Please log in or register to do it.
Bố tôi là con thứ hai trong gia đình 6 anh chị em. Bác cả tôi giống những người con trai trưởng trong các gia đình phong kiến xưa, được cưng chiều, nên thành ra mọi việc lớn nhỏ trong nhà, bố tôi từ tuổi cầm súng đã phải lo hết. Mẹ tôi may mắn là người con gái sống dưới 3 chế độ ở miền Nam đã lấy bố tôi, thành ra bà được xem như dâu cả trong nhà. Mà bạn biết rồi đấy, dâu cả đối với gia đình người Bắc thì có những câu chuyện vui cười ra nước mắt thế nào.
Giải thích nhiều thế để bạn hiểu Tết đối với tôi chưa bao giờ là những khoảng thời gian lặng lẽ. Tám giờ sáng mùng một, nhà tôi trên dưới cả trăm mạng dâu rể, cháu chắt chút chít, đến mừng thọ Bà Nội tôi (ông mất rồi, bà tôi hiện 95 tuổi, vẫn minh mẫn và gặm chân gà tốt) và thắp nhang cho bàn thờ chính đặt tại nhà tôi. Bạn có thể hình dung cảnh nhà xe trước Tết ra sao thì không khí sáng mùng 1 nhà tôi y như vậy.

Nói thật, khi còn nhỏ tôi cảm thấy khó chịu lắm, bạn cứ nghĩ một đám người ở miền quê vừa bị đời sống đô thị gột rửa ít nhiều cái chân chất nghĩa tình, tự dưng kéo đến nhà bạn tổ chức ăn uống ầm ĩ rồi bỏ về hoặc lên “nhà trên” chè chén để một đống ngổn ngang cho những nữ nhân của gia chủ dọn dẹp. Từ khi là một đứa bé 8 tuổi là tôi đã ghét cay ghét đắng thể loại sum vầy gia đình kiểu này. Nhưng càng lúc tấm lòng tôi càng rộng mở.

Tết xưa chưa mất
Tôi nhận ra những khía cạnh khác trong sự cực khổ những ngày Tết của bố mẹ tôi. Các cụ ngày càng lớn tuổi nên có lẽ được sống đúng với những gì các cụ vốn cho là chuẩn mực, là truyền thống, là trách nhiệm nó vẫn tốt hơn cả. Tôi dần nhận ra sau những nỗi vất vả dọn dẹp mâm cao cỗ dày ngày Tết là sự hạnh phúc có xen phần hãnh diện về một gia tộc ngày càng thịnh vượng, là sự yên lòng của Bà Nội và tổ tiên.
Bạn biết không, có lần tôi nhìn thấy sự hạnh phúc tột độ trong mắt bố tôi khi thắp nhang cúng mâm các cụ ngày Tết, có lẽ niềm hạnh phúc ấy nó không kém bao nhiêu khi vái lạy các cụ vào ngày cưới của tôi. Bố tôi từng bảo, đến tuổi, con sẽ hiểu có một bàn thờ trong nhà nó ấm áp thế nào.Tết của tôi không có gói bánh, giã giò vì dẫu sao tôi cũng hàng anh thứ trong họ và lại được coi là dân thành phố. Tết của tôi nếu cởi lòng mà nói là sự họp mặt những người cùng dòng máu chảy với mình, mà cả năm vì cơm áo gạo tiền, đôi khi bạn phải gặp người dưng trên bàn nhậu nhiều hơn cả người nhà trên mâm cơm cỗ. Đôi khi đó là hân hoan khi biết rằng mình vừa lên chức chú, bác nào đấy và chút bỡ ngỡ khi gặp lại thằng cu Tí ngày nào giờ cao bẫng mà mình thì lại quên mất tên nó. Bọn nhỏ ấy mà, chúng cứ xúng xính và tôi chợt hài lòng vì thấy gia tộc mình ngày càng lớn mạnh, bén rễ sâu hơn vào đất miền Nam này.

 

Dẫu sao nhà nội, ngoại tôi cũng là những người di cư nên chẳng phải mong mỏi ngày Tết của họ là vậy đó sao? Khi đến thăm lăng các cụ nhà nội, ngoại, tôi cảm nhận được chất thiêng liêng của sự sum vầy. Các cụ nằm nơi lạnh lẽo ngoài đồng quê ở đất nhà, hẳn phải ấm lòng lắm khi ngày Tết ở một nơi xa, cháu con mình vẫn sum họp, vẫn chè chén với nhau để nhắc nhở chúng ta cùng dòng máu chảy, sau khi chết cùng về một chốn Từ đường.

Tết của tôi cảm nhận là thế, không phong vị mỡ hành, không đì đùng tiếng pháo mà đơn giản chỉ là góc nhìn có lẽ hơi khác với với nhiều bạn thời hiện đại, phải không?

(Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Thanh Hải)

 

TẾT XƯA TRONG TÔI LÀ NỤ CƯỜI CỦA MẸ
Gìn giữ Tết Xưa cho thế hệ mai sau

Your email address will not be published. Required fields are marked *