Khi còn bé, chúng ta rất dễ vui. Phát hiện ra một loại cây mới, một bông hoa mới; nhìn thấy con chim vỗ cánh bay, thấy hạt chanh nảy mầm, thấy con chuồn chuồn đỏ như trái ớt…
Vậy tại sao càng lớn thì niềm vui càng trở nên xa xỉ và khó khăn để chạm vào?
Cỏ cây vẫn sinh sôi, chim vẫn hót, gió vẫn thổi, hạt mầm vẫn đâm chồi nảy nộc… Tự nhiên vẫn vận hành như triệu năm nay vẫn thế. Chỉ có chúng ta thay đổi, hay cách nhìn của chúng ta với cuộc sống này thay đổi.
Chúng ta tưởng rằng mình biết hết, thực ra chẳng biết gì. Cuộc sống và kinh nghiệm làm vẩn đục nhãn quang của chúng ta và mang đến một cái nhìn méo mó, thiên kiến và tước đoạt mất niềm vui thuần khiết thời ấu thơ.
Chúng ta tự cho rằng tiền bạc, địa vị, danh vọng, quyền lực và các “kỳ quan” nhân tạo sẽ tạo ra cho chúng ta hạnh phúc. Chúng ta mệt mỏi trên hành trình kiếm tìm hạnh phúc ở bên ngoài và cuối cùng nhận về đau khổ.
Về căn bản, hạnh phúc từ các tác nhân bên ngoài là có. Nhưng nó tồn tại trong thời gian ngắn vì hai lý do. Thứ nhất, do bản tính của chúng ta là tham lam, luôn muốn “nhiều hơn”. Thứ hai, do chúng ta hay dao động.
Một toà tháp cao nhất thế giới khiến chúng ta trầm trồ kinh ngạc hôm nay, sẽ trở thành tầm thường vào ngày mai. Một thác nước hùng vĩ khiến chúng ta xếp hàng checkin hôm nay sẽ bị ghẻ lạnh vào ngày mai.
Chúng ta cho rằng toà tháp đã xuống cấp, thác nước đã mất đi vẻ đẹp hoang sơ.
Điều đó có thể đúng một phần. Nhưng nguyên nhân sâu xa là thói quen đổ lỗi. Chúng ta không dũng cảm nhìn thẳng vào bên trong để thừa nhận rằng chính chúng ta đã cho rằng toà tháp này kém đẹp, thác nước kia không còn hùng vĩ.
Xã hội dạy chúng ta thói quen đổ lỗi. Chúng ta đổ lỗi cho gia đình, bố mẹ, thầy cô, đồng nghiệp, sếp và nhân viên, bạn trai và bạn gái. Cuối cùng, chúng ta đổ lỗi cho cả những thứ vô tri.
Trời mưa làm chúng ta buồn. Trời nắng làm chúng ta buồn. Xe hư làm chúng ta buồn. Cơm bị khô, canh thiếu ngọt làm chúng ta buồn. Bộ đồ bị dơ cũng làm chúng ta buồn!
Chúng ta đổ lỗi cho toà nhà, thác nước vì nó là vật vô tri. Nếu nó có linh hồn, hẳn nó sẽ sập xuống đè chúng ta vỡ mặt vì thói quen đổ lỗi.
Hành trình tìm về hạnh phúc thực sự không phải hành trình về phương đông, không phải chuyến đi đến phương tây, mà là hành trình quay ngược về quá khứ, tìm lại cái bản ngã nguyên sơ đích thực như lúc mới sinh ra. Hành trình xoá bỏ đi những thứ nhố nhăng mà chúng ta được “rèn luyện” thành nếp trong suốt mấy chục năm.
Đó là lý do vì sao càng lớn, càng “giỏi” thì chúng ta càng thấy hạnh phúc trở nên mong manh, xa vời và khó chạm tay vào.
(Chúng ta là ám chỉ các em thôi, cô giáo chạm tay vào hạnh phúc ngay đám cỏ trước cửa nhà rồi nhé he he)
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long