Please log in or register to do it.

BỞI CHIẾN TRANH KHÔNG PHẢI TRÒ ĐÙA

(Bài này đăng trên blog Mèo Mun – blog cũ của Nguyễn Ngọc Long Blackmoon, từ ngày 17/12/2007)

Tôi viết entry này như một cuộc nói chuyện thân tình với các bạn trẻ đang đầy nhiệt huyết, nồng nàn tình yêu đất nước và không thể khoanh tay ngồi yên khi vận nước đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm.

Cả tuần nay, dư luận trong nước đang sôi sục vì việc Trung Quốc tiếp tục gây hấn, tổ chức tập trận ở quần đảo Hoàng Sa mà họ đã xâm chiếm của Việt Nam và thành lập thành phố Tam Sa để xác lập chủ quyền đối với cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong sân trường đại học, ngoài đường phố và trên mạng đã có nhiều người mạnh dạn biểu thị thái độ sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc. Thật đáng quý, đáng trân trọng khi thấy lớp trẻ – những người đang chuẩn bị tiếp quản cơ đồ để xây dựng đất nước Việt Nam cường thịnh trong thế kỷ 21- biết ý thức rất rõ trách nhiệm và dám hy sinh vì đất nước.

Tôi không đại diện cho quan điểm của ai, là một người viết báo nên tôi có một số thông tin để có thể xin lạm bàn vấn đề này với tư cách cá nhân. Lâu nay, khi viết blog, tôi không viết như khi viết báo, vì tôi không có ý định gửi một thông điệp gì ngoài tâm tư khát khao được sống và yêu thương. Thế nhưng, tôi cũng hay dành thời gian viết về Trường Sa – do tôi đã được đến, đã được thấy và đã trào nước mắt khi thấy ngọn cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh bay phấp phới ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhiều bạn bức xúc la lên rằng Nhà nước Việt Nam quá nhu nhược, cam chịu nhục, phản ứng chiếu lệ trước thái độ ngang ngược và dã tâm rất rõ của những người cầm quyền Trung Quốc. Nhiều bạn đang kêu gọi thái độ quyết chiến, chấp nhận hy sinh. Thật ra mọi chuyện không đơn giản chút nào, bởi chiến tranh không phải trò đùa. Trước đây, trong chuyến hải hành ra các đảo trong quần đảo Trường Sa, tôi đã có dịp thăm hỏi một tướng lĩnh lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và vài vị lãnh đạo Binh chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (do không phải là cuộc phỏng vấn chính thức nên tôi xin phép không nêu tên các vị này). Tôi đã tìm hiểu về khả năng giữ được các đảo còn lại ở Trường Sa và khả năng giải phóng quần đảo Hoàng Sa cùng các đảo ở Trường Sa đã bị chiếm đóng. Không đơn giản như trong câu hát của ca khúc “Hội nghị Diên Hồng”: “Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh! Hy sinh! Thề liều thân cho sông núi!”. Vì sao? Trong khi Trung Quốc đã thành một cường quốc quân sự với lực lượng hải quân hùng hậu trên biển, có tàu sân bay, có tàu ngầm, có vũ khí hạt nhân… thì chúng ta còn quá nghèo nên vẫn còn phải tận dụng những tàu chiến từ thời chiến tranh. Máy bay Mig, Su từ Cam Ranh bay ra Hoàng Sa, Trường Sa chỉ có thể không kích không quá 5 phút vì sẽ không đủ nhiên liệu bay về (do không có tàu sân bay đưa ra tiếp cận mục tiêu và không thể tiếp nhiên liệu trên không).

Trong cuộc chiến tranh hiện đại, không thể chiến thắng chỉ bằng ý chí và lòng ái quốc. Ngày xưa chống giặc Tống, Nguyên, Thanh, cha ông ta có thể giành chiến thắng vì dù giặc là quân đội thiện chiến, nhưng cũng chỉ có tàu buồm, ngựa và gươm giáo như chúng ta. Quân giặc lại không am tường trận địa, không thích nghi được khí hậu và cũng không thể đông đảo bằng quân dân Việt Nam có thế trận chiến tranh nhân dân và có sức mạnh đoàn kết một lòng khi sơn hà nguy biến. Trong những trận chiến giai đoạn 1945-1975, đã khốc liệt hơn vì chênh lệch lớn về phương tiện chiến tranh, nhưng địa thế hiểm trở và thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân cũng đã được khai thác hiệu quả để giành được thắng lợi cuối cùng. Chiến đấu trên biển Đông thời hiện đại, ta nắm phần thua vì đây là một chiến trường không ủng hộ người cô thế. Chúng ta có thể liều lĩnh tung quân đánh úp để giải phóng các đảo bị chiếm đóng, nhưng có cố thủ được không, hay đành tử thủ vài tiếng đồng hồ rồi hy sinh?

Khi một cuộc chiến tranh nổ ra, đất nước và nhân dân sẽ trả giá bằng những tổn thất mà phải 20-30 năm sau vẫn chưa thể gượng lại được. Hãy hình dung toàn bộ các giếng dầu khí đang khai thác trên biển Đông bị dội bom – nơi đây đang cung cấp 30% ngân sách quốc gia hàng năm. Hoạt động đầu tư nước ngoài bị ngưng trệ vì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ vội vàng rút khỏi một đất nước đang chiến tranh. Khách du lịch quốc tế không đến Việt Nam nữa. Hàng chục triệu lao động thất nghiệp. Biên giới phía Bắc bị tấn công trên toàn tuyến. Các âm mưu phá hoại diễn ra khắp các thành phố lớn. Cả nước tổng động viên, và sẽ lại có hàng trăm ngàn thanh niên ngã xuống. Xã hội đói nghèo, người dân phải sống trong sợ hãi và khốn khó. Hàng hóa thiếu thốn nên chế độ tem phiếu – cơn ác mộng thời bao cấp lại tái diễn. Rất nhiều bạn trẻ sinh ra sau 1975 nên chưa hình dung hết thế hệ cha ông đã có những năm tháng điêu đứng, kinh hoàng như thế nào khi lớn lên trong khói lửa chiến tranh.

Hành động liều lĩnh dám chết vì tình vẫn dễ dàng hơn rất nhiều so với việc dám sống để bền bỉ đấu tranh cho tình yêu. Với tình yêu Tổ quốc cũng vậy. Đi vào một cuộc chiến tranh và dũng cảm xả thân vì Tổ quốc là điều chúng ta sẵn sàng chấp nhận. Nhưng điều tốt hơn vẫn là làm sao tránh được một cuộc chiến tranh. Sự phản ứng của Nhà nước Việt Nam thật yếu ớt khi chỉ có lời tuyên bố lên án và khẳng định chủ quyền của người phát ngôn Bộ Ngoai giao. Nhưng tôi tin còn nhiều động thái đằng sau đó. Sáng nay, những người quan sát tinh ý sẽ đặc biệt chú ý một mẩu tin nhỏ trên báo: Đô đốc Timothy Keating, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ thăm Việt Nam vào ngày 13-12 tới đây. Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Timothy Keating nói: “Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh trong vùng. Quan điểm của phía Hoa Kỳ là các nước cần tuân theo tuyên bố hồi năm 2002 về giải quyết các xung đột trên biển Đông một cách hòa bình, và Hoa Kỳ sẵn sàng ”trợ giúp hòa bình” trong vấn đề này. Chúng ta đang ở thế kỷ 21 và giải quyết mọi việc một cách hòa bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ biển Đông. Tôi nghĩ tất cả các bên hiểu điều này và họ sẽ làm điều hợp lý nhất – đó là giải quyết mọi việc một cách hòa bình”.

Rõ ràng đây là một bước đi quan trong trong thế trận ngoại giao và quân sự. Chúng ta không ngây thơ trông đợi người Mỹ hay ai đó sẽ giúp chúng ta bảo vệ đất nước và giành lại phần lãnh thổ đã bị xâm chiếm, nhưng chúng ta vẫn biết linh hoạt khi tạo thế trận cho mình. Tôi rất tâm đắc khi được nghe một vị lãnh đạo ngành ngoại giao nói về kế sách dĩ bất biến ứng vạn biến và thế trận ngoại giao đa phương hóa của Việt Nam. Một hình ảnh được đưa ra rất dễ hình dung: chúng ta trồng một cây anten cao, chằng buộc rất nhiều dây căng ra nhiều phía thì không thể đổ được. Năm 2008, Việt Nam ngồi vào ghế thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tiếng nói của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế sẽ có sức nặng hơn. Chúng ta sẽ khó có thể xử với một kẻ côn đồ bằng vũ lực, nhưng chúng ta vẫn có những cách thông minh và mềm mỏng. Chúng ta đang tạo thế và lực để giữ được toàn vẹn lãnh thổ của mình, không dựa dẫm ai, nhưng vẫn trụ được. Trong cục diện hiện nay, chúng ta chưa thể giải phóng những hải đảo đã bị chiếm, nhưng chúng ta sẽ không chấp nhận từ bỏ chủ quyền. Vẫn còn cần có thêm nhiều thời gian, và cần tích lũy đủ thực lực. Chúng ta học bài học từ Trung Quốc, khi họ kiên trì đòi chủ quyền lãnh thổ và khi họ đủ mạnh, họ đã giải phóng Hong Kong, Macau sau cả trăm năm mà không tốn xương máu. Chúng ta cũng vững tin sẽ làm được điều đó với Hoàng Sa, Trường Sa.

Lâu nay đến với blog HTL, các bạn chỉ thấy một không khí thật bình yên. Hôm nay tôi viết một entry khô khốc, không chút mượt mà, nhưng lời lẽ, câu chữ vẫn rất bình yên giữa không khí sôi sục này. Tôi viết ra những điều mình nghĩ và tin.

(Huỳnh Thanh Luân)

via Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook

Sự nguy hiểm của việc mất thông tin đăng nhập...
Bà - Cháu

Your email address will not be published. Required fields are marked *