Vụ cháy ở khu nhà trọ giá rẻ gần viện nhi, với chủ nhân là ông Hiệp “khùng” gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Phe thì nói rằng ông là người tử tế, phe lại bảo ông “khôn lỏi” nên bây giờ cần chịu tội.
Tôi thì chọn “phe ở giữa”, đó là cho rằng ông ấy vừa khôn ngoan, vừa tử tế, nhưng vẫn xứng đáng bị trừng phạt làm gương. Vì các giá trị này không hề phủ định nhau.
Tôi tìm đọc lại các bài báo trước đây viết về (và ca ngợi) ông Hiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến bài báo của Hoàng hối hận trên mục góc nhìn của VnExpress. Bỏ qua các chi tiết về cảm xúc cá nhân, thì trong đó đề cập 2 chi tiết. Một là, ông Hiệp tự nhận ông ấy làm kinh doanh một cách khôn ngoan chứ không phải và không dám nói rằng đang làm từ thiện. Hai là, khu phòng trọ của ông được dựng lên bởi những vật liệu cực kỳ dễ cháy!
Ở ý thứ nhất, ông Hiệp còn nhẩm tính cho phóng viên biết ông có lãi bao nhiêu từ việc kinh doanh như vậy. Có thể không nhiều, nhưng chắc chắn là có lãi.
Nhưng báo chí cũng kể rằng, nếu bỏ qua khoản hoạch toán rạch ròi thu chi như vậy, thì ông còn tích cực vận động mọi người giúp cho các hoàn cảnh khó khăn. Riêng ở hạng mục này, tôi đoán là ông không có lãi, hoặc ít nhất sẽ lỗ về thời gian công sức. Nhưng đổi lại, ông được tiếng thơm, được ca tụng, được truyền thông miễn phí và gián tiếp tạo ra lợi nhuận cho mô hình kinh doanh giá rẻ “bên kia”.
Vậy chốt lại là, ông đã khéo léo tạo dựng được mô hình mà tất cả các bên cùng thắng. Bao gồm người nhà bệnh nhân nghèo, các mạnh thường quân, báo chí và cả cho ông nữa. Xét về mô hình, điều đó thực sự quá tuyệt vời.
Nhưng ở ý thứ hai, đó là việc khu nhà trọ của ông được dựng lên từ những vật liệu dễ gây cháy nổ. Hoặc giả, cả một môi trường sinh hoạt tồi tàn, tiềm ẩn nguy cơ khác nữa về sức khoẻ. Không chỉ cho ông, cho khách trọ của ông, mà còn cho những hộ dân xung quanh nữa. Đáng buồn là báo chí biết rõ việc này, nhưng chỉ tập trung ca ngợi ông mà không cảnh báo hoặc trực tiếp hỗ trợ ông hạn chế các rủi ro. Cuối cùng, hậu quả xảy ra thật vô cùng tàn khốc. Tất nhiên, ông Hiệp không thể vô can.
Việc này, đến bây giờ đã rõ như ban ngày, thiết nghĩ không cần bàn luận gì thêm nữa. Nhưng từ chuyện ông Hiệp, tôi nhớ tới những tiệm cơm giá rẻ 2000₫, những hội nhóm đi phát cơm miễn phí hay gần đây bùng nổ mô hình cho tặng (ai dư mang ra để, ai thiếu tự lấy về xài).
Tôi nghĩ, trong những cuộc từ thiện ngẫu nhiên như vậy, có nhiều tiếng nói bị bỏ qua. Thí dụ như tiếng nói của những quán cơm truyền thống bị sụt giảm doanh thu, hay các cửa hàng quần áo giá rẻ gần khu vực tủ đồ cho nhận. Họ có thể là thiểu số, họ có thể không có lòng nhân từ như ai đó đang tự sướng khi làm “điều có ích”. Nhưng nhất định doanh thu của họ phải bị ảnh hưởng ít nhiều, con cái họ vì thế cũng bị mất đi vài hộp sữa. Nhưng từ vai trò nạn nhân, những đối tượng này hay bị cộng đồng lên án và ghẻ lạnh, để thoả mãn tính “thiện lương” của một số nhóm đông hơn.
Nói như vậy để thấy rằng, làm từ thiện hay hoạt động xã hội là đáng quý nhưng thực tế cũng cần phải học. Chúng ta không thể nhân danh bất cứ mục đích nào để cho phép mình thích gì làm nấy với mục tiêu cao nhất là thoả mãn cái tôi. Có nhiều việc tưởng là tốt cho người này, cũng sẽ không tốt cho người khác. Và tất nhiên, chúng ta có quyền không học không làm mọi thứ chu đáo vẹn toàn, đó là quyền của mỗi người. Miễn là không phạm pháp.
Còn khi cố ý hay vô tình gây ra điều gì đó, thì hãy ý thức rằng “từ thiện” không phải và không được trở thành một “miễn tử lệnh bài” cho các hành vi sai phạm.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long