Please log in or register to do it.

 

> Phần 3 – http://on.fb.me/10uo3Zn
> Phần 2 – http://on.fb.me/10tgli1
> Phần 1 – http://on.fb.me/10tgmCH

Trước đó, tôi có hỏi chuyện gia đình của Tiến (*) rất nhiều lần nhưng em không nói. Tiến bảo với tôi là chuyện buồn thì không nên nhắc lại, cái gì đã qua rồi cứ để nó qua luôn. Nhưng kì thực tôi không nghĩ rằng trong suy nghĩ của cậu bé này mọi thứ đã “qua luôn”, dù thực ra nó cũng chưa bao giờ “đã tới”. Vì mãi về sau tôi được biết, những biến cố xảy ra với gia đình Tiến xuất hiện từ trước khi em ra đời rất rất lâu.

Có một lần ngồi trú mưa trước cổng chung cư, Tiến đã nói với tôi như vậy. Em í nói rằng được nghe ba má kể lại kèm theo lời dặn “phải khắc cốt ghi tâm, phải căm thù tụi cộng sản bắc kì và sau này đến đời con đời cháu cũng phải nói cho nó biết”. Tôi khá ớn lạnh khi nghe chàng sinh viên năm 2 nói với tôi điều đó. Dù tôi không phải là cộng sản và lúc đó cũng đang cố giả dạng không phải bắc kì (tại mẹ tôi người Sài Gòn, và tôi cũng sống ở Sài Gòn từ bé).

Tôi hỏi Tiến tại sao? Em í nói với tôi rằng năm 1975 khi “cộng sản bắc kì” tràn vào “đánh chiếm” Sài Gòn thì gia đình em thuộc dạng vô cùng giàu có. Tiến nói toàn bộ tài sản có được là do nhiều đời ông cố bà cố từ xa xưa để lại cho ông bà, rồi tới ba mẹ em gánh vác. Nhưng toàn bộ nhà cửa ruộng vườn, phân xưởng “đã bị cộng sản bắc kì cướp” mất. Ba em tình nguyện ở lại để tranh đấu còn mẹ em dắt díu mấy anh chị em của em, cùng ông bà già yếu chạy trốn vào… tít trong rừng. Về sau nghe tin ba em đã “bị bắt đi cải tạo” và biệt tích một thời gian.

Tôi hỏi hiện nay gia đình em ở đâu? Tiến nói đang ở trọ. Tôi hỏi em có chắc tất cả những điều đó là sự thật? Cậu bé quay qua nhìn tôi như thể tôi vừa lỡ miệng phát ngôn ra một cái gì sai trái kinh khiếp lắm. Tiến bảo nếu anh có suy nghĩ như vậy thì đừng bao giờ kêu em kể lại cái gì cho anh nghe và đừng bao giờ nói bất cứ chuyện gì với em nữa. Tôi bị “đơ” hết gần 5 phút ngồi ngắm mưa chẳng biết nói gì thêm nữa. Một lúc sau, tự cậu bé ấy lên tiếng trước “ba má em kể cho tụi em nghe tất cả những chuyện này. Và ba má em không bao giờ nói dối, cũng không bao giờ tự tưởng tượng ra những điều như vậy”.

Tự dưng tôi thấy mình bị biến thành kẻ tội đồ, và thấy hơi nhột nhột. Lấy hết “can đảm” còn sót lại, tôi lí nha lí nhí nhưng anh có làm gì em đâu mà em phải ghét anh? Tiến bảo em không có ghét anh, nhưng anh cũng là bắc kì. Nói chung dân bắc kì thì không tốt! Anh làm cái gì mà không tốt, có phải ai là bắc kì cũng không tốt đâu? Ba má em nói thế. Gia đình em ly tán, trắng tay, phải sống chui nhủi vì dân bắc kì. Ba má em nói ngày 30/4/1975 là ngày Quốc Hận. Mỗi năm đến ngày đó là gia đình em làm đám giỗ. Tôi hỏi nhà Tiến có ai mất trong ngày đó?

Nó lạnh lùng tuyên bố “gia đình em chẳng có ai, nhưng hàng xóm láng giềng thì có rất nhiều”. Làm giỗ chung! Cả con hẻm chỗ em ở có 10 nhà thì 7 nhà làm đám giỗ. Mai mốt ba má em có mất thì em cũng làm 2 đám giỗ. Một cái giỗ đúng ngày, một cái giỗ 30/4. Làm vậy để tự bản thân mình nhớ.

Phải nói là giai đoạn đấy tôi còn khá ngây thơ với mấy chuyện lu xu bu liên quan đến lịch sử và chính trị nên cảm thấy rất shock và… hại não! Nhưng từ đó tôi mới bắt đầu chú tâm tìm hiểu những chuyện này trên Internet, qua bạn bè và từ từ lờ mờ hiểu được một phần câu chuyện. Nhưng cái mà tôi mãi mãi không thể nào hiểu nổi là bằng cách nào và bằng phương pháp giáo dục ra sao mà ba má Tiến có thể “di truyền” sự căm hận tột cùng qua những đứa con mình một cách “hiệu quả” như vậy? Và liệu điều đó có thực sự là giải pháp tốt đẹp cho tương lai của những người như Tiến?

Đó là một câu hỏi mà không ai khác có thể trả lời ngoài chính bản thân những người như Tiến và các anh chị em của cậu bé này sau 5, 10 năm thậm chí là 20, 30 năm nữa. Việc duy nhất mà tôi có thể làm được là cố đặt mình vào vị trí của họ để hiểu căn nguyên những hành động mà nhiều khi tôi cho rằng đang quá cực đoan. Và tôi chợt nghĩ, không chỉ những đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật hình hài, hay có di chứng về trí tuệ do hậu quả của những chất độc hóa học mà thế hệ ba mẹ chúng vô tình phơi nhiễm mà cả những người hoàn toàn khỏe mạnh, đủ chân tay mắt mũi, thông minh rạng rỡ như Tiến cũng là một kiểu nạn nhân của các cuộc chiến tranh đã dày xéo Việt Nam trong quá khứ.

Và kéo dài đến tận bây giờ…

CÂU CHUYỆN THỨ 3

Trong suốt khoảng thời gian đi thăm Trường Sa với 10 ngày “lênh đênh” trên biển, tôi được gặp rất nhiều người thú vị thuộc đủ thành phần. Luật sư, giáo sư, tiến sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo, nhà văn, đầu bếp, chiến sĩ, cán bộ lão thành Cách Mạng và cả những người được gọi nôm na là “bất đồng chính kiến”. Điều đặc biệt nhất là một trong những nhà bất đồng chính kiến tiêu biểu đó lại là “bạn” ở chung phòng với tôi – chú Lê Công Giàu, biểu tượng của phong trào sinh viên Sài Gòn đấu tranh giai đoạn trước 1975. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cùng với Giáo sư Tương Lai, ông Huỳnh Tấn Mẫm, ông Hồ Ngọc Nhuận, ông Lê Hiếu Đằng… chú Lê Công Giàu được biết tới như một trong các thành viên cốt cán của nhóm 72 (vận động thay đổi hiến pháp).

Bữa cơm đầu tiên ở trên tàu, sau màn chào hỏi giao lưu và giới thiệu, tôi còn được biết thêm rằng trong phòng mình không chỉ có chú Giàu là VIP mà còn có cả một “đồng chí” nữa đang là Chánh văn phòng của UB Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, TPHCM. Tôi bị đơ trong giây lát rồi nửa đùa nửa thật “coi bộ vụ này căng nha các chú, phòng mình coi chừng xảy ra bạo loạn”. Chú Giàu cười cười bảo với tôi là “có gì căng đâu cháu”. Chúng ta đều là những người yêu nước, mỗi người yêu nước theo một cách riêng. Cái gì mình chưa hiểu nhau thì từ từ nói. Chúng ta là người Việt với nhau cả, có gì đâu mà không nói cho nhau hiểu được?

Tôi bị ấn tượng từ phong thái nhẹ nhàng, điềm tĩnh và cách nói chuyện với đầy đủ lý lẽ thuyết phục của chú Giàu từ câu nói đầu tiên như vậy.

Trong rất nhiều lần ăn cơm và sinh hoạt chung toàn phòng sau đó, tôi cứ ngồi nghe các chú các bác tranh luận về chính trị, kể những chuyện từ xửa từ xưa mà tôi chưa bao giờ được biết. Nhưng vốn tính “ham học”, tôi cũng mạnh dạn tham gia bằng cách… đặt thật nhiều câu hỏi. Và người trả lời tôi tất nhiên là chú Giàu, bởi vì chú chính là một chiến sĩ lão thành Cách Mạng. Theo những gợi mở của tôi, chú say sưa kể lại các phương thức đấu tranh giai đoạn trước mà chú làm lãnh đạo. Chú kể lại chi tiết cả cái ngày định mệnh mà chú bị lộ rồi bị địch bắt ở Vũng Tàu. Chú kể về những phương thức mà kẻ địch tra tấn và ép cung chú với một giọng nói nhẹ nhàng và phong thái điềm tĩnh như thể người ta đang nói về một việc bình thường nhất ở trên đời.

Chú Giàu rất thương tôi (ít nhất là do tôi tự cảm nhận ra như vậy) và thường ngồi nói chuyện với tôi nhiều lắm. Mỗi lúc tàu cập vào một đảo bất kì, tôi và chú luôn di chuyển cùng nhau. Chú nhờ tôi chụp hình cho chú vì chú không rành máy móc. Khi lên tàu thì chú lại nhờ tôi gửi hình về cho con gái chú coi. Rồi thậm chí nhờ tôi mở email của “Nhóm 72” cho chú đọc, hoặc gửi email về cho “các anh em” ở đất liền biết thông tin của chú. Tôi mới nói đùa rằng “Chú ơi, bây giờ chú là trùm phản động thế này, con mà gửi email cho chú con có bị đi tù không đấy?”. Chú Giàu cười nói “Tụi chú yêu nước chứ sao lại là phản động”. Tôi bảo “Thôi chú cứ nói thế, chú đòi đổi hiến pháp để lên làm trùm chứ gì? Mai mốt chú mà làm tổng thống nhớ cho con một chân phụ tá, để gửi email cho chú mỗi ngày”.

Cả hai chú cháu cùng cười. Nhưng kì thực, từ trong sâu thẳm lòng mình dù rất yêu quý chú Giàu vì tính cách và con người của chú nhưng tôi không nghĩ phương cách chú đang làm lại là yêu nước. Và suy nghĩ “sai lầm” đó của tôi đã thay đổi khi chứng kiến việc làm của chú lúc đoàn công tác bất ngờ chạm trán tàu Hải Giám của Trung Quốc trong vùng lãnh hải Quốc Tế, gần khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam tuyên bố chủ quyền….

(Còn tiếp)

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

>>> Chú ý: “3 câu chuyện” sẽ lần lượt được kể qua các phần. Riêng “bức hình” sẽ xuất hiện ở phần cuối cùng. Hình ảnh ở các phần này chỉ là hình minh họa. Cảm ơn các bạn đã chờ đợi, đọc, đồng cảm và chia sẻ ạ

>>> Join group Những bài viết hay nhất trên facebook Nguyễn Ngọc Long Backmoon để không bỏ lỡ bất cứ thông tin quan trọng nào trên facebook của mình.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – May 28, 2013 at 01:20AM)

Khách quan, nhiều chiều, hay trung lập?
Bộ phim chưa biết đặt tựa gì

Your email address will not be published. Required fields are marked *