Lên youtube tự nhiên bị đề xuất chương trình này, thấy có mặt Cindy nên ngồi coi. Và thấy không uổng thời gian, vì thông điệp Cindy mang tới qua những gì cô ấy chia sẻ quả thực rất nhân văn.
Không chỉ là vấn đề giới tính, mà còn là mối quan hệ trong gia đình, giữa cha mẹ và con cái; chuyện yêu và được yêu, sự sống và cái chết.
Lần đầu tiên biết tới Cindy qua loạt phóng sự “Tôi đã từng phải là đàn ông”. Một series cực kỳ hay và ý nghĩa, mình nghĩ ai cũng nên xem.
Sau đó mình bắt đầu “để ý” cô ấy và tìm hiểu nhiều hơn. Càng biết nhiều thông tin, càng quý mến người phụ nữ này và so với nhiều người chuyển giới khác mình biết, Cindy quả thật “đàn bà hơn cả đàn bà”, tài năng hơn cả tài năng.
Chỉ tiếc kịch bản chương trình hơi tham lam, dàn trải nên nói được nhiều mà thiếu điểm nhấn.
Nếu khai thác cuộc đời Cindy thì nên tập trung vào tình yêu và vai trò làm vợ, làm mẹ sẽ hay hơn và độc đáo hơn (tất nhiên cũng sẽ khó hơn gấp bội phần). Vì đấy mới thực sự là góc khuất mà cô ấy giấu kín với truyền thông, chứ còn chuyện chuyển giới, phẫu thuật rồi làm nghề thì đã nói quá nhiều rồi.
Vẫn nhớ buổi trưa hôm ấy, đang chạy xe mà thấy điện thoại rung 3, 4 cuộc khiến mình nghĩ người gọi có điều gì hệ trọng lắm đây. Tấp xe vô lề, móc điện thoại ra thì thấy cô ấy gọi và hét lên “anh ấy tỏ tình Cindy đấy”, như một đứa con nít.
Cứ tưởng mọi thứ đã thật là viên mãn và bình yên sẽ đến với cô. Chẳng ngờ đang trong lúc hạnh phúc nhất thì người đàn bà ấy lại thêm một lần phải khóc. Nhưng mình nghĩ, Cindy vẫn tìm được hạnh phúc trong tận cùng nỗi đau khi bị và được “để tang chồng”.
Lên facebook Nguyen Thai Tai, thấy bài viết gần nhất vẫn có hình chụp bàn thờ của chồng cô ấy và những đoá hoa tím biếc thuỷ chung. Thấy có chút gì đó chạnh lòng. Vừa thương, vừa ngưỡng mộ, vừa cảm mến một tài năng quá lận đận, long đong nhưng đầy nghị lực (được siêu mẫu Nguyen Xuan Lan gọi là thầy ở Vietnam thì được mấy người?)
Chỉ mong từ nay, người phụ nữ ấy sẽ luôn hạnh phúc.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long