Gần 12h tự nhiên nhà cúp điện. Lâu lắm khu nhà mình mới bị cúp điện. Mà hiếm hoi lắm mới bị cúp điện giờ này.
Mở điện thoại nhắn tin “Thôi em ngủ sớm đi, anh phải ra ngoài”.
– Sao anh phải ra ngoài?
– Nhà cúp điện
– Cúp điện thì mình chat 3G, anh không có sạc dự phòng à?
– Anh có, cả 2 cái đều sạc sẵn.
– Vậy sao anh phải ra ngoài? Nhà mát thế còn gì?
– Có sạc dự phòng nhưng không có đèn sạc. Anh phải đi mua nến.
– Anh hâm thế, cần soi cái gì thì bật điện thoại lên.
– …
Chẳng biết phải nói sao. Gõ. Rồi xoá. Rồi gõ. Rồi xoá. Rồi gõ, nhưng không gửi.
Một ngày nào đó “lớn hơn” em sẽ hiểu.
Rằng anh ở với bà. Và bà anh năm nay 86.
Bà già lắm. Người già thường khó ngủ, và hay thức giữa đêm.
Đó là lúc tờ mờ sáng. Lúc một số người trẻ mới ở bar về trễ. Lúc một số người trẻ khác thì đang ngủ rất say.
Bà không có điện thoại, và cũng không biết dùng điện thoại.
Vậy nếu không thắp sẵn một ngọn nến ở đường đi, thì ánh sáng ở đâu soi đường cho bà bước?
30 năm trước, mỗi lần nhà cúp điện, người đầu tiên anh gọi là bà.
“Bà ơi bà thắp nến đi con sợ lắm”.
Và thế là bà sẽ xoè một que diêm, thắp lên biết bao nhiêu điều kì diệu.
Đó không chỉ là một ngọn nến, một vùng sáng, một chỗ dựa, mà là cả một ký ức tuổi thơ.
“Con chắp hai tay lại, vẫy lên vẫy xuống sẽ ra hình con chim bồ câu”.
“Đặt tay trái lên tay phải, đưa ngón cái và ngón út lên sẽ thấy một con mèo, còn úp xuống thì lại thành bác nông dân”.
Tiếp sau đó là những câu chuyện cổ tích trầu cau, tấm cám, thạch sùng…
Rồi anh sẽ ngủ rất ngon khi bà vẫn thức phe phẩy quạt.
Ngọn nến năm xưa đã cháy gần hết một đời người. Nếu anh không đi mua để thắp lên tiếp tục, thì những câu chuyện cổ tích làm sao truyền giữ được đến mai sau?
Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/qb95be
> ĐỌC THÊM:
Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa? – https://goo.gl/gNG0NQ
Thời gian không trở lại – https://goo.gl/MFvPi5
Hãy cám ơn những tháng ngày rét buốt – https://goo.gl/Y386eT