Sau khi PV Báo ANTĐ tới xác minh sự việc chị Nguyễn Xuân Hương (Hà Đông, Hà Nội) mở cửa nhà để đón người vô gia cư ăn tết, những ý kiến trái chiều vẫn xuất hiện.
Do hiện giờ chưa tới thời điểm đón tết để có thể khẳng định đúng-sai, PV đã xác minh theo 3 yếu tố: Người thật – Căn hộ thật – Cam kết thật (cam kết để PV ghi nhận tình hình vào dịp tết tại nhà). Dù vậy, việc này dường như vẫn chưa làm thỏa mãn một bộ phận dư luận.
Những bình luận nghi ngờ, thậm chí xúc phạm, chế giễu người có ý định làm từ thiện đã khiến gia đình chị Hương rơi vào “khủng hoảng” như lời chia sẻ sau đó của nhân vật này.
Để “giải mã” cách cư xử của bộ phận dư luận tiêu cực nói trên, PV Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long, nhằm tìm ra câu trả lời thỏa đáng nhất.
- Làm việc thiện là phải “âm thầm”, không khoe khoang. Đó là suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ dư luận. Theo anh, điều đó có hợp lý không?
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Đó là quan điểm của mỗi người. Có những người làm từ thiện, hoạt động xã hội một cách âm thầm, vì nhiều lý do, như họ sợ dư luận hoài nghi họ làm vì PR tên tuổi, hay họ nghĩ làm từ thiện nếu nói ra thì “không thành tâm lắm”. Nhưng có người lại mang quan điểm khác, là làm từ thiện thì phải nói ra, phải lên tiếng kêu gọi để nhiều người cùng chung tay với mình. Đây cũng là quan điểm của tôi.
Sức người có hạn, nếu làm âm thầm, có thể giúp được từ 1 tới 10 người, nhưng nếu có nhiều người cùng làm thì sẽ giúp được cả trăm người… Vậy nên chốt lại, đó là quan điểm của mỗi người.
- Báo chí đã vào cuộc xác minh, đã tới chỗ chị Xuân Hương để biết thực hư. Nhưng vẫn không làm thỏa mãn một bộ phận trong cộng đồng. Họ vẫn không tin tưởng, vẫn có cái nhìn đa nghi, anh có thể “giải mã” điều này?
– Đây là chuyện hết sức bình thường, năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn, suy nghĩ mỗi người là khác nhau. Cá nhân tôi không ủng hộ việc nghi ngờ như vậy, song tôi rất hiểu, thông cảm với những người nghi ngờ, vì đối khi họ bị mất niềm tin.
Hãy thử nghĩ xem, như chuyện gần đây nhất là vụ KhaiSilk, một thương hiệu được vinh danh, với uy tín kéo dài suốt hàng chục năm qua, cuối cùng bị sụp đổ vì lộ sự gian dối, lừa đảo người tiêu dùng. Đó không phải là câu chuyện của 1 tháng, 1 năm, mà là 20 năm. Rồi biết đâu đấy, có những ánh hào quang mà chúng ta đang nhìn, sẽ có sự thật nào đó ẩn sau. Mà có thể không phải 20 năm, hẳn 200 năm sau mới lộ diện thì sao… Nên không thể nói trước được. Tôi không ủng hộ, và cũng không phê phán, mà tôi thông cảm.
Ngoài ra, tôi cũng thấy đó là sự đáng thương. Những người đang phê phán chị ấy, tôi chưa biết họ phê phán đúng hay sai, bởi cho tới thời điểm này, chúng ta chưa nhìn thấy cái kết cuối cùng. Nhưng tôi thấy niềm tin của họ bị tổn hại. Điều đó ảnh hưởng đến chính họ. Bởi vì niềm tin là thứ rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Nếu chúng ta bị mất niềm tin vì bất kỳ lý do gì, thì cuộc sống sẽ rất chênh vênh. Tôi nghĩ rằng sống ở trên đời, bắt buộc chúng ta phải có niềm tin nào đó như một điểm tựa, để bám víu vào. Việc hy vọng vào những điều tốt đẹp là điểm tựa như vậy, rất cần thiết cho cuộc sống này.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long
- Một số người không tiếc lời xỉ vả nhân vật chính. Họ cho rằng đó là “trách nhiệm” của họ, là vạch trần “sự lừa dối”, “dựa vào từ thiện để làm màu, đánh bóng tên tuổi”. Anh nghĩ sao về lối suy nghĩ tự đề cao “trách nhiệm” này?
– Tôi cho rằng không có gì sai. Chúng ta sống trong một cộng đồng, chúng ta không thể bàng quan với việc sai trái. Nếu cảm thấy sự việc của chị ấy có gì mờ ám, thì quyết “vạch trần”, là điều nên làm. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta trong cộng đồng. Giống như chúng ta sống trong một khu phố, biết rằng nhà kế bên trông trẻ bạo hành thì phải lên tiếng, tìm hiểu.
Nhưng làm như thế nào thì lại là một vấn đề rất đáng để suy nghĩ. Thử tưởng tượng bản thân mỗi chúng ta coi như một vị thẩm phán, để phán xử điều gì đó. Thẩm phán luôn đi theo nguyên tắc suy đoán vô tội, tức là coi “bị cáo” là người vô tội cho tới khi các bằng chứng tường minh chứng tỏ người đó là có tội.
Nếu chúng ta coi mình là quan tòa đi vạch trần sự lừa dối của ai đó, thì hãy áp dụng nguyên tắc đó, để nghĩ rằng người ta làm đúng và hãy đi tìm bằng chứng để khẳng định người ta đúng. Có thể trên con đường tìm kiếm, chúng ta phát hiện ra bằng chứng thể hiện sự sai trái, thì khi đó hãy tố cáo.
Ở sự việc vừa qua, tôi thấy mọi người đang hành xử ngược, tức là luôn nghĩ rằng chị Xuân Hương có tội, chị ấy làm sai, và tìm mọi cách để chứng tỏ chị ấy sai… Đó là cách làm không văn minh lắm.
- Xin anh chia sẻ một số yếu tố mấu chốt trong truyền thông để người làm từ thiện không bị rơi vào hoàn cảnh như chị Xuân Hương?
Tôi nghĩ truyền thông chỉ đóng vai trò một phần. Nguyên tắc tối thượng khi làm từ thiện là phải minh bạch. Nếu bản thân người làm từ thiện không đủ uy tín để khiến mọi người tin vào sự minh bạch của mình, thì có thể nhờ tới cơ quan thứ 3 như báo chí hay các tổ chức bên ngoài.
Ví dụ như các đơn vị hoạt động xã hội muốn có nguồn tiền tài trợ lớn của các tập đoàn, thì vẫn phải chịu sự kiểm toán của các bên độc lập có uy tín. Kết quả kiểm toán khi đó sẽ giúp nói rõ sự minh bạch.
Do vậy, ban đầu mình phải tự lượng sức xem uy tín của mình có đủ hay không. Sau đó cậy nhờ bên thứ 3, có tác động hiệu quả tới cộng đồng, để chứng minh.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, khi làm từ thiện, đôi khi người trong cuộc phải vượt lên dư luận. Nếu làm với tâm tốt thì hãy cứ tâm niệm rằng, những sự phê phán, nghi ngờ nhắm vào mình, sẽ được đáp lại bằng sự chân thành và những gì ý nghĩa làm được.
Ban đầu có 10.000 người nghi ngờ mình, nhưng cứ miệt mài làm, rồi số lượng này sẽ giảm xuống dần, 9.000, 5.000, rồi 1.000, và sau đó họ sẽ ủng hộ bạn.
Nếu mình làm từ thiện vì cái tâm, cái tốt đẹp mà lại quá để ý vào dư luận, rồi yếu đuối, gục ngã bởi dư luận, bởi những lời ong tiếng ve, thì rất khó. Cho nên tôi nghĩ, với người làm từ thiện, có tâm là chưa đủ, mà cần cả bản lĩnh, sự vững vàng trong suy nghĩ, quan điểm, để vượt lên dư luận.
- Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Báo An Ninh Thủ Đô