Trước đề xuất dùng lu để chống ngập nước cho TP. HCM, đã có nhiều đề xuất khác gây tranh cãi. Từ những đề xuất này, nhiều ý kiến cho rằng đã là đại biểu dân cử khi đưa ra ý kiến cần tìm hiểu kỹ.
Muôn kiểu đề xuất gây tranh cãi
Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin ngày 12/7 tại kỳ họp HĐND TP.HCM, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM đã đề xuất dùng lu để chống ngập nước.
Đề xuất này ngay lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không khả thi, ngược lại chỉ làm ổ cho lăng quăng và sẽ làm bùng phát dịch sốt xuất huyết.
Bên cạnh đó, trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều những lời bình luận, thậm chí cả hình ảnh chuẩn bị lu nước chống ngập.
Đề xuất trang bị lu chống ngập gây ra nhiều tranh cãi.
Giải thích về đề xuất này, PGS TS Phan Thị Hồng Xuân cho rằng, đề xuất của bà xuất phát từ sáng kiến của các chuyên gia Nhật Bản. Bà Xuân cũng cho biết đây chỉ là biện pháp tạm thời khi trời mưa lớn, khi trời tạnh mưa thì nước trong lu sẽ dùng để tưới cây hoặc rửa xe. Tuy nhiên, do cách gọi quá dân gian nên khiến nhiều người hiểu lầm.
Trước đề xuất này, ngày 12/3 tại phiên thảo luận ở nghị trường về luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ĐBQH Nguyễn Quốc Hưng đã đề xuất vào luật quy định “thu phí chia tay” khi công dân Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài với số tiền từ 3 đến 5 USD. Đề xuất này nhanh chóng nhận được sự quan tâm, bình luận trái chiều của dư luận. Đa số đều cho rằng đề xuất này không thể thực hiện được khi lại bắt người dân một lần nữa phải “phí chồng phí”.
Ngoài ra, một số đề xuất khác như có buýt đường thuỷ chạy trên sông Hồng, cải cách chữ tiếng Việt… cũng từng vấp phải những tranh luận trái chiều của dư luận.
Chuyên gia nói gì?
Liên quan đến việc đưa ra những đề xuất gây tranh cãi trong dư luận thời gian qua, trao đổi với phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin, GS.VS Lương Ngọc Huỳnh (chuyên gia Văn hoá) cũng cho biết mấy ngày qua ông đặc biệt quan tâm đến đề xuất trang bị lu chống ngập tại TP.HCM, cá nhân ông nhận thấy đề xuất này chưa thuyết phục mình, khiến dư luận cảm thấy buồn cười trước đề xuất của một nữ đại biểu.
GS.VS. Lương Ngọc Huỳnh nói về văn hoá phát ngôn (Nguồn: Báo Người Đưa Tin)
Từ đề xuất này, chuyên gia Lương Ngọc Huỳnh cho rằng: “Điều này liên quan đến tri thức, kiến thức của các đại biểu. Bởi, là đại biểu của nhân dân, lời nói của mình đại diện cho nhân dân. Chính vì vậy, trách nhiệm của người đại biểu rất cao, khi phát biểu tư duy cần sâu hơn, cần phải có biện chứng và cần có dẫn chứng cụ thể mang tính minh hoạ cao cho ý kiến như vậy mới có sự thuyết phục”.
Theo chuyên gia văn hoá Lương Ngọc Huỳnh, nếu những lời nói ra không đúng thì lời nói của đại biểu không có giá trị: “Khi phát biểu sai hoặc không đúng, người phát biểu cần nhận lỗi trước nhân dân, tránh phân bua ngược trở lại mà không hợp lý, càng khiến người nghe cảm thấy khó chịu”.
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cho rằng khi phát ngôn cần hết sức cẩn trọng.
Còn chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (trưởng nhóm Truyền thông Trăng Đen) phân tích:
“Về những ý kiến của các vị đại biểu, bản thân các vị đại biểu là những người ở thế hệ cũ có đôi khi chưa quen với cách làm việc của thời buổi mạng xã hội hiện tại, nên khi phát ngôn cần hết sức cẩn trọng. Mặc dù, có thể đang đứng ở trong nghị trường, trong cuộc họp, toạ đàm nào đó như phải ý thức được những gì mà mình nói ngay lập tức sẽ được mang lên mạng xã hội, trở thành “mồi nhậu” trên mạng. Khi đã ý thức được như vậy thì cách nói sẽ rất khác”.
Chuyên gia truyền thông phân tích về việc đưa ra ý kiến, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển (Nguồn: Báo Người Đưa Tin)
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Long cũng cho biết thêm: “Khi nói ra cần phải biết số đông có hiểu không? Bởi vì khi mình đưa ra ý kiến là cần sự đồng thuận, muốn có sự đồng thuận phải hiểu vấn đề mình đang trình bày”.
Trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho hay: “Đã là đại biểu dân cử, ai cũng có quyền phát biểu, nhưng phải chịu trách nhiệm về lời nói của mình. Theo tôi, khi các đại biểu dân cử khi phát biểu phải làm sao cho đúng với dự báo tương lai, phù hợp với xu hướng phát triển. Còn phát ngôn như thế nào để cử tri tín nhiệm, đúng là ý kiến đại diện cho cử tri, các đồng chí lãnh đạo cấp cao chấp nhận được thì phát ngôn đó phải dựa trên thực tiễn, phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam. Nếu muốn tư vấn cho ngành nào, đòi hỏi đại biểu phải đi thực tiễn, tổng hợp khái quát, nghe nhiều chiều để đưa ra ý kiến của mình phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam”.
Nguồn: Báo Người Đưa Tin