Please log in or register to do it.

Chẳng biết vô tình hay hữu ý mà hai sự kiện lớn liên quan đến an sinh xã hội, chính trị quốc phòng tại Việt Nam lại có mối liên hệ kỳ lạ với bộ phim bom tấn ở tận nước Mĩ xa xôi?!

Cưỡng chế Văn Giang

Cưỡng chế Văn Giang

Cách đây vài hôm thôi, tức là trước thời điểm 30/4 một vài ngày, trang mạng của báo Tuổi Trẻ tại địa chỉ http://tuoitre.vn/ vẫn “trang trọng” đăng một banner lớn ở ngay phần tin nổi bật để “giật” vào dòng tin tức liên quan đến scandal bà Đặng Thị Hoàng Yến – Đại biểu Quốc hội Vietnam. Hiện nay thì banner đó đã được gỡ bỏ để thay bằng banner “mời bạn đọc hiến kế góp ý cho Tuổi Trẻ”.

Tôi đặc biệt suy nghĩ về “banner nhỏ” đó vì theo quan sát, tôi thấy Tuổi Trẻ thường dùng vị trí tối đắc địa như vậy trên trang web để đề cập đến những vấn đề mang tính Quốc Gia Đại Sự. Chuyện bà đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến “khai lý lịch không trung thực” thì có vẻ như không nhiều người dân cho rằng quá ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của gia đình họ. Thế nên việc nhiều tờ báo lớn đồng loạt “oánh” bà Yến cũng khiến cho giới quan sát “phải lăn tăn” vì động cơ thực sự.

Vào giai đoạn trước, khi clip về “thái độ nhơn nhơn” của bà Hoàng Yến lan truyền trên mạng trong một lễ trao học bổng thì người ta đã bàn tán khá nhiều về “vai vế” và “thành trì” của bà Hoàng Yến. Phải chăng vì thế mà việc “khai gian hồ sơ” của bà Yến không được các báo quan tâm đúng mức?

Từ rất rất lâu trước khi Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, SGGP, Tiền Phong… đồng loạt vào cuộc “một cách mạnh mẽ” thì có 2 tờ báo đã “gào thét trong vô vọng” về tư cách đại biểu của bà này. Đó là tờ Cựu Chiến Binh và Người Cao Tuổi. Hai tờ báo của những bậc tiền bối đã đi nhiều bài báo nhằm “phanh phui sự thật” nhưng tôi thấy lạ kỳ là không có các báo khác “hùa theo” ủng hộ.

Tháng 8 năm 2011, Báo Người cao tuổi đăng loạt bài “Tri ân các cụ hay mua chuộc cử tri?” (số 941 ngày 5-8-2011); “Sự thật về ĐBQH Đặng Thị Hoàng Yến?” (số 942 ngày 6-8-2011); “Chân dung bà Chủ tịch tập đoàn Tân Tạo” (số 943 ngày 10-8-2011); “Xung quanh vụ li hôn đầy nghi vấn của bà Đặng Thị Hoàng Yến: Viện KSND Tối cao có chỉ đạo Viện KSND tỉnh Long An rút kháng nghị?” (số 948 ngày 20-8-2011).

Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi và Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam cũng đã hai lần làm văn bản kiến nghị chung (ngày 9-9-2011 và 9-12-2011) gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong bản kiến nghị lần thứ hai có nêu: “Bà Đặng Thị Hoàng Yến từng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng bây giờ là Đại biểu Quốc hội ngoài đảng cần phải được làm rõ”.

Và vì là 2 tờ báo không có nhiều ảnh hưởng đến số đông công chúng nên các kỳ phóng sự điều tra của CCB và NCT không gây được hiệu ứng xã hội to lớn như thời điểm hiện nay. Thậm chí có lúc, phía bà Yến trong những phản hồi các bài báo đã nêu, còn yêu cầu Ban Tư tưởng, Ban Tuyên giáo phải xem xét động cơ của phóng viên và đề nghị truy tố Tổng biên tập CCB, NCT vì “bịa đặt và dựng chuyện”!

Những lúc ấy thì các phóng viên cốt cán của Thanh Niên, Tuổi Trẻ, các vị đang ở nơi nào?

Để rồi tuần trước, một bài báo ký tên Lê Thanh Tâm đăng trên Tuổi Trẻ “bất ngờ” đề cập đến việc này:

Báo Cựu Chiến Binh và báo Người Cao Tuổi là hai tờ báo đầu tiên “phát pháo” về chuyện bà Yến. Họ đúng là những “ông già gân”. Đi tìm sự thật về một nhân vật như bà Yến không phải là chuyện dễ dàng. Có thể phải đương đầu với nhiều cản trở, đối mặt với sự im lặng đáng sợ, sự tránh né, thậm chí có thể là những áp lực khó lường. Xin ngả mũ kính phục những ông già không chịu ngồi nhà “kể chuyện Nguyên Phong”, không chịu sống âm thầm với quá khứ vinh quang. Xin ngả mũ kính phục những ông già vẫn vững bước dấn thân trên đường đời (trích bài đã dẫn trên Tuổi Trẻ)

Tôi nghĩ chắc hẳn những nhà báo đang còn “trẻ”, đang còn “thanh niên” sung sức, đang ở thế “tiền phong”, đang còn rất nhiệt huyết và máu lửa của nhiều tờ báo lớn lại bị ràng buộc bởi quá nhiều nguyên tắc của cơm áo gạo tiền, của một nghìn lẻ một vấn đề mà những “ông già gân” gần đất xa trời ở Cựu Chiến Binh và Người Cao Tuổi không hề có.

Chết là hết. Cho nên đã gần chết thì chẳng sợ ai và chẳng phải nể ai nữa cả.

Chắc cũng vì lẽ đó mà trong mấy ngày gần đây, khi những clip ghi lại “cuộc chiến đấu không cân sức” của những nông dân ở Văn Giang với chính quyền được lan truyền trên Internet, thì cũng rất ít báo trẻ và nhà báo trẻ công khai lên tiếng. Dù chỉ là phản ánh thông tin một cách trung thực, không bênh vực hay đứng về bất cứ phía nào. Trong “nhánh thông tin” (chưa đủ thành dòng) ít ỏi đó, tôi ghi nhận có bài của Người Cao Tuổi, VnExpress, Dân Việt, Nông Nghiệp, Đất Việt, Tuổi Trẻ và Sài Gòn Tiếp Thị (không kể các bài được xào đi nấu lại trên vài trang báo mạng).

Đến hôm nay thì nhiều đường link ở các trang báo vừa nêu đã bị gỡ bỏ hoặc “không truy cập được”. Duy nhất có Người Cao Tuổi vẫn tiếp tục “kiên trì bám trụ” và mạnh miệng lên tiếng cáo buộc chính quyền “vi hiến”.

Bản in của Báo Người cao tuổi ngày 24/4 nhận định quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là “hoàn toàn trái pháp luật hiện hành” bởi “Theo Luật đất đai, chỉ những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh…nhà nước mới thu hồi đất, trình tự thu hồi được quy định rõ trong luật. Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thoả thuận với dân. Lẽ tất nhiên, thoả thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thoả thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều. Ở đây UBND huyện lại đứng ra cưỡng chế, lấy đất giao cho chủ đầu tư, hoàn toàn không xem quy định của Luật đất đai có tí giá trị nào”.

Phiên bản online của bài viết này trên báo NCT hiện đã không truy cập được. Nhưng nếu tìm kiếm trên Google vẫn thấy hiện diện một phần trong “Bài tổng hợp” đăng trên tờ Đất Việt (Online) tại địa chỉ http://bitly.com/JHsnN3.

Tôi thì không đủ thời gian để tìm hiểu ngọn ngành vụ cưỡng chế “long trời lở đất” này. Tôi cũng chưa đủ kiến thức về luật để tìm hiểu xem bên nào sai bên nào đúng, nhưng qua những gì được coi lại trên Youtube, tôi thấy rất đau lòng. Hình ảnh những người dân hiền lành quanh năm chỉ quen với cây với đất, với ruộng nước và phân cỏ phải “vùng lên cầm vũ khí” chống lại một lực lượng đông đảo “kẻ thù” có vũ trang theo kiểu một mất một còn thế này là rất đáng thương.

Văn bản phát đi của chính quyền Hưng Yên nói người dân bị những đối tượng quá khích lôi kéo và khích động. Nhưng tôi thì thấy họ đã ở vào thế chó cùng cắn dậu và buộc phải “vùng lên”.

Tất nhiên những người dân này không có bom như ông Đoàn Văn Vươn trong vụ cưỡng chế “nhầm” ngoài Tiên Lãng, nên cũng đã không có “tiếng nổ” nào đủ lớn để các nhà báo trẻ dũng cảm phải giật mình.

***

Lê Hiền Đức, có thời gian đã từng rất “nổi tiếng” vì được báo chí trong nước ca ngợi vì dũng cảm chiến đấu chống tham nhũng, trong một bài phỏng vấn trên BBC (mà Nguyễn Ngọc Long Blackmoon không có cơ hội kiểm chứng thông tin) đã nói rằng:

“Tôi không có gì phải giấu diếm, tôi về (Văn Giang) để bảo vệ dân tôi. Tôi nhìn thấy cảnh sát cơ động chi chít. Cảnh sát địa phương áo xanh lá mạ cũng đầy ra. Tôi đứng đấy, tôi gặp tất cả bà con. Bà con đang khóc ầm ĩ kêu gào. Nghe những tiếng khóc của các cụ già tám, chín mươi tuổi, thương lắm. Chỉ có súc vật mới không động lòng thôi”.

Bà Hiền Đức mô tả về những gì bà chứng kiến hôm 24/4 là trận chiến đấu ác liệt.

“Tôi cảm tưởng như đang trong trận chiến đấu ác liệt cách đây nửa thế kỷ mà tôi đã từng phải chiến đấu …lửa cháy ngút trời. Đây rõ ràng là lực lượng ấy đang cưỡng chế dân. Tôi ngồi tôi khóc. Tôi ức quá mà tôi khóc vì tại sao tôi không bênh vực được những con người như thế. Tôi gọi đó (thanh niên bị đánh) là những thanh niên dũng cảm, dám đối mặt với lực lượng công an. Họ đàn áp vô cùng tệ hại. Bắn súng, đánh đập một cách rất dã man”.

Bà tâm sự. “Tôi nhục nhã đến mức là, thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tôi đã từng hy sinh tuổi thanh xuân của tôi, tôi đã chiến đấu đủ mọi hình thức, mọi ngả đường nhưng bây giờ hoà bình rồi, mà tôi phải cải trang. Hôm qua, tôi phải mượn cái nón rách, cáo áo nâu, quần sắn móng lợn để trà trộn vào với nhân dân. Nếu không nó nhìn thấy mình, nó thay đổi thái độ ngay. Có như thế thì mới chứng kiến được hành động của họ đối với những người dân lành. Có những người ngày hôm qua là trắng tay rồi, không còn gì cả, thì cuộc sống ngày mai đây họ sẽ ra sao?”

“Đây là dấu hỏi rất to, tôi mong công luận sẽ đánh dấu hỏi cho những người dân Văn Giang hôm qua”.

Bà Lê Hiền Đức sinh ngày 12/12/1932, một nhà giáo hưu trí tích cực đấu tranh chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm nay (2012), bà vừa tròn 80 “cái xuân xanh”. Theo lý thuyết “chết là hết” của tôi thì bà Đức cũng được liệt vào dạng “điếc không sợ súng” vì quá già, chẳng còn gì để mất.

***

http://www.youtube.com/watch?v=qDMXkPfxjOc

Nếu đã từng coi “Chiến Hạm” bạn sẽ phải ngả mũ, trào dâng niềm kính trọng, kính phục và ngưỡng mộ lực lượng hải quân “già” của chính quyền nước Mĩ. Khi mà trái đất lâm nguy trước sự xâm lăng của thế lực siêu nhiên đến từ vũ trụ với những vũ khí hạng nặng và “thế hệ binh lính trẻ” đã bó tay và việc chiến đấu chẳng khác nào “đi vào con đường chết” thì lực lượng hải quân già đã làm được điều kỳ diệu.

Hình ảnh những ông già 70 – 80 tuổi, “cả đời cống hiến cho hòa bình tổ quốc” nay đã gần đất xa trời, da dẻ nhăn nheo, mái tóc đồi mồi đứng hiên ngang trên “Chiến Hạm” để truyền lửa cho các binh lính trẻ và sẵn sàng cùng họ rẽ sóng ra khơi, để một lần nữa vào sinh ra tử mang tính biểu tưởng một cách đầy thuyết phục.

Người trẻ có những thế mạnh của người trẻ nhưng lại có đầy điểm yếu. Mà điểm yếu lớn nhất là “sợ chết”. Cái mà người già không có. Thế nên tôi đặt rất nhiều niềm tin vào các “ông bà già gân” mà tôi đã nhìn thấy, đã nghe thấy và kể lại. Tôi hy vọng nếu có một thế lực nào đó mang vũ khí hạng nặng để dội bom vào quê hương tôi, vào người dân tôi, mà giới trẻ đã bất lực và hèn nhát bó tay bó gối thì cầu mong các bậc tiền bối ở thế hệ già hãy quay trở lại “chiến trường”, giương buồm đẩy Chiến Hạm ra khơi, khi ấy chúng tôi sẽ đủ dũng khí để cùng họ để làm nên điều kì diệu!

***

Đất ở Văn Giang rồi cũng sẽ được giải tỏa một cách “êm đẹp” đâu vào đấy. Chẳng mấy chốc, tất cả những ký ức đau thương ngày hôm nay sẽ bị rơi vào quên lãng. Nơi mà những người dân mang “vũ khí” chống lại chính quyền sẽ mọc lên một khu đô thị sinh thái xanh sạch đẹp bậc nhất Việt Nam mang tên Ecopark. Biểu tượng chiếc lá màu xanh với lời dẫn “nơi hạnh phúc sinh sôi là nơi cuộc sống trở nên trọn vẹn” của Ecopark đã bị xóa hoàn toàn khỏi trí nhớ của tôi kể từ giây phút này.

Không biết bao nhiêu lần đi viếng nghĩa trang của những người lính chiến Việt Nam, tôi được dạy rằng máu của các anh đã làm cho cây cối sinh sôi nảy nở và mang một màu xanh mát mắt. Có lẽ hình ảnh đó đã ăn quá sâu vào suy nghĩ của tôi chăng, mà giờ đây nhìn biểu tượng chiếc lá của Ecopark, tôi cũng chỉ nghĩ tới một vùng đất nơi người dân của tôi đã đổ máu và quá nhiều nước mắt.

Tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có thể ăn ngon ngủ yên, an cư lạc nghiệp trên một vùng đất có quá nhiều xúc cảm đau thương như vậy được.

Chao ôi, ngày ấy...
Đến Thái Lan đâu chỉ có sexy show

Your email address will not be published. Required fields are marked *