Việt Nam chúng ta, dưới sự điều hành của Chính Phủ, đã trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống covid giai đoạn trước. Nhưng thời gian tới đây sẽ là giai đoạn thực sự khó khăn khi “thành trì” chính (các bệnh viện tuyến cuối) đã bị tấn công bởi những biến chủng virus nguy hiểm từ Anh và Ấn Độ.
Trên mặt trận truyền thông, cô giáo nhận thấy có 3 thách thức lớn – mục tiêu mà Chính phủ cần đạt được:
1- Tránh tình trạng “trơ” thông tin
Giai đoạn trước, nhất cử nhất động về tình hình lây nhiễm của ncov đều thu hút sự chú ý lớn của người dân.
Những “cú huých” truyền thông như Tranh cãi về bluezone, Tiếp viên VNA phải ra toà, Nhung phản phúc, Ghen covy, Đà Nẵng phát phiếu đi chợ v.v, du khách Hàn Quốc chê bánh mì ở khu cách ly… là những boom-pr có lợi rất lớn trong việc thu hút chú ý, gián tiếp đạt hiệu quá tuyên truyền.
Nhưng cái gì cũng vậy, nói lần 1 thì hay, lần 2 sẽ bớt hay và lần thứ 5 thì gây nhàm chán. Điều này là nguy hiểm cho giai đoạn này, nếu mọi người bị cảm giác “quen thuộc” dẫn tới “trơ” cảm xúc mỗi khi nghe tin có ca lây nhiễm mới.
2- Kêu gọi đoàn kết giữa các địa phương
Nếu như chìa khoá chiến thắng đại dịch ở phạm vi thế giới là sự đoàn kết giữa các quốc gia. Thì chìa khoá chiến thắng đại dịch ở phạm vi quốc gia sẽ là đoàn kết giữa các địa phương.
Theo báo cáo của của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, 2 nhân viên quán cơm ở địa phương này được xác định dương tính với nCoV trưa 9/5 “đã tiếp xúc với nhiều tài xế đường dài”.
Trong bối cảnh chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, thì việc ngăn sông cấm chợ là không thể. Vì vậy, bất cứ ca ghi mắc covid ở địa phương nào cũng cần được tuyên truyền để nhân dân các địa phương khác coi như nơi mình ở vừa có người lây nhiễm để nâng cao cảnh giác.
Chừng nào chúng ta còn có tư tưởng chủ quan “ôi may quá ca x này ở tỉnh y, hay ca z này ở tít quận t, còn xa nhà mình lắm” thì chừng ấy chúng ta còn coi covid là một cái gì đấy vô cùng cục bộ.
Tiếc là, chỉ trong có mấy ngày, covid đã lan ra mười mấy tỉnh thành. Nếu không đoàn kết, chúng ta sẽ chết chùm!
3- Làm rõ mục tiêu “kéo giãn” biểu đồ lây nhiễm
Giai đoạn trước, Việt Nam là ngôi sao sáng trên thế giới. Đã có lúc, chúng ta tuyên truyền rất mạnh về “thành tích” zero-deaths (không có ai chết vì virus). Cho tới khi, điều ấy đã xảy ra.
Lại có lúc, chúng ta tuyên truyền mạnh về việc Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch tốt nhất thế giới và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, với những dự báo tăng trưởng kinh tế hết sức ấn tượng.
Tất nhiên, điều đó hoàn toàn thực tế và đúng đắn.
Nhưng đã đến lúc, chúng ta cần tuyên truyền cho mọi người nắm rõ về mục tiêu căn cơ trong cuộc trường kỳ kháng chiến này. Đó không phải là “không ai chết”, hay “đã xx ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng”. Đó là thành tích, chứ không phải mục tiêu!
Mục tiêu là, chúng ta cố gắng sống một cuộc sống bình-thường-mới. Chúng ta sẽ có những đợt bùng phát dịch, đó là bình thường. Chúng ta sẽ có những người phải hy sinh, đó là điều không tránh khỏi. Chúng ta cố gắng đoàn kết thực hiện nghiêm các khuyến cáo từ Chính phủ và Bộ Y Tế để số ca lây nhiễm đừng “tăng vọt lên thẳng đứng” theo cấp số nhân để bảo đảm hệ thống y tế không sụp đổ. Đó là mục tiêu chung.
Khi có mục tiêu cụ thể, có sự đoàn kết từ trên xuống dưới, chúng ta sẽ có được sự bình tĩnh, có sự chủ động và có sức mạnh tổng hợp để kiên trì chiến đấu và chiến thắng cuộc chiến với con virus cứng đầu này.
Nguồn: Facebook blogger Nguyễn Ngọc Long