NHÀ BÁO LẠI HỒN NHIÊN SÁNG TÁC
Sau khi dư luận xã hội rúng động với bài báo bịa “Bố chồng dính chặt con dâu” và tác phẩm văn họa đồi trụy siêu tưởng về hành trình về tận địa phương xác minh qua lời kể của người hàng xóm với những chi tiết như thật của “bộ đôi nhà báo bịa” trên zing, người đọc bắt đầu cảnh giác với bài đăng trên báo.
Và từ cái sự cảnh giác ấy mà các báo hăm hở “thẩm định” lẫn nhau, dẫn tới nhiều vụ bi hài kịch. Từ vụ Con trai ôm mẹ cho bố đánh gãy cổ nhưng hóa ra “chưa gãy”; bà cụ già đáng thương bên bờ hồ Hà Nội thực ra là trùm sò ma túy đến việc thực hư hai bà cháu dắt nhau đi ăn xin ở dưới Hóc Môn.
Thông tin khi đăng tải đều được các báo đồng loạt copy qua lại không đặt bất cứ nghi ngờ vào tính xác thực của MỌI chi tiết. Cho đến khi có những dư luận trái chiều thì báo này lại vào cuộc phanh phui “chi tiết bịa đặt” của báo kia. Sự thật càng lúc càng trở nên chìm nghỉm trong một mớ bòng bong do các báo tự vẽ ra còn người đọc thì u u mê mê trong thiên la địa võng mà chẳng biết phải tin ai.
Nhưng các thông tin trái chiều đó cũng có tác dụng tích cực là giúp một số nhà báo “có khả năng kiềm chế” đã cẩn trọng hơn trong việc đưa tin. Mà tiêu biểu là báo Tiền Phong với bài viết HOT nhất ngay trang chủ “Bà ăn xin bên cháu bé 2 tuổi – Sự thật nhói lòng” (http://bitly.com/ReLNIZ). Có điều, đọc xong bài này thì đọc giả cũng chưa thấy sự thật nào xuất hiện. Nhà báo có lẽ vì cũng đã quá nhiễu sóng nên đưa giải pháp chờ công an phường và hội phụ nữ cũng như các đoàn thể liên quan để xác minh tìm hiểu rồi… thông tin lại!
Mới đây, trên trang điện tử của báo An Ninh Thế Giới có đăng bài viết “Tầm sâm quý – Thú chơi tốn kém, gặp lắm lọc lừa” theo dạng phóng sự xã hội kể về nhân vật tên Hồ Ngạnh – “người tỉnh Quảng Nam, sống tại TP HCM hơn 40 năm qua, chủ nhân của hơn 2.000 lít rượu sâm có nguồn gốc Việt Nam”. Do nhiều nhân vật trong bài không có tên tuổi địa chỉ cụ thể và cũng chẳng có hình minh họa nên thật khó xác minh được tính xác thực của toàn bộ thông tin. Nhưng tấm hình “có người” và “có sâm” duy nhất với nghiệp vụ “che mặt ca rô” y như thật (http://bitly.com/ReLBtf) với chú thích “Cận cảnh những hũ rượu sâm quý trong bộ sưu tập sâm của ông Ngạnh” hóa ra lại lấy từ một trang web của nước ngoài (http://bitly.com/ReL0HX).
Mình không có tờ báo giấy trên tay để xác minh xem đây là tác phẩm “sáng tác” có chủ đích của phóng viên báo giấy hay lỗi nghiệp vụ của anh kỹ thuật đẩy bài viết lên báo mạng!
Nhưng ngay lập tức, rất nhiều trang online khác như Ngôi Sao, Kiến Thức, zing, Pháp luật & Xã hội… cũng copy lại y chang. Và cái hình “ông Ngạnh sáng tác” lại được bay đi khắp nơi để đánh lừa đọc giả, nhưng tăng uy tín cho bài viết.
Tìm thên trên mạng, đọc giả còn chút “an ủi” khi có bài trên tờ Công Lý Online đã thẳng tay vứt cái hình lừa đảo ấy đi. Nhưng lại thấy buồn khi nhà báo có công biên tập quá đà khi giật tít lại thành ra “Thú chơi đẳng cấp mới, lắm lọc lừa của đại gia Việt” rất dễ gây ngộ nhận rằng chơi nhân sâm là thú chơi đẳng cấp và lọc lừa của một số đại gia. Trong khi bài gốc của An Ninh Thế Giới nói rằng các đại gia mới là người “gặp lắm lọc lừa”!!!
Trong các cơn “hứng tình” như vậy, những “lỗi cực nhỏ” được các nhà báo hồn nhiên phóng bút thì nhiều không kể xiết. Thí dụ như những lỗi “quá khích” kiểu như “Các bác sĩ cho biết, đa số bệnh nhân bị máy nghiền đất cuốn tay, chân… đều không thể lôi được tay, chân ra mà phải VẬN CHUYỂN THEO CÁI MÁY NẶNG CẢ NGHÌN TẤN đến bệnh viện” (bài trên Dân Trí – ) nhiều đến mức mình không thể nào điểm mặt chỉ tên cho xuể.
Các bạn nhà báo ơi, ngay cả mỗi một việc là đưa tin cho đúng còn làm chưa được thì người đọc dựa vào đâu để tin tính “khách quan” và “trung thực” của các bạn nữa đây?