Please log in or register to do it.

Qua giờ, Facebook lan truyền câu chuyện bác sĩ rút máy thở của cha mẹ ruột để nhường cho một sản phụ lấy nước mắt của biết bao người.

Một phần của câu chuyện hư cấu “bác sĩ rút ống thở của ba mẹ nhường cho sản phụ”

Câu chuyện được cho là xuất phát từ facebook của anh DH – Phó TBT một tờ báo. Sau đó được nhiều người chia sẻ lại, trong đó có chị JK – Chủ tịch một quỹ từ thiện, với lời khẳng định “đã chat”, “đã gọi điện” với bác sĩ Khoa (nhân vật chính trong câu chuyện).

Sáng nay, anh DH đã đưa lời xin lỗi và rút bài. Một số tờ báo như Tiền Phong, Tuổi Trẻ cũng bước đầu khẳng định đây là câu chuyện không có thật. Và thông tin thêm rằng Sở Y Tế TpHCM đang phối hợp với Công An làm rõ sự tình.

Cô giáo không đi sâu vào việc ai đúng ai sai nữa, vì 99,9% vụ này là tai nạn với cả anh DH và chị JK. Nhưng có một khía cạnh khác, mà cô nghĩ rất nên chia sẻ. Đó là, làm cách nào để không (hoặc ít nhất là tránh) bị sập bẫy bởi những câu chuyện thế này?

Cách đây chừng 4 năm, trong một bài đăng trên group Biệt đội Trăng Đen – Truyền Thông Trúng Đích, bạn Hiền Sio – founder của Sio Sushi, có một lời khuyên làm cô nhớ mãi. Bài đăng ấy, Hiền chia sẻ về cách tăng doanh số bán hàng. Nội dung thì nhiều thứ lắm, nhưng có một ý là “hãy lập tức tuyển sale”.

“Cho dù bạn là Giám đốc điều hành hay Giám đốc kinh doanh. Cho dù bạn bán hàng giỏi đến thế nào, thì hãy cứ tuyển sale”.

Tại sao thế? Vì sale… không thể nào giỏi bằng bạn được!

Nghe thật vô lý nhưng lại vô cùng có lý. Hiền giải thích, chính vì sale không giỏi như bạn nên sale không cảm thấy “mất thời gian” khi nói chuyện và tư vấn với khách hàng. Chính vì không giỏi như bạn nên sale không thấy câu hỏi, thắc mắc của khách hàng là “ngờ nghệch” và mau nổi cáu. Chính vì không giỏi như bạn, nên sale phải làm mọi thứ một cách cẩn thận, bài bản, theo đúng quy trình và giảm thiểu được nhiều sai sót.

Đó là lý do vì sao ở phần đầu status, cô giáo phải nêu cụ thể vai trò của anh DH và chị JK trong cơ quan, tổ chức mà họ đang làm việc.

Tất nhiên, họ đăng bài với tư cách cá nhân (còn người khác có thể không nghĩ thế). Và những cá nhân đấy thực ra không phải nóng vội, mà không có người hỗ trợ.

Nếu câu chuyện này được xử lý qua quy trình của tòa soạn, thì chắc chắn việc đầu tiên là phóng viên phải xác minh kỹ trước khi đẩy lên biên tập. Biên tập lại “hoạnh họe” chán rồi mới đẩy lên cấp cao hơn. Tương tự, nếu Quỹ từ thiện của chị JK dùng câu chuyện này để quyên tiền, thì những nhân viên ở dưới không dễ dàng gì có được cái gật đầu từ Giám đốc nếu không qua 7-7-49 bước xác minh.

Nhưng đáng tiếc, câu chuyện lại được đăng trực tiếp từ facebook của Chủ tịch. Chủ tịch thì quyền lực hơn cả Giám đốc Quỹ, nên không có người hoạnh họe. Cũng có thể là chủ tịch quá bận để xác minh sâu. Và thế là xảy ra tai nạn.

Trong suốt 4 năm qua, lời khuyên “hãy thuê sale” của Hiền Sio thực sự là một lời khuyên đáng giá và cô giáo đã học theo. Có nhiều khi, mở fanpage lên đọc những đoạn chat tư vấn của các bạn sale, cô giáo thấy mình quả là may mắn khi có các bạn ấy hỗ trợ.

Vì có nhiều trường hợp, cô tự hỏi, sao các bạn có thể kiên nhẫn và miệt mài như vậy nhỉ? Nếu là cô, thì chỉ có mấy trường hợp xảy ra.

Hoặc là cô block nick của học viên. Hoặc là cô chửi nhau với học viên. Hoặc là cô hẹn học viên ra gặp mặt để đánh nhau, và thế nào cũng xảy ra án mạng!

Mỗi người chúng ta có một vai trò nhất định trong tổ chức. Và khi tất cả được đặt đúng vai, thì cỗ máy sẽ vận hành thật hiệu quả, trơn tru.

Thông tin thêm từ báo Tuổi trẻ:

Một đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết qua rà soát đến nay chưa thấy có trường hợp bác sĩ Khoa như mạng xã hội thông tin. Vị này cũng chỉ ra một số điểm bất thường trong câu chuyện và cho rằng sẽ tìm hiểu thêm.

Từ khuya 7-8, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã nhắn tin cho bác sĩ Khoa, người đăng tải thông tin này, để xin được chia sẻ thêm về quyết định nêu trên. Tuy nhiên bác sĩ Khoa nói “cảm ơn” và không chia sẻ thông tin gì thêm.

Chúng tôi nhắn tin trao đổi với một người, được cho là thầy của bác sĩ Khoa (có đăng câu chuyện của bác sĩ Khoa). Người này nói bác sĩ Khoa từng đi chống dịch ở Bắc Giang, hiện đang chạy đi cứu F0 vòng ngoài, không trực tiếp làm việc tại bệnh viện.

Tuy nhiên người này nói có chuyện bác sĩ rút máy thở và mổ bắt con tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức). Người này không trả lời ca mổ diễn ra lúc nào và rạng sáng 8-8 thì xóa nội dung chia sẻ trên Facebook.

Sáng 8-8, tất cả các thông tin mà bác sĩ Khoa đăng tải trên Facebook cá nhân cũng đều bị xóa.


Nguồn: Facebook blogger Nguyễn Ngọc Long

5 bước sáng tạo viral content mẹ bỉm sữa cũng tự làm được
Tổng hợp 5 bài viết về Covid-19 tuần qua

Your email address will not be published. Required fields are marked *