Please log in or register to do it.

Đang ngồi ăn cơm thì nghe thấy cô bán quán to tiếng với khách “Bà quá đáng vừa thôi, tham gì tham thế? Người ta mở quán ra để hầu bà à? Mua thì mua không thì đi chỗ khác”.

Rồi như cảm thấy câu nói có phần hơi hằn học, thu hút sự chú ý của một vài thực khách, cô bán quán “nói thêm” như giải thích:

“Ăn suất cơm có 20 nghìn mà đòi nhiều cơm một tí, nhiều rau một tí, lại còn xin thêm miếng thịt”.

“Tôi bán cho bà chẳng có lời lãi gì đâu, tôi cũng không muốn bán. Bực cả mình”.

Có thể ai đó sẽ thấy hơi khó chịu hoặc ác cảm với cô bán quán. Tôi thì không như vậy. Hay nói chính xác hơn, tôi của bây giờ thì không như vậy. Tôi thấy cả hai đều rất đáng thương.

Tôi ngồi nghĩ, đoán chừng cô bán quán đã có một ngày dài vất vả. Và đúng như cô ấy nói, cô không có nghĩa vụ kinh doanh theo mô hình từ thiện, dù cách nói của cô thực tình không lọt lỗ tai.

Vị khách với vẻ lam lũ hiện rõ trên khuôn mặt nhưng vẫn ngoác miệng cười. Một kiểu cười giả lả, cười cho có, cười như chữa thẹn.

Và khi đôi bàn tay chai sạn nắng gió đỡ hộp cơm không có thịt, trả tiền rồi đi khuất thì tôi thấy lòng mình nặng trĩu.

Vì tôi cảm nhận được sức nặng của đồng tiền.

Có thể người phụ nữ ấy độc thân.
Có thể cô ấy chẳng nghĩ ngợi gì.
Có thể cô ấy sống thật và cười vô tư thật.

Nhưng sao tôi vẫn cảm giác có chút gì đó nhẫn nhục trong ánh mắt cười . Thế nên tôi nghĩ về những đứa con, nhiều khi là không có thật, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của tôi thôi.

Nhưng nếu đây không phải là một người bán hàng rong cụ thể, thì câu chuyện này rõ ràng vẫn có tính điển hình.

Những người mẹ quê lam lũ nơi thành thị, chắt chiu từng đồng gửi về quê lo việc ăn việc học cho con. Những đồng tiền không chỉ có mồ hôi, nước mắt, mà còn chất chứa trong đó cả những cay đắng tủi hờn nhẹ tênh như việc chấp nhận nghe người đời đay nghiến.

Người ta nói “miếng ăn là miếng tồi tàn”. Nhưng trong câu chuyện này, cô bán quán hình như không có lỗi. Người mẹ kì kèo xin thêm miếng thịt cũng có thể cảm thông.

Tôi chỉ nặng lòng với câu hỏi rằng liệu những đứa con ở quê nhà, có bao giờ biết và hiểu thấu nỗi vất vả gian truân của những người mẹ nơi thành thị?


Đọc thêm series “Chuyện nhỏ”

Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Bộ hình xót xa thương hiệu Việt
[THẢO LUẬN] Điện thoại quốc dân mobiistar - Một ca thành công lạ?

Your email address will not be published. Required fields are marked *