Sau nhiều đồn đoán, rồi “rào đón”, tiến tới “xì xầm”, “nhá hàng”… thì Viettel đã chính thức ra mắt dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử viễn thông được đánh giá là “hiện đại nhất Đông Nam Á”.
Nhưng MMun đã tìm mỏi cả mắt trên các báo mà không thấy bất cứ thông tin nào cho biết “cái nhất” đó được đánh giá trên tiêu chí gì và do ai (đơn vị nào) thẩm định? Có vẻ như các nhà báo đã viết theo thông cáo báo chí của Viettel rồi nhỉ.
Mình hâm mộ Viettel, gần như là tất cả mọi thứ liên quan đến Viettel. Từ logo, slogan, phong cách quản lý, chiến lược… đến con người và các chiến dịch truyền thông. Nói chung, mình ủng hộ Viettel – một công ty đúng “chất con nhà lính”.
Viettel cho biết, dây truyền sản xuất của họ có công suất thiết kế đạt tới 5 triệu USB 3G/năm, hoặc 3 triệu máy ĐTDĐ/năm hoặc 900 ngàn máy tính/năm, phục vụ cho nhu cầu thị trường của Viettel, bao gồm cả những thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư. Hiện dây truyền được vận hành bởi hơn 40 kỹ sư, thạc sỹ và tiến sỹ, trong đó hầu hết đã từng đảm nhiệm các vị trí quản lý tương đương tại các hãng sản xuất tên tuổi trên thế giới – tất nhiên các thông tin nghe vô cùng hoành tráng này mình cũng không biết các nhà báo đã kiểm chứng hay chưa (99% là chưa).
Thông tin đáng chú ý ở đây là “5 triệu USB 3G/năm”. Thứ nhất, con số đưa ra là 5 triệu. Thứ hai, thiết bị được nhắc đến là USB 3G thay vì USB thuần tuý.
Hãy nhớ lại thời gian trước, khi bắt đầu thâm nhập vào thị trường viễn thông, Viettel đã chọn chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” bằng cách cung cấp điện thoại giá rẻ và các gói cước giá rẻ đến vùng sâu vùng xa. Nói không ngoa, Viettel đã phủ sóng đến từng ngọn lúa, giãi khoai. Và họ đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc chơi đầu tiên, vì Việt Nam xét cho cùng vẫn là một đất nước thuần nông.
Vậy nên, con số 5 triệu USB 3G mà Viettel khéo léo đưa ra dường như báo hiệu một cuộc đua mới mà Viettel đang ngấm ngầm phát động. Tất nhiên, đây chỉ là cảm nhận rất cá nhân của MMun.
3G đóng một vai trò quan trọng đối với việc phát triển đất nước (nghe to tát quá nhưng sự thật là như vậy). Và Việt Nam nên thiết lập một nền tảng vững chắc trước khi tiến lên thực hiện 4G. Các nhà khai thác viễn thông của Việt Nam nên tập trung vào cải tiến chất lượng mạng để đảm bảo các dịch vụ 3G đáng tin cậy có mặt ở khắp nơi, cho đến khi nó trở nên thông dụng và “quen thuộc” như khái niệm Wifi bây giờ vậy.
Trong khi việc “cải tiến chất lượng” phụ thuộc vào đầu phát – là các trạm BTS – vốn đang “tương đối” cân bằng lực lượng giữa Vinaphone, Mobiphone và Viettel thì việc “tổng tấn công” vào thiết bị đầu thu – USB 3G có thể coi như một hành động đi trước đón đầu của ông lớn Viettel.
Các dịch vụ và thiết bị cầm tay 3G tại Việt Nam đang có giá cả rất phải chăng. Dường như đây là kết quả của việc hợp tác giữa Qualcomm và các nhà sản xuất nội địa. Tuy thế, các bài báo đề cập tới “dây truyền sản xuất thiết bị” của Viettel lại không thấy liên hệ tới việc này :-)
Cách đây mấy năm, Viettel đã thành công trong việc “vẽ” nên hình ảnh những bác nông dân, chú xe ôm, chị lao công, cô quét rác… sử dụng điện thoại di động trở nên quen mắt và không còn lạ lẫm. Và bây giờ, MMun rất hy vọng Viettel sẽ tiếp tục thành công trong việc sản xuất ra những thiết bị 3G với giá thành thật rẻ để một ngày không xa, có thể nhìn thấy hình ảnh các bác nông dân cưỡi máy cày ôm điện thoại 3G giá rẻ, vừa cày ruộng vừa chụp hình và chia sẻ ngay lập tức lên facebook.
Mong muốn lắm thay :-)
Vì nhiều lí do, mình rất ghét Viettel!
Tớ thì lại khá cảm tình với Viettel. Một lần tớ đi làm công tác tình nguyện ở vùng sâu vùng xa, sóng điện thoại của mấy hãng nọ ngủm củ tỏi luôn, duy nhất chỉ có mạng Viettel vẫn khỏe ra. Bọn mình đã up được thông tin lên mạng kịp thời và tải các tư liệu về cho mọi người dân trong làng. Love Viettel!