Please log in or register to do it.
Trong một cuộc gọi tư vấn về xây dựng Thương hiệu cá nhân, cô giáo có đề cập về việc sống chết cũng phải biến mình thành một người uy tín. Bé Kỳ nghe lỏm được nên có hỏi, anh ơi thế làm sao để mình trở thành người uy tín? Cô giáo có đưa ra một số câu “bí quyết” thế này:
 
  • Nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy
  • Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói
  • Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe
  • Cười người chớ vội cười lâu, cười người hôm trước hôm sau người cười
  • Lời nói đọi máu
  • Đề phòng câu nói khi vui miệng
  • Thần khẩu hại xác phàm
  • Cổ giả ngôn chi bất xuất, sỉ cung chi bất đãi dã
  • Ếch chết tại miệng
  • Đừng bao giờ hứa nhiều hơn bạn có thể thực hiện
Thực ra, nếu truy xét đông-tây kim-cổ thì còn có thể lôi ra vô số câu ca dao, thành ngữ, tục ngữ… mang hàm ý răn dạy việc này. Nhưng để cô đọng lại một câu thôi, cho dễ nhớ, thì các em chỉ cần tâm niệm: đừng làm Gia Cát Lượng.
 
Tại sao và thế nào là đừng làm Gia Cát Lượng? Đó là đừng võ đoán. Đừng nói nhiều hơn những gì mình biết, và đừng “phăng” ra thêm trong khi khoái chí.
 
Nhớ rằng, các em không cần phải quá giỏi, phải có kiến thức uyên bác xuất chúng gì để xây dựng uy tín bản thân. Một đứa bé 7 tuổi cũng có thể có uy tín hơn ông bà già 70 tuổi. Một cô lao công, một chú xe ôm cũng có thể có uy tín hơn ông Chủ tịch UBND Thành phố hay Thủ tướng. Miễn đứa bé đó, miễn cô chú lao công xe ôm đó không cố tỏ ra mình là Gia Cát Lượng.
 
Nguyên tắc ở đây là, uy tín đến từ việc ĐỪNG NÓI SAI, chứ uy tín không đến từ việc NÓI GÌ CŨNG ĐÚNG. Nghe ra thì nội hàm của hai mệnh đề này có vẻ giống nhau, nhưng cách thực hiện thì hoàn toàn khác.
 
Nếu muốn nói gì cũng đúng, các em sẽ cố gắng phải nói thật nhiều. Phải tỏ ra mình là người uyên bác. Lĩnh vực nào cũng tham gia, câu chuyện nào cũng đưa quan điểm. Hay nói theo ngôn ngữ dân gian là “mâm nào cũng có mặt, nhạc nào cũng nhảy”. Cái này thì khó thực hiện vô cùng.
 
Còn để đừng nói sai, thì đơn giản cực kỳ, hãy tự kiềm chế bản thân, chỉ nói những gì các em biết chắc chắn là đúng đắn. Còn nếu chưa biết, nếu thấy mơ hồ, nếu thấy còn chưa rõ ràng, thì tốt nhất là các em nên câm miệng lại. Dễ quá, đứa nào cũng thực hiện được, đúng không?
 
Nhưng cái bẫy ở đây là các em hay bị bệnh đắc ý cho rằng mình giỏi, lúc nào cũng muốn thể hiện ta đây. Nhạc nào cũng nhảy. Ừ thì giỏi thật, nhưng nói 100 câu đúng rồi thể nào cũng có câu sai. Mà cái câu sai đấy, chỉ vài ba lần thì nó lại ăn mòn uy tín nhiều gấp vạn lần 100 câu đúng kia mang lại.
 
Những câu nói sai, hay rơi vào trường hợp bình luận, dự đoán và “phăng ra thêm” cho vui miệng.
Thí dụ:
  • Mây đen quá trời kìa, THỂ NÀO TÍ NỮA CŨNG MƯA (Nhưng sau đó thì trời hửng nắng)
  • Đầu hẻm nhà mình hôm nay đông thế, người ta dựng rạp kê bàn ghế quá trời, CHẮC NHÀ BÀ A ĐÁM CƯỚI (Nhưng khổ nỗi hóa ra nhà bà A lại có đám ma)
  • Thằng A đấy à, yêu con nào cũng được dăm ba bữa, MÀY BẬP VÀO ĐÓ ĐI RỒI MÀ HỎNG ĐỜI B Ạ (Thế nhưng hai đứa A-B vẫn quyết đến với nhau và hạnh phúc trọn đời)
  • Em định mua hàng của X à, ổn lắm đó em, X KHÔNG BAO GIỜ BÁN HÀNG GIAN HÀNG DỐI ĐÂU (Thực ra là 3 lần bán cho chị nó không bán gian, nhưng tới lần 4 bán cho em thì X nó đưa hàng fake)
Tất cả những câu in nghiêng rất quen đúng không mấy em? Đó là dự đoán, là lĩnh vực chuyên môn của ông Gia Cát Lượng. Là những kết luận các em tự phăng ra trong lúc vui mồm, trong lúc Adrenalin của các em lên cao quá. Nó chính là “Lời nói lúc vui miệng” mà người xưa cảnh báo đấy.
 
Khi cao hứng, chúng ta hay bị mất kiểm soát, và “chết” vì những cái phăng ra như thế. Để gầy dựng uy tín cho mình, để mỗi lời mình nói ra là chính xác, hãy chỉ nói đúng những gì mình biết thôi, thí dụ:
  • Mây đen quá trời kìa, NGƯNG!
  • Đầu hẻm nhà mình hôm nay đông thế, người ta dựng rạp kê bàn ghế quá trời, NGƯNG!
  • Thằng A đấy à, yêu con nào cũng được dăm ba bữa, NGƯNG!
  • Em định mua hàng của X à, ổn lắm đó em, NGƯNG!
Còn nếu cần đưa ra lời khuyên hay tư vấn, thì các em phải nhớ cho mình đường lùi nhé, đừng bao giờ quên điều đó:
  • Mây đen quá trời kìa, có thể sắp mưa.
  • Đầu hẻm nhà mình hôm nay đông thế, người ta dựng rạp kê bàn ghế quá trời, không biết có phải có đám cưới hay không?
  • Thằng A đấy à, yêu con nào cũng được dăm ba bữa, nếu định cưới xin gì thì nên tìm hiểu thật kỹ.
  • Em định mua hàng của X à, ổn lắm đó em, 3 lần chị mua của nó đều thấy bán hàng xịn.
 
Một lần nữa, cô giáo nhắc lại, xin đừng làm Gia Cát Lượng. Đừng bao giờ dự báo cái gì. Đến đài khí tượng thủy văn của nước Mỹ còn sai, thì các em không thể nào đúng được.
 
Hãy tụng câu “đừng làm Gia Cát Lượng” mỗi ngày để tự răn bản thân đừng vui mồm quá trớn. Cẩn trọng và có trách nhiệm với từng lời nói của mình. Khi ấy, dần dần các em sẽ trở thành người có uy tín trong mắt người thân quen, bạn bè, đối tác.
 
Chúc các em thành công. Nhớ share bài, và CÂM MIỆNG LẠI, HE HE.

Học cách "BẤT LỊCH SỰ" để phòng chống dịch
Covid-19, từ "âm tính giả" đến "chết lâm sàng"

Your email address will not be published. Required fields are marked *