Please log in or register to do it.

Trong phòng Thế Giới @ của Người Lao Động có một chú tên là chú Thanh, chú làm nhiệm vụ sửa mô rát (lỗi chính tả) cho các bài báo trước khi đem in bản bông.

“Chú Thanh là một người rất khó gần, ai cũng sợ chú. Chú khó tính, kỹ tính và kiệm lời, đặc biệt ghét bị làm ồn. Mỗi khi chú Thanh lên phòng là mọi người tự động tắt hết nhạc đi vì sợ chú mắng” – nhiều người nói với tôi cùng một ý như vậy.

Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

Nhưng tôi quý chú Thanh và thấy chú không như mọi người vẫn nói. Có thể vì tôi vui vẻ và hay đùa, hay chọc chú làm chú vui. Tôi cũng hay chỉ cho chú các thủ thuật sử dụng máy tính và các địa chỉ web hay về chicken-soup để chú vào đọc và dịch bài cộng tác với Ban Đời Sống.

Chú Thanh quý tôi lắm. Vậy nên, tôi có thể thỏai mái bày la liệt giấy tờ, máy tính của tôi trên bàn chú (mỗi khi hết chỗ ngồi) mà không sợ bị chú… vứt đi! Tôi cũng là người duy nhất ở trong phòng có thể bật nhạc khi có mặt chú Thanh.

Sáng hôm đấy lên tòa sọan viết bài, chỉ có một mình tôi với chú. Như mọi lần, tôi online  nghe nhạc và album mà tôi chọn là “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” của Lô Thủy. Tôi hòan tòan không để ý gì đến chú Thanh cho đến khi chú tiến lại sau lưng tôi, đặt hai tay lên vai tôi và nói “đó, anh Long nghe chưa, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau… nhớ nhé…”.

Lời thiên thu gọi...

Tôi có cảm giác chú đang rất chăm chú nghe album này (chuyện xưa này không hề có). Rồi khi Lô Thủy cất giọng hát một câu trong bài Lời Thiên Thu Gọi “Về trong phố xưa tôi nằm Có lần nghe tiếng ru bên vườn / Chợt như xác thân không còn / Và cạnh tôi là đồng vắng…” thì tôi thấy vai mình rung lên, tôi thấy chú Thanh lẩm nhẩm hát theo và tôi có cảm giác chú đang khóc.

Tôi rùng mình. Tôi vẫn thường như vậy mỗi khi cảm thấy xúc động.

Tôi không biết tại sao chú Thanh lại yêu thích bản nhạc này đến thế. Nhưng chú Thanh đã giải đáp câu hỏi đó cho tôi, chú run run kể “Ngày xưa tôi có thằng bạn thân, hai đứa thích nghe nhạc Trịnh lắm. Mà cả hai đều đặc biệt thích nghe bài hát này… nhưng nó chết rồi… Ngày trước ngồi nghe chung còn ôm nhau khóc, bây giờ nghe lại bản này, tôi xúc động lắm…”.

Rồi như bất chợt nhận ra sự thay đổi của mình, chú Thanh trở lại kiệm lời như mọi bữa. Chú lấy giấy bút chép lại địa chỉ trang web nghe nhạc rồi chú đi ra bàn làm việc ngồi và lẩm nhẩm hát theo.

Sau vài câu thì chú khóc.

Tôi lặng người nghe tiếng nấc nghẹn ngào của một con người mà mọi người tưởng là “đá tảng”. Chú nói cho tôi nghe mà như nói với chình mình “… năm đó là năm 73, thời đỏ lửa… nó chết rồi”.

Tôi thấy có lỗi vì đã khơi lại một nỗi đau, một sự mất mát quá lớn của người chú đã gần bẩy chục tuổi đầu.

Nhưng tôi biết, mỗi khi nghe lại bản nhạc này, chú Thanh sẽ lại nhớ về một người bạn thân, người còn sống mãi trong tâm trí của chú Thanh. Còn tôi, mỗi khi nghe lại “Lời thiên thu gọi” thì chắc chắn người đầu tiên tôi nghĩ đến là chú Thanh.

Chú Thanh ơi, cảm ơn chú đã cho cháu một bài học về tình cảm bạn bè cao đẹp trong cuộc sống.

Lời Thiên Thu Gọi – Trịnh Công Sơn – Lô Thủy

Tác giả: Trịnh Công Sơn
Ca sĩ: Lô Thủy

Về trong phố xưa tôi nằm
Có lần nghe tiếng ru bên vườn
Chợt như xác thân không còn
Và cạnh tôi là đồng vắng

Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi
Chợt như phố kia không người
Còn lại tôi bước hoài

Lòng ta có khi tựa như vắng ai
Nhiều khi đã vui cười nhiều khi đứng riêng ngoài
Nhiều đêm muốn đi về con phố xa
Nhiều đêm muốn quay về ngồi yên dưới mái nhà

Giòng sông trước kia tôi về
Bỗng giờ đây đã khô không ngờ
Lòng tôi có khi mơ hồ
Tưởng mình đang là cơn gió

Về chân núi thăm nấm mồ
Giữa đường trưa có tôi bơ phờ
Chợt tôi thấy thiên thu
Là một đường không bến bờ

"Nguyễn Ngọc Long, em là tình yêu của chị"
Vẫn luôn có cách để yêu thương (*)

Your email address will not be published. Required fields are marked *