Please log in or register to do it.

Nhiều ý kiến cho rằng, Bkav đã thành công trong việc xây dựng chiến lược quảng cáo cho chiếc điện thoại Bphone này, đặc biệt, ngay từ đầu đã biết dựa vào mạng xã hội cũng như các diễn đàn, đưa các thông tin về sản phẩm một cách “nửa kín, nửa hở”, tạo sự tò mò…

Cá nhân ông, đánh giá như thế nào về chiến lược truyền thông của Bkav? (Phóng viên SOHA.vn đưa câu hỏi)

Thống kê không đầy đủ, thì trong 2 tuần trở lại đây, Bphone có trên dưới 400 bài viết trên báo chí chính thống và các trang tin điện tử. Ở trên mạng xã hội, từ khoá Bphone, hashtag #Bphone rồi #KhôngThểTinĐược ngập tràn các group, fanpage cũng như facebook cá nhân của nhiều người có tiếng lẫn chưa có tiếng. Các clip tường thuật lễ ra mắt Bphone thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem… Với cá nhân tôi, đó là một kết quả thực sự ấn tượng.

bphone1-1432827745406-88-0-425-660-crop-1432827801149

Tuy nhiên, nếu con số 10 tỷ chi phí cho đợt ra mắt lần này mà BKAV công bố trên báo chí là sự thật thì tôi kỳ vọng vào một kết quả “kinh thiên động địa” nhiều hơn những gì BKAV đã làm được.

Ông nhận xét thế nào về màn trình diễn ra mắt sản phẩm Bphone của Bkav? Nhiều ý kiến cho rằng, việc dùng quá nhiều “mỹ từ” đang khiến cho người tiêu dùng cảm thấy nghi ngờ về chiếc điện thoại này, cá nhân ông nghĩ sao về điều này?

Tôi rất háo hức chờ đợi buổi lễ ra mắt Bphone, cho đến phút cuối vì trùng lịch với việc khác mà tôi không coi được. Nhưng chỉ sau đó ít phút, đọc bài trên báo chí rồi bình luận trên khắp facebook bạn bè thì tôi thấy việc coi lại clip tường thuật là không cần thiết nữa.

Ý tôi muốn nói, Bphone đã có một buổi lễ ra mắt quá thành công khiến người ta phải bàn đi bàn lại đến từng chi tiết. Các nghi vấn mà mọi người đặt ra như là hình ảnh minh hoạ lấy từ Internet, rồi chụp hình 3 người sao lại ra 4 người v.v… tôi thực sự không quan tâm. Tôi nghĩ các chi tiết đó giống những cái bẫy truyền thông mà BKAV gài sẵn để mọi người tiếp tục bàn tán về Bphone một cách không công.

Còn về tổng thể, tôi cho rằng Bphone được đón nhận và khiến số đông khâm phục.

Với riêng cá nhân, ông đánh giá như thế nào về chiếc Bphone của Bkav? Và theo ông, niềm tự hào của công nghệ Việt” này có được người dùng đón nhận?

Tôi chưa được trải nghiệm nên không bình luận được gì về chất lượng. Nhưng những tính năng mà BKAV đã trình diễn không hấp dẫn được tôi. Chỉ nghe tới việc nó sử dụng Android là tôi đã không muốn sử dụng rồi vì vấn đề thói quen thôi. Với những người khác, tôi thấy mức giá thấp nhất là gần 10 triệu vẫn là một rào cản khá lớn.

Vấn đề là số tiền bỏ ra để “thử” chứ không phải vấn đề tính năng hay chất lượng.

Cá nhân ông đã đặt mua sản phẩm Bphone này chưa? Nếu đã đặt mua thì vì sao?

Tôi không bao giờ mua, vì với khoảng 3,5 triệu để sở hữu một chiếc iPhone 5C thì tôi thấy đó đã là thiên đường rồi. Tôi sẽ không bỏ ra dù chỉ 3 triệu để mua một chiếc điện thoại Android có tính năng và cấu hình tương đương hoặc cao hơn. Vì iPhone 5C đã đủ làm tôi thoả mãn.

Nhìn nhận dưới khía cạnh hiệu quả truyền thông, thì 10 tỷ đồng cho sự kiện ra mắt và các chiêu trò gây bàn tán này nọ của BKAV giúp đọng lại trong đầu tôi thông điệp rằng Bphone là một chiếc điện thoại Android có cấu hình mạnh, do người Việt Nam sản xuất, tuỳ biến cấu hình, cài sẵn một số phần mềm diệt virus và không có gì đặc biệt. Thế nên tôi không có lý do thuyết phục để mua.

Dù vẫn còn những hạt “sạn” nhưng sự ra đời của Bphone cũng được nhiều người cho rằng, đã thể hiện khát vọng Việt, tạo cú “hích” cho công nghệ Việt trong việc đưa ra sản phẩm mang thương hiệu Việt với chất lượng sánh ngang các sản phẩm của nước ngoài. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?

Tôi dè chừng với nhận định này. Nếu nói rằng sự ra đời của Bphone tạo cú hích cho việc truyền thông một sản phẩm công nghệ Việt thì tôi sẽ thấy thuyết phục hơn. Vì tôi biết nhiều “sản phẩm công nghệ Việt” khác có chất lượng tương đương hoặc gần tương đương (tất nhiên là về mặt cảm quan thôi). Thí dụ như dòng điện thoại mobiistar chẳng hạn.

1410575

Cái giỏi của BKAV là làm cho mọi người thấy rằng một chiếc điện thoại made-in-Vietnam vẫn có cơ hội thu hút sự quan tâm của đám đông. Điều mà trước đó FPT – một tập đoàn CNTT hàng đầu Việt Nam – không làm được. Nhiều thương hiệu điện thoại “gọi là made in Vietnam” như Qmobile, mobiistar… cũng chưa làm được.

Như vậy Bphone là một sản phẩm truyền cảm hứng, khiến cho các nhà sản xuất khác tràn đầy hy vọng. Mà cái đó, tôi cho rằng quan trọng. Vì phải dám nghĩ thì mới dám làm. Dám làm thì mới thành công. Riêng cái khoản đạp lên dư luận này thì tôi nghĩ cá nhân anh Quảng và BKAV làm tốt. Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ để chúng ta cần biết ơn BKAV rồi.

Tuy vậy, cũng có người cho rằng, khát vọng Việt giống như một đốm lửa le lói mà thay vì cố thổi bùng nó lên, nhiều người chỉ muốn dội ngay một gáo nước. Chúng ta đã được thấy qua trò chơi Flappy bird. Ông nghĩ sao về ý kiến này khi đặt vào chiếc Bphone?

Chính vì như thế nên vai trò của Bphone và anh Quảng càng trở nên quan trọng. Cái gọi là cộng đồng mạng của chúng ta nhiều khi chỉ là một đám đung hung hãn, vô lý trí và ngu dốt. Cái đám đông đó nếu được dẫn dắt bởi một lý lẽ khơi mào đúng, thì tạo ra tác động tích cực, nhưng bị dẫn dắt một lý lẽ sai thì sẽ thành một đám zombie giết người trong chớp mắt. Nhưng tôi nghĩ dù tương lai Bphone có thế nào thì anh Quảng và BKAV sẽ vẫn sống.

Cái chính là đến ngày hôm nay, họ đã viết nên lịch sử rồi. Người ta có thể khen, có thể chê nhưng buộc phải nhớ rằng đã từng có một chiếc điện thoại thần thánh made-in-Vietnam ra mắt. Hấp lực của nó đủ lớn để đánh bạt sự quan tâm của đám đông với nhiều chủ đề khác nữa, kể cả cái nóng 40 độ trên khắp Việt Nam.

Theo ông, trong thời gian tới, chúng ta cần phải làm gì để khuyến khích các sản phẩm công nghệ được dán nhãn xuất xứ “Made in Vietnam”, chính xác hơn thì phải dùng nhãn “Product of Vietnam” như Bphone ngày càng phát triển, ra đời nhiều hơn?

Tôi biết anh Quảng từ khá lâu và có bài phỏng vấn sâu với anh ấy từ 10 năm trước. Khi đó, anh Quảng tâm sự rất nhiều về con đường anh ấy chọn là làm… dân vận. Anh Quảng thần tượng Bác Hồ nên muốn học theo cách làm của Bác Hồ.

Tôi nghĩ, một con người có thể đạp lên dư luận, không đi theo số đông thì có đủ bản lĩnh để làm nên một cuộc cách mạng. BKAV là một cuộc cách mạng về phần mềm bảo mật và Bphone là một cuộc cách mạng về sản phẩm công nghệ ở Việt Nam. Cách mạng có thể thành hay bại trong khoảng thời gian dài hay ngắn.

image-1432528917-bphone1_2kq3pmc5411c0

Sự cổ vũ của đám đông là điều kiện đủ để cách mạng thành công, nhưng nếu không có người dẫn đầu, khởi xướng thì sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào xảy ra cả. Và đám đông hùa theo kia không tạo ra được người khởi xướng. Cho nên hãy chờ đợi những người bản lĩnh như anh Quảng xuất hiện, chứ đừng bàn xem chúng ta phải làm gì.

Chúng ta không cần làm gì hết, vì có làm gì cũng… chẳng để làm gì.

Văn hóa chê bai Việt nam, thậm chí có người dùng từ “chửi” đối với sản phẩm Bphone này ngay khi mới ra mắt. Cá nhân anh, đánh giá như thế nào về điều này ạ?

Như tôi đã nói ở trên, cộng đồng mạng nhiều khi chỉ là một đám đông ngu xuẩn và dễ bị dắt mũi. Kenny Sang đã tận dụng tốt cái “insight” đó của đám đông để trở thành nhân vật thu hút bậc nhất rên Facebook. Tiếp đến, BKAV cũng khai thác cái sự thích chê bai đó để viral sản phẩm khá thành công. Vậy cho nên, đám đông cứ việc chửi, vì… thế thì cũng tốt mà!

(Bài trả lời phỏng vấn trên SOHA.vn)

Hoa Sơn Tửu Lầu - Điểm khác biệt đầy cảm xúc
Chuyện nhỏ ở Sài Gòn - Bà cụ "tàng hình"

Your email address will not be published. Required fields are marked *