Please log in or register to do it.

Theo dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử, công chức, viên chức, phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội…


Bộ Quy tắc yêu cầu công chức phải công khai tên tuổi, hình ảnh thật khi sử dụng mạng xã hội – Ảnh: Tạ Tôn

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam. Một trong những nội dung đáng chú ý là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội.

Mảnh đất “hoang dã”, cần thêm “thể chế mềm”

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, tin tức giả, nhưng chúng ra không thể xóa bỏ mà chỉ có thể hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước. Việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.

Là một công chức Nhà nước thường xuyên sử dụng mạng xã hội, anh Duy Tùng (33 tuổi, làm việc trong một cơ quan Nhà nước ở Hà Nội) băn khoăn khi cho rằng, trong hợp đồng giữa cơ quan với người lao động không quy định về các quy tắc ứng xử như một quy chế ràng buộc, vì vậy, không thể cấm đoán hay bắt buộc trong việc này. Hơn nữa, việc sử dụng mạng xã hội là thuộc vấn đề đời tư cá nhân nên không thể ràng buộc công chức, viên chức phải sử dụng tên thật, dùng ảnh thật.

Tuy nhiên, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội nhìn nhận, công chức hay người dân bình thường khi sử dụng mạng xã hội cũng đều phải chịu trách nhiệm. Theo bà Hồng, mỗi người có nhiều vai trò khác nhau, khi đi làm là công chức Nhà nước phải tuân thủ quy định cơ quan. Khi về nhà là công dân bình thường phải cư xử theo chuẩn mực đạo đức của xã hội. Mặc dù vậy, Bộ Quy tắc là văn bản dưới luật, nghị định, không có tính ràng buộc về pháp lý, vì thế nên bổ sung các quy định trong các luật quản lý chuyên ngành khác.

Cũng là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, Facebooker Nguyễn Ngọc Long nêu quan điểm, việc có Bộ Quy tắc ứng xử là vô cùng cần thiết. Vì hiện nay, nhu cầu sử dụng mạng xã hội và tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội đang nhanh hơn nhiều lần sự hoàn thiện của hành lang pháp lý. Điều này dẫn tới mạng xã hội trở thành một vùng đất “hoang dã”, phát sinh nhiều bất cập và hệ lụy. Các chế tài trên mạng xã hội hầu như được điều chỉnh bởi đơn vị cung cấp nền tảng mạng xã hội chứ không phải cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Blogger Nguyễn Ngọc Long

Hạn chế tác động tiêu cực

Đại diện cho cơ quan chủ trì xây dựng Bộ Quy tắc này, ông Đỗ Quý Vũ, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thông tin và truyền thông cho biết, dù đã có các văn bản pháp lý, các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nhưng cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức. Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử, để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng, hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.

Mục đích và ý nghĩa cuối cùng của Bộ Quy tắc, theo ông Vũ là mong muốn “tạo ra môi trường mạng lành mạnh và an toàn tại Việt Nam”, phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp, chia sẻ và kết nối mọi người lại với nhau để cùng tạo nên sự phát triển bền vững, hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa sự lan truyền các thông tin xấu, độc.

Trước băn khoăn Bộ Quy tắc này không phải là một văn bản pháp quy thì cơ chế thực hiện thế nào; Công chức, viên chức có bắt buộc phải thực hiện việc công khai tên, hình ảnh, cơ quan khi sử dụng mạng xã hội hay không; Có chế tài về việc này hay không, ông Vũ cho biết, mục đích của Bộ Quy tắc là đưa ra một bộ khung các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, từ đó, mỗi bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương và các cơ quan, tổ chức căn cứ vào tình hình thực tế và đặc thù công việc của mỗi đơn vị sẽ đưa ra những quy tắc cụ thể và chế tài thực hiện thành các nội quy của đơn vị để làm cơ sở thực hiện.

“Trong Đề án có đề xuất các mức độ thực hiện các quy tắc: Nên hoặc Không nên. Đây là những quy tắc không có tính ràng buộc về pháp lý, nhằm hướng dẫn, gợi ý khi cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội nên hoặc không nên thực hiện. Ngoài ra, còn có mức Phải hoặc Không được. Đây là những quy tắc mang tính liên quan đến pháp lý khi cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải hoặc không được thực hiện. Nếu vi phạm, nhà cung cấp và người sử dụng dịch vụ mạng xã hội tùy theo mức độ sẽ phải chịu các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật” – Ông Đỗ Quý Vũ.

Ngoài các quy tắc đối với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, Bộ quy tắc yêu cầu mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, tổ chức có quy tắc riêng cho ứng xử trên mạng xã hội của cán bộ, công chức, nhân viên và người lao động thuộc lĩnh vực quản lý của mình. Phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan công tác; Không được ứng xử trên mạng xã hội trái với thuần phong mỹ tục, trái với chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp; không được cung cấp thông tin nội bộ liên quan đến các cá nhân, tổ chức mà do vị trí công tác của mình có được khi chưa được ủy quyền bởi cơ quan có thẩm quyền.


Nguồn: Báo Giao Thông

Em trai
Món quà kể chuyện

Your email address will not be published. Required fields are marked *