Trước tiên, cần long trọng thông báo rằng entry này viết ra để troll những thành phần bất hảo ném đá cái clip mình quay ngoài công viên 23/9. Thực ra, nói vậy để cho nó tăng thêm phần kịch tính, chứ mình chẳng định troll các bạn đâu, chỉ muốn chia sẻ đôi lời để các bạn có đủ thông tin, nhằm hiểu rõ quan điểm của mình, trước khi tiếp tục… ném đá lần 2 :-)
http://www.youtube.com/watch?v=rGP0mczD7mk
Chuyện là khi Mèo Mun đăng cái clip về dàn nhạc dân tộc của nhạc viện biểu diễn ngoài công viên, một số bạn “quá khích” có vô comment rằng đó chỉ là… trò hề của DongA Bank và tự PR là chính. Mèo Mun đồng ý quan điểm rằng đây là một hoạt động PR, nhưng không đồng ý với chữ trò hề.
Và nên nhớ, trong suy nghĩ của MMun thì PR chưa bao giờ xấu. Thậm chí rằng nó còn là một điều gì đó hết sức tốt đẹp và tuyệt vời. PR là một nghệ thuật và những người làm PR là những nghệ sỹ thực thụ.
Cách đây vừa đúng 5 năm, cũng dịp Tết Nguyên Đán thế này, mình có “đầm 3” chở mẹ và chị gái lên cầu Ông Lãnh coi bắn pháo bông. Sau khi tàn cuộc đi về, mình có chạy ngang cầu Tân Thuận và thấy trong dòng người hối hả cười nói vui vẻ ngập tràn hạnh phúc từ Quận 1 trở về Quận 4, Quận 7 có một bà cụ già nằm co ro trên đường đi bộ của cầu.
Không người thân, không chiếu, không chăn mền và không có Tết.
Mình khựng lại… trong suy nghĩ, dù xe vẫn đang theo quán tính chạy xuống dốc cầu. Cuối cùng, mình đã quyết định vòng xe trở lại, đi ngược chiều (vì nghĩ là Tết thì công an không đứng đó để bắt đâu) quay trở lại giữa cầu. Rút ra 100 ngàn, quỳ xuống bên bà cụ đó, đặt tờ tiền vào 2 bàn tay của cụ và lấy 2 tay mình giữ chặt lại. Mình bảo bà ơi, Tết nhất thế này bà cầm tiền mua cái mền mà đắp cho ấm nhé. Bà cụ ngồi dậy không nói được lời nào hết. Nhưng mình biết bà cụ nhìn theo mình lâu lắm.
Đó là số tiền lớn nhất từ trước đến “nay” (của thời điểm đó) mà mình chia sẻ cho một người “ăn xin” ở ngoài đường.
Nhưng ngay cả khi chạy xe về tới nhà, ăn bữa cơm sau phút giao thừa và quây quần với gia đình, mình vẫn bị “ám ảnh” với hình ảnh bà cụ nằm co quắp trên cầu. Cuối cùng, mình quyết định bỏ ngang không ăn tiếp nữa mà bảo mẹ lấy một ít xôi, một ít chè và thịt gà cho vào tô để mang ra cho bà cụ. Rồi mình lấy thêm cái mền của mình để cùng với mẹ quay trở lại cây cầu đó đưa cho bà cụ.
Đêm ấy về mình ngủ rất ngon và đó là một giao thừa hạnh phúc với cả gia đình mình.
Cho đến rất lâu sau đó, mỗi lần chở mẹ từ Quận 1 qua cầu Tân Thuận về Quận 7, nhìn thấy bà cụ nằm hoặc ngồi trên cầu với cái mền của mình bên cạnh, mình lại thấy ấm lòng. Đó là hạnh phúc của sự sẻ chia. Đó là cảm giác hạnh phúc mà nếu ai đó chưa bao giờ trải nghiệm thì sẽ chẳng thể hình dung ra được.
Chương trình biểu diễn nhạc dân tộc của DongA Bank ngoài công viên 23/9 (và các công viên ở Hà Nội, Nha Trang… gì đó) – theo mình – cũng là một hình thức chia sẻ. Họ đang chia sẻ niềm vui, hạnh phúc, gánh nặng cuộc sống bằng âm nhạc, bằng cách tạo ra những giây phút thư giãn bình yên và “vô tư” cho nhiều người, nhiều hoàn cảnh sống, nhiều thành phần, tầng lớp khác nhau ở công viên lúc đó.
Mèo Mun chẳng quan tâm nhiều đến việc đó là PR hay quảng cáo. Vì PR cũng được mà quảng cáo cũng Oke, miễn sao những đối tượng thụ hưởng các chương trình biểu diễn này cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Như thế là quá đủ. Nên nhớ, khi bạn tạo ra một giá trị gì đó cho xã hội, tự khắc bạn sẽ được và phải được “trả lại” những giá trị khác. Đó là quy luật bất biến rồi.
Đừng nhìn và phán xét mọi thứ chỉ với nhãn quang của chính bản thân mình. Vì như thế thì hơi hẹp hòi, ích kỷ và chính bản thân mình lại hủy hoại cơ hội cảm nhận và trải nghiệm sự đa dạng của mọi sự vật hiện tượng mất rồi.
Chia sẻ nên là một vòng tròn và cứ thế nhân đi tiếp. DongA Bank chia sẻ niềm vui và phút giây thư giãn cho một cô bán vé số. Cô ấy nghỉ ngơi vui vẻ rồi chia sẻ tiếp một nụ cười cho người mua vé số. Người mua vé số chia sẻ tiếp sự hài lòng của mình với người vợ ở nhà bằng một vòng tay ôm nồng ấm. Người vợ thấy hạnh phúc lại chia sẻ với đứa con bé nhỏ bằng một nụ hôn lên trán chúc ngủ ngon… Thực ra, những việc này là có thật và nó rất đơn giản, rất dễ hình dung chứ không có gì quá cao siêu hay “xa lạ”. Trừ phi, bạn đang có định kiến rằng hạnh phúc là một cái gì đó quá ghê gớm và khó lòng đạt được. Như vậy thì đáng thương lắm lắm…
Giáng sinh năm 2008, lần đầu tiên trong đời Mèo Mun được tặng một chiếc điện thoại “trong mơ”. Có đôi lúc thấy sếp tổng (TGĐ) xài Nokia 8800 mà mình cứ ao ước một ngày nào đó cũng có chiếc điện thoại sang trọng và đẳng cấp như vậy. Một lần thổ lộ với sếp vì cầm lòng chẳng đặng. Thế mà đúng đêm 24/12, trong lúc cả công ty chuẩn bị cho chương trình văn nghệ buổi tối thì sếp gọi vô phòng rồi dúi cho cái điện thoại. Nói thật là khi ấy mình… suýt ngất!!!
Có thể với sếp, thì cái Nokia 8800 ấy là rất “bình thường”. Nhưng với mình thì đó là một niềm vui bự hơn cả… cái quảng trường. Mãi sau này mình mới thấm nhuần được cái “lý luận” đơn giản ấy: nếu việc sở hữu một vật gì đó với bạn là hết sức bình thường, thì hãy nhớ rằng với nhiều nhiều người khác, được sở hữu nó là niềm hạnh phúc lớn lao. Thế nên khi mình quyết định cho thằng cu em trai cái Motorola Razr dù đã “cũ” (theo kiểu dùng rồi) thì mình vẫn cảm nhận được sự vui sướng tột cùng của nó, vui sướng gấp 100 lần cảm giác của mình khi được tặng chiếc Razr mới nguyên seal từ ông TGĐ Motorola.
Và cảm giác đó truyền qua mình khiến mình cũng vô cùng phấn chấn. Cuộc sống mà lúc nào cũng ngập tràn những niềm vui như vậy chẳng phải sẽ hạnh phúc lắm sao?
Mình biết ngay lúc này, nhiều bạn đang bĩu môi ra mà tự nhủ: đâu phải ai cũng có điều kiện mà chơi sang thế! Nhưng thực ra, đó đâu phải chơi sang? Đơn giản vì một chiếc điện thoại 16 triệu với bạn là sang, nhưng với tôi thì không. Cũng giống như, khi tôi kể câu chuyện mang một chiếc mền trị giá khoảng 300 ngàn đi tặng cho bà cụ ăn xin, các bạn sẽ thấy rất bình thường, nhưng nếu những người ăn xin khác họ nghe câu chuyện đó thì họ cũng thấy là “chơi sang” và thậm chí là không hình dung nổi! Có phải là như vậy hay không?
DongA Bank có “chơi sang” khi bỏ ra vài tỷ để chia sẻ niềm vui trên các nẻo đường thành phố? Mèo Mun nghĩ là không. Và thực sự là tuyệt đối không nếu nhìn mọi thứ dưới góc nhìn của vòng tròn chia sẻ. Vì rất khó để cân đong đo đếm đến tận cùng của hiệu ứng lan tỏa từ những nụ cười trên gương mặt những người “vô tình” nhận được sự chia sẻ rất kịp thời và hoàn toàn miễn phí này.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới coi chia sẻ là một tôn giáo chính thống (http://bit.ly/y91CMn) và được bảo hộ của pháp luật. Cá nhân Mèo Mun thấy việc đó hơi lố và bị… over! Nên chỉ cần coi chia sẻ là một điều gì đó thực sự ý nghĩa và luôn mong muốn được thực hiện nó mỗi ngày để cho cuộc sống này tốt đẹp hơn, lan tỏa được hạnh phúc nhiều hơn. Như vậy là quá đủ.
Bạn có yêu sự chia sẻ không? Tôi thì có. Thậm chí là rất có.
hihi!!! Tự sướng à anh!!! Sao có một mình anh comment!!! Thích câu Share The Love quá ạ! Cho đi là nhận lại mà!