Kênh ANTV vừa phát một phóng sự như… truyền thuyết! Tới mức ngay cả khi dán mắt vô xem những thước phim sinh động và chân thực nhất trên màn ảnh, mình vẫn không thể tin đó là sự thật!
Hồ Công Danh (sinh năm 1993) quê ở thôn Phú Nam Đông, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện là tân sinh viên ngành Kỹ thuật điện, khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Quy Nhơn.
5 năm về trước, em bắt đầu hành trình chăm sóc một người đàn ông hơn mình 12 tuổi, đó là “người chú” hàng xóm tên Nguyễn Thanh Tùng – một minh chứng sống cho câu thành ngữ “phúc bất trùng lai, hoạ vô đơn chí”.
Vốn là một thanh niên “bình thường” khoẻ mạnh, năm 2005 anh Tùng bất ngờ bị tai nạn vì trèo cây té chấn thương cột sống cổ, gãy đốt sống lưng, liệt tủy sống dẫn đến liệt toàn thân.
Gia đình cũng chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình anh không thuyên giảm. Gần 7 năm qua, anh Tùng chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải có người khác giúp đỡ.
Trong lúc gia đình còn đang rối trí thì tới lượt 2 người anh trai của anh Tùng bỗng lần lượt bị tâm thần, điên điên tỉnh tỉnh. Có lẽ vì không chịu được nỗi đau quá lớn mà bố mẹ anh Tùng đã lần lượt qua đời. Còn duy nhất một người chị gái thì “vì cũng vất vả mấy năm rồi nhưng không thể cứ như vậy mãi” nên theo chồng lập nghiệp ở xa không chăm sóc cho anh Tùng nữa.
Đoạn phóng sự chuyển cảnh với hình ảnh người chị gái vừa trả lời phỏng vấn vừa nức nở ôm mặt khóc. Kế đó là khung cảnh Hồ Công Danh đang tỉ mỉ và cần mẫn thay băng và đút từng muỗng cháo cho “chú Tùng” người gầy rộc chỉ còn da bọc xương đang nằm thực vật trên giường.
Giải thích cho hành động “kì lạ” của mình Danh nói lý do hơn 4 năm qua em tiếp tục chăm sóc người chú hàng xóm chỉ vì “lúc trước qua chơi có phụ ba má chú nên biết cách rồi, giờ chú chẳng còn ai nên em xin ba mẹ cho tiếp tục qua lo cho chú, ba mẹ đồng ý nên em qua thôi ạ”.
Trong suốt 1500 ngày như thế, chàng trai vừa vào học cấp III, đang ở giai đoạn đẹp nhất ở lứa tuổi học trò đã bằng một sức mạnh và lý trí phi thường nào đó mà mình không thể nào hình dung nổi đã miệt mài vùi đầu vào công việc lau rửa chiếu giường, dọn dẹp vệ sinh cứt đái, hút mủ cầm máu, cắt thịt thối, băng bó vết thương, nấu nướng chăm bón… cho một người hàng xóm hoàn toàn không chung huyết thống.
Sự việc chưa dừng lại. Đến lúc học hết lớp 12, Hồ Công Danh đã thi đậu vào trường Đại học Quy Nhơn và lúc này bi kịch lại bắt đầu.
Ngày Danh cầm giấy báo trúng tuyển đại học qua khoe cũng là ngày anh Tùng thấy cuộc sống của mình chấm hết! Cảm xúc vui buồn lẫn lộn, cuối cùng người đàn ông ấy với suy-nghĩ-lành-lặn trong đầu quyết định tuyệt thực 7 ngày 7 đêm để chết. Nhưng cuối cùng, một lần nữa lòng từ bi bác ái của Hồ Công Danh chiến thắng. Chàng trai trẻ không những thành công trong việc động viên được “chú Tùng” sống tiếp mà còn thuyết phục được ba mẹ cho mình đưa “chú Tùng” lên Quy Nhơn cùng nhập học!
Suốt gần 30 phút phóng sự của ANTV, từ khi hai chú cháu bồng bế tha lôi nhau đi khắp nơi thuyết phục chủ nhà cho ở trọ, cho tới lúc chiếu cảnh Danh lầm lũi ra chợ mua rau mua cá, mua gạo nấu cháo đút cho “chú Tùng” ăn rồi điềm nhiên ngồi bệt xuống đất học bài, không một phút một giây nào làm mình thôi kinh ngạc và sửng sốt!
Giá như “chú Tùng” là người yêu hay bạn gái thời niên thiếu của Danh. Giá như Danh là người đồng tính và “chú Tùng” là một nhân vật đẹp trai lồng lộn bị mắc bệnh hiểm nghèo như trong film Hàn Quốc. Hoặc chí ít “chú Tùng” là một ông già giàu có nào đó gặp chuyện không may… Để câu chuyện thêm phần đáng tin và logic.
Logic theo những suy nghĩ thông thường và tầm-thường nhất về lý do để người ta có thể đến với nhau, yêu thương nhau, che chở và chăm sóc cho nhau còn hơn cả người thân ruột thịt. Còn nếu không, những hình ảnh chân thật nhất trong phóng sự chỉ có thể giải thích bằng giả thuyết chàng trai trẻ Hồ Công Danh là hiện thân của Đức Phật mà thôi.
Phóng sự này được ANTV thực hiện 1 năm về trước và thật may mắn bây giờ mình lại được xem. Có thể nhiều bạn đã biết câu chuyện “cổ tích” này nhưng mình vẫn muốn các bạn share bài này về chia sẻ lại, để nếu có ai đó đang quá tuyệt vọng và mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào mối quan hệ giữa người với người trong xã hội hiện đại ngày nay có lý do để tin rằng cái tốt luôn hiện hữu và suối nguồn yêu thương tuy không bùng phát nhưng vẫn len lỏi trong những góc sâu kín nhất của cuộc sống quanh ta.
Đức Phật có thật, lòng từ bi vô điều kiện có thật và đó là xuất phát điểm của những câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – October 09, 2013 at 02:28PM)
Thanks a Long đã chia sẻ cho em câu chuyện này! Cảm thấy tự hổ thẹn với bản thân quá. Rât khâm phục cậu bé này! ^_^