Please log in or register to do it.

Tôi sợ mình nghe nhầm nên hỏi lại, ba năm, là hơn một nghìn ngày? Vâng, có gì đâu ạ, chị nớ còn ở trong rừng bảy năm rồi đó. Bữa ni “xuống núi” là để về nghe anh dạy truyền thông!

Đố anh, cái gì đây?

Là tủ mát!

Vậy bên trong tủ mát sẽ đựng gì?

Thì đồ ăn cần bảo quản, cấp đông.

Còn gì nữa?

Sau khi bới hết đồ ăn và một lớp đá lạnh ở giữa, tôi thấy lỉnh kỉnh lọ, chai, ống nghiệm. Và đặc biệt, ở lớp đáy dưới cùng, là… cứt! Theo đúng nghĩa đen.

Đó là cứt của những con Voọc chà vá chân nâu được các nhà khoa học của Trung tâm Greenviet (Đà Nẵng) thu thập, lưu trữ và đang chờ thủ tục xin giấy phép “xuất khẩu” qua Mĩ làm nghiên cứu, phục vụ cho công tác bảo tồn.

Truyen Thong Trang Den

Chắc hẳn các bạn đang cảm thấy rùng mình ớn lạnh, ghê sợ hay kinh hãi. Nhưng với những người ở đây, chuyện đó là quá sức bình thường.

“Tụi em có thể làm tất cả vì con Voọc bỏ thành phố vào vào rừng sống luôn cũng được”, Trang quả quyết với tôi như vậy!

Đối với nhóm của Trang, mục tiêu lớn nhất là bằng mọi giá phải bảo tồn được đàn Voọc ở bán đảo Sơn Trà.

“Voọc phải được mọi người biết đến, và công nhận như một niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, nằm trong sách đỏ”.

Và trong quá trình nghiên cứu bảo tồn loài, việc các thành viên trong nhóm chấp nhận “đồ ăn của người để chung với phân con Voọc” là chuyện chẳng đặng đừng.

Trang nói, cơ sở vật chất của nhóm mình còn thiếu và còn yếu nên chấp nhận.

“Ở nước ngoài, một người nghiên cứu được cả đàn. Vì người ta chỉ cần “gắn chip” và “đặt bẫy hình”, sau đó ngồi nhà xử lý số liệu đổ về. Còn chúng em thì phải mất ba người mới nghiên cứu được một con. Mỗi lần đi hội thảo báo cáo khoa học quốc tế là tủi thân… muốn khóc”.

Trang kể, để nghiên cứu về tập quán của loài Voọc chà vá chân nâu, các thành viên trong nhóm phải phát hiện và đi theo đàn Voọc vào khắp mọi ngóc ngách trong rừng.

Voọc chuyền cành ở trên cao ăn lá, người ngồi phía dưới hớn hở hứng… phân và thức ăn thừa cho vào thùng mẫu vật.

Có lần, Voọc ngủ trên, người mắc võng nghỉ chân nằm dưới. Trời vừa tang tảng sáng, người còn đang mệt nhoài say giấc đã được Voọc tặng cho ngay một dòng “nước thánh” xuống đầu.

Tôi hỏi rồi khi đàn Voọc đi từ nơi này sang nơi khác làm sao mình biết để đi theo? Trang nói phải tĩnh lặng lắng nghe tiếng động rồi di chuyển theo thôi.

Có những khúc rừng còn nhiều cây cổ thụ cành lá sum xuê, Voọc đu vài sải tay là đi một quãng xa, mà người theo phía dưới thì mắc kẹt ngay con suối. Vậy phải làm sao?

Thì cứ vượt suối đi theo, chứ để mất dấu là mất mẫu. Mà không có mẫu, không có số liệu thì không thể nào nghiên cứu để phục vụ công tác bảo tồn.

Ngoài việc phải ăn rau rừng và đi theo kinh nghiệm do nhiều nơi thiết bị GPS không hoạt động vì mất sóng, Trang không kể thêm nhiều về những mối nguy rình rập nơi nước độc, rừng thiêng.

Thậm chí, đến cả chuyện một thành viên nam trong nhóm bị nhiễm loại ký sinh trùng gì đó chữa hoài không khỏi, cứ lâu lâu toàn thân lại bị lở loét “như nhiễm HIV” cũng chỉ được nói lại như một câu chuyện vui mang tính chất gây cười!

“Tụi em chỉ muốn kể chuyện Voọc thôi. Cho em nói cả ngày cũng được. Còn mình là dân nghiên cứu, bảo tồn thì khó khăn là chuyện đương nhiên phải chấp nhận. Thấy cũng bình thường”.

Và cái chữ “bình thường” nhẹ như hơi thở ấy không phải là để nói về một tuần hay một tháng ở trong rừng, mà là câu chuyện của những người có thâm niên ba năm làm nghiên cứu!

Tôi sợ mình nghe nhầm nên hỏi lại, ba năm, là hơn một nghìn ngày? Vâng, có gì đâu ạ, chị nớ còn ở trong rừng bảy năm rồi đó. Bữa ni “xuống núi” là để về nghe anh dạy truyền thông!

“Bọn em nghĩ kỹ rồi, mình cứ nghiên cứu hoài là không ổn. Giờ phải đẩy mạnh truyền thông người ta mới biết và mới yêu quý con Voọc như mình. Miễn mọi người công nhận con Voọc là báu vật của Sơn Trà và chung tay bảo vệ, thì điều gì bọn em cũng sẵn sàng đánh đổi”.

Vậy thì các bạn của tôi ơi, lần tới nếu có dịp ghé thăm “Thành phố đáng sống” với những người đáng nghiêng mình ngưỡng mộ này, bạn hãy đi tắm biển chán chê, lên Bà Nà chơi thoả thích, rồi nhớ chạy xe lên Bán đảo Sơn Trà ngắm Voọc Nhớ tìm tới các điểm du lịch bán postcad để mua vài bộ hình Voọc chà vá chân nâu làm kỷ niệm.

Đó vừa là hành động nhỏ giúp chung tay với những người làm công tác bảo tồn, vừa là lúc tự nhắc bản thân mình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên và trân trọng sự sống của các loài động vật.

Điều cuối cùng tôi muốn nói, là tiêu đề bài viết “Báu vật ở Sơn Trà” không chỉ để ám chỉ về con Voọc.

Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/6eJd7D

[18+] Đài Loan và những bí mật bạn chưa bao giờ được biết
Kinh nghiệm du lịch bụi Thái Lan cho NGƯỜI DỐT

Your email address will not be published. Required fields are marked *