Đọc thêm:
>>> Những hiểm họa từ mạng Baidu – http://bitly.com/W2nLDe
>>> TTPlayer của Trung Quốc can thiệp trái phép máy tính của Việt Nam – http://bitly.com/W2nMqM
>>> Wechat, một phần mềm nguy hiểm – http://bitly.com/W2nSyR
Cuộc “Cách mạng Hoa Nhài”, một cuộc nổi dậy phổ biến tại nước Tunisia đã lật đổ chế độ của nhà cựu độc tài Ben Ali trong tháng Giêng, đã gây nên một tác động dây chuyền trong nhiều quốc gia Ả-Rập. Dân chúng tại các nước Ai-Cập (Egypt), Yemen, Algeria, Jordan và những nơi khác cũng đã tràn xuống đường biểu tình.
Ai cũng biết, các mạng xã hội như Facebook hay Twitter giữ vai trò kết nối và liên lạc chính yếu trong các cuộc biểu tình này. Và tất nhiên để hoạt động được, Facebook hay Twitter cần có các kết nối internet thông qua wifi hoặc sóng di động 3G. Đó là sức mạnh của các nền tảng truyền thông số hiện đại và là mặt trái của những hệ thống thông tin mà chính phủ đang mất dần “quyền kiểm soát” theo cả cách trực diện hay giấu mặt.
Một hệ thống thông tin muốn hoạt động trơn tru lại phụ thuộc vào môi trường truyền dẫn và các thiết bị đầu cuối. Từ thời phong kiến, khi các phương tiện kỹ thuật chưa phát triển thì môi trường truyền dẫn chỉ đơn giản là… không khí và các thiết bị đầu cuối chính là con người. Các ông mo làng, mo xã sẽ đi từ đầu trên đến xóm dưới để cung cấp thông tin cho các hộ gia đình.
“Loa loa loa, chiềng làng chiềng xã, thượng hạ tây đông, con gái phú ông, tên là Mầu thị…” là một trong những thông cáo báo chí nguyên sơ và kinh điển nhất của ngành truyền thông. Muốn phá hủy hoặc can thiệp vào hệ thống thông tin này chỉ cần bịt miệng các ông mo xã hay bịt tai dân chúng lại.
Phát triển lên một chút, chúng ta có loại hình báo chí đơn giản nhất là báo in và tờ-giấy-báo đóng vai trò là thiết bị đầu cuối cung cấp thông tin. Để tác động vào hệ thống thông tin này, chỉ cần kiểm duyệt nội dung bài báo trước khi xuất bản hoặc ngăn chặn bằng cách tịch thu tờ báo sau khi in thành phẩm, nghiêm cấm phổ biến và tán phát các văn bản báo chí có nội dung “sai lệch”.
Một biến thể của hệ thống thông tin báo chí là các tờ rơi, tờ bướm và truyền đơn dưới nhiều hình thức (thí dụ như Hàn Quốc thả truyền đơn bằng bóng bay qua Triều Tiên chẳng hạn).
Trong khi truyền thông trực tiếp và thông qua môi trường truyền dẫn của báo in là cách thức liên lạc khá thụ động vì phải vừa sản xuất thông tin, vừa phải cung cấp thiết bị đầu cuối, thì môi trường truyền thông mới với sự tham gia của Radio và Vô tuyến truyền hình lại là một bước đột phá, một cuộc cách mạng của hệ thống thông tin.
Những chiếc TV hay đài casette một khi đã được người dân mua về đặt trong gia đình thì ngay lập tức trở thành thiết bị đầu cuối tồn tại “mãi mãi”. Khi này, những người làm truyền thông chỉ cần tập trung vào việc sản xuất nội dung thông tin và có thể ngay lập tức phân phối đến những người cần tiếp nhận qua sóng vô tuyến. Chính phủ của hầu hết các nước coi những hệ thống thông tin như vậy là tài sản quốc gia và độc quyền khai thác. Việc này mang ý nghĩa bảo vệ an ninh xã hội nhiều hơn là vấn đề kinh tế.
Mỗi một tài khoản Twitter hay Facebook cũng đóng vai trò như một chiếc TV + đài casette và còn hơn thế nữa. Vì trong khi những thiết bị đầu cuối như TV, casette chỉ giúp chúng ta tiếp nhận thông tin một chiều, thì những “thiết bị đầu cuối” như Twitter, Facebook lại có thể đóng vai trò như một đầu phát và chuyển tiếp thông tin đó đi trên môi trường truyền thông của các mạng xã hội. Chính sự “hai chiều” của môi trường truyền thông đặc thù này đã tạo ra một thách thức rất lớn trong vấn đề tác động vào hệ thống thông tin đặc biệt này vì không thể tác động vào nguồn khởi phát. Cách thức duy nhất để ngăn chặn là phá hủy toàn bộ hệ thống – cắt đứt hay tạm thời cô lập Internet.
Trong khi chính phủ các nước đều có nhận thức rất rõ về nguy cơ tiềm ẩn (thực ra là rất hiện hữu) này thì sự lên ngôi của những chiếc điện thoại thông minh – smartphone, độ phủ của wifi, sóng di động 3G/CDMA và các ứng dụng giao tiếp trên mobile đã tạo ra một môi trường truyền thông mới – truyền thông trên mobile thông qua các mạng xã hội di động với đại diện tiêu biểu nhất là Wechat.
Với 300 triệu người dùng trên toàn thế giới và khoảng 10 triệu người dùng Việt Nam, Wechat có sức mạnh truyền thông lớn hơn cả Tuổi Trẻ, Thanh Niên và VnExpress cộng lại. Việc sử dụng smartphone có kết nối Internet mọi lúc mọi nơi biến điện thoại trở thành những chiếc TV di động. Và thói quen phải ngay lập tức đọc mọi thông báo vừa xuất hiện trên màn hình điện thoại thông qua tính năng thông báo tức thời của notification; cùng với sự đa dạng của hình thái nội dung như văn bản, âm thanh và clip đã khiến môi trường truyền thông này có sức mạnh tương tự các đài truyền hình quốc gia như VTV.
Vấn đề là nếu Thanh Niên, Tuổi Trẻ, VnExpress và VTV đang được ngày đêm kiểm duyệt nội dung một cách gắt gao thì Wechat vẫn một mình một chợ, tung hoành ngang dọc như chỗ không người.
Tính không tức thời là “điểm yếu” mà các mạng xã hội truyền thống như Facebook hay Twitter chưa làm được vì còn phụ thuộc vào thời điểm đăng nhập của người dùng. Thường thì thông tin được phát tán từ một tài khoản Facebook chỉ tới được 10% bạn bè do chính sách hạn chế spam của Facebook và do những người khác không online đúng thời điểm. Nhưng chỉ cần Wechat tiến hành broadcast một nội dung bất kì xuống tài khoản của các thành viên, thì 1/8 dân số Việt Nam sẽ biết và đọc được thông tin đó NGAY LẬP TỨC, dù đang ở bất cứ nơi đâu.
Và theo quan sát cá nhân, tôi nhận thấy Wechat đã nhiều lần broadcast thông tin như vậy. Nhất là sau những trận “vạch mặt” trên báo chí Việt Nam. Tức là, đây là nguy cơ hoàn toàn hiện hữu.
Nếu đã coi siêu phẩm Avatar, các bạn chắc còn nhớ đoạn những người dân trên hành tinh Pandora ngồi lại với nhau, nắm tay, kết tóc cùng cầu nguyện để tạo thành một mạng lưới liên kết thông tin đồng nhất và tạo ra nguồn sức mạnh khổng lồ nhằm giao tiếp với các thần linh. Mặc dù đó chỉ là bộ phim khoa học viễn tưởng nhưng về nguyên lý thì chính xác là như vậy.
Khi các thiết bị đầu cuối càng “đồng nhất” với từng cá thể thì sự thông suốt và tức thời của thông tin càng trở nên mạnh mẽ. Facebook và laptop đã đạt được “cảnh giới” liên kết tới từng cá thể, nhưng Wechat và smartphone mới đạt được sự tức thời và di động mọi lúc mọi nơi. Nếu các mạng xã hội như Twitter, Facebook có vai trò quan trọng trong các cuộc biểu tình và gây ra những bất ổn xã hội thì Wechat có nguy cơ 1000 lần hơn thế.
Hãy thử hình dung để ngăn chặn một thông điệp sai trái nào đó từ Wechat trong khi không có quyền tác động đến cơ quan chủ quản của họ ở nước ngoài, thì cách duy nhất chúng ta có thể làm được là tác động vào môi trường truyền dẫn. Tức là phải cô lập toàn bộ hệ thống Internet và shutdown luôn cả hệ thống thông tin liên lạc qua điện thoại của quốc gia (vì có 3G). Như vậy, chúng ta đã tự cắt đứt mạng lưới thông tin quốc gia một cách cực kỳ nhẹ nhàng và đơn giản.
Đọc những lời giải thích của Wechat về vụ án đường lưỡi bò xuất hiện ở bản đồ trong tính năng chia sẻ thông tin địa điểm, tôi cảm thấy đầy lấp liếm. Vì thực ra, việc phiên bản tiếng Trung của Wechat xuất hiện đường lưỡi bò chứ phiên bản tiếng Anh, tiếng Việt không có thì cũng không là vấn đề lớn. Nhưng việc một ứng dụng toàn cầu như Wechat phải chấp nhận phát triển nhiều phiên bản song song chỉ vì một cái bản đồ thì làm gì có lý do nào khác ngoài việc can thiệp của Chính phủ liên quan đến các vấn đề chính trị?
Tức là Tencent hoàn toàn không “độc lập” được như tuyên bố trong Thông cáo báo chí, ngay cả khi họ thực tâm muốn làm điều đó.
Lùi lại thời gian một chút vào giữa tháng 12/2012, không phải bỗng nhiên mà game Chinh Đồ của công ty Giant Interactive cung cấp cho VNG “tự nhiên” có đường lưỡi bò như vậy. Đây là một hành động đầy chủ ý và VNG đã trở thành nạn nhân của những mưu đồ chính trị. Có một điểm mấu chốt trong “vụ án Chinh Đồ của VNG” mà tôi không thấy xuất hiện trong bất cứ tài liệu chính thức hay bài báo nào là việc đơn vị sản xuất Giant Interactive đã âm thầm thay đổi phím tắt của tính năng mở bản đồ. Dù rất nhỏ, nhưng nó cũng góp phần to lớn vào việc “qua mắt” đội ngũ tester vốn không có quá nhiều “bản lĩnh chính trị” của Chinh Đồ.
Phân tích một chút như vậy để thấy rằng Chính phủ Trung Quốc không hề coi những công ty làm game, ứng dụng điện thoại (và nhiều loại hình doanh nghiệp khác nữa) của họ chỉ đơn thuần là những công ty làm kinh tế. Những nhiệm vụ chính trị và âm mưu xâm lược trên mặt trận thông tin được “quàng” vào các sản phẩm thuần kinh tế để biến nó thành một môi trường truyền thông mới, đang từng ngày từng giờ vươn vòi bạch tuộc vào khắp Việt Nam.
Đúng vào ngày này 34 năm trước, ngày 17.2.1979 quân xâm lược Trung Quốc đã theo lệnh của Đặng Tiểu Bình, trắng trợn trở mặt, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979. Chúng đã huy động 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng phụ trợ khác ước tính hơn nửa triệu quân với hơn 500 xe tăng, hơn 2000 khẩu pháo, tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, sát hại dân lành, đốt phá nhà cửa, cầu, đường, cướp bóc tài sản.
Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Nếu Chính phủ Việt Nam không nhanh chóng nhìn nhận mối nguy hại của những ứng dụng như Wechat và đặt vấn đề bảo vệ mạng lưới truyền thông số lên bàn nghị sự, thì chẳng bao lâu nữa, những công dân số mà đa phần là giới trẻ Việt Nam sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của những kẻ có dã tâm xâm lược.
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – February 12, 2013)
[…] hình khởi động ứng dụng của wechat vừa được thay […]