Please log in or register to do it.

Đã qua rồi cái tuổi háo hức đón Tết vì có bộ quần áo mới, được ăn bánh chưng hay chắt bóp từng đồng mừng tuổi, song ở lứa tuổi nào Tết cũng thiêng liêng bởi nó chứa đựng những giá trị tâm linh cao cả. Với tôi, Tết chỉ thực sự đến khi ngoài vườn những luống rau mùi bắt đầu trổ bông, cho ra những nụ vàng li ti, tỏa hương thơm ngát khắp nhà.

la-mui-gia-tam-tet

Như đã thành lệ, năm nào cũng vậy dù bận bịu với việc gói bánh, sắm sửa thực phẩm hay dọn nhà đón Tết thì mẹ cũng không quên chuẩn bị nồi nước mùi già cho cả nhà tắm trước giao thừa. Trước đây, khi cả gia đình còn sống ở quê thì từ đầu đông mẹ đã xới một khoảng đất tầm ô chiếu bên trái nhà gieo mùi vừa làm rau ăn và cũng là để mùi kịp “già” đúng Tết.

Lên thành phố, thói quen của mẹ vẫn không thay đổi. Từ 23 tháng Chạp ra chợ sắm đồ chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo mẹ đã “ngó nghiêng” xem có bán mùi già hay chưa. Gần đến Tết hơn, xen lẫn với số thực phẩm mẹ mang từ chợ về thế nào cũng có bó mùi già cành lá xanh đậm, khắp thân “chi chít” những trái mùi tí xíu. Mẹ về tới cửa hương thơm đã bay ngào ngạt.

Ngày cuối năm, bận rộn đủ đường, song tối 30 mẹ không quên chuẩn bị một nồi nước lá mùi thật lớn pha nước tắm cho cả nhà. Mẹ nói, nước mùi già sẽ “tẩy” hết mệt mỏi, vướng bận và lo toan. Tắm lá mùi chính là “nghi thức” tầy trần đón năm mới theo cách nói của mẹ. Hương mùi già lưu lại rất lâu, ba ngày Tết khắp nhà tôi vẫn thơm thoang thoảng hương mùi. Chính bởi thế, trong ký ức của tôi cứ khi nào thấy phảng phất mụi hương ấy là thấy Tết.

hat-mui-gia

Tắm nước mùi già mỗi dịp đón năm mới không chỉ là tục lệ của riêng mẹ mà cả làng nhà nào cũng thế. Từ 30 Tết, từ nhà ra ngõ nơi đâu cũng thơm nức hương mùi. Bọn trẻ chúng tôi cả ngày có lăn lộn xem bố gói bánh chưng, thập thò cửa bếp hít hà món ăn mẹ chuẩn bị đón Tết hay lê la hết nhà nọ về nhà kia để khoe Tết nhà đứa nào to hơn thì tối đến cũng không quên về nhanh để tắm nước lá mùi chuẩn bị đón giao thừa.

Lớn lên tôi càng thấy tục lệ đó mai một dần. Dường như cuộc sống bận rộn, đủ đầy các loại sữa tắm, nước hoa thơm đã khiến người ta bỏ đi tập tục tắm lá mùi vốn đã lách cách. Dù vậy, với nhà tôi tập tục đó vẫn không hề thay đổi trong suốt mấy chục năm. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về ngoài việc tấp nập chuẩn bị nhà cửa, thực phẩm thì đun nước mùi già cho cả nhà đã trở thành niềm vui của mẹ. Hơn thế nữa, hương mùi già đã đi vào tiềm thức của anh em tôi, gắn liền với Tết cổ truyền dân tộc mà suốt cuộc đời này dù sống ở đâu chắc chắn nó sẽ không bị mai một.

(Nguồn: Hội yêu mẹ vô cùng

Bài tham khảo, không tham gia dự thi)

Vì sao có câu 'đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi'?
Sống lại Tết xưa: Cuối năm tắm lá mùi già

Your email address will not be published. Required fields are marked *