Please log in or register to do it.

Chia sẻ với Infonet về trường hợp nam sinh bị oan trong vụ cô giáo ở Bình Thuận bị chồng tố vào nhà nghỉ với học sinh ông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) cho rằng: “Tại sao nạn nhân phải cứ tự xoay xở tìm cách bảo vệ mình trong khi cả xã hội dửng dưng và ngồi phán xét?”

Liên quan đến vụ việc cô giáo Bình Thuận bị chồng tố vào nhà nghỉ với nam sinh trong khiến một nam sinh khác bị oan. Ngày qua, một số báo chí phản ảnh nam sinh bị oan suy sụp tinh thần, phải đi viện và nằng nặc đòi không đi học. Với tư cách là một chuyên gia truyền thông, theo ông các đưa tin như vậy có vô tình khoét thêm nỗi đau cho nam sinh và cố súy cho các sống ủy mị, không dám đối diện với khó khăn hay không?

Nguyễn Ngọc Long: Tôi không cho rằng như thế là ủy mị. Bản thân em học sinh còn quá nhỏ, không có kinh nghiệm chống chọi với dư luận, và em ấy đang chịu ảnh hưởng, chịu hậu quả từ việc đó. Tôi đọc thông tin, coi hình ảnh thì thấy đồng cảm và thương cảm với em nam sinh chứ không hề nghĩ tới việc em ấy đang “ủy mị” gì cả. Mà ngay cả ai đó cho rằng như vậy là ủy mị thì cũng không sao. Cái chính là việc đưa tin như thế sẽ thể hiện rõ ràng 2 thông điệp:

Thứ nhất, em học sinh là nạn nhân, em bị oan, em bị cuốn vào một vụ việc ở trên trời rơi xuống.

Thứ nữa, em học sinh đang bị ảnh hưởng nặng nề cả về tinh thần và thể chất. Bất cứ ai đang ngây thơ cho rằng việc đăng tin lên mạng chỉ để cho vui, câu view, sai thì thôi sẽ phải nhìn nhận lại bản thân mình rằng mạng tuy ảo nhưng mình đã gây ra hậu quả thật. Tôi tin họ sẽ phải suy nghĩ lại.

Có thể ở khía cạnh nào đó cũng có tiêu cực, vì cái gì cũng có 2 mặt. Nhưng nếu phải chọn một cách để bảo vệ và đòi lại công bằng cho em học sinh này, tôi nghĩ nếu có ủy mị một chút cũng không sao. Còn hơn là để một mình em ấy chịu nỗi đau như vậy.

Nam học sinh đang bị ảnh hưởng nặng nề cả về tinh thần và thể chất.

Nhưng rõ ràng việc một vài tờ báo khai thác quá sâu đời tư nam sinh bị oan cũng không phù hợp…

Cái này thì chắc chắn không nên rồi. Vì em nam sinh này không phải người nổi tiếng, lại còn quá nhỏ, nên việc khai thác sâu vào đời tư sẽ khiến em bất đắc dĩ trở thành đề tài cho mọi người trên mạng trong khi tâm lý và độ tuổi chưa sẵn sàng cho việc đó. Như thế cuộc sống của em sẽ bị xáo trộn rất nhiều, gây ra những hậu quả không lường hết được.

Vậy theo ông, học sinh này có cần thiết gửi đơn yêu cầu các cơ quan báo chí đính chính, MXH ngừng đưa thông tin hay không? Và điều cần làm nhất lúc này của em là gì để bảo vệ bản thân?

Nguyễn Ngọc Long: Nếu các bạn là em nam sinh đó các bạn sẽ làm gì? Đi từng fanpage, từng group để thanh minh cho bản thân mình? Cố tỏ ra mạnh mẽ khi bị người này người kia xì xào ở sau lưng? Nhờ pháp luật bảo vệ? Đâm đơn kiện? Hay gì nữa?…

Với vai trò một chuyên gia, chắc có cả tá cả câu trả lời, nhưng rất tiếc, em học sinh này không phải chuyên gia. Thậm chí em ấy còn không ở độ tuổi của những người đang cố phán xét em ấy nữa. Em ấy đang là một học sinh, và nhiệm vụ của em ấy là ăn học chứ không phải gồng mình lên tự tìm cách bảo vệ bản thân với những người đang cố tình tấn công em ấy.

Ông Nguyễn Ngọc Long cho rằng: “Tại sao nạn nhân phải cứ tự xoay xở tìm cách bảo vệ mình trong khi cả xã hội dửng dưng và ngồi phán xét?”

Tại sao em học sinh này “phải làm gì” trong khi pháp luật, nhà trường, các hội đoàn có liên quan không làm gì để bảo vệ em ấy? Tại sao nạn nhân phải cứ tự xoay xở tìm cách bảo vệ mình trong khi cả xã hội dửng dưng và ngồi phán xét?

Còn với độ tuổi này, hoàn cảnh này, tâm sinh lý này, điều kiện này, ngay cả chính việc ủy mị để cầu xin sự quan tâm của truyền thông, qua đó đòi lại công bằng cho mình cũng là một cách quá hay, và có phần quá sức rồi. Xin đừng bắt em học sinh ấy phải từ vai trò nạn nhân trở thành người hùng trong mắt dư luận nữa.

Xin cảm ơn ông!


Nguồn: Báo Infonet

"Nước mắm" và tiêu chuẩn kép của truyền thông
Hào quang bong bóng

Your email address will not be published. Required fields are marked *