nhỏ

Your email address will not be published. Required fields are marked *