Please log in or register to do it.

Ngày 30/4/2005 tòan dân kỷ niệm 30 năm giải phóng hòan tòan miền nam thống nhất đất nước, với mong muốn khép lại một quá khứ hào hùng để mở rộng cánh cửa nhìn về tương lai. Ở đấy, chúng ta thấy hình ảnh một Việt Nam sáng ngời những khuôn mặt trẻ trung, năng động, biết sử dụng công nghệ, biết ứng dụng kỹ thuật cao vào đời sống xã hội và sản xuất để làm nên kỳ tích.

Tuổi trẻ với hòai bão

Đúng 10 ngày sau đại thắng của đất nước, một người mẹ đã sinh hạ đứa con thứ 9 của mình trước cửa một bệnh viện thuộc địa phận tỉnh An Giang. Gia đình khó khăn nên việc sinh nở của bà từ trước tới nay hòan tòan là “tự túc”, chứ có bao giờ dám nghĩ đến việc được nằm nhà thương, được chăm sóc bởi các cô hộ lý. Vương Quang Hậu – người con mà ngay từ nhỏ đã bén duyên bệnh viện – có lẽ vì sự tình cờ hy hữu đó mà đã gắn bó cả sự nghiệp sau này của mình với các nhà thương.

Nhà có 9 anh chị em nên cuộc sống không được đủ đầy no ấm, thế nhưng Hậu vẫn được đến trường và được sự yêu thương chăm sóc của cả nhà. Trong những ngày tháng khó khăn, các anh chị trong nhà đã lần lượt phải nghỉ học giữa chừng, để cùng ba má kiếm tiền lo cho em út ăn học. Không phụ tình yêu thương đó, Hậu liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi tòan diện trong những năm học phổ thông và đến năm 1993, anh đường hoàng trở thành sinh viên khoa công nghệ thông tin của trường Đại học Cần Thơ.

Tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư tin học, Hậu một mình lên Sài Gòn lập nghiệp với những quyết tâm và hòai bão đong đầy của tuổi trẻ, với niềm tin yêu và hy vọng của cả gia đình. Không mấy khó khăn để trở thành nhân viên của một công ty phát triển phần mềm trong thành phố, Hậu luôn cố gắng hết mình trong công việc, hòan thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và không ngừng học hỏi thêm để tự hòan thiện bản thân. Thế nhưng chỉ hai năm sau đó, với bản tính thích thể nghiệm và khám phá, vào giữa tháng 5/2000, khi đọc được thông báo tuyển dụng của công ty phần mềm FSoft, Hậu đã đăng ký dự tuyển và chắc khi đó, anh cũng không ngờ rằng đây chính là nơi có thể giữ chân anh lại và đem đến cho anh biết bao nhiêu kỷ niệm.

Ngày ấy, thị trường phần mềm ở Việt Nam đang ở vào thời kì quá độ, các công ty buộc phải xoay xở một cách khó nhọc để mở rộng thị phần và tìm kiếm nguồn khách hàng mới. Tất nhiên, Fsoft cũng không nằm ngòai quy luật. Ban giám đốc sau khi họp bàn đã đi đến thống nhất phải đánh mạnh vào mảng thị trường phần mềm bệnh viện, và đó cũng là con bài chiến lược của Fsoft vào giữa năm 2000. Công ty quyết định thành lập một “đội quân” gồm 8 “đồng chí” với nhiệm vụ được giao là nghiên cứu xây dựng dự án quản lý tổng thể bệnh viện – một bước đi mang tính đột phá vào thời điểm lúc bấy giờ.

Quyết tâm…

– Và “quân đòan trưởng” của “đội quân” ấy là Hậu phải không?

– Đúng thế. Khi nhận nhiệm vụ phải nói là mình rất vui, sung sướng và tự hào, chứ chưa thấy… sợ!!! Mãi sau này, khi bắt tay vào làm rồi thì mới vấp phải nhiều khó khăn, có lẽ chính sức trẻ, lòng quyết tâm và nhiệt huyết đã giúp mình vượt qua được. Bây giờ công việc đỡ vất vả rồi, nhưng nhiều lúc ngồi nghĩ lại, vẫn không hiểu tại sao khi ấy mình có thể hòan thành nhiệm vụ được nữa.

Vào những năm 1999 và khoảng thời gian trước đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghành y tế vẫn chưa được chú trọng phát triển. Những phần mềm được sử dụng ở các bệnh viện chỉ mang tính chất nhỏ lẻ. Vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu và xây dựng được một hệ thống có khả năng giải quyết được tất cả các yêu cầu cần thiết cho một bệnh viện, xây dựng các phân hệ xuống từng phòng ban, kết nối tất cả thông qua một hệ thống quản lý chung và phân quyền chi tiết. Cái khó mà Hậu và các “đồng chí” trong “đội quân” của anh phải đối mặt là vấn đề nghiệp vụ bệnh viện.

– Tại thời điểm đó, hầu hết các phần mềm được sử dụng trong bệnh viện là sản phẩm của chính các… bác sĩ yêu thích tin học. Họ hiểu biết sâu sắc về đặc thù công việc, về tính chất và đặc trưng của một phần mềm phục vụ cho bệnh viện, còn mình thì – bạn biết rồi đấy – một chàng kỹ sư tin học, thậm chí từ bé đến giờ con chưa phải nhập viện lần nào!

– Vậy tại sao Hậu không từ chối và yêu cầu công ty bố trí công việc đấy cho một người khác thích hợp hơn?

– Mình đã nhận “nhiệm vụ” thì dù khó, dù khổ cũng phải cố gắng hòan thành. Khi ấy chỉ có một suy nghĩ trong đầu là quyết tâm bằng mọi cách thực hiện công việc được giao và phải “có một cái gì đấy” mang tính chất đột phá. Các phần mềm hiện đang được sử dụng ở bệnh viện được thiết kế dưới góc nhìn của một bác sĩ, còn bây giờ dưới góc nhìn của một người chuyên làm phần mềm, hy vọng sẽ có nhiều thay đổi hữu ích mang tính chất kế thừa và phát huy.

… và nhiệt huyết

Phải trực tiếp ngồi nghe câu chuyện mà Hậu kể mới thấy được lòng say mê của Hậu với dự án mà anh theo đuổi. Tôi cứ nghĩ mình đang được ngồi nói chuyện với một bác sĩ chứ không phải một lập trình viên vi tính. Hậu có thể miêu tả chi tiết các hoạt động trong bệnh viện, từng phòng, ban, từng quy trình khám, chữa bệnh rồi nhập, xuất, anh cứ thuộc làu làu như lòng bàn tay vậy. Anh ngồi kể chuyện một cách say mê và cần mẫn, tựa như những phẩm chất đáng quý của một người bác sĩ đã ngấm sâu vào trong từng mạch máu của anh trong suốt khoảng thời gian ròng rã mấy tháng trời đi “thực tế” tại biết bao nhiêu bệnh viện.

Khách hàng đầu tiên của Fsoft trong lĩnh vực quản lý tổng thể bệnh viện là bệnh viện tư nhân Triều An – bệnh viện tư đầu tiên tại Việt Nam. “Có điều, khi nhận hợp đồng triển khai hệ thống quản lý cho Triều An thì đúng vào thời điểm nó vẫn còn đang… xây dựng. Có lẽ đấy là khó khăn lớn nhất mà mình và các anh em trong nhóm phải đối mặt” – Hậu tâm sự. Ngay sau khi nhận được hợp đồng bệnh viện Triều An thì cũng là lúc Hậu bắt đầu… nhập viện. Không phải anh bị bệnh hay chấn thương mà nguyên nhân của hành động đó, theo Hậu giải thích là “muốn làm cho tốt, chỉ có cách là đi thực tế”

Với độ tuổi của Hậu khi ấy, việc cả ngày phải “thực tế” trong bệnh viện là một điều hết sức khó khăn, thế nhưng nghĩ đến công việc, nghĩ đến “một cái gì đấy mang tính chất đột phá” mà Hậu có thể vượt qua tất cả. Anh cùng đồng nghiệp miệt mài làm việc không kể ngày đêm với mong muốn “sản phẩm đầu tiên nhưng phải là tốt nhất”. Thế nhưng, cũng trong lúc này, việc thiếu kinh nghiệm quản lý đã nhiều lần làm anh điêu đứng. Có những thời điểm, Hậu gần như phải ngậm ngùi rút ra khỏi vị trí quản lý dự án để người khác vào làm thay, thế nhưng cuối cùng, chính lòng yêu nghề và nhiệt huyết tuổi trẻ của anh đã khiến cho ban giám đốc tin tưởng và để Hậu tiếp tục công việc còn đang dang dở.

Cùng với sự giúp đỡ về chuyên môn của các y bác sĩ trong bệnh viện Triều An, và quyết tâm của cả nhóm, tháng 8/2001 dự án quản lý tổng thể bệnh viện do Hậu làm quản trị đã chính thức được nghiêm thu, ứng dụng thành công trong bệnh viện Triều An. Ngày khai trương bệnh viện cũng là ngày hệ thống đưa vào vận hành, ai cũng vui mừng duy có Hậu và các “đồng chí” của anh thì “lo và hồi hộp là chính chứ không vui nổi”. Thực ra điều đó cũng dễ hiểu, vì cả một khoảng thời gian dài trước đó, hệ thống chỉ được kiểm nghiệm trong một môi trường giả lập, bây giờ đưa vào ứng dụng thực tế, lại là đầu tiên, tất nhiên sẽ không thể tránh khỏi một vài sai sót.

Sau ngày khai trương ở bệnh viện Triều An, nhóm của Hậu cử ra 6, 7 người túc trực ở bệnh viện để xử lý các sự cố bất ngờ. Và khoảng thời gian này với anh cũng hết sức đáng nhớ. Phòng trung tâm điều phối của Hậu hầu như ngày nào cũng được “các nữ y bác sĩ xinh xắn và dễ thương” ghé thăm, nhờ sửa phần này một tí, phần kia một tí, nhờ thêm các module và phân hệ. Sau thời gian chuyển giao hòan tòan công nghệ cho bệnh viện, Vương Quang Hậu và các “đồng chí” của mình “ngậm ngùi” chia tay bệnh viện. Chẳng biết Hậu có “kỷ niệm sâu sắc” gì ở bệnh viện Triều An không mà khi tôi hỏi về vấn đề tình cảm, Hậu chỉ cười tủm tỉm và quyết… không hé lộ thông tin gì cả.

Cuối năm ấy, tháng 11/2001 Hậu thi đỗ và nhận chứng chỉ MCSD của MicroSoft. Niềm vui đến với anh như được nhân đôi cùng với những lời khen ngợi không ngớt từ phía bệnh viện Triều An – khách hàng đầu tiên của công ty. Và tôi biết, tại thời điểm ấy, chỉ có chưa tới 100 chứng chỉ MCSD trong các quốc gia ở Đông Nam Á.

Câu chuyện của chàng trai… Virus

Nếu việc đi “thực tế” tại bệnh viện của Vương Quang Hậu chỉ vì lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm thực hiện bằng được công việc mà mình theo đuổi thì câu chuyện dưới đây lại có xuất phát điểm từ việc nghiên cứu bài báo “Bác Hồ làm dân vận ở Thái Lan” của một giảng viên đại học, người mà mọi người vẫn hay gọi đùa bằng cái tên trừu mến là Quảng “Virus”.

Chắc hẳn không ai trong chúng ta là không biết đến Nguyễn Tử Quảng với phần mềm diệt Virus “made in Vietnam” nổi tiếng BKAV của anh và các cộng sự. Năm 2001, Nguyễn Tử Quảng trở thành giám đốc của trung tâm an ninh mạng đầu tiên tại Việt Nam (2001), và sau đó là giám đốc học viện mạng BKNA, đồng thời là giảng viên đại học bách khoa Hà Nội. Thế nhưng, ít ai biết được đằng sau những công việc mang đậm chất “công nghệ thông tin” như vậy, Nguyễn Tử Quảng còn là một chiến sĩ Cách Mạng mẫu mực trên một mặt trận không tiếng súng.

Nguyễn Tử Quảng có một niềm đam mê kỳ lạ với lập trình và vi tính. Ngay từ thời kỳ học cấp III chuyên tóan của đại học sư phạm anh đã tìm đến với các ngôn ngữ lập trình như một thú vui và dùng nó để giải trí. Năm 1995, khi tin học ở Việt Nam đang ở trong giai đọan bắt đầu phát triển thì cũng là lúc Virus máy tính có cơ hội hoành hành. Với niềm đam mê và sự yêu thích tin học, mùa hè năm 1995, trong một kỳ nghỉ giữa học kỳ, Nguyễn Tử Quảng – khi ấy đang là sinh viên năm 2 trường đại học bách khoa Hà Nội – đã hòan thành phiên bản diệt virus BKAV đầu tiên với ngôn ngữ lập trình Pascal chạy trên nền hệ điều hành MS-DOS.

Trong suốt 10 năm nghiên cứu và phát triển sản phẩm diệt virus miễn phí đó để phục vụ cho cộng đồng và xã hội, anh đã gắn bó với cái tên BKAV (Bách Khoa Anti-Virus) như hình với bóng và có biết bao nhiêu niềm vui và kỷ niệm. Từ mùa hè đáng nhớ ấy khi BKAV chỉ do một mình anh phát triển cho đến ngày hôm nay, được sự chấp thuận của Ban giám hiệu trường Đại học bách khoa Hà Nội, Nguyễn Tử Quảng và các cộng sự của mình đã thành lập trung tâm an ninh mạng bách khoa BKIS với một đội ngũ lên đến 40 chuyên gia với chuyên môn cao và nghiệp vụ vững vàng. Niềm mong mỏi lớn nhất của Nguyễn Tử Quảng vẫn là “dồn tòan tâm tòan ý để cho BKAV làm tốt và tốt hơn nữa những gì mà nó đã đạt được từ trước đến giờ”.

Trung tâm an ninh mạng BKIS hiện có trên 40 chuyên gia kỹ thuật cao hoạt động ở các dự án: virus máy tính, an ninh mạng, đào tạo chuyên viên mạng và văn phòng điện tử. Nguyễn Tử Quảng đã rất ưu ái dành cho bộ phận nghiên cứu và phát triển BKAV (mà anh gọi là “nhóm virus”) 10 người với quyết tâm, sự say mê và nhiệt huyết ngày đêm cập nhật, nâng cấp và làm cho BKAV hòan thiện hơn với mục đích duy nhất là… tặng không cho cộng đồng những người dùng máy tính và Internet (cũng cần nói thêm rằng với một tập đòan hàng đầu thế giới về an ninh mạng như Symantec – tác giả của Norton Anti Virus – thì họ cũng chỉ dám đầu tư cho bộ phận nghiên cứu và phát triển NAV số lượng 15 chuyên gia mà thôi). Hầu hết những người làm việc trong nhóm virus của anh đều còn rất trẻ, họ những đại biểu của thế hệ 8x và có một điểm chung: đam mê lập trình và mong muốn phục vụ xã hội. Kể về sự đam mê của các bạn trẻ, anh nói:

– Tuy các bạn còn rất trẻ nhưng tinh thần làm việc của các bạn thì khiến cho ai cũng phải khâm phục. Các bạn ở trong nhóm thường làm việc không kể ngày đêm và dành trọn thời gian cho công việc. Có những hôm mất điện, mình nghĩ trong bụng, coi như là một khoảng thời gian cho các bạn có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn thế nhưng bạn nào cũng ngồi một chỗ… bần thần mong chờ đến lúc có điện để làm việc và có một số bạn thì về nhà… lập trình tiếp và sau đó liên tục gọi điện lên trung tâm hỏi những người trong nhóm “có điện chưa bọn mày ơi?”.

Quảng BKIS – Quảng BKNA

Nguyễn Tử Quảng là một người nói chuyện có duyên và cuốn hút. Anh có thể khiến cho người đối diện ngồi nghe anh nói hàng giờ mà không thấy chán. Trong câu chuyện của mình, anh liên tục nhấn mạnh đến vấn đề “học tập các bậc đàn anh đi trước”, “kế thừa và phát huy”,… nhưng hấp dẫn nhất là việc anh và các học trò của mình trong trung tâm an minh mạng đã đi làm dân vận như thế nào trong thời buổi khoa học kỹ thuật hiện nay. Khi tôi hỏi “nếu anh là một thanh niên vào thời điểm đất nước đang có chiến tranh, anh sẽ làm gì?”, anh trả lời rất tự nhiên “Đừng đặt mình vào thời điểm có chiến tranh, ngay tại thời điểm hiện tại, cuộc sống luôn có những thách thức và cơ hội, nếu bạn là thanh niên trong thời đại mới, bạn sẽ biết cách phải làm gì cho đất nước, cho xã hội và cho chính bản thân bạn nữa”.

09c5c241703222c2d896f31c471610ea-quang-no

Việc đầu tư và sử dụng cơ sở hạ tầng tin học ở nước ta hiện nay đang gặp phải một vấn đề chung là lãng phí. Người ta đã mất biết bao nhiêu giấy mực để mổ xẻ và coi đó như một căn bệnh trầm kha, thế nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Ai nói cứ nói, ai làm cứ làm, và lãng phí vẫn hòan lãng phí. Nhận thức rõ được điều đó, Nguyễn Tử Quảng cho rằng mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ phải hành động, phải “chỉ cách cho người ta làm chứ không phải chỉ ra cho người ta thấy là xong”. Dưới con mắt của Nguyễn Tử Quảng, việc xây dựng cơ sở hạ tầng mạng trong tin học được ví như một công trình xây dựng không có kiến trúc sư. “Vẫn có từng đấy đất, đá, gạch và xi măng nhưng tôi đưa anh, anh chỉ xây nên được một túp lều, nhưng nếu tôi đưa cho một kiến trúc sư thì người ta có thể xây nên một căn nhà to, đẹp thậm chí một tòa lâu đài nguy nga tráng lệ, điều đó dễ hiểu mà” – anh vừa cười vừa giải thích theo một cách rất… đời thường như vậy.

Và anh đi đến kết luận: “Việc xây dựng cơ sở hạ tầng tin học ở các cơ quan, tổ chức, phân xưởng, nhà máy,… đều cần phải có một “kiến trúc sư” trong tin học làm tư vấn, và người kiến trúc sư đó phải là người có cái tâm. Không thể để cho các anh bán linh kiện máy tính kiêm luôn chức danh “kỹ sư” đó được, vì xét cho cùng, ai mà chẳng muốn hàng của mình bán được nhiều và thu lãi lớn”. Và chính điều đó đã khiến cho anh quyết tâm thành lập trung tâm an ninh mạng BKIS với sứ mệnh trở thành một “kiến trúc sư” tài ba, chuyên tư vấn kỹ thuật cho việc lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng và bảo đảm an ninh mạng cho mọi cơ quan, tổ chức, tránh tình trạng lãng phí chung trong các doanh nghiệp hiện nay. Việc xây dựng đội ngũ nòng cốt cho nhóm tư vấn của BKIS ngày càng trở nên bức thiết và đòi hỏi phải luôn luôn bổ sung, cập nhật. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng mong muốn được học hỏi và nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh mạng – một lĩnh vực được rất nhiều bạn trẻ quan tâm – BKIS đã kết hợp với Cisco System để thành lập nên học viện mạng BKNA tại trường đại học bách khoa Hà Nội.

Và Quảng đi làm dân vận

Khi chỉ thị 58 của Chính phủ được ban hành, câu hỏi lớn nhất đặt ra đối với Nguyễn Tử Quảng là “tại sao ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam lại chưa phát triển?” và anh bằng mọi cách đi tìm câu trả lời. Anh nói với một trạng thái rất bức xúc:

– Các thế hệ đàn anh đi trước xả thân vì độc lập, tự do cho dân tộc. Các chú, các bác biết lợi dụng tình đòan kết, vận động tòan dân đi làm Cách Mạng để tạo nên sức mạnh to lớn dẫn đến biết bao nhiêu chiến thắng vẻ vang. Chẳng lẽ thế hệ trẻ chúng ta bây giờ có mỗi một việc đơn giản là kêu gọi mọi người sử dụng và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong lao động và sản xuất lại không làm được hay sao?

Không chỉ phát biểu suông, Nguyễn Tử Quảng đã trăn trở và cuối cùng anh cũng tìm ra cách thực hiện:

– Mình cũng phải đi học cách làm dân vận thôi cậu ạ!

– … nhưng học ở đâu?

– Lên mạng mà học, dân công nghệ thông tin thì phải học ở trên mạng chứ ở đâu.

Và không phải nói cho vui, Nguyễn Tử Quảng đã lên mạng và anh tham gia vào lớp học dân vận… của Bác Hồ tại trang web của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Anh tiếp tục kể (và giảng giải cho tôi nghe) về dân vận, về cách thức mà anh đã và đang thức hiện, càng nghe càng thấy hay, thấy đúng và đến khi anh kết luận “những bài học các cụ dạy, không có gì là sáo rỗng hay giáo điều cả, quan trọng là anh có biết ứng dụng nó vào thực tế cuộc sống ngày hôm nay hay không” thì tôi thấy… đã đến lúc mình nên đi tìm hiểu thêm về dân vận.

“Nói ít, làm nhiều”

Trong cả một thời gian dài, Nguyễn Tử Quảng miệt mài lên mạng, truy cập vào website của Đảng Cộng Sản Việt Nam với mục đích tìm kiếm các tài liệu viết về sách lược dân vận của Hồ Chủ Tịch, anh đọc đến đâu, “sáng” ra đến đấy và quyết tâm bằng mọi cách ứng dụng nó vào tin học để phục vụ xã hội:

– Ngày xưa các cụ làm dân vận, sống cùng dân, ăn cùng dân, nói ít mà lại làm nhiều. Những việc đó khiến bà con nhìn thấy, nghe thấy, tin tưởng và làm theo. Bây giờ mình ứng dụng vào tin học cũng… cứ thế mà làm. Chúng ta không nên hô hào nữa, là thanh niên thì có sức khỏe, có quyết tâm, có hòai bão, tội gì không lăn xả vào mà làm. Nói ít, làm nhiều, ai mà không tin tưởng.

Kể từ bữa đó, Nguyễn Tử Quảng, các cộng sự trong trung tâm an ninh mạng và cả các học trò của mình thực hiện chiến dịch “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với những nơi mà trung tâm anh đã từng tư vấn về cơ sở hạ tầng mạng. Và kết quả thu được hết sức khả quan:

– Ngày trước cũng có mạng đấy, nhưng những người trong công ty đâu có dùng, họ chỉ quen dùng Word, Excel và.. chơi Game. Bây giờ mình xuống tận nơi, ăn ở học tập và làm việc cùng người ta. Chỉ cho người ta cách email, cách nhắn tin, cách tìm kiếm thông tin trên mạng. Lần đầu người ta thờ ơ, lần thứ hai người ta thấy khó tiếp cận, lần thứ ba, thứ tư rồi thứ n thì ai ai cũng thích, ai ai cũng biết email, cũng biết search google. Và không vào mạng là thấy thiếu. Cái chính là mình phải biết tạo dựng cho người ta một niềm tin, người ta tin rằng ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc sẽ làm tăng hiệu quả công việc và giảm công sức, đỡ mệt nhọc thì chắc chắn người ta sẽ làm theo. Nhưng làm sao để người ta tin? Hãy để cho người ta thấy mình làm, hãy làm cho người ta thấy hiệu quả, có vậy sẽ tạo dựng được lòng tin.

Nguyễn Tử Quảng gọi đó là giác ngộ, và anh nói thêm “kể ra thì đơn giản như vậy, nhưng để thực hiện được, mình và các bạn trẻ ở trung tâm đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Động lực để bọn mình hòan thành được công việc là ý nghĩ giúp ích cho mọi người và đem lại cho họ được niềm vui. Cái khó nhất của việc hô hào để mọi người tin và làm theo mình đấy là tính đơn giản và dễ thực hiện. Các phần mềm được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đa phần vẫn là của nước ngòai với giao diện và ngôn ngữ tiếng Anh rất khó sử dụng đại chúng, bọn mình đang nghiên cứu phát triển một phần mềm tích hợp tất cả trong một, vừa diệt virus, vừa ngăn chặn hacker, vừa email, vừa nhắn tin, vừa lập lịch, thời khóa biểu,.v.v… vào trong một sản phẩm thuần Việt để phục vụ cho người Việt, có như vậy, việc tiếp cận công nghệ mới dễ dàng và hiệu quả!!!”. Kết thúc câu chuyện, anh còn không quên dặn tôi rằng “Em cứ truy cập vào website của Đảng Cộng Sản Việt Nam, tìm kiếm với từ khóa Bác Hồ, dân vận, Thái Lan là sẽ thấy những bài viết mà anh nói, đọc đi, hay lắm đấy”.

Tạm biệt lớp học tại trung tâm an ninh mạng của thầy giáo, giảng viên Nguyễn Tử Quảng, tôi lại ghé thăm một lớp học cũng rất đặc biệt của một đồng nghiệp của anh.

Bình dân học vụ… online

Ngày xưa người ta nô nức đến lớp bình dân học vụ để học chữ cái, để học đánh vần, còn ngày nay, hàng ngày có hàng nghìn bạn trẻ kéo nhau lên mạng để tham gia vào lớp học… tóan trực tuyến của “thầy giáo” Trần Quốc Việt tại địa chỉ http://www.ddtoanhoc.net. Tôi không chắc mình dùng chữ “bình dân học vụ” cho “lớp học” đặc biệt này có bị sai lệch ý nghĩa nhiều không khi ở đây tòan đụng mặt các bạn trẻ thuộc đội tuyển đi thi tóan Olympic quốc gia và quốc tế!!! Nhưng về hình thức, thì nó không khác các lớp học ngày xưa là mấy: đối tượng tham gia cũng đủ thành phần, độ tuổi và trình độ khác nhau. Người “dậy học” thì cần mẫn, nhiệt tình và không vụ lợi.

Đầu năm 2004, thầy giáo Trần Quốc Việt (hay nói chính xác hơn là giảng viên) nẩy ra ý định thành lập một website chuyên về tóan học, với mong muốn “xây dựng sân chơi trực tuyến về Toán Học cho những người yêu toán, học toán, dạy toán và làm toán”. Vốn không phải là một người có chuyên môn về công nghệ thông tin, trong những ngày đầu thành lập, website gặp phải vô số khó khăn, kể từ việc tìm kiếm tên miền (tên miền chính thức của website hiện nay là ddtoanhoc.net do tên miền diendantoanhoc.com đã bị đăng ký mất), thuê chỗ đặt máy chủ cho đến việc lập trình, quản lý cơ sở dữ liệu, thêm bớt module rồi vận hành cho nó hoạt động. Thế nhưng, như để đền đáp lại tâm huyết mà Việt đã dành cho “lớp học” ảo này, số lượng thành viên của website tăng lên một cách chóng mặt và số lượng người truy cập đạt con số xấp xỉ 4000 lượt một ngày (tính ra, số lượng học viên của lớp tương đương với số lượng học viên của cả một trường đại học!!!).

Sau khi ra mắt được một thời gian, niềm vui của Việt chưa trọn vẹn thì website gặp vấn nạn hacker. “Tòan bộ cơ sở dữ liệu, thông tin về thành viên, tài nguyên website bị mất và đánh sập hết tất cả. Lớp học tan tác, thành viên mỗi người một nơi, mình nhìn cảnh đó mà thấy đau lòng, có cảm giác như đây không chỉ là một lớp học ảo trên mạng, nó đã gắn bó với mình và khi ấy, mình nghĩ, bằng mọi cách phải làm lại từ đầu”. Gạt bỏ những khó khăn về chuyên môn, về kinh phí và công sức đã bỏ ra, Việt cùng những thành viên tâm huyết của “lớp học” ra sức tạo dựng lại từ những viên gạch đầu tiên.

Đúng theo lý thuyết “cái nào ra đời sau sẽ tốt hơn”, website sau khi được thiết kế lại đã đẹp hơn, chạy nhanh hơn, ổn định hơn và vui nhất là đông thành viên hơn. Thế nhưng, “không hiểu tại làm sao” mà sau đó một thời gian, hacker lại tiếp tục bỏ bom vào “lớp học”. Và khi này, Việt cảm thấy nản chí và muốn buông xuôi. Nhưng chính thời điểm ấy, những lời động viên, an ủi và chia sẻ từ các “học viên” trong “lớp”, từ bạn bè và người thân đã tiếp thêm sức lực cho Việt và giúp anh quyết tâm thực hiện lại từ đầu một lần nữa. Việt tâm sự:

– Việc mình làm có ý nghĩa cho các thành viên khác, cho các em, các bạn trẻ say mê học tóan và nghiên cứu về tóan. Khi ấy mình nghĩ, mình có nản cũng phải làm, làm xong cho “lớp học” thành hình rồi … nản tiếp cũng được, chứ bây giờ thì tuyệt đối KHÔNG. Trong lần thứ ba xây dựng lại “lớp học” đặc biệt này, chính những thành viên tâm huyết của diễn đàn mới là những người có công nhiều nhất, không có các bạn ấy, mình đã không thể làm được.

Có lẽ chính sự quyết tâm, tinh thần đòan kết của tập thể “lớp học” này mà từ sau “sự cố” đó, website ngày một phát triển, số lượng thành viên tăng chóng mặt và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một tên hacker nào nữa cả!!!

Đội quân tinh nhuệ

Nếu bạn là một người chịu khó theo dõi các cuộc thi kiến thức trên truyền hình hay các cuộc thi cấp quốc gia, quốc tế chắc chắn sẽ gặp được rất nhiều cái tên quen thuộc trong “lớp học” này. Các thành viên như Mạnh Hùng, Vĩnh Anh, Lê Thái Hoàng đều là các thành viên đã từng đoạt huy chương vàng tóan Quốc tế, hay hạt tiêu hơn như cô bé Nguyễn Việt Hằng thì đã nhẵn mặt ở các cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”. Thành viên lớn tuổi nhất “lớp” là thầy giáo Trần Nam Dũng, 40 tuổi, giáo viên một trường Phổ thông năng khiếu tại thành phố Hồ Chí Minh, còn nhỏ tuổi nhất là các bé… học sinh lớp 6. Tuy “lớp học” đủ trình độ và độ tuổi như vậy nhưng mọi người đối xử với nhau rất thân thiện và vui vẻ, ai cũng có thể làm thầy và ai cũng có thể làm trò. Mỗi người đều được khuyến khích phát triển sở trường của mình và được các thành viên khác trong “lớp” giúp đỡ để khắc phục những điểm còn yếu, kém.

Điểm đặc biệt của website này là tính chất “mở”. Cho dù bạn có là một tiến sĩ tóan học hay một học sinh học dở nhất lớp thì cũng sẽ cảm thấy thực sự thoải mái khi đặt câu hỏi trong “lớp”. Một danh sách những giáo viên, tiến sĩ, nghiên cứu sinh, các bạn học sinh giỏi tóan, các bạn trong đội tuyển tóan Quốc gia, Quốc tế lúc nào cũng sẵn sàng trả lời các thắc mắc của bạn về bài học một cách tỉ mỉ, nhanh chóng và rất “fairplay” – điều mà các website khác rất khó có duy trì. Và trên thực tế, trong diễn đàn trao đổi của website, có rất nhiều những bạn trẻ học phổ thông trung học, phổ thông cơ sở tham gia vào tìm hiểu và hỏi về những bài tóan khó, những vấn đề mà bạn còn vướng mắc ở trên lớp. Bạn Lê Nguyễn Hào Nam (boytoro2…@yahoo.com), hiện đang học trường Bùi Thị Xuân tâm sự:

“Hồi đầu em cũng không thường xuyên lên đây (ddtoanhoc.net) đâu ạ, chỉ vài bữa vô một lần để coi mục “Vẻ đẹp tóan học” cho vui. Có bữa em bí bài tóan trên lớp đó, em thử đăng ký thành viên vào trong forum để hỏi thì 5 phút sau đã có bạn trả lời cho em mà giảng giải chi tiết nữa, nên em thấy hay mà cũng bổ ích phục vụ được công việc học tập trên lớp lại vừa thư giãn. Ba má em thấy website bổ ích nên cũng cho em truy cập vô. Bây giờ thì em “ghiền” luôn và ngày nào sau kho học xong em cũng vào để giao lưu và học hỏi thêm”.

Thay lời kết

Chắc hẳn, cho đến lúc này, các bạn vẫn chưa khám phá ra được ý nghĩa của 2 con số mà tôi sử dụng làm tiêu đề cho bài viết. Thực ra, đó cũng không phải là một con số gì bí hiểm hay có những dụng ý sâu sa. Nếu bạn truy cập vào website tìm kiếm google.com và gõ vào đấy lần lượt 2 từ khóa “30/4/1975” và “30/4/2005” thì sẽ thu được kết quả đầu tiên là 2 con số 0.00379 và 0.00374 (do Google tự nhận dạng từ khóa này có dạng phép tính số học và nó đã “âm thầm: thực hiện tính tóan sau đó trả kết quả về cho bạn). Bạn thấy đấy, cả một khoảng thời gian suốt 30 năm với bao nhiêu biến cố, dưới “góc nhìn” của công nghệ thông tin thì dường như chỉ mới “hôm qua”. Hai phép tính với kết quả khác nhau chưa 0.00005 ở hàng đơn vị, nhắc nhở chúng ta luôn nhớ về những ngày tháng hào hùng đó.

Từ ngày 30/4/1975 đến 30/4/2005, chúng ta đã trải qua 30 năm đi lên và phát triển. Dưới góc nhìn của lịch sử thì 30 năm quả là một chặng đường rất dài và có nhiều gian khó, đó là một chặng đường đất nước. Cách đây đúng 30 năm, cha ông chúng ta đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng để đem lại cho chúng ta một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thế hệ chúng ta ngày nay, may mắn vì được sinh ra trong hòa bình dân tộc, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và có những đòi hỏi mới của thời cuộc. Ba câu chuyện về ba chàng trai sinh năm 1975, mỗi người có một “thành tích”, một cách sống và lý tưởng sống cho riêng mình, nhưng chung nhất vẫn là niềm say mê lao động, nhiệt huyết và hòai bão của tuổi trẻ, quyết tâm và hăng say lao động hết mình để cống hiến cho xã hội, cho đất nước. “Một đất nước đang nhìn về tương lai, qua gương mặt của một thế hệ trẻ trung biết nắm chắc những công cụ hiện đại để làm nên sự thay đổi. Tuổi trẻ ấy đang lao động, sáng tạo và dấn thân trên từng cây số” (TTO).

Bạn và tôi, trong ngày vui chung của dân tộc và tòan xã hội, chúng ta cùng nhìn lại một chặng đường 30 năm để đưa đất nước tiến lên phía trước, bằng chính khoa học công nghệ, bằng chính lòng quyết tâm và niềm say mê xuất phát từ trái tim bạn. Tôi xin trích dẫn những lời tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để kết thúc bài phóng sự của mình:

“Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu”.

Mời thưởng thức một tách trà sen
Nguyễn Ngọc Long Blackmoon trên báo

Your email address will not be published. Required fields are marked *