Tắm ở sông, học bài, vui chơi, ăn uống, ngủ ở ngay lề đường là cuộc sống của hai cô bé Huyền và Thoại từ 4 năm nay. Thương con, người cha xăm lên tay hai chữ “Huyền Thoại”.
Trên các diễn đàn dành cho giới trẻ, chùm ảnh về ông bố nghèo khó mưu sinh trên vỉa hè, tận tụy chăm sóc hai cô con gái xinh xắn khiến dân mạng lay động. Gia đình ba người trong câu chuyện đang sống trên lề đường Nguyễn Hữu Thọ (Q.7), đối diện 1 tòa cao ốc tráng lệ.
Người cha tên Trần Anh Tuấn (43 tuôi, quê Khánh Hòa), đang mưu sinh bằng nghề dán điện thoại, laptop…
Ngoài ra, anh Tuấn còn làm thêm nghề phụ là vá xe.
Anh Tuấn có hai cô con gái xinh xắn, hồn nhiên tên Trần Thảo Tuấn Huyền (6 tuổi, bên phải) và Trần Cẩm Thảo Thoại (7 tuổi). Cả hai bé đang theo học chương trình lớp 1 tại một trường tiểu học tình thương ở Q.7, cách nơi người cha làm việc hơn 1 km.
Góc học tập của hai bé cũng là nơi để mấy cái chén bát, vài bộ quần áo nằm ở một bãi đất đang chờ thi công công trình ngay bên vỉa hè đường Nguyễn Hữu Thọ. Anh Tuấn quây chiếc dù, đặt trong đó cái bàn, ghế làm nơi cho con học tập.
Cuộc sống bình thường từ sáng đến đêm đều diễn ra trên vỉa hè, những lúc trời mưa thì ba cha con lại chui vào chiếc dù trú mưa. Nhưng việc đó là nỗi ám ảnh vì ở đây có rất nhiều muỗi.
Sách vở, dụng cụ học tập… đều do cô giáo, người đi đường quý mến tặng cho Huyền – Thoại. Những quyển vở tập viết của em rất mỏng do là một quyển tập đã qua sử dụng nhưng vẫn thừa giấy trắng của học sinh khác.
Hai đứa trẻ cùng một bé gái chung lớp rất tinh nghịch, hiếu động. Lúc rảnh, các em hay hát vang ca khúc Cả nhà thương nhau.
Về chiều, khi ánh đèn đường đã lên thì các bé thường tập đọc, tập viết ngay trên vỉa hè.
Bữa cơm của ba cha con bữa đói, bữa no. Ngày nào có tiền thì anh Tuấn mua cơm trắng và khoảng 15.000 đồng thức ăn, khi thiếu thốn thì ăn mì tôm. Anh Tuấn nói: “Hai bé lâu lâu được bà nội mang cho chén cháo, bát cơm”.
Bà nội của Huyền – Thoại tên Hương, năm nay đã ngoài 70 tuổi vẫn phải đi lượm ve chai từ sáng tới tối mịt. Bà đang sống tại căn trọ xấp xệ nằm sâu trong hẻm cách nơi anh Tuấn làm hơn 1 km. Cuộc sống khó khăn lại hay đau ốm nhưng bà vẫn cố gắng chăm sóc hai cháu. Bà Hương kể rất muốn hai cháu về ở nhưng “cha nó không thích vậy”. Hai bé Huyền Thoại có ngày không tắm, bữa thì tắm sông, khi lại cuốc bộ vào nhà nội.
Anh Tuấn rất thương yêu con gái nên muốn tự tay chăm sóc. Anh xăm lên cánh tay hai chữ Huyền Thoại cùng chữ Thảo (là mẹ hai bé) và Yến – là người con gái riêng của anh, năm nay cũng khoảng 18 tuổi.
Đôi mắt anh luôn đăm chiêu khi nhắc về chuyện gia đình. Anh kể rằng mình từng mưu sinh với nhiều nghề như bán kẹo cao su, thuốc lá dạo, sửa xe… Năm 29 tuổi anh lấy vợ, khi hai con gái Huyền – Thoại được 3 tuổi thì vợ anh bỏ đi. “Đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao cô ấy bỏ đi, chắc do nghèo khó. Thời điểm ấy tôi rất suy sụp nhưng rồi nghĩ phải sống để mà nuôi con”, anh buồn bã cho biết.
Kể từ khi vợ bỏ đi, do không có tiền thuê nhà nên ba người dắt díu nhau ra vỉa hè. Dù cực khổ, thiếu thốn trăm bề nhưng cuộc sống ba cha con vẫn đầy ắp tiếng cười.
Anh rất thương, chiều chuộng con gái. Hai cô bé cũng rất quý mến ba.
Buổi tối, anh Tuấn vẫn tiếp tục làm công việc dán điện thoại, laptop. Anh cho biết, ngày nào cao thì được hơn 100.000 đồng. Anh trải tấm bạt nhỏ làm nơi sinh hoạt cho hai đứa trẻ.
Dù sống đường phố nhưng hai cô bé đều ngoan ngoãn, chịu học bài. Anh Tuấn vẫn cố gắng “mót” những con chữ mình chưa rơi rớt để dạy lại cho con.
Nói về dự định, anh Tuấn vẫn chỉ ước mơ có đủ tiền để về quê với gia đình, họ hàng. Anh luôn mang theo bức ảnh hiếm hoi về gia đình mình còn giữ lại được.
Trong khi đó, tương lai phía trước của Huyền – Thoại vẫn đầy dấu hỏi. Và hiện tại, cả hai vẫn tiếp tục làm bạn với nắng, mưa, gió bụi… mỗi ngày.
Theo Zing
Nguyễn Ngọc Long - blogger uy tín, chuyên gia về truyền thông xã hội tại Việt Nam. Anh có nhiều bài viết sâu sắc chia sẻ về tình yêu, cuộc sống và các vấn đề xã hội được công chúng quan tâm. Với phương châm "Tell the truth" (Nói sự thật), Nguyễn Ngọc Long mang đến những góc nhìn chuyên sâu, những nhận định sắc sảo về các hiện tượng xã hội.