K. vòng tay kéo đầu đứa nhỏ áp vào ngực mình, đôi mắt cậu nhìn xa xăm, nước mắt lã chã chảy dài trên má, K. thì thầm “Về đi con”. Như chỉ chờ có thế, đứa nhỏ ôm chặt lấy K. khóc thét lên “Không, con không về đâu, con muốn đi với út mà, út ơi”. Nửa như khuyên can, nửa như đối thọai với chính mình, K. nấc lên “Về đi. Bê đê khổ lắm con à!”.
Vật vã bóng – hình
Đứa nhỏ tên L. – cháu kêu K. bằng cậu, cứ nằng nặc đòi bỏ nhà đi theo “đám bê đê” bạn của cậu út vì sợ trận đòn thù của cha nó đang chờ sẵn ở nhà. Mới chiều nay thôi, ba nó đi làm về sớm, chứng kiến cảnh “một lũ bê đê ăn mặc giả gái, bôi son đánh phấn tụ tập trong nhà” đã nổi trận lôi đình đập phá mọi thứ và chửi bới không thương tiếc. “Con L. mới tí tuổi đầu đã học đòi thói hư hỏng, tụ tập đi chơi với một lũ bê đê làm mất mặt gia đình, nhục nhã với bà con lối xóm”.
K. là một thành viên trong đòan từ thiện của nhóm đồng tính TGT3. Khuôn mặt điển trai, tướng tá cao ráo và ăn mặc khá thời trang, thật khó để nhận ra đây là một người đống tính ngòai cách xưng hô của K. Theo thói quen, thỉnh thoảng K. lại xưng chị với những người trong nhóm và hình như chẳng có ai bận tâm về cách xưng hô này.
Nhóm hoạt động từ thiện của K. gồm có hơn 50 thành viên, hầu hết là các bạn trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 20, đang sinh sống, học tập trong các trường trung học, cao đẳng, đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Họ khác nhau về độ tuổi, về quê quán, về ước mơ và sở thích, nhưng đều có chung một mong muốn là tham gia vào các hoạt động xã hội để khẳng định bản thân và dần xóa bỏ định kiến xấu của cộng đồng về những người đồng tính.
Cứ 4 tháng một lần, nhóm của K. lại tổ chức đi từ thiện. Kinh phí hoạt động là do các thành viên trong nhóm đóng góp và một số nguồn tài trợ của các thành viên đồng tính đang làm việc tại nước ngoài. Trong năm 2004 và 6 tháng đầu năm 2005, đòan từ thiện của K. đã quyên góp được số tiền hơn 100 triệu đồng, ủng hộ cho các gia đình khó khăn ở An Sương, Cần Giờ, Mỏ Cầy – Bến Tre, Trà Vinh… và mới đây nhất là làng trẻ em SOS ở Đà Lạt.
“Chỉ những lúc cả nhóm họp mặt đi làm từ thiện, bọn em mới có thể sống thật với bản thân mình, được làm những việc có ích và cảm thấy hạnh phúc. Chuyến đi từ thiện ở Đà Lạt vừa rồi thành công lắm, bọn em rất vui và hạnh phúc. Em tính mời cả nhóm về nhà chơi cho thoải mái trong một ngày rồi quay lại Sài Gòn tiếp tục công việc, học hành… Ai ngờ sự việc lại như thế này” – K. buồn rầu tâm sự.
Nhóm của K. hoạt động tương đối quy củ và có một số quy định chặt chẽ: Mọi thành viên phải tuân theo nội quy của nhóm, người quyết định cuối cùng là trưởng nhóm; không được đùa cợt quá đáng, không nói tục chửi thề. Khi được hỏi: “Bọn em đi làm từ thiện với mong muốn cộng đồng có một cái nhìn chia sẻ và thông cảm hơn với những người đồng tính, nhưng nếu không để cho mọi người biết mình là ai, thì liệu mong muốn của bọn em có trở thành hiện thực?”. Trưởng nhóm – Minh Quân, tỏ ra khá lưỡng lự khi trả lời tôi rằng “Thôi thì mình là như vầy, cũng đâu biết phải làm sao… Xã hội người ta cũng chưa có chấp nhận, mình làm gì thì làm, tự bản thân mình thấy việc làm đó có ích, giúp được người khác là được rồi, lương tâm thấy thanh thản, cuộc sống còn có những phút giây có ích, thế là mừng rồi. Bây giờ cứ tạm vật vã hình bóng, bóng hình như vậy đi. Nói ra làm chi, người ta biết mình là bê đê, không có tiếp nhận sự giúp đỡ của mình, tội lắm…”.
Định hỏi một cô giáo trong làng, rằng các cô có biết những người trong đòan từ thiện là đồng tính hay không, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, lại thôi. Được tận mắt nhìn những khuôn mặt rạng rỡ, tận tai nghe những âm thanh rộn ràng cười vui của các em trong làng SOS Đà Lạt khi đùa vui cùng “đòan học sinh sinh viên Sài Gòn”, tôi không nỡ hỏi thêm một câu gì nữa, tôi sợ sự thật mà mọi người đang cố che giấu có thể làm hỏng cả buổi từ thiện ngày hôm nay. Về đến Sài Gòn, tôi mang thắc mắc của mình hỏi một cô giáo làng SOS qua điện thọai. Im lặng một phút, cô trả lời “Tôi biết đó là những người đồng tính, nhưng đồng tính thì đã sao? Các em ấy rất tốt, bọn trẻ cũng rất muốn được chơi cùng các anh, tụi nó vui lắm. Ở đây, chúng tôi không phân biệt về giới tính con người, những tấm lòng như vậy, chúng tôi cần lắm”.
Nước mắt chảy xuôi…
Gặp lại Minh Quân buổi tối thứ 2, khi đã quay lại Sài Gòn, tôi không khỏi bất ngờ. Dù đã chuẩn bị trước nhưng tôi cũng không thể hình dung người con gái xinh đẹp đang ngồi trước mặt mình là trưởng nhóm từ thiện trong chuyến đi Đà Lạt. Tóc dài chấm ngang vai, cặp chân mày thưa, đều và sắc như đường kẻ chỉ với tà áo dài thướt tha và giọng nói dịu dàng, đầy nữ tính. Quân đi cùng một nhóm bạn, có cả trai, cả “gái”. Tôi nhận ra trong nhóm có K., mặc dù K. cố tình kéo ghế ngồi xoay ra hướng khác, đôi mắt thâm quầng, đùng đục.
“Ngồi quay lại đi mày, có ai đánh mà khóc hả? Mang kiếp bê đê thì tập khổ đi chứ, bây giờ tính tập tành sung sướng nữa sao?”. Hai “cô gái” trong nhóm lấy khăn chấm nước mắt, một số người thở dài. Không ai nói nhưng tôi đóan được trong gia đình K. có chuyện, cũng chẳng muốn hỏi thêm. Nhóm bạn trẻ mà tôi tiếp xúc ngày hôm đó, mỗi người một hòan cảnh, một nỗi khổ tâm riêng, nhưng tịu chung lại cũng chỉ xoay quanh một chữ: buồn.
- Nếu nói rằng buồn vì bị mọi người kinh ghét, xa lánh thì không phải đâu anh ạ, vì bọn em quen rồi, coi việc đó bình thường, cố mà học nằm lòng cái khẩu hiệu “sống chung với lũ”. Nhưng ngay cả người trong giới mà cũng còn phân biệt bóng kín, bóng lộ rồi cười cợt, xa lánh thậm chí còn xúc phạm mình thì anh thấy có đáng buồn không? Nhiều khi, bọn em thấy tuyệt vọng lắm.
-
Những lúc buồn bã, chản nán và tuyệt vọng như vậy, các bạn sẽ làm gì để vượt qua.
-
Cuối cùng thì bọn em cũng phải quay về với gia đình thôi anh ạ. Dù gì đi chăng nữa, cha mẹ cũng là người thương mình nhất.
-
Nói vậy, gia đình các bạn đều biết hết các bạn là những người đồng tính?
-
Không phải như vậy, bọn em giấu, nhưng em nghĩ là gia đình biết. Biết mà không nói. Hoặc cố tình hiểu sai sự thật. Nhiều khi em cũng có nói xa nói gần, mong mẹ em hiểu cho em, nhưng những lúc như vậy, mẹ em lại lảng đi chuyện khác, em nghĩ mẹ đang cố gắng tự an ủi rằng con trai mình bình thường, không phải là người đồng tính. Làm mẹ mà anh, có ai muốn con mình phải khổ…
Trong nhóm, có lẽ T. (Quận 5) là người may mắn hơn cả khi đã nói thẳng với gia đình về giới tính của mình. Mẹ của T. – một người phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác, chủ một cửa hiệu tạp hóa nhỏ, nhưng với tình yêu thương và tấm lòng của người mẹ đã dang rộng vòng tay để đón nhận đứa con của mình. Thương con, bà tự mày mò nghiên cứu qua sách vở, báo chí và Internet những kiến thức về người đồng tính để có thể trở thành chỗ dựa vững chắc cho con trai.
- “Làm cha làm mẹ, ai mà chẳng thương con. Với cha mẹ thì con không bao giờ lớn. Khi biết con trai mình như vậy, tôi cũng đau lắm chứ. Đau vì thương con, đau vì xót con chứ không hờn, không giận nó. Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, nào ai biết trước con mình như vậy. Rồi đây xã hội sẽ nhìn nhận nó như thế nào, cuộc sống của nó sẽ biến động ra sao, liệu người ta có chấp nhận nó như những người bình thường khác không, hay lại kì thị xa lánh. ” – mẹ của T. rơm rớm nước mắt. “Nhiều khi, thèm có cháu bế, cháu bồng, thèm nghe tiếng khóc con trẻ lắm mà không biết phải làm sao. Mình thương con, mình để ở trong lòng, nói ra mắc công nó buồn, rồi sinh chuyện. Tụi này nó nhậy cảm và dễ tổn thương lắm… Khổ vầy, là cũng đủ lắm rồi”.
… có khi nào chảy ngược?
Không được may mắn như T., gia đình M. (Quận BT) sau khi bắt gặp cậu và người bạn trai ở trong phòng đã đốt hết quần áo, sách vở, đuổi ra khỏi nhà và đòi cắt hộ khẩu. Tuyệt vọng, không nhà cửa, không người thân, không tiền bạc, M. bỏ đi lang thang và được đám bạn “bê đê” đón về ở nhờ ở một chung cư tồi tàn bên Quận 7. Trong một lần quẫn trí, M. đã cắt tay tự tử nhưng không thành, nhìn cảnh thằng bạn “đồng cảnh ngộ” xanh lét mà máu chảy ra lênh láng, mười mấy thằng con trai chỉ biết ôm nhau khóc ngất. Gọi cấp cứu đến rồi sau đó đóng chặt cửa nhất quyết không mở, mà chỉ tự cầm máu và băng bó vết thương cho bạn, vì sợ phải nhập viện rồi thì gia đình, hàng xóm, xã hội sẽ biết chuyện về giới tính của bản thân.
Vào ngày đầu tuần, dạo một vòng Sài Gòn khi thành phố đã lên đèn, rất dễ bắt gặp những thân phận “hồn Trương Ba, da hàng thịt” như T., như M., như Q… ở những địa điểm “dành riêng cho gay” như Sàn nhảy Bến Thành (Mạc Đĩnh Chi – Quận 1), Café Sài Gòn Xưa (Trần Đình Xu – Quận 1), Chè Thanh Tâm (Quận 5)… Trong ánh sáng nhờ nhợ hắt ra từ những chiếc đèn được chế tạo để cố tình hoạt động “không đủ công suất”, những gương mặt “con gái” thật đẹp mà cũng thật buồn đang cố gắng và vội vã để sống. Sống một cách rất đời thường nhưng hấp tấp. Họ ngồi lại bên nhau, tâm sự về những việc trong ngày, động viên an ủi nhau và cùng nâng cốc chúc mừng cho những niềm vui hiếm hoi nho nhỏ. Người đi đường, không ai dòm ngó, không ai dè bỉu, khen chê, nhàn nhạt như ly cà phê không đường mà cho quá nhiều nước đá.
12h đêm, quán chè đóng cửa. K. kéo tay tôi bảo đi về. “Bây giờ em phải qua rước thằng C., chiều nay má nó vừa đuổi nó ra đường. “Bả” biết nó làm “lộ”. Tìm thấy trong tủ áo tòan đồ “lộ” của nó không à. Chuyến này chết chắc!”. Tôi cáo bận kêu mọi người cứ về trước đi. K. và nhóm bạn khóac tay nhau đi về phía đường T.K.C. Có đứa lẩm nhẩm bài “Kiếp bê đê” nghe không vui mà cũng chẳng buồn, có lẽ đã chai lỳ cảm xúc. Tôi nhìn theo cho đến khi nhóm của K. đi khuất. Con đường tối đen. Vắng lặng. Nhóm người đi, tuyệt nhiên không nhìn thấy bóng.
Lời nguyện cầu hạc giấy
Minh Quân và K. dẫn tôi đến thăm M. Căn phòng rộng chừng 20m2 với giá thuê 600.000đ một tháng được chia đều cho 14 con người. M. nằm một chỗ, dường như vẫn còn rất yếu sau cú sốc vừa qua. Khuôn mặt hốc hác, tóc tai lởm chởm, thân hình tiều tụy. M. có vẻ không quan tâm lắm đến sự có mặt của tôi, cậu vẫn tiếp tục gấp những con hạc bằng giấy trắng muốt. To có, nhỏ có, ngập khắp nền nhà. K. rót nước mời tôi, cũng chẳng nói lời nào. Mấy lần tôi định mở miệng hỏi mà sợ làm loãng cái bầu không khí đặc quánh không thuộc sở hữu của mình.
- Nó gấp hạc giấy cầu phúc cho người yêu nó đấy anh ạ – Minh Quân lên tiếng. Bọn em không mê tín dị đọan gì hết, chỉ muốn kiếm một chỗ để dựa vào mà tin tưởng thôi anh à. Nhưng bọn em gấp hạc giấy cầu bình an cho gia đình, cầu phúc cho cha mẹ, còn thằng này bất hiếu nó cầu cho người yêu của nó không à. Từ ngày bị cha mẹ từ, không nhận con, nó xấu hổ không dám gặp boyfriend (bạn trai) của nó nữa. Thằng kia đòi đưa nó về nhà ở nó cũng không chịu, cứ nói rằng sợ làm khổ người ta. Giờ thì người không ra người, ma không ra ma.
Trời, bê đê mà người gì cha nội, quỷ không ra quỷ, ma không ra ma chứ.
Ờ, tao quên.
Tôi quay đi, cố nén tiếng thở dài. Tự nhiên tôi cảm thấy mình trở thành một người thừa. Cố gắng một lúc, tôi cũng mở miệng khuyên nhủ M. được vài câu xã giao rồi xin phép đi về. M. hí hóay lấy cây viết, ghi chép cái gì đó vào con hạc giấy cậu vừa gấp xong, nói là tặng cho tôi nhân ngày đầu gặp mặt. Không giấu được tò mò, tôi đi nhanh ra khỏi nhà. Hấp tấp mở con hạc giấy ra xem M. đã viết gì trong đó. Giữa đôi cánh trắng tinh, chỉ vỏn vẹn có một dòng chữ “Đừng làm bê đê. Khổ lắm, anh à!”.