Please log in or register to do it.

Mạng xã hội đang “dậy sóng” trước clip của Thuỷ Tiên phát quà từ thiện do các cá nhân, tổ chức uỷ thác cho cô thực hiện tại Kỳ Thịnh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Trong clip máy quay lia đến một loạt các cụ ông, cụ bà đi một chiếc dép (thực chất là các cụ ngồi lên 1 chiếc dép còn lại – PV), kèm theo đó là tiếng của nữ ca sĩ Thủy Tiên “trời ơi tội nghiệp không, còn có chiếc dép à?”…

Lập tức, đoạn clip này đã gặp nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng Thuỷ Tiên “diễn lố”, trong khi không ít người tỏ ra không hài lòng, cho rằng cô quay clip theo kiểu thiếu trân trọng những người gặp khó khăn vì mưa lũ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Thủy Tiên quay clip chủ yếu để minh bạch hoá thông tin quá trình đi hỗ trợ tới những người đã quyên góp. Trong đó, cô và trợ lý của mình đã có phần sơ suất, thiếu tinh tế dẫn tới những ý kiến chê trách.

Mạng xã hội đang “dậy sóng” trước clip của Thuỷ Tiên phát quà từ thiện

Không bình luận cụ thể về trường hợp clip của Thuỷ Tiên do không xem livestream nhưng blogger Nguyễn Ngọc Long​ (Founder Truyền thông Trăng Đen​) cho rằng các tổ chức, cá nhân hoàn toàn có thể quay clip khi đi làm từ thiện. Bởi đó là một trong những cách để minh bạch hoá thông tin và để phục vụ công tác tuyên truyền. Khi mình thay người khác đi trao gửi tấm lòng của họ thì ngoài minh bạch hoá thông tin, tuyên truyền rất quan trọng.

“Khi bạn muốn làm công việc có sự chung tay của nhiều người, lan toả nhiều hơn nữa công việc đang làm thì bạn cần phải tuyên truyền, truyền thông để kêu gọi thêm. Việc quay clip lại chính là tư liệu. Do đó, quay clip hoàn toàn nên thực hiện”, anh Nguyễn Ngọc Long cho biết.

Tuy nhiên, anh Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh vấn đề ở đây cần đặt ra là quay như thế nào. Ví dụ như, bây giờ bạn quay cảnh đi đến vùng lũ có một gia đình mất thành viên. Thành viên còn lại gào khóc, lăn lộn đau đớn. Nhìn cảnh ấy, bạn rất xúc động. Bạn liền phát livestream với suy nghĩ những hình ảnh đưa lên sẽ khiến cộng đồng xúc động giống bạn và tiếp tục chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

“Thế nhưng liệu bạn đã nghĩ đến tình huống người dân mất người thân họ có muốn bạn quay hình ảnh ấy rồi phát tán ra ngoài hay không?

Thứ hai, trong khi quay cảnh người ta than khóc có thể vô tình lọt vào khung hình hình ảnh trên tay họ có nhẫn vàng hay trên người là bộ đồ thời trang…

Rõ ràng việc họ khốn khổ, đau đớn vì mất người thân với dung mạo bên ngoài không mâu thuẫn với nhưng những yếu tố nho nhỏ đó, nhưng khi được tung lên mạng xã hội không khéo khiến người xem không ở trong cảnh đấy sẽ hiểu sai vấn đề đi, họ có thể nghĩ nhân vật trong clip đang diễn. Như thế đâu đó câu chuyện bị gợn lên!”, anh Long phân tích.

Điều đó cũng giống như việc ai đó quay những em bé trong vùng lũ đói khổ đang bốc cơm ăn, hoặc đang khóc ré lên… Người quay cho rằng đó là tốt nhưng vô hình trung đang xâm hại quyền của các em, đó là việc đưa mặt các em lên clip mà chưa xin phép bố mẹ các em.

Do đó, một lần nữa, anh Ngọc Long nhắc lại, câu chuyện ở đây không phải là có nên quay clip hay không mà là quay như thế nào để phục vụ cho mục đích kêu gọi từ thiện, minh bạch hoá thông tin, tuyên truyền nhưng đừng làm ảnh hưởng một cách vô tình đến những người trong cuộc, đến mục tiêu tốt đẹp mà chúng ta đang làm.

“Đấy mới là cái khó! Nên quay clip nhưng cần cẩn trọng và phải biết quay như thế nào là tốt nhất”, anh Long nói.

Anh Nguyễn Ngọc Long không tán đồng trước luồng ý kiến cho rằng Thủy Tiên đang làm hình ảnh quá “lố” tại một số clip.

“Mọi người bình tĩnh, không nên quá vội vã trong việc phán xét, hãy tìm hiểu mục đích thực sự của Thuỷ Tiên là gì. Khi có trùng mục tiêu, suy nghĩ với nhau thì hãy góp ý với tính chất xây dựng. Nếu không thì tốt nhất là im lặng”, anh Long nhấn mạnh.


Nguồn: Blogger Nguyễn Ngọc Long​ trả lời phỏng vấn báo Infonet – Vietnamnet

Học cách làm thương hiệu cá nhân của tổng thống Donald Trump
Hương Giang tuyên chiến với antifan: Cả giận mất khôn & Truyền thông sai cách

Your email address will not be published. Required fields are marked *