Vào CNN coi clip Đại sứ Việt Nam tại Mĩ – Nguyễn Quốc Cường trả lời phỏng vấn, mình nhận thấy mấy điểm như sau:
1- Ngài Đại sứ trả lời không được nuột nà trôi chảy lắm, có nhiều từ phát âm khó nghe. Khi bật tính năng tự nhận diện giọng nói ra chữ viết (caption) thì hầu như những gì phóng viên nói đều được “phiên dịch” đúng. Còn Đại sứ của chúng ta nói thì bị phiên dịch sai khá nhiều (như trong hình minh hoạ, UNCLOS bị phiên dịch thành I’m close and 1982), thậm chí có nhiều chữ rất bậy bạ mình không tiện viết ra.
2- Bà phóng viên CNN nhìn rất ngầu và cử chỉ, cách nói chuyện cũng rất ngầu. Cũng đúng thôi, vì CNN là Hãng thông tấn lớn của thế giới mà. Cuộc phỏng vấn này được truyền hình đi khắp thế giới. Họ lớn, họ giỏi, họ có quyền giữ tác phong như vậy.
3- Nhiều hãng tin khắp nơi trên thế giới cũng đưa tin về cuộc phỏng vấn. Và hầu như tất cả các cơ quan thông tấn lớn tại Việt Nam cũng đưa tin rất đậm về “sự kiện” này (thời sự 7h tối ở VTV cũng có).
Kết hợp với “vụ án” cả đất nước giãy nảy lên như đỉa phải vôi với một bài viết “đổi trắng thay đen” trên báo Nga mấy hôm trước. Mình nhận ra rằng, trong khi trung quốc phải mang cả một cái giàn khoan với gần trăm tàu kiểm ngư, hải giám, hải cảnh, tàu cá, tàu vũ trang với chi phí lên cả triệu USD mỗi ngày để ra quấy nhiễu Việt Nam mới khiến đất nước chúng ta sôi lên sùng sục thì chỉ cần 1 phóng viên của 1 hãng thông tấn lớn nước ngoài cũng có khả năng làm điều tương tự.
Những lúc thế này, lại tự trách bản thân ngày trước sao lười học quá. Ngoại ngữ tiếng Anh thì nói như lội nước, bì bà bì bõm, tiếng được tiếng không. Phải kết hợp khoa chân múa tay người đối diện mới suy ra được mình muốn nói cái gì. Ngoại ngữ tiếng Trung thì học 3 tháng cho tới khi bị đuổi vẫn chưa đọc đúng hoàn toàn cái tên của bản thân và chẳng viết được chữ nào.
Thấy nhục nhã khi nhiều lần kể chuyện học ngoại ngữ đó với bạn bè như một câu chuyện vui, hài hước. Bây giờ thì thấm thía và tiếc nuối. Giá như mình nghiêm túc hơn từ 3-4 năm về trước, thì có khi bây giờ mình đã có thể viết được blog tiếng Trung, cộng tác được với các báo tiếng Anh. Và biết đâu đấy, với sự nỗ lực không ngừng, một ngày nào đó mình cũng có thể có tầm ảnh hưởng ghê gớm như ông nhà báo của báo Nga hay bà nhà báo của CNN ngày hôm nay.
Khi ấy, mình đã làm được những việc có giá trị vô cùng lớn. Không phải cho bản thân, mà cho đất nước. Chứ không phải như bây giờ ngồi hậm hực, điên tiết, căm thù nhưng chỉ viết được vài ba cái status vớ vẩn tự sướng quanh quẩn ở ao nhà. Muốn làm nhiều hơn nữa nhưng gặp rào cản về giao tiếp. Có miệng mà như thể bị câm vì muốn nói nhiều thứ nhưng không nói được.
Tất nhiên, đây sẽ là động lực lớn để bản thân mình sẽ phải nỗ lực và cố gắng hơn. 31 tuổi không phải là sớm nhưng không bao giờ là trễ. Mình tin rằng việc học có thể thực hiện cho tới cuối cuộc đời.
Nhưng sẽ tốt hơn nếu làm được việc đó từ khi còn trẻ…
… vậy nên hỡi các bạn học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên ngoại ngữ hay báo chí. Các bạn hãy cố gắng học nhiều hơn nữa. Hãy trau dồi ngoại ngữ tới mức có thể “chém gió” thoải mái với bạn bè Quốc tế. Một ngày nào đó, các bạn sẽ bằng tài năng và khối óc của các bạn làm được những điều không tưởng. Các bạn còn nhiều thời gian và còn nhiều cơ hội, đừng để một lúc nào đó phải ngồi ôm nhục như một kẻ câm giống mình ngày hôm nay nhé.
Mong mỏi lắm!
(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long Blackmoon’s Facebook – May 30, 2014 at 01:15AM)