Tháng tư ngày 29, buổi trưa trời xanh trong rất đẹp, nắng ấm áp và người thì đông vô cùng. Từ thuở bé, chưa bao giờ tôi nhìn thấy một cảnh đông người như hôm ấy. Còn con nít nhưng tôi không hề khóc, mà đã rất thích thú những con tầu đủ kích cỡ và mầu sắc ở bến Bạch Đằng, Saigon. Mẹ lôi đi đâu tôi theo tới đó nhưng hai con mắt vẫn cứ dán chặt và đọc tên từng con tàu “Đông Hải”, “Long Hồ”, “Trường Xuân”…
Rất nhiều tàu neo đậu kín dọc bờ sông. Tâm trí bé xíu không thể nhớ hết nhưng ngay lúc đó tôi đã trầm trồ trong bụng rằng ôi sao người ta đặt tên cho bọn nó hay đến thế? Tôi thích những sợi dây xích to ơi là to, những khoang tàu nhiều tầng có cửa sổ, cửa ra vào, có lan can và cầu thang lên xuống trông giống hệt những con tàu đồ chơi của tôi, chúng hoàn toàn thu hút tôi. Bây giờ nghĩ lại, cố gắng mấy tôi cũng không nhớ được rõ nét về đám người đông đột biến ngày hôm ấy, đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy và cũng là lần duy nhất trong đời.
Tuy nhiên làm gì thì làm, mê mẩn những con tàu đến đâu thì tôi cũng vẫn nghe rõ từng lời của ông ngoại hoặc mẹ dặn và răm rắp tuân theo. Có những người ngoại quốc cầm máy chụp hình hoặc quay phim cứ đến gần chỉa chỉa vào chúng tôi, mẹ tôi dùng nón lá che chúng tôi lại, ông ngoại bảo “Quay mặt đi, đừng để chúng nó quay phim con”. Trái ngược với thời nay nhiều người rất thích được lên tivi, thời đó thì ai cũng tránh né những cái ống kính chỉa vào mình.
Rất nhiều gia đình ở vào hoàn cảnh mẹ dắt bầy con chạy lung tung, không có bố, vắng mặt bố, gia đình tôi cũng vậy. Lúc ấy bố tôi đang trông nom ông bà nội ở bên hướng Thị Nghè, chỉ có vài anh em chúng tôi với mẹ và gia đình ngoại [vốn ít người] ở đâu đó gần đài phát thanh đường Nguyễn Đình Chiểu. Sự vắng mặt của bố đã giúp cả gia đình tôi không đi đến quyết định bước lên một con tàu nào, và sau đó nhiều năm, lớn khôn, tôi đã thầm cảm ơn điều may mắn ấy.
Nếu mạnh dạn bước lên một con tàu nào đó vào ngày hôm ấy, chắc chắn giờ đây gia đình tôi đã đang trôi trên một hành trình khác, tất cả anh em chúng tôi, chắc chắn mỗi đứa đã có một sự nghiệp khác, biết có được yên vui, hạnh phúc, ấm êm như gia đình tôi bây giờ không? Có yêu thương đùm bọc lẫn nhau như anh em chúng tôi bây giờ không? Nhất là tôi, biết tôi có còn là tôi như bây giờ không? Hay tôi đã mất đi cả cội rễ, đã quên đi cả tiếng mẹ, cứ xí xồ tiếng Mỹ cao bồi và khinh khi những người Việt, những đồng bào của mình đến nước Mỹ sau mình?
Tất cả đều là may mắn. Cho đến tận bây giờ trong mỗi công việc, mỗi giai đoạn, mỗi hoàn cảnh, xin lỗi nói thật cả đến chuyện yêu đương tôi cũng vẫn luôn gặp may mắn. Có quá nhiều sự may mắn mà tôi cứ thụ hưởng chứ cũng chẳng thể nào hiểu nổi tại sao mình có được. Tạ ơn Chúa, tạ ơn trời Phật về tất cả những ơn lành không sao hiểu nổi. Cám ơn từng người, từng người, từng người đã yêu thương tôi.
Hình minh họa trong bài là bến Bạch Đằng ngày 28 tháng 4 năm 1975. Qua ngày 29 người ta đông hơn, nhiều con tàu cặp sát bờ hơn, tôi thấy có những người đã ở trên boong tàu thả dây thừng xuống cho những người còn trên bờ đu dây trèo lên, vì cầu lên tàu không còn chỗ nào có thể chen chân.
Khi này thành phố hoàn toàn giới nghiêm, dây kẽm gai giăng ngang những con đường và có nhiều quân cảnh cầm súng đứng trấn giữ. Dượng của tôi có thẻ phóng viên chiến trường, tiến đến trình chiếc thẻ và họ mở dây kẽm gai cho xe của chúng tôi đi qua. Nghiêm ngặt là thế mà chẳng hiểu bằng cách nào người ta lại đến được bến Bạch Đằng, đông đảo hơn cả bây giờ người Saigon đi xem bắn pháo hoa ngày tết.
Ở bến Bạch Đằng, tiếng người gọi nhau trộn lẫn tiếng đạn nổ cùng mọi thứ âm thanh gào rú trong một khung cảnh hỗn loạn mà đến cả siêu phẩm điện ảnh “Heaven and Earth” của Oliver Stone cũng chưa tái hiện được đúng mức. Một chú hàng xóm chạy băng qua chỗ chúng tôi, nhìn thấy mẹ tôi, chú dừng lại, hét rất lớn:
– Tại sao chị còn đứng đây? Lên tàu đi!
– Biết nó đi đâu mà lên hả chú?
– Trời ơi giờ này chị còn hỏi đi đâu? Đâu cũng được, miễn là ra khỏi Việt Nam.
Rồi chú ấy lại chạy mất tiêu. Lát sau lại có những người khác, lạ hoắc, đến gần và nói giọng nhỏ nhẹ hơn:
– Đừng lên tàu nhé, nó chở hết sang Nga xô đấy.
Chỉ nhiêu đó thôi, chẳng biết có đủ cho bạn hình dung được cái sự hỗn loạn, nhiễu nhương vào lúc ấy không. Có lẽ người của cả 2 bên chiến tuyến đã cùng có mặt ở bến Bạch Đằng ngày đó.
Vắng mặt bố tôi, như đã kể ở bức hình trước, gia đình tôi và cả bên ngoại [vốn ít người] quyết định ở lại. Nhưng hình như không thể quay về nhà cũ hay sao đó, dượng tôi đưa mọi người ghé vào trú ngụ ở nhà một người bạn, trong một khu chỉ có vài căn hộ lớn, với tường thành bao bọc chung quanh có vẻ rất kiên cố, ở cổng của khu nhà đó có bốn chữ “Tổng Nha Quan Thuế”, hình như là vậy. Tôi chẳng thể nhớ nó nằm ở đường nào nhưng có lẽ cũng gần bến Bạch Đằng thôi, bây giờ tôi đoán thế.
Những căn hộ ít ỏi trong khu nhà đó đều đã đi đâu hết cả, cửa đóng im ỉm, chỉ còn mỗi gia đình người bạn của dượng tôi, họ cũng có vài đứa trẻ trạc tuổi anh em chúng tôi, và thế là chúng tôi đã cùng nhau ăn uống rồi nô đùa, vật lộn, chẳng hề biết cũng chẳng thèm quan tâm ở bên ngoài tường rào kia đang diễn ra những chuyện gì. Chỉ hơi buồn một chút là không có tivi để xem. Bật tivi lên chỉ có một màn hình trắng xác với âm thanh “u u u” như lúc tivi bị hư hoặc bị đứt dây ăn-ten vậy.
Người lớn cứ ngồi chụm lại xầm xì, nhỏ to với những nét lo âu, căng thẳng. Bọn trẻ chúng tôi cứ ăn no lại nô đùa rồi lăn ra ngủ, cứ như mọi ngày bình thường, cứ như chiến tranh không hề hiện hữu. Tối ngày 29 tháng tư, sau bữa tối và những hồi vật lộn, bọn trẻ chúng tôi ngủ rất say sưa, ngon lành.
Xế trưa ngày 30, sau một đêm ngon giấc, thức dậy đã thấy bố tôi đang ở chỗ chúng tôi tự lúc nào, có lẽ là vào tối ngày 29 hoặc sáng sớm 30. Bố tôi rất giận dữ vì cả nhà đã tự ý di chuyển mà ông không hề biết. Khi nghe kể rằng chúng tôi đã ở bến Bạch Đằng vào hôm trước, chỉ thiếu bố tôi mà mọi người không lên tàu, bố tôi đã gào lên:
– Nếu mà đem lũ con tôi đi đâu, tôi sẽ đập đầu vào tường mà chết.
Mẹ tôi, dì tôi và bà bác chủ nhà cùng ở trong nhà bếp lục tìm những thứ còn lại để chuẩn bị bữa trưa. Những người đàn ông thì chụm lại chuyện trò và mọi người đều như có vẻ chỉ ngồi chờ từng thời khắc trôi qua. Vào khoảng giữa trưa thì tôi nghe rõ tiếng dây xích bánh xe tăng nghiến ầm ầm mặt đường lộ, tôi hình dung những chiếc xe tăng to đùng đang chầm chậm chạy ngoài kia, ngay trước khu nhà mình đang ở, tôi háo hức lắm, chỉ muốn chạy ra xem xe tăng.
Không một người lớn nào bước ra để tôi có thể đi theo, tôi cứ đứng nhìn ra ngõ, cái hướng mà từ đó những âm thanh ghê rợn của đoàn xe tăng đang vọng vào. Ông ngoại tôi là người điềm tĩnh vô cùng, chưa bao giờ tôi nghe thấy ông ngoại kêu ca, than vãn hoặc biểu lộ một cảm xúc nào dù ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Tôi tiến lại nói nhỏ chỉ đủ cho một mình ông ngoại nghe:
– Con muốn đi xem xe tăng.
Ông ngoại đồng ý ngay và thế là hai ông cháu tôi đã cùng ra đường xem xe tăng. Tôi thích thú lắm, cảm giác yêu thích từ những món đồ chơi nhỏ xíu bằng mủ mà giờ đây đã được nhìn thấy chúng bằng đồ thật đó mà. Lúc đó tôi thấy con đường lớn hơn, dòng người hai bên đường đông kín hơn và trên tay mỗi người đều cầm lá cờ nhỏ xíu, một nửa mầu xanh blue, một nửa mầu đỏ và ngôi sao vàng nằm ở giữa.
Từ trong nhà, ông cháu tôi làm gì có lá cờ ấy, và tôi nghĩ cả đám đông kia cũng vậy. Có ai đó ôm một đống những lá cờ như thế và cứ lần lượt đi phân phát cho từng người trong đám đông. Họ chỉ phân phát cho người lớn, phát cho ông ngoại tôi mà không thấy phát cho tôi. Hoặc có thể là họ đã không nhìn thấy tôi bé xíu xiu lọt thỏm trong biển người, lá cờ mà tôi cầm là tôi xin của ông ngoại. Và rồi tôi cũng bắt chước mọi người lớn đang reo hò, cứ giơ lá cờ lên vẫy vẫy mỗi khi một chiếc xe tăng đi qua.
Những chiếc xe tăng ấy đang đi đâu vậy? Tôi biết chết liền. Sau một lúc, ông cháu tôi trở vào nhà ăn trưa.
Đến chiều, ham ra ngoài chơi quá, và lại muốn đi xem những người lính “Việt Cộng”, tôi đã lẻn đi một mình, không có cả ông ngoại. Cứ tản bộ trên những lề đường, tôi ra đến một quảng trường rộng lớn lắm, mà tôi nghe người lớn họ gọi chỗ đó là Khánh Hội, chỗ nào cũng đông quá chừng lính “Việt Cộng”, mỗi người đều có súng, một số người còn nguyên những cành lá trên ba-lô chưa tháo vứt đi nữa.
Rồi tôi đến xem ở ngay trước một tòa nhà, mà bây giờ tôi nhớ khung cảnh đó có thể là tòa đô chánh [UBNDTP ngày nay] hoặc là nhà hát thành phố hay sao đó, họ quây hàng rào có khung sắt theo hình vòng cung trước tòa nhà, bên trong dàn hàng theo vòng cung đó là những người lính “Việt Cộng” bồng súng đứng rất nghiêm nghị, bên ngoài vòng rào là cơ man dân chúng đứng xem, tôi len lỏi vào trong cùng, hai tay nắm khung sắt của vòng rào và tha hồ ngắm nhìn những người lính “Việt Cộng”.
Có một bà cụ đứng sát sau lưng tôi, nhưng cao hơn tôi nhiều cho nên chỉ cần với tay bên trên đầu tôi thì xem như bà nắm được cái chú “Việt Cộng” trước mặt tôi. Bà ấy mếu máo nói, như hỏi thăm chú “Việt Cộng” đó về con của bà:
– Con ơi, dì có đứa con nó tên đó, đi theo cách mạng từ năm đó, con có nghe biết gì về nó không?
Tôi cứ ngoái lên nhìn mặt bà ấy, mỏi cổ muốn chết, nhưng sao không thấy có nước mắt, mà nghe giọng thì như bà phát khóc rồi vậy, nhỏ xíu như lúc đó mà tôi đã thoáng nghĩ ngay rằng: “Bà này khóc giả bộ hả?”. Rôi tôi lại nhìn cái chú “Việt Cộng” đó, chú ấy không hề trả lời và dường như không muốn bận tâm đến bà cụ. Tôi bé xíu còn nghi ngờ bà khóc giả bộ, thì một người lớn như chú “Việt Cộng” đó dễ gì tin bà chứ?
Ở vào thời điểm đó, nói chung là vô cùng hỗn loạn, chánh phủ lâm thời chưa thể nào kiểm soát được tất cả, cho nên đã có rất nhiều kẻ cơ hội, điếm đàng, lưu manh, thừa nước đục thả câu, cứ tự đeo một giải băng vải mầu đỏ vào cánh tay áo rồi đi hù dọa, trấn lột mọi người.
Nay thì đã tròn 38 năm trôi qua. Hơn một phần tư thế kỷ, gần bốn thập niên rồi.
Những đứa trẻ chào đời sau ngày tháng đó, nay cũng đã trở thành những người chồng, người cha, rường cột một gia đình, trở thành những người vợ, người mẹ có những đứa con đã chuẩn bị trưởng thành hết cả. Dĩ nhiên vẫn còn đó biết bao thứ hằn sâu tận cùng tâm thức, chưa thể nào bôi xóa được. Vẫn còn đó lằn ranh hai mầu đỏ, vàng giữa đôi bên thắng, thua, giữa kẻ được, người mất. Vẫn còn đó biết bao hệ lụy của người lớn với nhau khi tôi chỉ là một đứa trẻ thích xe tăng, tàu bay mà đến nay tôi đã mất đi quá nửa đời rồi. Vẫn chưa bao giờ dứt chửi bới, đổ lỗi cho nhau “bên tao chánh nghĩa, bên mày ác ôn”.
Riêng tôi, lớn lên rồi tôi đã được biết thêm nhiều sự thật, và những kiến thức tự tìm kiếm đã hình thành trong tôi một khái niệm riêng, có thể không giống với ai, có thể nói ra bị chửi. Nhưng quả thật đối với tôi, tôi không bận tâm ai đúng, sai trong cuộc chiến giành giật, không bận tâm kẻ thù của bác này là ai, của chú kia là ai, tôi chỉ nhận biết kẻ thù của tôi, cũng có thể là của cả dân tộc Việt, là những kẻ đã tạo ra cuộc chiến, thúc đẩy cuộc chiến lên đến mức cao trào nhất rồi ươn hèn trốn chạy bỏ mặc cho người Việt Nam huynh đệ tương tàn.
“Gia tài của Mẹ để lại cho con, gia tài của Mẹ là nước Việt buồn”.
[Khánh Ly – Trịnh Công Sơn]
Ghi chú:
– Bài gốc đăng thành 3 kỳ của anh Thái Thịnh, hiện đang sống tại Salt Lake City, Utah.
– Bài trên facebook Nguyễn Ngọc Long đã được ghép nối và biên tập lại dựa trên sự đồng ý của tác giả.
– Tít bài do Nguyễn Ngọc Long đặt lại.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 01, 2013 at 06:14PM)