Please log in or register to do it.

Cách đây 6 năm, trong một cơn vật vã lên tới đỉnh điểm cuồng loạn tìm kiếm cơ hội để có trong tay tấm bằng đại học, tôi đã quyết tâm đăng ký tham gia chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL của Tổ hợp giáo dục Đào tạo doanh nhân Pace.

Tất nhiên, cuối cùng tôi đã trượt cái vèo khỏi vòng phỏng vấn. Mà thậm chí còn chưa được phỏng vấn, mà mới chỉ dừng ở bước tự sướng qua email của chương trình gai góc này thôi. Nhưng trước khi bị out, tôi đã kịp tham gia khóa học “Quản trị cuộc đời” của ông Giản Tư Trung (hiệu trưởng trường Pace) dành riêng cho những sinh viên ưu tú hiện tại của IPL.

Vì tôi có mối quan hệ quen biết với bạn Giám đốc IPL (thật là một quá khứ xấu hổ).

Có thể ngày hôm đó, tôi đã tâm đắc với rất nhiều điều mà ông Trung thuyết giảng. Nhưng đến bây giờ, khi ngồi nhớ lại để kể chuyện cho các bạn nghe, tôi chỉ nhớ lại đúng 3 điều. Và suy ra, đó là 3 điều mà tôi tâm đắc nhất.

1- Ông Trung rất hay đưa ra các câu nói của các vĩ nhân, hoặc đại khái là những người vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam cũng như trên thế giới đông tây kim cổ. Mỗi câu nói được đặt trong một slide, to choán hết cả màn hình, và dưới cùng là dòng chữ nhỏ ghi tên tác giả. Và cài cắm trong hàng trăm trang slides đó, có rất nhiều trang slide chen lẫn vô là các câu nói mà tên tác giả ghi phía dưới chính là Giản Tư Trung!

Điều này khiến tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi tự hỏi tại sao ông Trung có thể “trơ trẽn” như vậy nhỉ? Làm vậy chẳng khác nào ông ấy tự cho rằng ông ấy cũng chẳng khác gì các vĩ nhân trên thế giới. Mặc dù các câu nói ấy thì ngẫm ra cũng đúng và hay ho thật!

Nhưng đó là suy nghĩ của 6 năm về trước. Còn bây giờ, trong khi soạn các slide chia sẻ cho buổi Offline Truyền thông Trăng Đen ứng dụng Xây dựng thương hiệu cá nhân (http://bitly.com/thuong-hieu-ca-nhan), tôi cũng làm như thế. Và tôi sẽ khuyến khích những người tham gia offline cùng làm như thế ở bất cứ nơi nào có thể (tất nhiên là kèm theo một vài điểm chốt để cho việc đó trở nên không còn trơ trẽn và không bị cộng đồng ném đá).

Bởi vì thực ra, nếu chúng ta có một tài năng hoặc phẩm chất đặc biệt nào đó mà không công bố rộng rãi cho mọi người được biết, thì mãi mãi nó cũng chỉ là những tài năng bị vùi lấp mà thôi. Cũng chẳng có luật lệ nào quy định rằng “một người bình thường” thì không được phát ngôn và đặt tên của mình vô đó. Chẳng phải cả xã hội vẫn đang mặc nhiên ghi nhớ và sử dụng câu tuyên ngôn nổi tiếng “Không có tiền thì cạp đất mà ăn” của Ngọc Trinh đó hay sao? Mà Ngọc Trinh thì, tất nhiên, không phải một vĩ nhân.

2- Ông Trung cho (chúng) tôi xem một biểu ngữ kêu gọi học tập dành cho các học sinh bên nước Mĩ, đại khái là “Học tập vì tương lai tốt đẹp của chính các bạn”. Sau đó ông Trung hỏi, còn tại Việt Nam, các bạn học tập vì điều gì? Để trả lời cho câu hỏi đó, slide trình chiếu một số lời “hiệu triệu” kêu gọi học sinh sinh viên học tập để góp phần xây dựng tổ quốc, xây dựng đất nước công bằng – dân chủ – văn minh.

Rồi ông Trung hỏi trong số các bạn ở đây (cũng khoảng trên dưới 500 sinh viên), thì những ai thực tâm mong muốn học tập với mục tiêu lớn nhất là xây dựng tổ quốc xin hãy giơ tay. Có vài cánh tay giơ lên dè dặt, trong đó có tôi. Mặc dù thực sự trong lòng, tôi chỉ nghĩ đi học là để có việc kiếm cơm thôi, nhưng vì bản tính thích hay nói ngược với những gì người khác muốn nên tôi giơ tay… chơi vậy đó!

Ông Trung khuyên chúng tôi là hãy thôi nói về những điều to tát mà không mang lại một chút giá trị thiết thực nào cho người tiếp nhận. “Hầu hết mọi người quan tâm tới cái lợi họ sẽ có, trước khi quan tâm xem “đất nước” được cái gì. Vì tôi biết, trong suy nghĩ của các bạn thì học giỏi chỉ đơn giản là để đi xin việc”.

3- Vậy bao nhiêu người trong số các bạn đã từng hoặc sẽ đi xin việc? Ông Trung hỏi tiếp. Và đợi cho tất cả cùng giơ tay lên thì ông Trung nói ông rất thất vọng và bày tỏ mong muốn rằng học viên của IPL sẽ không có bất cứ ai phải viết đơn xin việc.

Ông Trung đề nghị tất cả những người có mặt trong khán phòng từ giờ chỉ được viết “Thư đề nghị hợp tác” với nội dung (đại khái) là được biết công ty của ông/bà đang cần người cho vị trí ABC, và tôi thì rất giỏi trong ABC nên tôi đề nghị chúng ta hợp tác cùng nhau với các quyền lợi và trách nhiệm như sau…”.

Có nhiều tiếng xì xào bàn tán, rằng thế thì chết đói hết cả lũ với nhau. Vì cho dù mình giỏi thật, nhưng cái thái độ thế thì người ta không chấp nhận. Có bạn giơ tay phản biện “Thưa thầy, như vậy chắc chắn người ta sẽ không nhận mình vô làm vì cho rằng mình chảnh”. Ông Trung nói “Một công ty như thế thì không xứng đáng được hợp tác với mình”.

***

Thực ra, lý luận của ông Trung không phải là không đúng. Nhưng tôi cho rằng nó sẽ không thật đúng với số đông. Bạn hoàn toàn có thể viết Thư đề nghị hợp tác hoặc thậm chí chẳng cần viết một lá thư nào, mà người ta vẫn phải thèm khát tìm kiếm mời bạn tham gia cộng tác. Khi bạn có Thương hiệu Cá nhân đủ mạnh. Trong đúng lĩnh vực mà doanh nghiệp đang khát nguồn nhân lực cấp cao.

Nhưng xây dựng Thương hiệu Cá nhân không phải là công việc có kết quả một sớm một chiều. Thậm chí, ngay cả khi bạn có Thương hiệu Cá nhân đủ mạnh rồi, cũng không phải ngày một ngày hai mà các doanh nghiệp hay các công ty head-hunter ùn ùn kéo tới tìm bạn mời cộng tác. Và khi mời cộng tác, mức thù lao không phải lúc nào cũng tương xứng với giá trị mà bạn mang lại hoặc đúng với kỳ vọng của bản thân bạn.

Đây là một thách thức rất lớn mà chẳng có bài diễn thuyết nào chịu nói cho bạn biết hoặc đối thoại với bạn một cách dân chủ và minh bạch. Người ta hay thích vẽ ra những tương lai sáng lạn và tô hồng mọi thứ. Điều đó đúng, nhưng việc vẽ ra cả những mảng mầu tối là những khó khăn, trắc trở và rào cản mà bạn cần phải đối mặt cũng không kém phần quan trọng.

Trong phạm vi kiến thức và kinh nghiệm của mình ở lĩnh vực Xây dựng Thương hiệu Cá nhân, tôi sẽ hướng dẫn các bạn Kỹ năng định giá bản thân trong buổi Offline thứ nhất (http://bitly.com/thuong-hieu-ca-nhan). Để ngay cả khi phải đi xin việc, bạn vẫn có những đề nghị hợp tình hợp lý về mức lương hàng tháng và các khoản phụ cấp mà bạn xứng đáng được nhận. Chấm dứt những lời than vãn “chẳng biết đưa mức lương bao nhiêu là hợp lý”, “em muốn lương 10 triệu vì mặt bằng chung là như thế”, “em muốn lương 12 triệu vì công ty cũ trả em như vậy”…

Và cuối cùng, tôi cũng chia sẻ cho các bạn biết một trong những sai lầm lớn nhất mà nhiều người mắc phải trong nỗ lực Xây dựng thương hiệu cá nhân một cách “tự phát” chính là lựa chọn sai thời điểm.

Việc xây dựng thương hiệu cá nhân không bao giờ được phép trì hoãn, bạn cần phải bắt đầu ngay lập tức, ngay lúc này đây, ngay khi đang đọc bài viết của tôi. Nhưng vấn đề là bạn KHÔNG ĐƯỢC ĐẶT TRỌNG TÂM VÀO VIỆC ĐÓ Vì làm như vậy, bạn sẽ… chết đói ngay! Tất cả nỗ lực làm thương hiệu cá nhân của bạn sẽ khiến bạn gặp hàng ngàn hàng vạn khó khăn, bạn sẽ nản chí và bỏ cuộc. Cuối cùng, bạn lại quay trở lại với cái máng lợn quen thuộc và khinh thường, dè bỉu tất cả “những đứa đang muốn tạo dựng thương hiệu cá nhân”… như bạn!

Vậy đâu là thời điểm đúng để đặt trọng tâm cho việc Xây dựng Thương hiệu Cá nhân? Bước đầu tiên để Xây dựng Thương hiệu Cá nhân là gì? Xin mời các bạn theo dõi vào bài viết tới. Cảm ơn đã đọc và hãy chia sẻ cho bạn bè của bạn cùng đọc được, để tránh những sai lầm đáng tiếc trong công việc và cuộc sống.

((( Copyright © 2013 by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Founder Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ – Các bạn được share thoải mái trên facebook cá nhân, các trường hợp khác xin liên hệ để được cấp phép )))

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – October 18, 2013 at 08:42AM)

Đâu là bí mật để có thu nhập 500 triệu một ngày?
Trong hàng ngàn hàng vạn điều tốt việc thiện chúng ta làm thì chữ HIẾU cần phải đặt lên trên hết

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Hay quá, bài viết của anh đúng là thứ em đang tìm kiếm <3