Please log in or register to do it.

Theo đúng nguyên tắc của Truyền thông Trăng Đen là “Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ”, tôi sẽ cố gắng tự lắng nghe để tìm hiểu nguồn gốc nỗi sợ của bản thân mình, nó đến từ đâu và làm sao để chế ngự nó? Từ đó, tìm ra phương cách để tự mình xử lý mọi việc một cách dễ dàng.

Chú ý:
1, kinh nghiệm này mang tính nguyên lý, nên sau khi hiểu, bạn sẽ áp dụng được cho nhiều Quốc gia khác.

2, kinh nghiệm này phù hợp với những người dốt tiếng Anh (và ngoại ngữ nói chung); nó cũng phù hợp nếu bạn chỉ vừa nghĩ tới việc “đi nước ngoài” là đã sợ run cầm cập vì… nhiều lý do!

3, chúng ta sợ vì chúng ta không hiểu. Hàng trăm ngàn bài viết trên mạng, hàng tá cuốn sách du ký cũng không giúp bạn thoát được nỗi sợ này vì họ chỉ tập trung khoe trải nghiệm, và khoe hàng là chính. Họ không có khả năng giúp cho bạn hiểu, nhưng tôi thì có. Thậm chí đấy còn là mục đích lớn nhất của bài này. Vì vậy, hãy ráng đọc hết và chỉ một bài này thôi là đủ.

Theo đúng nguyên tắc của Truyền thông Trăng Đen là “Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ”, tôi sẽ cố gắng tự lắng nghe để tìm hiểu nguồn gốc nỗi sợ của bản thân mình, nó đến từ đâu và làm sao để chế ngự nó? Từ đó, tìm ra phương cách để tự mình xử lý mọi việc một cách dễ dàng.

0- TẠI SAO TÔI TỰ ĐI THÁI?

Tôi đã đi Thái một lần, nhưng khi ấy tôi không phải làm gì hết vì có bạn đưa đi, nên kinh nghiệm của tôi là số 0 tròn trĩnh. Vì vậy, khi quyết định bay từ Siem Reap qua Thái Lan, tôi rất sợ.
Nỗi sợ lớn nhất là khiến bố mẹ… kinh hãi với trình độ ngáo ngơ của mình; nỗi sợ thứ hai là không đủ hiểu biết để giới thiệu cho các cụ thưởng ngoạn một cách tinh tế và chi tiết về văn hoá, lịch sử, phong tục tập quán của Thái Lan, trong khi tôi rất coi trọng việc này. Vì vậy tôi quyết định thuê hướng dẫn viên.

Tuy nhiên, người đầu tiên hét giá quá cao (100$/ngày) nhưng cũng không phải là guide chuyên nghiệp. Người thứ hai thì nhận lời xong đêm hôm trước tới mờ sáng hôm sau tuyên bố huỷ kèo “vì bận việc đột xuất”. Tôi cảm giác như cả thế giới đã phản bội mình và chuyến du lịch của ba mẹ có nguy cơ đổ bể.
Trước tình thế đó, tôi quyết định mình sẽ tự xử lý việc này.

du lịch Thái Lan

1- NỖI SỢ LÀM PHỤ HUYNH LO LẮNG

Tôi hiểu đây là nỗi sợ lớn nhất của bản thân nên đã thẳng thắn nói chuyện với bố mẹ về tình hình hiện tại. Tôi bảo bây giờ tôi sẽ làm hướng dẫn viên du lịch, và tôi hoàn toàn ngu tiếng Thái, vì vậy cuộc đi chơi này sẽ rất vất vả vì phải mò mò.

“Con sẽ phải ra hiệu, khua chân múa tay và nhiều khi mình sẽ bị lạc đường. Nhưng đổi lại sẽ rất vui, vì nhà mình coi như được đi du lịch bụi, mình cũng tiết kiệm được 300$ là 6 triệu để đi ăn uống đập phá, bố mẹ có đồng ý không?”.

Và sau khi cả hai cụ đều thấu hiểu để chấp nhận cuộc chơi, tôi thấy hòn đá nặng nề nhất đã được gỡ đi, vì vậy chẳng còn gì khiến tôi lo ngại. Vì cái chính, tôi là đứa hoàn toàn không biết nhục!

2- SỢ CÁC THỦ TỤC Ở SÂN BAY

Đây là điều xứng đáng để bạn phải toát mồ hôi hột. Nhất là khi được máy bay thả xuống một nhà ga to như cái mả bố thằng ăn mày, hoa mày chóng mặt và xung quanh toàn những người xa lạ nói một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt.

Nguyên lý của việc này vô cùng đơn giản. Việc bay đi nước ngoài cũng như bay trong nước, ngoại trừ thêm thủ tục xuất cảnh và nhập cảnh. Vì thế tôi khuyên các bạn nên “tập bay” trong nước trước khi du lịch nước ngoài.

Nhập cảnh là thủ tục đăng ký “tạm trú” vào một quốc gia. Bạn sẽ phải nói cho người ta biết bạn là ai, bao nhiêu tuổi, làm nghề nghiệp gì, định ở quốc gia họ từ ngày nào đến ngày nào, với mục đích gì, bạn cư trú ở đâu, sẽ đi đâu, làm sao để liên hệ với bạn v.v… Nói chung là mọi thông tin để quản lý bạn vậy thôi.

Vậy khi xuống sân bay, bạn sẽ phải nộp tờ khai như vậy cho người có thẩm quyền. Tờ khai này có khi bạn được phát từ ở trên máy bay, có khi tự lấy khi xuống sân bay nước ngoài, mà theo “nguyên lý” kể trên thì bạn tự lấy giấy bút ra mà viết hoặc lết tới bục nhập cảnh mà khai bằng miệng cũng không sao cả! Đấy là tôi nói lý thuyết để các bạn hiểu sâu, còn thực tế là vẫn phải điền tờ khai đấy nhé.

Sau khi bạn nộp tờ khai, làm sao người ta biết thông tin trong đơn của bạn là chính xác? Họ sẽ xác minh thông qua Passport (hộ chiếu), một loại chứng minh nhân dân / thẻ căn cước theo chuẩn chung quốc tế. Vì vậy bạn phải có passport nếu muốn ra khỏi Việt Nam để đột nhập vào quốc gia khác.

Và để việc này thêm chính xác đáng tin, họ sẽ lấy dấu vân tay và chụp hình khuôn mặt bạn để đưa vào kho hồ sơ quản lý. Vì thế bạn sẽ được yêu cầu lăn tay, đứng thẳng nhìn vào camera để ghi hình. Đại khái vậy.

Còn khi đi khỏi Việt Nam thì bạn cũng phải làm thủ tục “xuất cảnh” để người ta tống cứ bạn ra khỏi đất nước mình. Vậy chiều đi tới Thailand sẽ là xuất cảnh khỏi Việt Nam (dễ và nhanh); rồi nhập cảnh vào Thailand (khó và lâu). Chiều bay từ Thailand về Việt Nam sẽ là xuất cảnh khỏi Thailand (dễ và nhanh) rồi nhập cảnh về lại Việt Nam (cũng dễ và nhanh luôn). Nói chung, chỉ có lúc nhập cảnh vào sân bay nước bạn là hơi lâu và tỏ ra nguy hiểm chút xíu thôi. Cứ bình tĩnh sống!

3- SỢ BỊ LẠC Ở SÂN BAY

Sân bay quốc tế thường là rộng. Thậm chí là rất rất rất rộng khi so sân bay Suwannapbumi của Thái với Tân Sơn Nhất của Việt Nam. Vì vậy, lần đầu đi sẽ khiến bạn choáng ngợp và tất nhiên là… sợ!

Nhiều bài viết trên Internet đã khuyên bạn cách đọc kỹ các bảng chỉ dẫn treo ở trên đầu, và tôi thấy cách đó cực vô duyên! Lời khuyên của tôi dành cho bạn là hãy cài ứng dụng Pacer khi còn ở Việt Nam. Sau đó, xuống sân bay một phát là mở Pacer lên và chuyển qua chế độ tập thể dục bằng đi bộ. Ứng dụng này sẽ vẽ đường đi của bạn lên bản đồ của mặt bằng hiện tại, và vì thế sau khi bị đi lạc, bạn có thể mở bản đồ lên xem để chắc chắn không bao giờ bị lạc thêm một lần nữa về đường cũ!

Nguyên lý ở đây là, cứ đi bằng hết các ngõ ngách ở sân bay thì thế nào bạn cũng tìm được đường ra. Bạn chỉ chết chìm ở đó khi bị đi tới đi lui rồi quay về chỗ cũ rồi lạc vòng tròn! Nhưng với Pacer, điều này sẽ không bao giờ có thể xảy ra. Việc còn lại mới là xem bảng chỉ dẫn (khó thấy mẹ) và cứ gặp nhân viên sân bay nào cũng lao vào hỏi “Exit go here (chỉ đường này) or go here (chỉ đường kia)”.
Lưu ý, ứng dụng Pacer cũng cực kỳ hữu dụng khi bạn có nhu cầu đi bộ lòng vòng khu phố nhé.

4- SỢ BẤT ĐỒNG NGÔN NGỮ

Đây là nỗi sợ lớn nhất của tất cả chúng ta. Nhưng thực ra là một nỗi sợ không đáng có. Và trong khi hàng tá blogger du lịch sẽ dè bỉu và nói với bạn rằng hãy học thật giỏi tiếng Anh để đi du lịch, tôi lại mang tới cho bạn một tin vui. Đó là chỉ cần học 30 từ tiếng Anh là đủ.

Về mặt nguyên lý, đi du lịch không cần phải biết tiếng Anh. Người câm vẫn có thể đi du lịch. Chúng ta cần giao tiếp chứ không cần tiếng Anh. Giao tiếp là đích đến, ngôn ngữ chỉ thuần tuý là phương tiện.
Vì vậy, chỉ cần thay đổi quan niệm rằng “phải giỏi tiếng Anh để có thể đi du lịch” thành “phải giỏi giao tiếp để có thể đi du lịch”, nỗi sợ dốt-tiếng-Anh của bạn sẽ biến mất trong nháy mắt!

Chúng ta có nhiều cách để giao tiếp chứ đâu nhất thiết phải sử dụng tiếng Anh (và ngôn ngữ nói chung). Thí dụ như cử chỉ, thái độ, hình vẽ, ký hiệu và v.v…
Nhiều lắm!

Thật may mắn vì Thái Lan không phải quốc gia nói tiếng Anh, vì vậy dốt tiếng Anh chẳng phải vấn đề. Xin thưa, bạn có giỏi tiếng Anh thì người ta cũng đâu hiểu bạn nói gì? Và làm ơn, hãy giao tiếp bằng từ đơn lẻ thay vì bằng một câu hoàn chỉnh! Đó là nguyên tắc tối thượng.

Đừng bao giờ nói “How long does it take from my hotel to Airport”. Trời ơi làm sao bạn đủ trình để nói? Mà quan trọng hơn, làm sao người ta hiểu? Ngắn gọn hơn, hãy nói “here (chỉ xuống), to airport (chỉ ra xa), how long?”. Có thể người ta sẽ trả lời 10km thay vì 20 phút. Ok không sao, bạn có thể hỏi tiếp là “how many minutes”. Nếu họ vẫn chưa hiểu, hãy hỏi tiếp “ten minutes? or fifteen minutes?”.

Tôi sẽ chấm cho bạn điểm 10 nếu bạn ngoắc taxi lại, bật địa chỉ khách sạn ở điện thoại lên, tay chỉ vô và nói “you know?” (lên giọng); hoặc dễ hơn sẽ là “go to” và tay gõ vào địa chỉ. Nếu taxi nói Ok, hoặc tự bạn hỏi Ok? (lên giọng) và họ gật đầu thì hỏi tiền bằng chữ “How much” hoặc thậm chí “How many” là được.

Tuy nhiên, dù chỉ là vài số đếm tiếng Anh thì không phải người Thái nào cũng hiểu và nghe nói được, nên bạn hoàn toàn có thể bật điện thoại và mở ứng dụng máy tính lên, đưa cho họ, họ sẽ tự hiểu phải bấm giá tiền vào cho bạn. Khi ấy tha hồ trả giá bằng tay chọt chọt bấm bấm. Bao vui, bao dễ!

Đi ra chợ mua đồ ăn, tôi chỉ vào một món mà mình thích và đưa máy tính (trên điện thoại) để người bán bấm vào. Sau đó tôi “trả giá”. Kết thúc cuộc thương lượng, tôi “nhất dương chỉ” một lần 5-6 món và hô “Tu”, “Oăn”, “Tu”, “Tu” là xong. Họ sẽ tự hiểu mình mua 2 món này, 1 món này, 2 món này và 2 món này. Rất nhanh gọn lẹ và đôi bên cùng hạnh phúc!
(Trong trường hợp họ không hiểu những chữ tiếng Anh tối thiểu như vậy thì cứ giơ tay lên mà minh hoạ, đừng làm khó họ, cái này tôi nói rất thật lòng).

Có một lần đi xe điện trên cao, tôi đến gần một bạn nam rất đẹp trai, thời trang, phong cách (ý là lẽ ra bạn phải biết tiếng Anh) để hỏi lịch sự, đầy đủ và dõng dạc rằng bạn có thể chỉ cho tôi đi tới Siam thì chờ lên ở cửa nào không? Bạn gãi đầu gãi tai một lúc và ấp úng. Khi này tôi hỏi lại “Go to Siam, where”. Bạn tiếp tục gãi tóc làm duyên thấy thương lắm kìa. Tôi hỏi tiếp “Siam go here (chỉ tay sang trái) or here (chỉ tay sang phải)”.
Bạn đó ấp úng “you go…” và chỉ lên trên! Tôi bảo “Up stair?” là bạn đó cười liền và OK liên tục. Phát yêu lên được í.

Đi ăn ở một nhà hàng sang trọng bên bờ sông (chẳng biết tên), đẹp mê hồn, tôi bảo với phục vụ là Could you give me chopsticks? Em ấy nhăn nhó sorry liên tục, và tôi cũng nhắc đi nhắc lại mấy lần. Mệt quá, tôi bảo OK wait, sau đó mở điện thoại lên, vào Google tìm chữ “đôi đũa”, chuyển qua phần hình ảnh và dí vào mặt em ấy. Chỉ một phút sau có ngay 4 đôi đũa bay lên bàn kèm theo nụ cười tươi như mùa thu toả nắng!

Đêm cuối ở Bangkok, tôi qua Silom 2 chơi và ăn khuya. Tìm được quán bán Tomyum lề đường tôi mừng gần chết. Khổ nỗi tôi chỉ thích ăn món này với rau muống và rau cải nấu kèm, mà ngặt nỗi không biết làm sao để nói tiếng Anh cho chỉ hiểu. Cái này tôi ngu chứ không phải chỉ ngu, mà tôi có nói được chỉ cũng đếch hiểu, thề. Chẳng biết diễn tả làm sao, tôi đứng dậy, tự xông vào lôi rau muống rau cải ra “xoắn quẩy”. Chị ấy ồ à liên tục và “giằng” rau lại để thái bỏ vô chén soup (định bắt tôi ăn sống hả trời).
Tôi lại “no, no” và cầm chén soup tự đổ vô nồi, sau đó “nhất dương chỉ” vào cái bếp. Thế là xong!
Thực sự khi đi Thái, tôi thấy ngôn ngữ chưa bao giờ là rào cản. Thậm chí trong một số trường hợp gặp đúng người nói được chút ít tiếng Anh tôi còn… làm biếng nói dài, nói dai, nói đúng. Tôi cứ nhát gừng từng chữ, miệng cười tươi như hoa và OK, yes, no cộng với nhất dương chỉ và dùng máy tính liên tục. Tôi thấy mọi việc được giải quyết rất nhanh, và cảm thấy mình cũng hoà nhập với cuộc sống của họ dễ dàng hơn rất nhiều.

Lưu ý, luôn thủ sẵn phần mềm Google Translate trong điện thoại cho những tình huống bất khả kháng! App này giúp bạn chụp hình tiếng Thái, ghi âm tiếng Thái, thậm chí là vẽ lại tiếng Thái để dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào thông dụng. Tôi thử rồi, vẽ dễ lắm, và cũng không quá lâu như mình tưởng tượng.

5- SỢ CÁC PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG

Chúng ta có tâm lý muốn sử dụng taxi hơn BUS (xe buýt), hay MRT (xe điện ngầm), BTS (xe điện trên cao), vì bạn sợ không làm chủ được các phương tiện này. Sợ lên sai đường, xuống sai trạm, đi quá lố hay thậm chí bị lạc đường. Rồi bạn sợ phải nói giữa chốn đông người, sợ bị mất mặt vì nói sai, sợ yêu cầu của bạn khiến những người khác thấy phiền nên có thắc mắc cũng im như con chim cụp lông cụp cánh. Thực ra, việc này được giải quyết vô cùng đơn giản.

Đầu tiên, phải hứa với bản thân rằng bằng mọi giá bạn sẽ đi MRT và BTS khi qua Thái. Vì đây là những thứ chưa (chỉ mới sắp) có tại Việt Nam. Nó rất tuyệt vời và đáng thử. Đảm bảo bạn sẽ thích mê. Đặc biệt là với tình trạng kẹt xe và khói bụi, nắng nóng, thì đi 2 phương tiện này sẽ vô cùng hữu ích.
Nguyên lý để trấn áp nỗi sợ này là “đi MRT/BTS không bao giờ bị lạc”. Đặc điểm của phương tiện giao thông này là chạy hai chiều. Chạy từ điểm A đến điểm A1, A2, A3, A4, A5 (ga cuối) thì sẽ chạy ngược lại từ A5, về A4, A3 rồi A2, A1. Vì vậy, không cần phải hoang mang lo lắng. Đi sai thì leo lên đi lại, đi bằng đúng trạm thì thôi!

Có thể với một số người hoàn toàn mới (như tôi), thì hành trình đi tìm ra cửa bán vé, loay hoay đút thẻ ra vô lúc lên lúc xuông là một rào cản lớn. Nó có thể khiến bạn lúng túng và xấu hổ dẫn tới e ngại hay bỏ cuộc. Không sao hết, hãy nắm vững nguyên lý của MRT và BTS thế này.

Do đây là phương tiện vận tải công cộng và tự động, cho nên không có người soát vé. Vì vậy về mặt nguyên tắc, họ phải có một cửa để ngăn không cho bạn trốn lên tàu. Muốn mở cửa này, phải có khoá. Khoá chính là vé mà bạn mua ở trạm.

Tiếp theo, vì tàu có rất nhiều trạm, nên để đảm bảo công bằng, người ta sẽ bán vé tới mỗi trạm một mức tiền cao thấp khác nhau, tuỳ quãng đường dài ngắn. Vậy liệu bạn có thể mua vé lên tàu đến trạm A3, rồi chờ tới A5, A6 mới xuống không? Tất nhiên là được! Vậy nên để ngăn chặn bạn ăn gian, người ta sẽ cho bạn xuống tàu, nhưng họ sẽ đặt thêm một cửa có khoá ở bên ngoài. Muốn mở cửa để ra đường, bạn phải dùng đúng khoá.

Tóm lại, quy trình đi BTS hay MRT bạn phải đi mua một cái khoá để mở hai lần cửa. Một lần cửa là lúc bước lên tàu và một lần cửa là lúc xuống tàu. Lúc mở khoá để lên tàu thì nhớ giữ khoá lại, đến khi xuống tàu mở cửa ra ngoài đường thì hệ thống sẽ tự động giữ khoá lại luôn để xoay vòng bán cho người khác. Tôi chỉ giải thích nguyên lý để bạn hiểu và hết cuống! Còn chi tiết mua khoá và mở cửa thế nào xin mời Google đầy rẫy.

Tiếp theo là, cả BTS và MRT đều tự động dừng ở mỗi trạm để cho khách lên và xuống. Vì vậy, nhiệm vụ còn lại của bạn sau khi lên tàu là canh trạm để xuống cho chuẩn xác. Việc này khá dễ nếu bạn nghe được một chút tiếng Anh (loa tự động hay nói “Next station is…”). Nhưng tôi thì cứ tăm tia bạn nào đẹp trai xinh gái nhất trên tàu, tôi lao tới, giở điện thoại lên gõ vô tên trạm muốn xuống rồi hỏi “is it next station?” hoặc ngắn hơn là “next station?”. Họ sẽ nói yes hoặc no cho bạn. Sau đó bạn cười làm duyên, thoả thích ngắm họ rồi lại hỏi như vậy ở trạm kế tiếp, cho tới khi họ nói yes yes thì bạn bye bye. Cách này đảm bảo vừa an toàn chính xác tuyệt đối vừa được bổ mắt, thích thú cực kỳ.

6- SỢ ĐI LẠC VÀ BỊ/ĐƯỢC HIẾP DÂM

Hãy thủ sẵn một vài cardvisit của khách sạn bao gồm tên khách sạn, địa chỉ khách sạn, số điện thoại và trang web để dí vào mặt bất cứ ai bạn muốn họ giúp đưa về. Lưu ý quan trọng là không phải người Thái nào cũng đọc được chữ Latinh, tương tự như ông bà bạn chưa chắc đã biết điện thoại của bạn được gọi là “áp bồ ai phôn” đâu nhé. Vì họ đọc chữ đấy là “Áp-le i-pho-ne” cơ mà. Tương tự, rất nhiều người ở độ tuổi bố mẹ tôi ở Sài Gòn gọi xe wave là “xe quay”. Vì thế, làm ơn kêu khách sạn ghi thêm một dòng địa chỉ bằng tiếng Thái vào cardvisit để bất cứ ai cũng có thể đưa bạn về đúng nơi đúng chốn một cách dễ dàng và thân thiện.

Điện thoại là thứ không thể thiếu để tránh bị lạc. Vì vậy hãy gọi lên tổng đài khi còn ở Việt Nam, yêu cầu họ kích hoạt chế độ chuyển vùng quốc tế để có thể nghe gọi về số ở Việt Nam. Sau đó, rất quan trọng này, chuyển ngay chế độ Data Roaming về Off để tránh mất tiền oan. Sau đó tháo sim Vietnam ra, tháo case điện thoại ra, nhét sim Vietnam và một cái kẹp ghim văn phòng vào giữa lưng điện thoại và đóng case lại. Điện thoại có thể hơi cộm nhưng không sao hết. Việc này giúp bạn trong trường hợp khẩn cấp có thể dùng cây kẹp ghim kia để móc sim nước ngoài ra, gắn sim Việt Nam vào và gọi khẩn cấp về nhà. Hơi mắc tiền xíu nhưng an toàn tuyệt đối.

Hãy tìm ngay quầy có chữ True Move khi vừa xuống sân bay, đưa điện thoại cho người ta, nói “thờ ri đây” hoặc “se vừn đây” để mua sim du lịch 3 ngày hay 7 ngày tuỳ lịch trình. Nhân viên sẽ tự lôi sim cũ của bạn ra gắn sim mới vô và bấm như chưa bao giờ được bấm. Khoảng 5-10 phút tuỳ số lượng khách đông hay vắng là bạn có điện thoại nghe gọi và 4G tẹt ga. Lưu ý quan trọng tiếp theo là nếu coi phim sex nhiều quá đang đi đường bị hết dung lượng 4G thì đừng sợ hãi, hãy tìm một cửa hàng 7 elevent gần nhất, vào đó đưa cho họ tiền (20B, 50B… tuỳ theo) và điện thoại. Họ sẽ tự hiểu và lo nốt thủ tục nạp tiền còn lại cho bạn rất nhanh.

Chưa hết, trong trường hợp xấu nhất, hãy truy cập trang free.facebook.com và chat hoặc đăng status để cầu cứu bạn bè. Ở nguyên vị trí bạn đang đứng và chờ trợ giúp. Trang này được truy cập miễn phí ngay cả khi tài khoản của bạn hết sạch tiền! Thế nên, yên tâm đi, bạn chẳng bao giờ bị lạc. Với điều kiện hãy giữ điện thoại cho thật chặt, và luôn mang theo cục sạc dự phòng đầy ắp điện và dây sạc bên mình (cho vô túi xách chẳng hạn).

Để tránh bị/được hiếp dâm, hạn chế xài taxi ngoài phố. Thay vào đó hãy sử dụng app gọi xe Uber hoặc Grab cho an toàn tuyệt đối. Nhớ mở 2 ứng dụng này ra và update số phone mới của bạn ở Thái vào trước khi sử dụng. Nếu không bạn có gọi một tỉ cuộc cũng chẳng bao giờ được vì người ta cứ gọi cho bạn là bay về số phone cũ ở Việt Nam và ò e í, í e ò. Lưu ý quan trọng khi sử dụng các App này là – một lần nữa tôi nhắc lại – tiếng Anh không phải ngôn ngữ thứ hai ở Thái. Vì vậy, làm ơn tìm một chỗ nào dễ kiếm nhất, dễ đọc nhất, không gây nhầm lẫn hoặc “hoà” vào một diện tích quá lớn để đặt xe.

Thí dụ, nếu bạn đặt xe “đến chợ Tân Bình” thì yên tâm đi, một ngàn ông tài xế cũng không bao giờ tìm được bạn. Nhưng nếu đặt tới “Cổng 4 chợ Tân Bình” thì việc này xem chừng có vẻ khả thi hơn gấp nhiều lần. Hãy đặt điểm đón là cafe Starbuck, tiệm 7 Eleven, quán The pizza company… chẳng hạn. Sau đó đứng nguyên chỗ đó canh bảng số xe để ngoắc vào là nhanh nhất.

7- KẾT
Đây có thể coi như lần đầu tiên tôi tự mình đi Thái. Thực ra, với tôi, việc đi du lịch bụi chưa bao giờ là rào cản. Nó càng không phải là vấn đề gì ghê gớm. Có điều, việc trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ cho 3 người khác ở một vùng đất mình chưa biết một tí gì, cả về giao thông, văn hoá, ẩm thực, lịch sử, con người và ngôn ngữ thì là vấn đề vô cùng lớn.

Thế nhưng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình (bao gồm cả việc lên lịch các chương trình trong ngày, và diễn thuyết về văn hoá – lịch sử – tập quán của người bản địa). Để đạt được thành công ở mức xuất sắc, bạn bắt buộc phải có người trợ giúp. Trong trường hợp của tôi là Bạn Ha Nguyen Anh Thanh, người sống ở Thailand từ nhỏ và hiện đang kinh doanh đồ ăn Thái (quán Rất Thái – Ăn là Khoái) ở Sài Gòn.

Nhưng nếu chỉ đơn thuần là du lịch bụi cá nhân hoặc với nhóm bạn bè, tôi tin rằng bạn sẽ vứt bỏ được mọi nỗi sợ đang đè nặng bấy lâu sau khi đọc hiểu 5 nguyên tắc tôi chia sẻ trong bài viết. Chuyến du lịch của bạn ít nhất cũng đạt được ở mức tuyệt vời hoặc là thoả mãn, nếu chưa gần xuất sắc.

Hãy mạnh dạn đối mặt với nỗi sợ của mình, hiểu nó và chế ngự nó, từng bước, một cách logic và khoa học. Hãy dũng cảm khám phá những vùng đất mới, nhận về những trải nghiệm mới và chiến thắng chính bản thân mình trên từng hành trình chinh phục. Tôi không có gì hơn các bạn, tôi chỉ hơn duy nhất một điều là không biết nhục và không sợ nhục. Vì vậy, bạn cũng sẽ làm được dễ dàng nếu không sợ nhục như tôi!

Vào ngay Vietjet. Đặt vé. Xách mông lên. Và chiến!

Nguồn: Nguyễn Ngọc Long – https://goo.gl/skPf51

Báu vật ở Sơn Trà
Chỉ cần hô lên thôi.

Your email address will not be published. Required fields are marked *