Mấy ngày nay, người dân Hà Nội đi qua khu vực đường Nguyễn Du không khỏi ngỡ ngàng với một vườn hoa cải khoe sắc vàng rực rỡ trong không gian nhà hàng Ngon Garden ở 70 Nguyễn Du.
Từ trước đến nay, hoa cải xuất hiện nhiều trong thơ ca, nhạc họa. Nhưng dù khoác lên mình “bao mùa vàng rực nắng”, thì những mùa hoa cải vẫn mang một không khí buồn mang mác của “chờ đợi thẫn thờ” và “ngóng trông khắc khoải”.
Nhưng bao năm rồi vẫn vậy, hình ảnh đồng cải nở vàng trên bến sông luôn khiến lòng người thổn thức. Vì ẩn chứa trong đấy là những rung động rất đời với các cung bậc cảm xúc tình yêu đa dạng.
Đâu chỉ là tình cảm gái trai, tình yêu đôi lứa; triền đê vàng hoa cải còn gợi nhớ tình cảm gia đình, mang theo hình bóng của ông bà cha mẹ. Có đôi khi, hoa cải trĩu nặng tình yêu quê hương của những người con xa xứ. Hay hiện đại hơn, là tình yêu của con người với vẻ đẹp thuần khiết của cỏ cây, hoa lá thiên nhiên.
Chính cái nét đẹp dân dã, thôn quê và mang đậm hồn cốt Việt Nam như vậy đã khiến bà chủ Ngon Garden bị siêu lòng, rồi “cả gan” mang cả vườn cải về bày trong phố. Để rồi giữa cái lạnh đầu đông, hàng nghìn người dân thủ đô được đắm mình với hoa cải nở vàng khoe sắc trong không gian 3000m2 có kiến trúc Đông Dương đương đại lãng mạn bậc nhất Hà Thành.
Những ngày này, cảm giác chung của khách hàng đến với Ngon Garden là ngỡ ngàng và xúc động. Tuy ít người diễn tả được rành rọt cảm nhận của mình, nhưng họ cứ muốn đến gặp “cô Hạnh”, bà chủ của khu vườn, chỉ để cảm ơn rồi nắm tay thật chặt.
Chị Hạnh – Bà chủ khu vườn Ngon Garden
Có những người khi trời còn tang tảng đã ghé uống cà phê và ăn sáng. Họ ngồi lại tới trưa. Trưa về, chiều lại đến. Rồi ngồi đến tối, đến đêm, đến tận khi nhân viên ra chào, xin lỗi vì tới giờ đóng cửa.
Khách hàng nhiều khi không lý giải được họ thích ở đây vì một lẽ gì, hay có cái gì mê hoặc họ? Thế là đổ tại bị hoa cải hớp hồn. Chỉ cần nhìn thấy, thì ý chí không định bước vào, lúc tỉnh ra thấy chân đã ngồi trong quán. Mà đã ngồi, chẳng ai muốn đứng lên đi nữa.
“Đến Ngon Garden đâu chỉ vì đồ ăn ngon và sạch, mà vì cảm xúc cứ quấn quýt giữ mình ngồi lại đấy thôi”, một khách hàng đã thốt lên như vậy.
Cái gì nhẹ nhất, là cảm xúc hời hợt. Còn cái gì nặng nhất, là cảm xúc đong đầy. Trách ai nhen cho họ một dòng cảm xúc, nên cứ níu chân họ mãi. Chưa đến sẽ muốn vào, về rồi sẽ muốn quay ngay trở lại.
Giới trẻ sành điệu nhiều bạn ghé đến chỗ này, đơn giản vì họ thích đồ ăn ngon, sạch để thỏa mãn vị giác và khứu giác. Họ muốn cái gì mới lạ, họ cần thỏa mãn thêm cả thính giác, thị giác nên đua nhau checkin ở “Vườn cải đầu đông”. Đơn giản vì nó đẹp, vậy thôi. Nhưng có những người cứng tuổi hơn một chút, họ cần thêm cảm giác bồi hồi, đôi khi sởn cả da gà vì xúc động.
Chỗ này có cây thị của bà, của mẹ. Kia là ô cửa sổ gỗ màu xanh ngọc, thoang thoảng hương thơm tinh khiết dịu dàng nhưng đầy quyến rũ của Hoàng Lan. Góc này gợi chút bồi hồi với những bông cỏ lau thơm thoang thoảng triền đê, những bụi hoa xuyến chi văng vẳng tiếng gọi nhau í ới khi còn “cởi truồng tắm mưa” của 50 – 60 năm về trước.
Ai cũng thấy được kỷ niệm của mình trong đó. Ai cũng cảm được chân tình của người chủ quán, và cứ vậy mà họ đồng điệu với nhau. Họ sống trong cái thế giới chung của khu vườn nhưng thả hồn vào thế giới riêng của họ. Và rồi ai cũng nâng niu, gìn giữ, vì thấy rằng nếu không phải Ngon Garden, thì chẳng còn chỗ nào để họ thực sự có thể được sống tròn đầy, vẹn nguyên cảm xúc giữa một thủ đô hối hả nhịp sống công nghiệp như vậy nữa.
Vậy là, Ngon Garden đã không còn là “khu vườn của Hạnh”. Nơi này trở thành khu vườn của tất cả mọi người, của những ai đã trót nặng lòng với những gì tinh tế nhất và những gì Hà Nội nhất.
Nguồn: Facebook Nguyễn Ngọc Long