Please log in or register to do it.

Tối ngày 3/12, tại rạp Cinemateque ở Hà Nội, nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng thế giới của Canada – ông Robert Lapage đã xuất hiện trong buổi trình chiếu bản ghi hình tác phẩm nhạc kịch để đời “Chim sơn ca và những chuyện ngụ ngôn khác”.

Trong vai trò “dẫn dắt”, Ngài Đại Sứ Canada đã dành những lời có cánh để giới thiệu người nghệ sĩ của mình nhưng không quên nói thêm rằng dù là một nghệ sĩ tài năng, ông Robert Lapage cũng là một nhân vật gây ra nhiều cuộc tranh luận và gặp nhiều chỉ trích.

Tôi khá bất ngờ khi nghe được chi tiết đó. Vì nó “không giống” với phong cách xây dựng hình ảnh “đẹp chỉn chu”, “đẹp hoàn mĩ”, “đẹp long lành” mà các nghệ sĩ Việt Nam hướng tới.

Là một người “gây ra nhiều cuộc tranh luận và gặp nhiều chỉ trích”, ông Robert Lapage vẫn được đích thân Ngài Đại Sứ của đất nước mình ca tụng, được đại diện giới thiệu văn hóa nghệ thuật của quê hương. Tức là, người Pháp đang nhìn ông Robert Lapage ở góc độ “thuần” nghệ thuật, họ chỉ quan tâm đến tài năng và những cống hiến của ông.

Những ai theo trường phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” sẽ yêu thích và ca tụng ông Robert Lapage hết lời. Còn những ai theo trường phái “Nghệ thuật vị dân sinh” thì có thể chỉ trích ông vì vấn đề này kia ở những yếu tố “ngoài nghệ thuật”.

Giống như các tranh luận về con gà – quả trứng xem cái nào có trước; tranh luận về văn hóa miền bắc – miền nam; tranh luận về ăn hay không ăn thịt chó; tranh luận về việc có tiền nên hưởng thụ hay mang đi làm từ thiện… Những tranh luận có yếu tố “vị nghệ thuật” hay “vị nhân sinh” thường kéo dài liên tu bất tận không hồi kết. Vì bên nào cũng giữ quan điểm của riêng mình và không chịu nhún nhường.

Khi tạo ra các tranh luận có một trong những yếu tố đã liệt kê trên các phương tiện thông tin đại chúng, bạn đã đồng thời gây ra một “nghị luận truyền thông”. Vốn là điều cấm kị trong khi xử lý “khủng hoảng truyền thông”.

Đáng tiếc là các “cư dân Zone 9” đã vô tình phạm phải điều này khi tìm cách dập tắt dư luận xã hội và xoa dịu báo chí trong vụ hỏa hoạn chết người.

Nếu có đủ thời gian đọc hết các thông tin trên mạng xã hội, theo dõi nội dung cuộc họp báo sau hỏa hoạn của đại diện Zone 9, cũng như các thông tin báo chí phát ra sau đó, sẽ thấy “đội xử lý khủng hoảng” của khu ăn chơi này phát ra 4 thông điệp chính.

Một là, vụ hỏa hoạn không lớn nhưng thiệt hại lớn do những người thợ thi công không được trang bị kiến thức thoát hiểm căn bản.
Hai là, khu Zone 9 không cũ kĩ và nguy hiểm như mọi người lầm tưởng.
Ba là, những người ở Zone 9 rất “có trách nhiệm” với gia đình nạn nhân.
Bốn là, đóng cửa Zone 9 đồng nghĩa với việc giết chết không gian nghệ thuật của giới trẻ Hà Thành.

Trong thực tế, dư luận không quá quan tâm đến các tranh cãi kỹ thuật khó hiểu và cao siêu của những kiến trúc sư mà Zone 9 nhờ bảo chứng. Cho nên, thông điệp số 2 là vô giá trị.

Dư luận là những kẻ ngây thơ. Họ chỉ thấy có người ngã ngất xỉu, có nhiều người chết cháy, có nhiều cảnh sát phải vào viện vì ngộ độc. Những “nhân chứng, vật chứng” ấy thuyết phục hơn hàng trăm hàng ngàn tuyên bố của các kiến trúc sư.

Thông điệp số 1 gây ra phản ứng ngược khi mà xét về góc độ đạo đức, việc cần làm nhất khi xảy ra tai nạn chết người là chia sẻ và giúp đỡ gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn. Những người mà sự ra đi của họ được báo chí đồng loạt mô tả rằng đã gây nên cảnh tang thương cho cả một vùng quê. Thế mà, chỉ khoảng chục ngày sau vụ cháy, Zone 9 lại được mô tả là đã “mở cửa trở lại vui chơi sau 1 tuần hoả hoạn”.

Cũng cần lưu ý thêm rằng, hình ảnh của Zone 9 bị “loạn cào cào” trên các phương tiện truyền thông. Người ta dùng đủ thứ từ ngữ để mô tả nó. Thí dụ như “Hợp tác xã nghệ thuật”, “Quận nghệ thuật”, “Khu ăn chơi của giới trẻ Hà Thành”, “Khu ăn chơi tử thần”… Nhưng danh xưng được sử dụng nhiều nhất chính là “Khu ăn chơi”. Vốn chẳng hề nhất quán với thông điệp số 4 liên tục khẳng định rằng Zone 9 là một không gian nghệ thuật.

Thông điệp số 3 là thông điệp đúng đắn và có giá trị duy nhất mà Zone 9 nên đẩy mạnh, đó là việc chia sẻ với các nạn nhân vụ cháy. Thông điệp này được lồng ghép trong một buổi hòa nhạc từ thiện để gây quỹ vào ngày 23/11, mà số tiền thu được khoảng 170 triệu đồng, sau đó được truyền thông mạnh mẽ trên rất nhiều tờ báo. Nhưng tuyệt nhiên không thấy phiá Zone 9 đề cập gì tới việc trao số tiền mà họ đã quyên góp được.

Tại sao vậy?

VÌ TRONG THỰC TẾ, ZONE 9 CHƯA HỀ TRAO SỐ TIỀN QUYÊN GÓP NHƯ ĐÃ HỨA.

Tôi đã liên tục gọi điện, nhắn tin để xin hình tư liệu nhưng phía Zone 9 chỉ nói sẽ gửi email ngay. Cuối cùng, bên đó nói rằng “đang chờ một số đơn vị khác, nên ngày mai (6/12) sẽ đi trao”. Đây là một chi tiết mà nếu báo chí khai thác, hình ảnh Zone 9 sẽ càng tệ hại hơn rất nhiều lần. Dù rằng thực tế, có thể họ rất có tâm!

Không những chưa thực hiện tốt việc chia sẻ với gia đình các nạn nhân, Zone 9 còn “khuyến mãi” thêm một vết nhơ khi để báo chí đăng tin rằng trong đêm hòa nhạc từ thiện của họ, có “các bạn trẻ đến quẩy nhiệt tình”. Tức là, thông điệp số 3 cũng bị giảm giá trị đi rất nhiều lần.

VÀ THÔNG ĐIỆP SỐ 4, RẰNG ZONE 9 LÀ MỘT KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT CHÍNH LÀ SAI LẦM LỚN NHẤT CỦA “CƯ DÂN ZONE 9”. Thông điệp số 4 không khác gì một can dầu dội thẳng vào tâm ngọn lửa âm ỉ tranh cãi về vụ cháy. Vì thông điệp này đã tạo ra một cuộc tranh cãi giữa những người “vị nghệ thuật” và những người “vị nhân sinh”.

Bạn quan tâm đến những mảnh đời cơ cực của dân nghèo và những tang thương của một vùng quê sau vụ cháy? Hay quan tâm tới sự tồn vong của một không gian nghệ thuật cho giới trẻ Hà Thành? Bất luận bạn đứng về phía nào chăng nữa thì bên đối nghịch luôn có đủ lý lẽ để phản bác quan điểm ấy.

Cuộc tranh cãi càng to, càng nảy lửa thì càng thu hút sự quan tâm của dư luận. Kết quả sẽ bất phân thắng bại, nhưng THÔNG TIN 6 NGƯỜI CHẾT CHÁY TRONG MỘT KHU NHÀ CŨ KỸ VỐN CÓ TIỀN SỬ TAI NẠN ĐỒNG THỜI ĐƯỢC “ĐẢO ĐI ĐẢO LẠI” RẤT RẤT NHIỀU LẦN.

Trong khi nếu đúng theo “lý thuyết”, Zone 9 phải “dập lửa” từ chính nơi “khởi phát”, đó là kết luận của cơ quan chức năng rằng khu vực này không đáp ứng đủ yêu cầu của việc phòng cháy và chữa cháy. Họ (Zone 9) phải tập trung vào khắc phục điểm yếu của mình thay vì lôi kéo nghệ sĩ vào tranh cãi và kêu gọi giới trẻ lập ký tên online để “đối đầu” với các cơ quan quản lý.

Đã gần 3 tuần sau hỏa hoạn, báo chí vẫn mô tả khu ăn chơi này là một nơi “có diện tích khoảng 150 mét vuông, thường xuyên tập trung đông người nhưng chỉ có một lối thoát duy nhất là cửa ra vào rộng hơn 2 mét”. Thậm chí, khủng hoảng đã leo thang tới việc truy tìm nguồn gốc và quy trình chia chác đất đai ở “hợp tác xã nghệ thuật” này.

Thưa các cư dân Zone 9, dư luận, truyền thông và các cơ quan quản lý cần biết rằng các bạn đã thực sự nhìn nhận gì sau hỏa hoạn? Các bạn sẽ làm gì để sự việc đau thương này không tái diễn? Các bạn sẽ làm gì để Zone 9 là một nơi đủ an toàn cho giới trẻ? Các bạn đã hoàn thiện quy trình phòng chống cháy nổ hay chưa? Các bạn có cam kết gì với các nạn nhân vụ hỏa hoạn? Và các bạn đã thực hiện nó đến đâu? Những vùng quê tang thương đó đã ấm áp trở lại hay chưa? Những mảnh đời bất hạnh đấy có được chăm sóc chu đáo tận tình?

Đấy mới là các thông điệp mà các bạn nên đưa ra để hạn chế tối đa tác hại của khủng hoảng lần này.

Còn Zone 9 hả, ừ thì nghệ thuật!

>> Đọc thêm: VÀO NHÀ GIA CHỦ CÓ TANG, NGƯỜI ĐÀNG HOÀNG ĐỪNG NÊN ĐÙA GIỠN – http://goo.gl/B9aAxc

>>> Copyright by Nguyễn Ngọc Long Blackmoon – Founder Truyền thông Trăng Đen – Học từ nguyên lý, hiểu từ gốc rễ.

>>> Vui lòng ghi nguồn nếu bạn share bài viết. Cảm ơn nhiều.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – December 05, 2013 at 09:57PM)

Bạn đã thực sự hiểu tôi?
Vào nhà gia chủ có tang, người đàng hoàng đừng nên đùa giỡn

Your email address will not be published. Required fields are marked *

  1. Bài phân tích rất sâu sắc, có thể nói là một trong những bài phân tích hay nhất của Long.

  2. Hay quá.! Thanks anh Long nhiều nhé.!

  3. bài phân tích rất chi tiết và rất hay của aLong. E thì không đứng về phía nào nhưng trước tới giờ vẫn nhận thấy rằng khu Zone 9 đấy không an toàn, khu nhà dù có xây dựng kiên cố kiểu gi thì theo thời gian cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Với lại cá nhân e cũng không thích vào một "khu nghệ thuật" hay "khu vui chơi" nào đó mà lại ngay cạnh nhà tang lễ.

  4. hay quá ạ :3 nhưng đoạn 4 cái thông điệp kể anh gạch đầu dòng ra thì người đọc tìm lại dễ hơn, hoặc giả đây là típ viết văn đặc trưng của anh thì ko sao ạ :D