Please log in or register to do it.

NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN – ĐỈNH CAO CỦA TRUYỀN THÔNG

Hôm qua đi coi phim 12 CON GIÁP, và chỉ sau khoảng 5 phút đầu tiên thì mình đã “tóm” ngay được một bài học truyền thông cực kỳ đắt giá.

Ấy là khi một người tỷ phú đấu giá thành công bộ 4 con tem cổ duy nhất trên thế giới, ông này – trước một rừng ống kính của giới truyền thông – đã xé nát 3 con tem rồi cầm con tem thứ 4 lên nói: “Đây là con tem cuối cùng trên thế giới và nó là vô giá”.

Mình nói rằng đó là chi tiết đáng đồng tiền bát gạo và nhiều bạn nhảy vô nhận xét, nói chi tiết đó chẳng có gì mới. Rằng nó cũ rích rồi. Rằng việc độc quyền ai cũng biết blah blah… Mình thì không nghĩ vậy, và mình cũng chẳng thấy thích thú ở khía cạnh độc quyền nhiều lắm. Bởi vì dù có 1 con tem hay 4 con tem thì bộ tem đó vẫn cứ là độc quyền của ông tỷ phú, làm gì có bộ tem thứ 2 trên thế giới. Đúng không ạ?

Thực ra, ngay trong status thì mình đã nhấn mạnh rằng việc xé 3 con tem làm cho mình thích thú vì nó được xé trước MỘT RỪNG ỐNG KÍNH CỦA GIỚI TRUYỀN THÔNG.

Nếu ông tỉ phú này âm thầm xé tem thì giá trị của con tem còn lại vẫn tăng lên thành “vô giá”. Nhưng việc “xé tem” hoàn toàn không có giá trị PR nhiều lắm. Bởi vì, nếu xé tem trong yên lặng, ông tỉ phú chỉ có thể bằng cách nào đó tường thuật việc này lại với báo chí, và báo chí viết lại thành một bài báo dạng thông tin thuần túy. Đó là một cách kể chuyện cực kỳ tẻ nhạt.

Truyền thông/PR là nghệ thuật của sự kể chuyện. Đầu tiên, bạn phải có một câu chuyện đủ hấp dẫn, và được kể lại cũng với một cách hấp dẫn không kém. Đấy mới là đỉnh cao của nghệ thuật truyền thông.

Hành động xé tem là một câu chuyện hấp dẫn để nói về giá trị của bộ tem. Nếu báo chí mô tả lại có một ông tỷ phú mua bộ 4 con tem duy nhất trên thế giới trị giá 10 triệu đô, người đọc sẽ không quan tâm lắm. Vì thực ra việc đó… cũng chẳng có gì đáng để quan tâm. Cái gì mà chẳng có thứ duy nhất trên thế giới. Con số 10 triệu đô có thể lớn nhưng gắn với ông tỷ phú thì lại trở thành chuyện tào lao.

Nhưng khi 3 con tem bị xé, giới truyền thông sẽ bị… choáng! Họ sẽ tìm mọi cách để tường thuật lại sự kiện này. Và trong bài viết, họ sẽ dùng mọi cách – để thay ông tỷ phú – chứng minh với đọc giả rằng 3 con tem bị xé là vô cùng quý giá. Qua đó, nghiễm nhiên giá trị của con tem cuối cùng sẽ được nâng cao.

Hành động xé tem một cách bất ngờ, quyết liệt, dứt khoát với ánh mắt, giọng nói, phong thái… tất tần tật mọi thứ của ông tỷ phú cũng ngay lập tức được một rừng ống kính chụp lại và đăng tải trong nhiều bài báo.

Khi nhận làm truyền thông cho bất cứ một sản phẩm dịch vụ nào, mình cũng phải tự đặt ra một câu hỏi “chuyện đấy có gì để nói?”. Hay chính xác hơn thì sẽ là “câu chuyện liên quan đến sản phảm dịch vụ đấy có gì để nhà báo “nói” hay không?”. Nếu chúng ta không tạo ra được một câu chuyện đủ sức hấp dẫn kích thích nhà báo tự nguyện, tự phát “nói” về điều đó thì kết quả cuối cùng chúng ta thu nhận được sẽ là những bài viết cực kỳ tẻ nhạt, buồn chán, đơn điệu. Là những bài báo được viết lại từ việc nhận phong bì theo kiểu trả nợ lẫn nhau. Một bài như vậy, bản thân phóng viên viết xong còn thấy chán, thì ai thèm đọc? Rồi làm sao có tác dụng PR/truyền đạt thông tin???

Trong cơn bão của dịch cúm gia cầm và người dân lúc nào cũng ở trạng thái hoang mang cực độ, nói không với tất cả các loại thịt gà thịt vịt, thì việc đăng một bài báo nói rằng Đồng Nai hết dịch là việc làm vô nghĩa. Nhưng hình ảnh ông Bộ trưởng bộ NN&PTNT Cao Đức Phát dự một “bữa tiệc thịt gà” (http://bitly.com/RUHTJX) thì lại là một câu chuyện cực kỳ hấp dẫn và đầy thuyết phục. Cũng tương tự như hình ảnh ông nghị sĩ Nhật Bản – Yasuhiro Sonoda uống nước lấy từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima trước một rừng ống kính của giới truyền thông đã xuất hiện khắp các mặt báo trên thế giới (http://bitly.com/RUIqM1).

Họp đại biểu Hội Đồng Nhân Dân là một cuộc họp cực kỳ khó tường thuật cho hấp dẫn vì nó quá “formal”. Các bạn phóng viên báo chí sẽ gần như có một cái khung định sẵn có thể sử dụng cho mọi kỳ họp, chỉ cần thay nội dung cũ bằng các ý trích từ những bài chất vấn mới là xong. Hình ảnh thì 1000 năm vẫn vậy, trong một khán phòng từng đó con người ăn mặc lịch sự, ngồi nghiêm nghị trước những chiếc micro và đến lượt ai thì người đó đứng lên phát biểu.

Thế nên bài chất vấn của ông Hội đồng Khoa (http://bitly.com/RUJgIL) với hành động lôi từ dưới gầm bàn lên nào là cây héo, miếng tôn rỉ sét, cốc nước đen ngòm… sẽ là những KHOẢNH KHẮC CỰC KỲ QUÝ GIÁ và là những HÌNH ẢNH HẤP DẪN, SINH ĐỘNG KHÔNG THỂ BỎ QUA. Đỉnh điểm của “câu chuyện” là khi tạm ngưng bài chất vấn, ông Khoa mang những “tang chứng” này lên bàn đại biểu để “tặng lại” cho các bác lãnh đạo chóp bu.

Đó là một câu chuyện quá sức hấp dẫn và đầy cảm hứng để các nhà báo chỉ muốn chạy ngay về nhà để tường thuật lại trong hàng trăm bài xã luận. Những cái tít kiểu như “Đại biểu mang nước cống lên bàn hội nghị”, “Chủ tịch UBND thành phố được tặng cành cây héo”… là cứu cánh đầy thuyết phục cho những bài báo tẻ nhạt thường thấy sau những cuộc chất vấn kiểu này.

Truyền thông là kể chuyện. Và thông điệp truyền thông là thứ đọng lại trong đầu người nghe sau khi đọc xong câu chuyện đấy. Nếu chúng ta đủ kỹ năng để sáng tạo ra những câu chuyện hay, hấp dẫn, nhiều kịch tính và truyền cảm hứng thì câu chuyện sẽ được lan truyền đi tiếp. Đấy là lúc thông điệp bắt đầu chuyển qua trạng thái viral – là một cấp độ có thể coi như khó nhất của truyền thông.

Vấn đề là làm sao để sáng tạo ra những câu chuyện đủ hay ho và hấp dẫn? Hẹn gặp các bạn trong một bài viết khác.

(Nguồn: Nguyễn Ngọc Long’s Facebook – January 15, 2013 at 08:45AM)

Cuộc đời thực sự bất công :-))))
Nhân status nói về chi tiết xé tem của 12 CON GIÁP

Your email address will not be published. Required fields are marked *