Please log in or register to do it.

Tóm tắt case: Trung tâm Tin tức VTV24 phát phóng sự, quay cận cảnh nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện Xanh Pôn (XP) thực hiện 2 hành vi: a- cắt đôi que thử xét nghiệm HIV và b- trộn 4 mẫu máu của bệnh nhân vào để xét nghiệm chung một lần.

> Lý do bùng phát khủng hoảng:

A- Dư luận đặt câu hỏi về việc có hay không vấn đề trục lợi. Ở hướng này, VTV24 đã mở ra thông tin rằng gói 100 que xét nghiệm trị giá 3.000.000đ và mỗi ngày XP thực hiện hàng trăm ca xét nghiệm.

B- Dư luận mặc nhiên lo sợ rằng việc này có thể gây sai lệch kết quả xét nghiệm của bệnh nhân. Ở hướng này, VTV24 đã mở ra thông tin rằng theo chuyên gia đầu ngành thì việc xét nghiệm muốn chính xác phải thực hiện ở X mil máu, nên kết quả thực hiện ở X/4 mil máu là không chính xác.

C- Câu chuyện về sức khỏe luôn là đề tài được quan tâm. Đặc biệt là cả “HIV” và “Viêm gan B” đều nằm trong concept “Người nổi tiếng” nên càng được quan tâm đặc biệt.

Hình ảnh minh họa việc kỹ thuật viên cắt đôi que thử xét nghiệm HIV & Viêm gan B – Cre: Chụp màn hình clip phóng sự VTV24

> Bệnh viện đã xử lý thế nào:

Ngay trong chiều 9-12, Bệnh viện Xanh Pôn đã tạm đình chỉ công việc với 3 cán bộ, trong đó có một phó trưởng khoa phụ trách Khoa vi sinh y học để làm rõ vụ việc. Đồng thời điều tra làm rõ xem các que thử dư ra là bao nhiêu và được đưa đi đâu.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng phủ nhận việc trục lợi, họ giải thích rằng que thử làm cho bệnh nhân là do một công ty bên ngoài cung cấp miễn phí và chỉ mang tính thử nghiệm.

Lãnh đạo Bệnh viện cho biết đang tiếp tục họp, rà soát lại toàn bộ sự vụ.

> Nếu chỉ nói về “Khủng hoảng truyền thông“, thì bệnh viện nên xử lý ra sao:

1- Chuẩn bị có đá banh, và khả năng cao là Vietnam vô địch, cùng với nhiều thông tin nóng sốt của Seagame, thì khủng hoảng của XP sẽ được “chia lửa” một cách tự nhiên.

2- Có lẽ VTV24 không định “đánh” Bệnh viện này nên đã tung ra 2 thông tin cùng lúc. Tội thì nặng, nhưng lửa truyền thông thì lại nhẹ. Nếu “đánh” một cách bài bản, thì phải khai thác tận cùng vụ Viêm gan B trước, rồi “bơm tiếp” thông tin vụ HIV ra sau, giống như một màn “lật mặt” thật là ngoạn mục.

Phân tích vậy để thấy, chính ra có 2 việc thế này, xét về phương diện truyền thông lại là cái may cho XP. Vì thực tế, dạo qua nhiều cuộc thảo luận trên cả main-stream media và social-media đều thấy xoáy vào việc trục lợi, trục lợi số tiền lớn, bên cạnh việc nói hành vi xét nghiệm kiểu này là táng tận lương tâm, đòi phải tử hình để làm gương.

Vậy, để lý khủng hoảng truyền thông thì XP hoàn toàn có thể “tự bơm”, “tự nhả” ra các thông tin về vấn đề trục lợi hay không trục lợi, trục lợi bao nhiêu, ai hưởng v.v… như một miếng mồi bẫy dư luận “bu vào”. Khi sự việc đó được đẩy lên thật cao, thì sai phạm ở phần xét nghiệm sẽ tự chìm xuống, ít nhất là với thói quen dư luận ở nước mình.

Mà khi sự việc đã chìm, hết HOT, thì tự nhiên truyền thông cũng giảm quan tâm đi, và mọi thứ có thể mang về xử lý nội bộ.

Nhưng…

KHÔNG CHỈ LÀ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG. SỰ VIỆC NÀY LIÊN QUAN ĐẾN Y ĐỨC, ĐẾN SỨC KHỎE, TÍNH MẠNG CỦA CON NGƯỜI. ĐÂY LÀ MỘT CUỘC KHỦNG HOẢNG NHÂN ĐẠO NÊN XIN BỆNH VIỆN XANH-PÔN ĐỪNG CÓ BẤT CỨ HÀNH VI HAY SUY NGHĨ GÌ VỀ XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG ĐỂ RỒI MỜ MẮT.

Xử lý cốt lõi, hậu quả của vấn đề với nguyên tắc trung thực, đạo đức luôn là cách xử lý khủng hoảng truyền thông tốt nhất, dù trong nhiều trường hợp nó không nhanh nhất hay rẻ nhất.

Nếu Bệnh viện Xanh Pôn định xử lý theo cách này, thì dưới đây là bộ câu hỏi gợi ý để Xanh Pôn tham khảo:

1- Việc cắt đôi que thử HIV và trộn chung mẫu máu để test viêm gan B được thực hiện chính xác từ thời điểm nào đến thời điểm nào?

2- Bệnh viện có truy ngược lại hồ sơ lưu trữ để lập được danh sách bệnh nhân đăng ký dịch vụ xét nghiệm này trong khoảng thời gian đó, và lùi về một vài tháng trước nữa không?

3- Bệnh viện có ngay lập tức liên hệ với các bệnh nhân đó bằng mọi phương tiện để thông báo cho họ biết rằng kết quả xét nghiệm của họ có thể bị sai, bằng mọi cách thức trực tiếp và gián tiếp hay không?

4- Bệnh viện có cách nào để lấy được thông tin khách quan, trung thực từ những bệnh nhân đó để lập được bản đồ lây nhiễm nếu có hay không? Giả sử như Anh A thực ra dương tính với HIV, nhưng đến Xanh-Pôn xét nghiệm lại thành âm tính, rồi về quan hệ tình dục với vợ là chị B, cùng với các bạn tình là chị C, chị D nào đó? Hoặc anh X có viêm gan B nhưng xét nghiệm âm tính, rồi sau đó đi chích ngừa viêm gan (đưa thêm virus vô người) dựa trên kết quả này thì khả năng cao là bội nhiễm?

5- Sau khi lập được danh sách bệnh nhân xét nghiệm trong suốt thời gian xảy ra vi phạm, cũng như danh sách những người có nguy cơ nằm trong vòng ảnh hưởng để ra danh sách tổng, thì bệnh viện có đủ nguồn lực, nhân lực và vật lực để tham vấn kiến thức dự phòng, đồng thời tái xét nghiệm cho tất cả những người này hay không?

6- Nếu câu trả lời ở 5 là không, không đủ, không thể. Thì phương án nhờ Bộ Y Tế hỗ trợ là gì?

7- Ngoài phát minh sáng tạo xét nghiệm kiểu trên trời với HIV và viêm gan B, bệnh viện có rà soát để phát hiện ra các xét nghiệm khác liệu có xảy ra sai phạm tương tự?

8- Nếu có, quay lại bước 1, mở rộng danh sách người có thể bị ảnh hưởng?

9- Với sự việc xảy ra, tại sao nó có thể xảy ra, quy trình bị thủng ở đâu? Và bệnh viện sẽ vá nó thế nào để đảm bảo sự việc tương tự không tái diễn trong tương lai?

Làm ơn hãy làm như vậy, chứ đừng tập trung vào xử lý khủng hoảng truyền thông gì thêm trong sự việc kinh hoàng này nữa!


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Khủng hoảng y đức ở bệnh viện Xanh-Pôn: Cơ hội vàng để truyền thông "cứu sống" hàng trăm nghìn người nhiễm HIV
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: "7 tiếng trên mạng xã hội thì thời gian đâu cho những giao tiếp thật?"

Your email address will not be published. Required fields are marked *