Please log in or register to do it.

Bài học sớm nhất, mà tôi còn nhớ được một cách sâu sắc, về tính tự lập là cái tát của bố, năm tôi mới chỉ được 4 hay 5 tuổi.

Tôi bị ăn một cái tát nổ đom đóm mắt, chỉ vì một lý do không liên quan lắm: chạy về nhà khóc sau khi đánh nhau với bạn cùng xóm?!!

Bố tôi bảo, nó đánh mày thì mày đánh lại. Nhắm đánh không được thì rình ở sau lưng, vớ viên gạch đập vỡ đầu nó ra xong chạy về nhà trốn. Còn đi đánh nhau mà về nhà khóc sẽ bị ăn đòn.

Khi ấy, tôi còn quá nhỏ để tiêu hoá được “bài học” đầy chất giang hồ như vậy. Tôi chỉ thấy tủi thân, và ấm ức.

Lớn lên một chút, khi nhận thức “chín chắn” hơn, tôi cho rằng kiểu dạy của bố tôi cũng hay, nhưng tôi sẽ không “giáo dục” con cái mình theo cách đó, bất kể ý nghĩa đằng sau lời nói và hành động bạo lực ấy là gì.

Có thể sau 10-20 năm nữa, tôi lại thay đổi suy nghĩ. Nhưng bây giờ, tôi thấy rằng cách dạy dỗ của cha mẹ dù có thể nào, thì đó cũng là quá khứ. Tôi không cần và không nên phán xét đúng sai, tôi chỉ thấy rằng nó ảnh hưởng khá nhiều đến cách sống của mình.

Tôi “bị ảnh hưởng” tính độc lập từ mọi người trong gia đình. Cả bà nội, cả bố và mẹ. Mỗi người độc lập theo một cách khác nhau.

Nhưng điểm chung, là không ai có thói quen than khóc. Đó quả là một sự sỉ nhục trong nhà.

Tôi nhớ năm học lớp 7, bà nội khi ấy 66 tuổi, bị té ngã đập lưng xuống bếp từ lúc bốn hay năm giờ sáng. Bà nằm đó, không nói được, cho tới khi tôi phát hiện ra vào lúc 6.30 sáng.

Bà rất đau, nhưng không khóc. Tôi cũng không khóc. Tôi chỉ có suy nghĩ mình nên xử lý tình huống đó thế nào?

Bố mẹ không ở nhà, tôi và chị gái dìu bà đi châm cứu.

Khi ấy không có Internet, tôi đọc tất cả các loại sách mà tôi nghĩ mình cần phải đọc chỉ với suy nghĩ duy nhất phải làm cho bà đi lại được.

Tôi tìm thấy một bài thuốc trên tờ Tri thức trẻ, họ mách dùng rượu ngâm hột gấc sao vàng để xoa bóp giúp phục hồi chấn thương cột sống.

Suốt 5 tháng trời, vừa thuỷ châm, vừa điện châm, vừa xoa bóp “rượu thuốc”, cho tới một ngày bà run rẩy đi lại được, và hồi phục một cách thần kỳ.

Năm nay, bà 90 tuổi, mỗi sáng vẫn đi nhặt rác, và các loại chai lọ nhựa. Bà gom lại cho mấy cô ve chai trong xóm. Đó là cách bà làm việc tốt.

Có nhiều hôm, tôi đi ở sau lưng bà, cách một quãng đủ xa để quan sát, và ngăn những chiếc xe honda phóng bạt mạng khi trời chưa đủ sáng. Tôi bảo, bà cứ đi nhặt rác thoải mái, tôi không có gì mắc cỡ, nhưng bà phải đi nép vào lề đường, và nếu không mang kẹp theo thì chỉ được nhặt chai lọ, tuyệt đối không “xem xét” gì trong thùng rác. Bà rất thích, và bảo “bà nghe con”.

Trước đó, bà có thói quen dậy sớm, đi từ phòng ngủ ra ban công ngồi đan áo. Tôi rất sợ trời nhá nhem tối sẽ khiến bà té ngã. Tôi sợ, nhưng không lo lắng hay than khóc, tôi cho lắp một cái đèn cảm ứng, để “đối phó” với việc tiết kiệm điện của bà.

Sau đấy, bà lại nghĩ ra việc “phơi cơm” cho mẹ tôi nuôi gà. Và tôi biết mình không nên phản đối, mặc dù Sài Gòn mưa nắng thất thường, sẽ khiến bà cứ phải chạy lên xuống mấy bận trong ngày.

Theo đúng truyền thống, bà cũng sẽ chẳng bao giờ nói nửa lời oán hận ông trời. Bà cặm cụi ngồi chế ra một miếng bạt để đậy cơm thay vì mang đi sơ tán. Còn tôi sẽ chờ khi bà không có mặt thì mang miếng liếp “đẹp đẽ” đó xuống đập dập hết những đầu đinh còn sót lại. Và bào nhẵn những chỗ có dằm.

Mấy hôm gần đây, bà đi khám bệnh định kỳ và bác sĩ chẩn đoán “thoái hoá cột sống”, lại phải đi châm cứu.

Buổi sáng đầu tiên, tôi hỏi, bà có đau không?

Bà nói “không, bà không đau, bác sĩ làm nhanh lắm”.

“Bệnh viện ở ngay gần nhà, đi bộ tới cũng tiện, giống như đi tập thể dục mỗi sáng”.

Và sau đó, bà chuyển công việc phơi cơm từ trên sân thượng, xuống dưới ban công cùng tầng phòng ngủ.

Tôi rất thương bà, nhưng vì sợ ăn tát nên tôi không khóc. Tôi chỉ biết mình lại có thêm một nhiệm vụ mới, là tiếp tục theo dõi xem mình có thể hỗ trợ được gì.


Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long

Ngăn chặn sự tràn lan của các kênh Youtube "bẩn": Cấm quảng cáo chỉ là giải pháp ép buộc
Người luôn mang lại giá trị cho cộng đồng

Your email address will not be published. Required fields are marked *