Lần này mình ra Hà Nội để làm chương trình Ngày Hạnh Phúc 8/3, tìm người để triển khai các chương trình trong tương lai phụ trách khu vực phía bắc; đưa bà nội về quê chơi và giao lưu với một số anh em bạn bè ngoài đó.
Nhớ hồi còn làm việc ở Hà Nội, khi ấy bà còn sống ở Hải Phòng chứ chưa chuyển hẳn vô Sài Gòn, mỗi lần qua thăm cụ Cối Mẹ Thóc Gạo hoặc về nhà thăm bà là cụ lại đòi nói chuyện qua điện thoại với bà. Kết thúc những cuộc điện thoại đó Cụ Cối lại quay qua nói với mình rằng bà già rồi thích nghe nói chuyện lắm, con phải thường xuyên nói chuyện với bà cho bà vui.
Mình nghiệm ra mới thấy đó là lời khuyên đúng đắn nhất, giá trị nhất và có ý nghĩa nhất với mình. Càng già thì “thế giới quan” của chúng ta càng bé lại. Thế giới của bà bây giờ chỉ có 3 con hẻm, 4 căn phòng, 1 cái loa phát nhạc ở USB, 1 cái TV, vài cái đĩa DVD cải lương và 1 bà bạn già đầu bạc phơ lú lẫn chẳng biết sống chết lúc nào.
Mình đã từng kiên nhẫn thử ngồi xem hết 1 đĩa cải lương và mấy chục phút Thế giới động vật, hết gần 3 tiếng như bị cầm tù. Tẻ nhạt và buồn chán kinh khủng. Không có internet, facebook, forum, không có cafe bệt, không có phim ảnh, họp hành, chiến lược, du lịch… Không có một lời hứa hẹn đi chơi hay từ chối hẹn hò.
Thật kinh khủng khi tưởng tượng đến một ngày đó chúng ta chỉ còn có duy nhất 1 người bạn! Mà người bạn đó cũng không còn sáng suốt và hành xử một cách bình thường. “Bà tóc bạc” bạn của bà thường qua chơi mang ý nghĩa “tượng trưng” nhiều hơn. Nhưng như vậy cũng đủ làm phong phú thế giới nhỏ bé củe bà trong những lúc con cháu mải mê với cơm áo gạo tiền và bị “bao vây” bởi hàng tá thứ bận rộn ở trên trời rơi xuống.
Mình chọn căn nhà bên quận 7 một phần vì nó có bồn cây ở ban công lầu 1. Bây giờ nơi ấy đã trở thành khu vườn nhỏ của bà với đủ loại cây. Mình cũng đi tìm và nhờ ông tổ trưởng đăng ký cho bà vào Hội người cao tuổi trước khi tìm cách hoàn tất nhiều loại giấy tờ quan trọng khác. Nhưng tất cả những việc đó cũng chỉ giải quyết được một phần bề nổi, còn cái chính là nhu cầu “cần nói chuyện” như cụ Cối dặn dò mình dạo trước mới thực là quan trọng.
Người trẻ sống bằng tương lai, người già sống bằng quá khứ. Khi tương lai ngày một tẻ nhạt và cô đơn, người già càng đào sâu quá khứ và sống bằng cách kể lại những ngày tháng “huy hoàng” đó. Mình luôn hoàn thành tốt vai trò một người “bạn” biết lắng nghe, để bà có thể kể đi kể lại nhữmg câu chuyện cũ rích và nhàm chán vì đã thuộc nằm lòng. Nhưng điều đó không “đáng sợ” bằng việc câu chuyện của bà ngày càng lộn xộn vì quên quên nhớ nhớ.
Những mùa Tết trước, Cụ Cối lúc nào cũng gọi điện để chúc Tết bà. Năm nay mình không muốn cụ Cối làm điều đó, vì bà đã chẳng nhớ “Hà Sơn là cái đứa nào”. Mình bảo bạn con ở Hà Nội, quê ở Nam Định bà có nhớ không? Lúc trước bà đan áo len cho chị ấy đấy, bà quên rồi hả? Bà chau mày rồi hỏi Phải cái Lụa không, bà nhớ nó mà? Mình chỉ cười buồn.
Mình thấy bản thân hạnh phúc hơn hàng trăm hàng ngàn người khác vì có thể dành thời gian cho những người thân yêu bất cứ lúc nào. Bà bảo bà nhớ bác Xuân, vậy con đưa bà về Hải Phòng chơi với bác nhưng Tết bà không đi được. Tết năm ngoái ở ngoài đó bà lạnh lắm, mẹ chồng bác Xuân mất vào đúng ngày 2 Tết cũng vì trời lạnh. Bà gọi điện bảo Long ơi con đón bà vào đi ở Hải Phòng lạnh bà sợ lắm rồi. Ngày 4 Tết con ra, thấy bà đi bộ ra tận đầu làng đứng ngóng, người nhỏ thó trốn trong bộ quần áo gấm cồng kềnh.
Rồi bà cũng lại nhớ Hải Phòng, nhớ con nhớ cháu của bà quay quắt mà “không dám” nói. Bà hỏi “Ở ngoài kia hết lạnh chưa con nhỉ?”, mình nói “Con đã mua vé máy bay rồi, ngày 25/3 đưa bà về bác Xuân chơi nhé”. Mắt bà sáng rực, bẽn lẽn như đứa bé được kẹo. Bà bảo “Đây là lần cuối đi chơi, bà già lắm rồi”. Mình cười nói “bà thích đi lúc nào và đi đâu cũng được. Bà cứ nói con nghe. Con giỏi thế này chẳng lẽ việc đơn giản ấy con không làm được?”. Chắc nhờ vậy mà lúc nào gặp ai bà cũng khoe cháu bà giỏi lắm.
Từ trước Tết đến giờ, hôm nào bà cũng hỏi thế đã sắp 25 chưa nhỉ? Bà hỏi được 1 tuần thì con đổi vé. Lý ra thì 12 giờ trưa nay bà bay ra Hà Nội nhưng người ta hoãn xuống 8h tối. Bà cuống quýt lên bảo không sao, không sao bà đợi được mà. Sáng nay gọi cho ông Lục hỏi ngoài đó còn lạnh không ông? Ông nói cũng hơi hơi mà chỉ cần mặc áo khoác là được, vì không lạnh lắm. Mình cúp máy quay vào “doạ”: bà ơi, ngoài Hải Phòng lạnh lắm đấy, bà có sợ không? Bà bảo không không, bà không sợ, có con đưa bà đi là bà an tâm chẳng sợ gì hết cả.
Thế mới biết, để làm siêu nhân anh hùng, làm vương làm tướng ngoài xã hội mới khó. Chứ để làm “anh hùng” trong nhà thì dễ lắm. Chẳng qua là chúng ta chưa thực sự coi trọng danh hiệu đó thôi.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – March 02, 2013)