Please log in or register to do it.

Cô giáo có thói quen, tranh thủ giờ nghỉ ngơi sau mỗi bữa cơm lại mang một chủ đề ra trao đổi với mọi người.

Một hôm, cô chỉ cho chị gái khái niệm công chúng mục tiêu (target audience) khi làm truyền thông. Cô lấy thí dụ về chiến dịch “Voi quỳ” của WildAid.

“Người ta làm mô hình những con voi, tê giác bị cưa sừng, bị lấy ngà, máu chảy ròng ròng, quỳ rạp trước Bồ Tát xin che chở và để dòng chữ Không tạo thống khổ, ấy là cứu độ nhằm kêu gọi mọi người bảo vệ động vật hoang dã”.

“Nhưng sao không để ngoài đường hay siêu thị, trên chùa đâu có nhiều người qua lại?”

“Nhưng đối tượng đi chùa lại có doanh nhân, quan chức rất nhiều… Họ là target audience của chiến dịch vì nhóm này tiêu thụ ngà voi, sừng tê là chính”

“Hay nhỉ”, chị gái nói rồi cầm điện thoại ngắm bộ hình chụp trên tờ Tuổi Trẻ. Sau một lúc, chị “hồn nhiên” hỏi:

“Sao báo viết sừng tê, ngà voi không có tác dụng gì vì cấu tạo giống móng tay, mà ở hình này con voi bị cưa ngà lại chảy máu nhoe nhoét vậy?”

Cô giáo cầm điện thoại, coi lại kỹ tấm hình chụp, thì quả đúng như chị vừa “phản ảnh”. Hơi chột dạ, cô nói qua chuyện khác. Và tất nhiên dù thắc mắc vậy, chị gái cũng chẳng quan tâm nhiều đến chiếc ngà voi.

(Hình Tuổi Trẻ)

Sau đó, cô mang câu chuyện này lên group Biệt đội Trăng Đen để hỏi các “chuyên gia”. Và đúng như dự đoán, các bạn đua nhau giải thích:

“Làm thế là để thêm ghê rợn, nhằm viral đánh động mọi người”

“Cưa ngà có thể không chảy máu nhưng đây là giết voi để lấy ngà. Máu đó là máu từ lúc voi bị săn lùng đấy”

“Cắt móng tay mà cắt sát quá cũng chảy máu vậy thôi”

… vân vân và mây mây.

Và câu chuyện cái ngà voi cũng không phải lần đầu cô có trải nghiệm này.

Trước đó mấy tuần, khi suy nghĩ thông điệp cho chiến dịch quảng cáo DrFood.vn dè Saffron trong nhà thuốc bệnh viện, nhắm tới nhóm người mất ngủ. Cô lập group chat 6 người, bàn qua tính lại, suy nghĩ mông lung, cuối cùng chốt câu “Uống tiện như trà, cả nhà ngon giấc”.

Thế nhưng trái ngược với sự hân hoan vui sướng của các “chuyên gia”, khi vừa nhận mẫu thiết kế này, một chị gái bên nhà thuốc đã “hồn nhiên” hỏi lại cô là:

“Em ơi, chị tưởng uống trà thì khó ngủ chứ sao lại ngon giấc hả em?”

Cô khựng lại ngay lập tức. Ừ nhỉ, sao mình lại không nghĩ tới điều này?

“Đúng là do em quá hiểu về sản phẩm nên trong đầu đã mặc nhiên chấp nhận ngay chữ “ngon giấc” khi gắn với Saffron. Còn như chị “chưa biết gì” về sản phẩm thì lại bị ấn tượng bởi chữ trà. Chị ơi, thôi khoan hãy triển khai, để em coi lại đã nhé”.

Tất nhiên, cả hai câu chuyện cô kể đều không phải muốn nói đến chuyện ai đúng ai sai. Mà các em có nhận ra rằng suy nghĩ và sự quan tâm của người này tuyệt đối không thể giống người kia?

Những cái “mình nghĩ”, “mình tưởng” thì không có nghĩa là người khác cũng “nghĩ và tưởng” như mình đâu nhé. Thế nên, khi làm truyền thông chúng ta nên lưu ý để đừng rơi vào bẫy của cái gọi là “tôi nghĩ”.

“Mình với ta tuy hai mà một
Ta với mình tuy một mà hai”

(Thơ Tản Đà)

Dù có giỏi đến thế nào, dù có nhiều kinh nghiệm ra sao, thì khi tìm hiểu sở thích, thói quen, và nói chung là đề cập tới insight của công chúng mục tiêu thì cứ mang con số và nghiên cứu ra nói chuyện.

Tôi nghĩ, tôi tưởng… dù nghe có vẻ rất hay và thuyết phục, cũng chỉ nên đề làm nguồn tham khảo. Vậy thôi.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long – Chú ý, đừng bỏ qua những câu chuyện bên lề được bổ sung dưới comment!

Xử lý khủng hoảng đừng tạo ra "sóng ở đáy sông"
Đừng dồn nông dân đến tận cùng bởi những thông tin gây hoang mang

Your email address will not be published. Required fields are marked *