28 tuổi, tôi không còn quá vô tư và cũng đã đủ chiều tư lự để thảng thốt lòng khi nhớ đến Tết xưa.
Tết, không còn là niềm vui lần được sắp đồ mới duy nhất trong năm.
Tết, không còn là niềm vui dịp duy nhất được ăn dưa hấu trong năm.
Tết, không còn niềm vui được nghỉ học, ăn ngủ thoải mái nhất trong năm.
Tết, đã không còn nhiều thứ mà kí ức của tôi đôi khi bồi hồi thương nhớ.
Nhưng Tết vẫn còn một điều rất thiêng liêng mà tôi vẫn hằng mong được đến. Và chi có Tết thì điều đó mới có cơ hội thực hiện với tất cả ý nghĩa của nó.
SUM VẦY.
Tôi sống cùng nhà ngoại của mình. Một nhà thờ họ. Gia tộc mỗi năm mỗi về thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà. Con cháu quây quần ríu rít.
Tết, ông bà ngoại tôi mặc áo đẹp, trang trọng thắp nhang khấn vái tổ tiên những việc đã qua và mong tổ tiên phù hộ cho gia đạo bình an, con cái học hành tấn tới và lần lượt con cháu trong nhà cũng thực hiện nghi thức trên một cách trang nghiêm nhất. Rồi, bên cành mai vàng, ông bà ngoại tôi cười đôn hậu nhận lời chúc Tết của con cháu và lì xì mừng tuôi cho từng người. Tiền lì xì ở nhà tôi đúng nghĩa mừng tuổi lấy hên, chứ không trọng ở nhiều tiền. Cậu mợ, ba mẹ, dì tôi dù đã đầu hai thứ tóc vẫn khoanh tay chúc Tết ông bà để nhận được tiền lì xì, sau đó lại kính cẩn mừng tuổi lại cho ông bà một phong bao lì xì khác. Cả nhà rộn rã tiếng cười. Trẻ con tung tăng chơi đùa.
Gần hai năm nay, tôi làm dâu xứ lạ, không về kịp mồng 1 để thực hiện nghi thức mừng tuổi kể trên. Chỉ vội về kịp mồng hai, thắp nén nhang kính nhớ tổ tiên, thì thầm tâm sự. Trong quan niệm của gia đình tôi, tổ tiên luôn dõi theo và phù hộ cho chúng tôi, là chỗ dựa tinh thần quan trọng trong đời. Có những lúc, có những nỗi niềm riêng không thể tỏ bày, tôi vừa thắp nhang vừa rơi nước mắt khi thổ lộ trước bàn thờ tổ tiên. Khói hương nghi ngút, khẽ chạm một tay vào cái tủ thờ tuổi đời còn lớn hơn tuổi tôi, tôi cảm nhận rõ ràng sự gắn kết thiêng liêng của mình với những người đã khuất. Đây là tổ tiên tôi, đây là nơi chốn bình yên của tôi.
Tết năm nay, bà ngoại tôi đã về với tổ tiên gần một năm tròn…
Vậy là, năm nay, tôi không được mừng tuổi bà ngoại tôi nữa, còn ông ngoại tôi nụ cười đã chông chênh hơn xưa. Bức ảnh gia đình đại đoàn viên đã trở thành một kỉ niệm quí báu.
Và tôi, Tết này, khi thắp nhang khấn vái ông bà, sẽ thì thầm trò chuyện với bà ngoại tôi để cảm thấy vơi bớt đi nỗi đau mất mát mà tôi và gia đình đang cố gắng vượt qua.
Sẽ vẫn là sum vầy, dù là, đôi khi, chỉ là, phải nhờ trong tâm tưởng.
Mọi người vẫn quây quần, nhìn bọn trẻ hồn nhiên đùa vui đang lớn lên mà ấm lòng khi thấy thời gian lấy đi của mình quá nhiều thứ.
Làm người, càng lớn, càng phải đương đầu với phong ba cuộc đời, càng thấy mỏi mệt với lòng người nhiều ngách khuất thì tôi càng cần Tết. Cái Tết của tôi càng lúc càng giản đơn hơn trước vì bây giờ đã khác ngày xưa, nhưng, mãi mãi, vẫn là sum vầy với gia đình.
Chỉ là mừng tuổi ông bà, mừng tuổi mẹ cha, mừng tuổi người thân.
Chỉ là lì xì cho các em lấy hên năm mới.
Chỉ là thắp một nén nhang lên bàn thờ, lặng lẽ nhìn khói bay nghi ngút, mà lòng đang trò chuyện với người đã khuất từ lâu.
Chỉ là vội vã về rồi vội vã đi, nhưng thấy lòng thanh thản lạ.
( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Chanh Muối)