TRUYỀN THÔNG, HỌC Ở KHẮP MỌI NƠI
1- Ngẫm nghĩ về truyền thông toàn cầu
Ngồi ở Highland Parkson đối diện sân bay bàn công chuyện. Nhạc đang êm dịu thì chuyển tông qua sôi động rồi “ộp pà gắng nắm xì tài”. Bác bự bự kia nói “tụi Hàn nó hay thiệt chứ, dùng cái này quảng bá Quốc Gia thiệt là lợi hại”. Bác ấy nói chắc tụi nó có ngân sách để đi quảng bá khắp nơi. Đứa nhỏ nhà bác ấy về kể lại “trường con chào cờ xong, có cả màn dạy nhảy Gangname Style tập thể”. Mình cũng thấy người ta giỏi. Tại Việt Nam mình có Lý Ngựa Ô cũng nổi tiếng đó giờ, thế mà không làm thành nhảy ngựa được, tức ghê!
2- Ngẫm nghĩ về sự nhất quán của truyền thông
Một hồi chia tay bác bự bự này thì sực nhớ ra ông ngoại @Ngô Bá Lục giờ chắc cũng đã tới Hà Nội rồi đây. Trưa hôm qua dắt ông ngoại đi vô Vincom mua đồ. Ban đầu mình giới thiệu cho ông ngoại mua Galaxy Note, vì từ hồi hay bàn công chuyện với bác kia, mình khoái Galaxy Note điên đảo. Vì cái concept “Note & Pen” của nó phải nói là trên cả tuyệt vời, cực kỳ nhất quán.
Cây bút sinh ra không phải chỉ để “viết, vẽ cho vui” mà đúng là để hiện thực hóa việc “ghi chú lại”. Mình thấy bác kia ghi chú ở mọi nơi, mọi chỗ. Nhận email kế hoạch, mở file DOC ra coi, ghi chú rồi gửi lại, ghi chú được “gắn” vô file DOC. Nhận file quảng cáo PDF, mở ra coi rồi ngoằng ngoằng kêu chỉnh sửa, gửi lại email, bên kia cũng nhận được file PDF kèm ghi chú đó ngay lập tức. Đang duyệt web, bác í thấy gì hay cũng cầm bút ghi chú lại được ngay lập tức, và khi gửi qua cho mình thì nó biến thành hình ảnh có kèm ghi chú. Chưa kể, cây bút của nó có cái đầu bi nhỏ xíu xiu, viết vẽ rất thuận, y như thao tác thường làm trên giấy, chứ không khó khăn như xài iPad.
Mình ra sức lăng xê sản phẩm vì mình thấy nó tốt thật, hữu dụng thật và đơn giản thật. Ai dè kéo vô gian hàng của Samsung gặp ngay em nhân viên như kiểu dở người. Mình thì chỉ hóng người ta làm chứ chưa tự tay làm nên đâu có rành, thế mới nhờ em í “biểu diễn cho ông Lục coi”. Ai dè em í chọt chọt vài cái rồi chẳng biết làm sao. Thế là toi, hai ông cháu chán quá bỏ đi luôn.
P/s: Samsung đang có chương trình Tạo lời chúc Giáng Sinh và Năm Mới có cơ hội trúng Galaxy Note II. Các bạn vô đây chơi http://www.samsung.com/vn/newyear/ kiếm máy tặng mình đi nhé.
3- Ngẫm nghĩ về việc truyền thông đúng đối tượng
Sau đó, mình lại dắt díu ông ngoại qua gian hàng của HP. Tại vì hôm bữa ra mắt sản phẩm bên này mình cũng bị thuyết phục bởi con máy tính bảng ElitePad 900 của hãng này.
Vừa đi mình vừa quảng cáo “ông mà nhìn thấy con này á, ông mê ngay lập tức”. Tại vì biết sao không? Đây là một sản phẩm mà mình nghĩ cực kỳ phù hợp cho những người cần làm những việc nặng nhọc ở máy tính trên một thiết bị nhỏ gọn và cơ động như máy tính bảng. Nói chung là sản phẩm này được sinh ra để giải quyết một nhu cầu rất cụ thể, nhắm tới một nhóm đối tượng được mô tả rất rõ ràng.
Do con hàng này xài Hệ điều hành Window nên các phần mềm, file dữ liệu hiện có ở máy tính có thể “lôi” qua máy tính bảng này và sử dụng được ngay. Chưa kể nó còn có một thiết bị gọi là “áo khoác” (Jacket) cực kỳ siêu nhân. Chỉ cần đưa ElitePad vào Jacket thì ngay lập tức có cổng để kết nối với bàn phím, con chuột, máy in, máy chiếu… nói chung là Jacket giúp biến ElitePad thành một chiếc máy tính để bàn chính hiệu.
Và với tài quảng cáo, lăng xê điên đảo của mình thì ông Lục bị thuyết phục đồng ý mua ngay. Rất tiếc qua tới gian hàng HP, hỏi nhân viên thì được em này buồn rầu cho biết “1 tháng nữa mới có hàng anh ạ”. Nói chung là tổ chác. Quá buồn và quá chán.
4- Ngẫm nghĩ về thông điệp truyền thông
Trên đường từ sân bay về nhà, đi trên đường mình cũng học mót được khá nhiều điều. Đầu tiên là cái bảng quảng cáo bự ngoài trời có logo MB và phía dưới là chữ “Ngân hàng quân đội”. Mình cho rằng bảng này có tác dụng để mọi người thấy cái logo và cái tên NHQĐ trở nên quen thuộc và có vẻ “thân thuộc” vậy thôi chứ không định truyền đi bất cứ một thông điệp nào cả.
Kế tiếp, cách vài căn nhà, cũng là dạng quảng cáo bự của Clear Men, có hình người con trai đội nón đua xe và mấy hình ảnh phân tích kiểu phòng thí nghiệm cùng với chữ Clear. Mình cho rằng quảng cáo này có tác dụng “gợi nhớ” lại TVC quảng cáo mà Unilever đang chạy trên truyền hình. Và dù không cần ghi thông điệp, mình vẫn liên tưởng đến những câu quảng cáo trong TVC của họ.
Đi chút xíu nữa thì thấy quảng cáo của Castrol Activ với thông điệp rất rõ ràng “dù máy có dừng, không ngừng bảo vệ”. Theo thông tin từ hãng, Castrol có thể làm giảm ma sát mài mòn động cơ khi khởi động; ngăn chặn quá trình oxy hóa của dầu nhớt để động cơ có thể vận hành đạt hiệu quả tối đa và tạo thành một lớp màng bảo vệ động cơ liên tục, chống ăn mòn (gỉ sét) do hơi ẩm ngay cả khi tắt máy. Các nội dung này không thể giải thích rõ ràng bằng câu thông điệp, nhưng nhìn chung thì đây là một câu nghe hay, có chất văn thơ lai láng nên dễ nhớ và dễ thuộc.
Đi tới khúc gần bệnh viện Y học Dân Tộc, mình nhìn thấy một cái phướn dọc ghi chữ thế này “Sử dụng muối i-ốt trong ăn uống hàng ngày để giúp bé thông minh, gia đình hạnh phúc”. Mình cực kỳ “choáng” với câu thông điệp này, vì nó vô cùng hiệu quả, đánh thẳng vô lợi ích trực tiếp của người tiếp nhận thông điệp. Không những thế, còn cực kỳ phù hợp khi mang con cái và hạnh phúc gia đình để truyền thông tới đối tượng là các bà nội trợ (người quyết định có dùng muối i-ốt hay không). Trong khi thông điệp thời xa xưa luôn là “Ăn muối i-ốt để phòng chống bướu cổ” nghe vừa xa xôi diệu vợi, vừa hù dọa ghê rợn và mất hết cả cảm tình.
Xuống tới khúc Điện Biên Phủ cắt với Nguyễn Thông thì lại đập vô mắt một cái phướn ngang có thông điệp “Sử dụng hàng Việt Nam để góp phần ổn định kinh tế và phát triển đất nước phồn vinh”. Má ơi, thông điệp này phải nói vô cùng tệ hại. Vừa thiếu muối, vừa thiếu luôn… i-ốt. Tại sao ư? Vì người tiếp nhận thông điệp (người dân) chẳng nhìn thấy lợi ích thiết thân nào của mình trong câu tuyên truyền này cả. Thế thì làm sao thuyết phục người ta nghe theo được?
KẾT
Truyền thông, tiếp thị, quảng cáo đang bủa vây chúng ta ở khắp mọi nơi, mọi lúc, mọi ngóc ngách trong công việc và cuộc sống. Chỉ cần chịu khó quan sát và phân tích một chút thôi, chúng ta có thể học được rất nhiều điều qua những ví dụ thực tế vô cùng sinh động.
Tất nhiên, cần phải có ghi chú rằng mình không phải là người ta nên mình chỉ có thể “suy ra” thôi, chứ thực tế có đúng như thế hay không thì mình chịu. Nhiều khi dòm vậy mà không phải vậy thì sao?
CÁC BẠN THÍCH BÀI HỌC TRONG CÂU CHUYỆN NÀO NHẤT VẬY???
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – December 23, 2012 at 06:55PM)