Please log in or register to do it.

Mưa bay bay. Hà Nội ngày ông táo về trời. Tắc đường. Dòng người kiên nhẫn nhích từng cen ti mét. Hình như ai cũng vội vã hơn ngày thường. Cô gái kế bên hắn lụng thụng áo mưa với khẩu trang. Tay lái treo túi nilon với cặp cá chép vàng. Chắc vừa mua chợ cóc về làm lễ tiễn táo công. Một gã trai vê ga lách xe lên phía trước, vướng vào túi cá. Ào, hai con cá chép vàng lần lượt thảy mình xuống đường nhựa. Cô gái luýnh quýnh chưa biết phải làm sao. Một chiếc xe taxi chờ tới. Bép, hai con cá nát bét dưới bánh xe. Hắn chị kịp nhìn cô gái thảng thốt, hình như có giọt nước trực rơi ra nơi khóe mắt của cô. Hắn khẽ nói như thoảng qua: Thôi về mua đôi khác chị ạ. Rồi cũng vội vã vặn ga hòa theo dòng người khi đèn đường chuyển xanh.

RỘN RÀNG, VÀ TẾT ĐẾN
Vậy là sắp tết rồi. Chỉ còn mấy ngày nữa là tết thật. Gần Tết nên đường xá lúc nào đông như nêm. Chỗ nào cũng thấy người xe nườm nượp. Ai cũng vội vàng hớt hải. Hắn lặng lẽ cưỡi chiếc xe cà tàng chen vào dòng người ấy. Nghĩ miên man.

Hắn thấy sợ tết. Tết về với bao lo âu, với bao thứ phải làm, với bao nhiêu khoản phải chi…Hắn nhớ những tết xưa. Ấy là những ngày thơ ấu. Ngày ấy, hắn chỉ mong đến tết.

Tuổi thơ tết đến với hắn sớm lắm. Ấy là khi mẹ hắn chở hắn ra phố để may cho một bộ quần áo mới, hắn hiểu tết sắp về. Sau ngày hai ba, không khí tết rõ rệt khắp các ngả quê. Bọn trẻ con như hắn đốt vặt vài quả pháo tép. Tiếng đẹt đùng thỉnh thoảng lại vọng lại từ xa xa. Chốc chốc bọn hắn gọi nhau ra ngã ba để khoe những vốc pháo vừa tự quấn. Chọn vài quả đốt chơi. Số còn lại dụm dành tới tết.

Phiên chợ trước tết một tuần, thế nào mẹ hắn cũng mua về cho mấy chị em vài viên thuốc con con. Ấy là thuốc tẩy giun. Cả năm lấm lem đất cát, gặm khoai sống, uống nước lã, chắc đứa nào cũng đầy một bụng giun. Tết tới thịt mỡ bóng mồm, không tẩy giun đi để ăn được bao nhiêu giun nó ăn hết à. Ấy là mẹ hắn nói vậy trước khi đưa thuốc cho từng đứa. Sau này hắn biết, trẻ con làng hắn đứa nào cũng vậy. Mỗi năm sẽ được tẩy giun một lần trước tết.

Cận tết, mẹ và các chị hắn tất bật cọ lá, ngâm gạo để chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tẻ. Nhà cửa cũng được dọn dẹp lại cho gọn gàng sạch sẽ. Đâu cũng sạch sẽ hơn thường ngày. Nhà sạch, hè sạch, sân sạch. Đến cái cổng cũng được quét sạch ra tận đường cái. Mà đường cũng sạch, vì cả làng nhà nào cũng cử một người đi quét đường, đi phát cây ven đường cho thông thoáng. Vài chỗ nga ba còn được kéo thêm những bóng điện con con. Đủ để cho cả làng rộn rã lúc tối trời.

Dường như, tết thật sự đến với hắn sáng hôm mổ lợn. Cả nhà ai cũng tất bật. Bố hắn, mấy chú hàng xóm và mấy chú nhà hắn cười nói vui vẻ. Mẹ hắn, các thím và mấy cô hàng xóm ăn tất tả nhặt hành, thái rau. Con lợn được khênh ra giữa sân. Ấy là lúc huyên náo nhất. Mọi người cùng xúm vào xung quanh bàn luận. Chà, lợn béo đấy. Lòng ngon phải biết. Phải bẩy chục cân đấy chứ chẳng ít. Béo quá… Mỗi người một câu thôi đã đủ rôm rả lắm rồi. Chưa tính đến tiếng ông hợi ịt ịt, rồi rống lên eng éc lúc bị chọc tiết. Tiếng người lớn quát trẻ con, tiếng người này sai người kia cầm cái ghế, hứng cái chậu….
Thỉnh thoảng, xóm bên cũng vẳng lên những tiếng eng éc. Vậy là mọi người lại đoán già đoán non lợn nhà ai, to hay bé, gầy hay béo. Nói chung là chẳng lúc nào hết chuyện, chẳng lúc nào hết huyên náo.

Bọn trẻ con như hắn chỉ chực chờ để khi mổ lợn xin cái bong bóng. Bơm lên rồi đá bóng ngay ngoài cổng, trong khi trong sân người lớn đang chia thịt thành các phần đều nhau. Phần nào cũng có đủ cả thịt, xương …

Chiều, cả nhà ngồi quây quần gói bánh chưng. Bao giờ bố hắn cũng cắt lá, gói cho hắn một cặp bánh bé hơn. Hắn nhận riêng của hắn và giữ mãi không muốn bóc.

Bếp đun bánh trung được nấu ngay trái nhà. Bố hắn kê mấy viên gạch lên mà làm kiềng. Trong cái se lạnh chiều đông, cả nhà quây quần bên bếp lửa. Mẹ hắn không quên ké vào mấy nồi nước lá. Nào thì bưởi, nào thì xả, nào thì hương nhu. Ấy là nồi nước tắm đặc biệt. Năm nào cũng có. Mẹ hắn lại dựng mấy cái nong để chắn gió mà tắm cho hắn. Dù đã lớn lộc ngộc, như năm nào mẹ cũng đun cho hắn nồi nước và lôi hắn ra mà tắm gội, kỳ cọ. Sạch đến độ tắm xong hắn thấy người như nhẹ lâng. Thỏa mái vô cùng.

Hắn lăng xăng phụ giúp bố bầy biện bàn thờ, hoa quả. Mâm cơm chiều tất niên cả nhà vui vẻ. Dù mệt cả nhưng ai cũng vui, ai cũng hân hoan điều gì đó rất lạ.

Giao thừa, pháo nổ râm ran khắp xóm. Cả nhà lại quây quần bên mâm cỗ giao thừa. Nói toàn những chuyện vui vẻ cả. Bố hắn trầm ngâm nhấp ly rượu lộc. Mấy chị em thi nhau nhón tay véo xôi ở mâm, mặc dù giờ đấy mọi hôm thì chẳng còn đứa thức cả.
Sáng mai, cổng nhà nào cũng hồng xác pháo. Trẻ con náo nức cười đùa trong những bộ quần áo mới. Nhà nhà chúc tết lẫn nhau. Bỏ lại bao vất vả đằng sau. Ai nấy đều rạng ngời hạnh phúc…

Ấy vậy mà đã chục năm hắn xa nhà. Tết nào hắn cũng tất bật rời thủ đô vào ngày cuối cùng của năm. Hắn về nhà khi mọi người đã chuẩn bị xong hết, chỉ còn đợi hắn trong bữa cơm chiều tất niên.

Tự nhiên, hắn thèm được tắm tất niên. Hương bưởi, hương xả cứ lẩn khuất đâu đây. Hắn nhớ cảm giác nóng bừng khi ngồi khời than bên bếp lửa. Hắn nhớ!

Sáng nay, bố hắn gọi điện cho hắn. Giữa lúc hắn đang tất bật đến cơ quan. Giọng ông có gì đó khang khác. Chẳng mấy khi ông đã gọi cho hắn. Hắn hỏi ông có việc gì không, ông chỉ bảo không, bố hỏi mày bao giờ về thôi, năm nay nhà lại nuôi lợn mổ 28. Bố bảo để mày biết…. Hắn bảo29 tết hắn mới về. Hắn bận. Ông im lặng.

Cúp máy rồi. Một cảm giác nghèn nghèn trong hắn. Có gì như đá tảng đè lên ngực hắn… Hắn nghĩ đến mảnh sân nhỏ nhà hắn lố nhố những người. Các chú hắn đứng đấy, mấy người ăn đụng lợn đứng đấy; mẹ hắn đang lúi cúi trong bếp; các cô đang tất bật nhặt rau; Bố hắn kê ghế ngồi trên hè chỉ trỏ. Giữa sân, con lợn bị trói bốn chân đã được cọ rửa sạch sẽ. Tay hắn cầm ống nứa đã vạt đầu sắc lẻm. Vợ hắn trố mắt khi thấy hắn là một tay ba toa thứ thiệt. Hai ông kễnh con hắn hết chạy vòng vòng, lại ngó nghiêng xem khi hắn chọc mạnh ống nứa, con lợn rống lên eng éc.
Đúng mạch phổi rồi đấy. Khoắng đi không đông mất, con này béo đây… Mỗi người một câu. Ồn ào, vui vẻ. Bố hắn vịn tay đứng dậy: Đấy tôi bảo mà. Được. Được lắm. Tôi đã bảo mà…

Rộn ràng, và Tết đến.

( Bài dự thi “Tết xưa chưa mất” của Nguyễn Kông Hoan)

HƯƠNG TẾT
NHỚ PHÁO TẾT XƯA

Your email address will not be published. Required fields are marked *