Please log in or register to do it.

ĐỂ HỌC GIỎI PHẢI BIẾT… NHÉT SỎI VÀO ĐẦU!

Đọc thêm:

Chuyện hộp cao http://on.fb.me/UBOuKZ
Chuyện đấu muối
Chuyện ly trà
Chuyện bức hình
Chuyện điện thoại
Tôi đã tự học thế nào?

Cách đây khoảng 7 năm, khi nhận nhiệm vụ làm “Brand Manager” kiêm “Marketing Manager” kiêm “PR Manager” cho trang nhacSO, mình chẳng biết gì truyền thông tiếp thị hay thương hiệu. Tất cả những gì mình có trong tay lúc đấy là vài bài báo được đăng lên theo kiểu cộng tác viên vãng lai của 1 tờ tạp chí công nghệ. Gửi 100 bài có thể được đăng đúng 1 bài! Mà cái “bài báo” ấy nó cũng chỉ đơn giản là bước 1 làm gì, bước 2 làm gì thôi.

Thực ra, khi ấy nhacSO giống như kiểu mô hình start-up hiện giờ. Tức là có những bạn trẻ máu lửa và nhiệt huyết có thừa mà kinh nghiệm thì đố tìm ra được. Cho nên cờ đến tay ai người ấy phất thôi. Khi sếp – là anh Phùng Tiến Công – nói rằng cần phải làm thương hiệu cho nhacSO thì mình mạnh dạn xung phong vì nghe cái chữ “Giám đốc thương hiệu” nó cứ oai oai thích thích. Mở ngoặc, chức đó cũng là chức tự phong luôn, đóng ngoặc!

Mình chẳng biết phải làm sao để làm thương hiệu? Nhưng chắc là phải viết nhiều bài lên báo để ca tụng nó cho long lanh đẹp đẽ. Vậy nên việc đầu tiên là cần… biết viết. Vậy thì mình đi học viết!

Mình lên trang diễn đàn Nhà Báo Việt Nam, “lôi” hết tất cả các bài hướng dẫn “kỹ năng báo chí” của nó về, in ra hàng tập giấy rồi vứt máy tính, ra ghế bố nằm đọc và nghiền ngẫm. Càng đọc càng thấy… ngu hơn như rơi vào mê hồn trận. Kiến thức thì nhiều lắm, như trời như biển nhưng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa? Đang đọc được một bài cấu trúc hình tháp ngược, định hăm hở ngồi viết để thực hành thì lại lòi ra bài “Làm sao để viết một mào đầu hấp dẫn?”, thế là tập trung vào viết mào đầu, và bị rối loạn trong đó luôn.

Nói chung, các kiến thức này sẽ tốt cho những người “đã biết gì”. Vì nó mang tính chất bổ sung thủ thuật, nắn nót – chuẩn hóa – đặc biệt hóa cho những thứ bình thường. Chứ nó không phải những thứ bình thường để cho một đứa “không biết gì” tham khảo. Thế nên mình bị rối. Có thể hình dung nó tương tự như cà vạt, nơ bướm, mũ tai bèo, hoa cài ngực, dây nịt, giầy dép và bít tất. Đầu tiên, bạn phải có quần áo chỉnh tề thì mới điểm tô mấy cái accessories xa hoa lộng lẫy đó lên người được, và mới trở nên đẹp đẽ. Còn đằng này, mình giống như một thằng thần kinh dở cởi truồng đội nón, cổ đeo cà vạt, lưng đeo dây nịt và đi giầy.

Thực ra thì nhìn cũng khiêu dâm nhưng giống thằng điên chứ không thấy đẹp! Thế nên, sau một hồi ngắm nghía chỉnh trang kiểu mang dây nịt buộc lên đầu, lôi cà vạt xuống quấn vào chân và lấy hoa cài ngực gài lên tóc thì mình quyết định… dẹp hết không học hành gì nữa! Tức là lại cởi truồng như cũ (nhưng thà như vậy còn đỡ lập dị và quái đản, ít nhất cũng sẽ có một số nhất định người thấy thích).

Mình bắt đầu tự tập tành viết báo theo “bản năng” và “bắt chước” những “cách viết” mà mình “cảm nhận” được khi đọc nhiều bài báo. Sau khoảng thời gian dài tạm ưng ý với khả năng viết lách mình mới quay trở về đọc lại những kiến thức năm xưa mình đã in ra. Khi này, mình thấy mọi thứ trở nên rõ ràng và hữu ích hơn nhiều lắm.

Đặc biệt trong số các bài viết ấy, mình tâm đắc với một bài hướng dẫn viết theo kiểu “nhặt sỏi”. Tức là khi gặp một vấn đề, nhà báo cần ghi chú lại, vì nó có thể chưa hữu ích lúc này nhưng sẽ hữu ích lúc sau. Cứ cần mẫn gom nhặt những viên sỏi đó lại, sẽ có những lúc mình triển khai một đề tài mà trong suy nghĩ lóe lên sự hiện diện của những viên sỏi cũ, tất cả sẽ được liên kết lại với nhau một cách vô cùng logic và hữu ích. Tổng hợp lại, mình sẽ có một bài viết đa chiều, sinh động, thuyết phục với nhiều lỹ lẽ, phân tích và dẫn chứng.

Bao nhiêu năm qua, mình đã cần mẫn làm người nhặt sỏi.

Có thể đó là những viên sỏi được ghi trên giấy; có lúc là “ghi chú” ở iPhone, hay lưu trữ trên Google Docs. Nhưng thực sự, tất cả đã được ghi nhớ ở trong đầu, khi cần là có thể sử dụng ngay. Việc đó lý giải tại sao và bằng cách nào mình có thể biến những điều đơn giản trở nên… đa dạng, nhiều màu sắc và mang nhiều ý nghĩa. Việc đó lý giải tại sao các bài viết của mình, về cùng một sự kiện mà ai cũng nói, về một vấn đề mà ai cũng thấy nhưng luôn có sự độc đáo riêng và những giá trị riêng trong đó.

Từ một tấm ảnh, đến ly trà hay hũ muối… đó là những hòn sỏi quyết định mang tính chất gợi nhớ. Và chuyện mình ngồi xuống để viết bài chỉ là việc gom góp lại những hòn sỏi “nhỏ nhặt” như vậy từ rất rất lâu trước đó, lắp ghép, gắn kết, sơn phết lại theo một cách hài hòa và sinh động nhất. Khi ấy, bài viết được hoàn thành.

Khi học về các môn học khác như Truyền thông, Tiếp thị, Quản lý, Điều hành… cũng có thể áp dụng y chang như vậy. Mình liên tục quan sát và nhặt nhạnh. Lâu lâu lại mang sỏi ra lắp ghép lại với nhau. Có khi ghép xong rồi thấy thiếu thiếu, thấy chưa hoàn thiện, mình lại gỡ sỏi ra cất đi chứ không coi là thành phẩm. Và cái chính là vì không có “kiến thức nền” nên mình không thể biết được “bức tranh tổng thể” đó thiếu hụt mất một hòn sỏi thế nào, màu sắc gì, hình dáng ra sao?

Nhưng bù lại, mình không bị giới hạn bởi một kiểu liên kết hay lắp ghép được coi là cố định và khuôn mẫu. Đôi khi mình lắp ghép ra những tác phẩm siêu nghệ thuật, dù rằng nó không được chấp nhận bởi số đông.

Trong suốt một khoảng thời gian dài với những nỗ lực tột cùng, mình đã có thể làm được những việc mà mình coi là “truyền thông số dzách”. Kiểu như khi có bất cứ một sự kiện gì, mình đều có thể nắm bắt được thông tin nhanh chóng, diễn dịch nó ra thành một thông cáo báo chí hay ho và hấp dẫn, gửi cho hàng trăm nhà báo và ngay lập tức có được vài chục bài đăng để nói về sự kiện.

Mình nghĩ như vậy là hoành tráng, như vậy là chuyên thông chuyên nghiệp và thứ dữ. Bây giờ thì mình thấy nó thật buồn cười và đáng xấu hổ!

Cho đến một ngày mình được tham gia khóa học Lập kế hoạch truyền thông của Thầy Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc T&A Ogilvy. Và cái lớn nhất của khóa học là giúp mình đang bay lượn trên 9 tầng mây đã ngay lập tức hạ cánh – hơi lố – xuống tận 18 tầng địa ngục!

Cái thế giới kỳ ảo, mới lạ, hấp dẫn và đầy sức mạnh mà thầy vừa hé mở khiến mình có cảm giác giống như một người vừa vẫy vùng trong bể bơi bị bước hụt chân rơi tòm xuống biển. Thế nhưng cũng vô cùng may mắn là mình đã kịp bắt nhịp rất nhanh sau đó để tiếp thu hết tất cả kiến thức mà thầy truyền dạy. Vì những khái niệm, định nghĩa và phương cách mà thầy giảng, đâu đó đã là những viên sỏi hiện hữu trong công việc hàng ngày, chỉ có điều mình không hiểu bản chất vấn đề, và không nhìn ra được bức tranh toàn cảnh, cũng không biết cách gắn kết những viên sỏi mà mình có lại theo một cách “hùng vĩ” nhất.

Có thể các bạn sẽ không tin, nhưng đó là lần đầu tiên và duy nhất mình được học một cách thực sự kiến thức của thầy Sơn. Và “khóa học” cũng chỉ diễn ra trong 16 giờ đồng hồ chia làm 2 ngày học. Bế giảng, thầy cũng có cho bài tập về nhà, mình miệt mài và thích thú, say mê làm rồi nộp (cả lớp không ai làm, không ai làm nổi). Nhưng việc “trả bài” đã vĩnh viễn không bao giờ được diễn ra dù mình chờ đợi mãi.

Nhưng việc ấy chẳng hề gì, vì cái lớn nhất, tinh túy nhất, giá trị nhất của khóa học thì mình đã “chiếm đoạt” được hết rồi.

Cho đến tận bây giờ mình vẫn kiên trì với phương pháp nhặt sỏi nhét vào đầu như vậy. Mình có đủ người để hỏi nhưng mình không bao giờ hỏi khi chưa thử tự mày mò khám phá với những viên sỏi mà mình có. Bởi vì, trong quá trình tự đặt ra các câu hỏi và tự trả lời, mình đã phải làm thử hàng trăm lần việc lắp ghép và gắn kết. Với mỗi lần phá đi làm lại, mình lại khám phá ra nhiều viên sỏi mới, nhiều kiểu lắp ráp hay ho và sáng tạo mà nếu ngay lập tức đi hỏi thầy hay xem sách, mình sẽ không bao giờ biết đến sự hiện diện diệu kỳ của nó.

Nói chung, bây giờ trong đầu mình có rất là nhiều sỏi. Hay giang hồ thường gọi là thành phần “có sỏi trong đầu”. Dân gian thì kêu là “Long đầu đất”. Và mình sẽ rất thích thú nếu có thêm nhiều đồng bọn đầu đất giống mình!

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Tin vui từ khách hàng
Đàm Vĩnh Hưng bị phạt vì khóa môi?

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Sỏi thì ai cũng nhặt, quan trọng là có cơ hội để dùng đến sỏi hay không.
    Có người thì miệt mài nung nấu sỏi chờ cơ hội không đến. Đành nhặt những viên sỏi khác cho cơm áo gạo tiền.
    Có người thì cơ hội đến do nhiều nguồn khác nhau, lúc đấy mới đi tìm nhặt sỏi. Có người trang bị cho mình những hòn sỏi nhỏ, gặp cơ hội tích trữ lại thành hòn sỏi to rồi đem ra mài giũa tôi luyện.
    Cái ngày 7 năm trước, dân online toàn vào nghenhac.info, hoangclub.kiss.to… Sau khi nhacso.net xuất hiện thì mọi thứ bắt đầu thay đổi dần dần. Thời thế tạo anh hùng, không có sự kiện ấy sao có được Bloger NguyenNgocLong BlackMoon như ngày hôm nay.
    Cảm ơn anh vì bài viết – rất nhiều những bài viết khác – mang tính chất chia sẻ của anh.