Nếu ai hỏi bạn đang làm gì, bạn sẽ trả lời thế nào? Tôi là kiến trúc sư, tôi là bác sĩ, tôi là y tá, tôi là giáo viên, tôi là thợ xây, tôi là lập trình viên, tôi là đầu bếp, tôi là công nhân vệ sinh, tôi là thợ hồ, tôi là nội trợ…?
Thế bạn làm công việc đó để làm gì?
Ah, tôi làm công việc đó để kiếm tiền. Tôi cần phải làm một việc gì đó chứ. Tôi đã đến tuổi đi làm. Ba mẹ tôi thích tôi làm việc đó. Ai cũng có một công việc, đơn giản vậy thôi.
Tôi làm việc đó là vì đam mê. Tôi thỏa mãn đam mê của tôi. Tôi muốn công ty phát triển. Tôi làm vì lời hứa thăng chức của sếp. Tôi thích việc tạo ra những căn nhà đẹp lộng lẫy. Tôi bị cuốn hút bởi sự hấp dẫn khó cưỡng từ những chiếc bánh ngọt phủ bơ vàng óng.
Tôi cũng chẳng biết tôi làm việc đó để làm gì, tôi làm theo quán tính. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ tự đặt ra câu hỏi đó với bản thân mình.
Tôi đã từng đọc một cuốn sách mấy trăm trang, mà kết lại tôi thấy chỉ cần ghi nhớ đúng một câu “3 năm sau, công ty của vị giám đốc muốn sản xuất ra những chiếc má phanh siêu hạng bị phá sản; trong khi đó, công ty của vị giám đốc muốn sản xuất ra những vật dụng bảo vệ sự an toàn cho trẻ em thì thành công rực rỡ và phát triển chi nhánh khắp cả nước”.
Câu chuyện này kể về 2 công ty cùng sản xuất má phanh (thắng xe) cho xe đạp tập đi của trẻ nhỏ. Vị giám đốc công ty thứ nhất nêu cao triết lý sản phẩm, ông muốn khách hàng nhớ đến công ty ông như một nhà cung cấp má phanh với chất lượng siêu việt hàng đầu. Vị giám đốc công ty thứ hai lại quan tâm đến công dụng đằng sau sản phẩm và ông yêu cầu toàn thể nhân viên phải sản xuất ra “những vật dụng bảo vệ sự an toàn cho trẻ em” thay vì sản xuất ra “những chiếc má phanh”.
Với mỗi công việc mình thực hiện, tôi đều dễ dàng tìm ra được một chiếc má phanh. Nhưng không phải lúc nào cũng nhanh chóng trả lời được câu hỏi “chiếc má phanh” đó dùng để làm gì?
Ví dụ như viết blog, tôi tự đặt ra cho mình giá trị thỏa mãn bản thân là trước nhất, cung cấp và chia sẻ thông tin hữu ích cho mọi người là thứ hai.
Có những lời mời hợp tác viết bài PR trên facebook cá nhân với chi phí lên tới vài chục triệu nhưng đúng lĩnh vực mà tôi không thích. Nhưng vì số tiền quá lớn mà công việc lại quá nhàn khiến tôi phải phân vân. Những lúc bản thân chao đảo như vậy, tôi thường tự trấn an mình: hãy bình tĩnh lại đi, và trả lời câu hỏi: viết về vấn đề đó có làm cho mày cảm thấy thoải mái hay không? Không, chắc chắn là không. Rồi viết về vấn đề đấy mày có chia sẻ được thông tin gì hữu ích đến mọi người không? Không, cũng không luôn. Vậy thì mày đã có câu trả lời rồi đấy.
OK, nấm next!
Hồi năm ngoái, khi nhận lời làm việc và tư vấn cho mobiistar, tôi chỉ đơn thuần coi đó như một công việc trước hết là để thỏa mãn đam mê, sau nữa là để kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống. Nhưng nhiều đêm nằm trằn trọc không ngủ được, tôi vẫn thường tự đặt ra cho mình câu hỏi: “Mình có đang làm một việc đúng đắn hay không? Tại sao mình lại giúp cho một công ty sản xuất “điện thoại tàu”? Mình làm vì cái gì vậy? Mình có tự hào đi nói với mọi người về việc mình đang làm hay không? Rốt cuộc thì cái má phanh của mình có ý nghĩa là gì?”.
Trong nhiều buổi làm việc sau đó, tôi để ý nhìn ngó xung quanh và cố gắng “bắt lấy” những giá trị sở dĩ có thể làm mình cảm thấy yên lòng. Tôi dần dần nhận thấy CEO của mobiistar là một người tài giỏi và khéo léo. Tôi học được khá nhiều từ anh ấy. Đặc biệt là cách dùng người, cách làm việc chung với những người kì dị như tôi.
Có những lúc, người của mobiistar làm tôi khó chịu, tôi gửi một cái email chửi tưng bừng và nói chuyện như thể không còn có ngày mai. Tôi hắt một xô nước đá vào mặt cả team bên đấy và cảm thấy rất hả hê. Tất nhiên, sau đó là cảm giác ăn năn và hối hận vì tự thấy mình hơi quá lố, chỉ cốt nói cho sướng miệng. Những lúc như vậy, cách hành xử của CEO – người trực tiếp nhận tư vấn khiến tôi vừa xấu hổ mà lại thêm cảm phục.
Rồi tiếp xúc thêm với nhiều bạn trong team mobiistar, tôi thấy có nhiều người dễ thương, gần gũi. Và tất nhiên, ai trong số họ cũng có một câu chuyện và có một gia đình. Đó là thứ luôn luôn “inspire” tôi được. Tôi tự nghĩ, vậy là công việc của mình có ý nghĩa ở chỗ đang giúp họ có được một nền tảng kinh tế phục vụ gia đình à? Mình cao quý đến vậy hay sao? Nhưng người ta vẫn nói mobiistar sản xuất điện thoại tàu và đi ăn cắp mẫu mã của những chiếc điện thoại khác về kia mà. Có đúng vậy hay không?
Tôi mang câu chuyện này đi hỏi vị CEO nọ và được anh giải thích về nguồn gốc “tàu” của chiếc điện thoại. Rằng công ty nào chẳng đặt hàng gia công bên Trung Quốc. Lớn như Viettel cũng chưa thể làm khác được. Thương hiệu điện thoại hàng đầu thế giới như Apple cũng có nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đấy thôi. Còn mẫu mã điện thoại thì do đội ngũ thiết kế của mobiistar dựa trên mẫu có sẵn và sửa chữa sau khi tham khảo ý kiến khách hàng. Và quan trọng là nó tốt.
Tôi nói, tôi thích dùng iPhone nhưng hãy tặng tôi một chiếc điện thoại mobiistar để tôi mang về xài thử. Đó là chiếc Touch KEM 452.
Và tất nhiên tôi đã bị thuyết phục hoàn toàn bởi chất lượng, kiểu dáng mẫu mã của chiếc điện thoại này. iPhone làm được gì thì chiếc điện thoại “của tôi” cũng làm được y chang. Nó thậm chí còn có 2 sim 2 sóng, có sạc dự phòng, có phần mềm Việt Nam cài đặt sẵn (dù chẳng có cái nào giá trị với tôi). Rồi cả việc nhanh chóng nhận trợ giúp từ nhà sản xuất vì là một sản phẩm thuần Việt nữa. Nhưng tất cả là… vô giá trị vì thú thực tôi không định dùng chiếc điện thoại này.
Đó đơn giản là vấn đề thói quen. Và vì vậy tảng đá tâm lý vẫn chưa làm tôi thỏa mãn.
Cho tới một ngày, tôi tham gia vào buổi offline trải nghiệm sản phẩm mới của mobiistar, cũng là ngày công bố cuộc thi SVgottalent do tôi và một số người bạn làm Ban Giảng Huấn. Mọi thứ cứ nhàn nhạt trôi qua (với cá nhân tôi) cho tới lúc mobiistar phát máy mới cho các bạn sinh viên tham gia offline dùng thử để chơi game và “test” các ứng dụng kèm theo. Tôi “nhìn” ngay được cảm giác sung sướng và thỏa mãn của các bạn này. Các bạn tập trung, hào hứng, say mê, phấn khích và đầy mãn nguyện khi được cầm trên tay chiếc Touch KEM 452ips (hay đại khái thế, tôi không nhớ lắm).
Tôi đứng ngẩn người ra nhìn ngắm, đặc biệt là ánh mắt đầy hứng khởi của các bạn sinh viên và tôi biết mình đã tìm ra ý nghĩa chiếc má phanh trong công việc.
Buổi tối ngày hôm qua, đi ăn với một cậu em. Tôi hỏi em đang sử dụng điện thoại gì. Em đó nói đang xài Window phone. Tôi hỏi tiếp có biết điện thoại mobiistar không? Em đó nói không nghe tiếng, mà hình như là điện thoại tàu. Tôi giải thích rằng không, đó là điện thoại Việt, được gia công sản xuất một số thứ ở “tàu”. Tôi nói rằng tôi đang tư vấn cho công ty đấy, VÀ TÔI RẤT TỰ HÀO VỚI CÔNG VIỆC CỦA MÌNH.
Bởi vì cá nhân tôi đã dùng thử và tin tưởng tuyệt đối vào công năng, chất lượng sản phẩm của điện thoại mobiistar. Tôi không thấy bất cứ lý do thuyết phục nào để phải dùng những điện thoại “không phải hàng Việt Nam” như Samsung Galaxy, LG Optimus, iPhone, Nokia Lumina gì đó v.v… ngoài lý do thương hiệu và thói quen (như bản thân tôi đang dùng iPhone 4). Tôi nói với em kia rằng iPhone, iPad của tôi 100% được tặng. Nếu bỏ tiền ra mua thì tôi sẽ mua mobiistar hoặc những sản phẩm Việt Nam khác, dù thuần Việt hay không thuần Việt.
Giá trị chiếc má phanh của tôi là tạo cơ hội cho những bạn học sinh, sinh viên và người thu nhập thấp có cơ hội để được quyền tiếp cận, sử dụng những chiếc smartphone đúng nghĩa. Vì là người may mắn được dùng iPhone từ rất sớm, tôi hiểu nó có ý nghĩa thế nào trong công việc, học tập và giải trí. Tôi muốn những tiện ích mà tôi thụ hưởng cũng được thụ hưởng bởi nhiều người khác nữa, thông qua mobiistar.
Tôi còn có tham vọng một ngày nào đó, nhìn thấy ánh mắt của những bạn sinh viên mà tôi “say sưa nhìn ngắm” trong buổi offline ngày hôm đó không chỉ hào hứng và phấn khích mà còn phải có có đầy sự TỰ HÀO trong đó nữa khi cầm trên tay một chiếc điện thoại mang thương hiệu mobiistar. Dù điều đó không đơn giản.
Tôi viết bài này không phải chủ ý quảng cáo hay PR cho mobiistar dù rằng TÔI RẤT HÃNH DIỆN KHI LÀM VIỆC ĐÓ. Tôi chỉ muốn chia sẻ một điều đơn giản rằng hãy ngưng công việc của bạn lại trong giây lát và thử suy nghĩ về giá trị của nó – nếu các bạn vẫn đang “làm việc theo quán tính”. Hãy đầu tư thời gian công sức để trăn trở cho việc-rất-nên-làm này, thậm chí là đi hỏi những người ở xung quanh, hỏi đồng nghiệp và hỏi chính sếp của mình.
Bạn có muốn tìm thấy được sự đam mê đích thực trong công việc, tìm ra được nguồn năng lượng vô tận để vượt qua mọi khó khăn, chán nản, dẹp bỏ mọi bất đồng trong giao tiếp? Bạn có muốn bình tâm khi có những vấn đề khiến bạn chông chênh hay chao đảo? Bạn có muốn tự đốt lên cho mình một ngọn hải đăng để có thể định hướng và ra quyết định trước mọi vấn đề khó khăn, trắc trở?
Hãy cùng ngồi xuống, chiêm nghiệm lại một lần nữa câu chuyện của cá nhân tôi và bắt đầu hành trình tìm câu trả lời cho câu hỏi “chiếc má phanh của bạn dùng để làm gì?”.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – March 01, 2013)